Thời trang công sở là trang phục được mặc khi đi làm, nơi văn phòng hay trong một môi trường làm việc nhất định nào đó, phù hợp với ngành nghề và đặc thù của từng công việc. Trang phục công sở ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống, xã hội hiện nay. Trong đời sống xã hội hiện đại, rất cần nhấn mạnh vấn đề này để chúng ta hiểu rõ được tầm quan trọng và giá trị thực chất của trang phục mặc nơi công sở. Trang phục công sở được sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho công việc, thể hiện tính lịch sự, tôn trọng người đối diện như trong phòng họp, khi tiếp khách hàng, gặp đối tác...; thể hiện gu thẩm mỹ nhất định, biểu tả được vẻ đẹp, phong cách của người mặc.
Trước kia, thời trang công sở luôn là mảnh đất bỏ ngỏ với nhiều nhà thiết kế Việt. Nhưng nay thì khác, trang phục công sở bắt đầu có sức hút mạnh mẽ đối với tất cả mọi người. Giới văn phòng ngày nay yêu cầu cao hơn về cái đẹp. Họ không chỉ đầu tư vào kinh tế, về chiến lược, nhiều cơ quan còn có những quy định nghiêm khắc về trang phục của nhân viên như: áo phải có cổ, đi dép quai hậu, không mặc quần jean. Một số công ty còn đầu tư cho trang phục bằng cách đi đặt may, hay nhờ tư vấn của các chuyên gia hoặc là mua sản phẩm may sẵn ở những hãng thời trang uy tín để làm đẹp cho bản thân.
1. Yêu cầu về trang phục công sở
Để hiểu một cách thấu đáo thế nào là thời trang công sở và yêu cầu của nó khi sử dụng thì chắc rằng trong tưởng tượng không ít người vẫn là những bộ quần áo đóng hộp khô cứng với hai màu đen và trắng nhàm chán. Chính từ suy nghĩ đó mà thời trang công sở vẫn chưa được đề cao dù rằng hiệu quả mang lại từ yếu tố nhìn cho những buổi gặp mặt đầu tiên vô cùng quan trọng.
Xã hội luôn vận động theo đúng quy luật tự nhiên của nó và trang phục công sở cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đời sống kinh tế xã hội đó. Trên thị trường thế giới, mẫu mã sản phẩm thời trang công sở rất đa dạng và phong phú. Còn ở Việt Nam lại chịu ảnh hưởng lớn từ hàng may mặc của Trung Quốc. Nhiều trang phục quá cầu kỳ, diêm dúa với chất liệu không đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ và chức năng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với việc ảnh hưởng phong cách thời trang trong phim ảnh, cho thấy sự lúng túng của nhiều nhân viên văn phòng khi tìm những bộ trang phục công sở, đa số các trang phục vẫn mang tính nhất thời. Vì vậy, yêu cầu chính của trang phục công sở cần phải thuận tiện trong quá trình sử dụng, màu sắc phải nhã nhặn và lịch sự.
Tỷ lệ của trang phục công sở phải phù hợp cơ thể và có được sự tương ứng như sau: váy không dài dưới mắt cá chân, hoặc không quá ngắn. Bởi quá ngắn sẽ gây phản cảm, làm tập trung sự chú ý của mọi người, còn quá dài sẽ làm cho việc đi lại và chuyển động khó khăn, gây bất tiện và không thoải mái cho người sử dụng; quần nên vừa vặn không quá chật, áo khoác ngoài nên có nút gài, áo sơ mi không được bó sát người. Sự kết hợp giữa phụ kiện (túi, mũ, giày…) với trang phục công sở không nên quá lòe loẹt, rực rỡ làm chói mắt người nhìn. Những trang sức gây lên tiếng động mạnh cũng không nên sử dụng (có thể làm cho đồng nghiệp phân tâm trong lúc làm việc).
Mục đích của trang phục công sở là xây dựng hình tượng đứng đắn, chuyên nghiệp, lịch sự. Đặc biệt là vừa sử dụng nơi công sở nhưng vẫn có thể mặc đẹp khi đi ra đường. Lẽ đó, trang phục công sở đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay.
Nhìn chung, yêu cầu của trang phục công sở phải có kết cấu đơn giản, màu sắc nền nã, nhưng vấn toát lên được sự duyên dáng, thanh lịch phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Cũng như thể hiện được sự chuyên nghiệp, tạo dấu ấn cá nhân cho người mặc.
2. Màu sắc trong trang phục công sở
Mặc trang phục công sở không có nghĩa là bỏ quên phong cách cá nhân của mình, cho nên phải tìm hiểu loại trang phục nào mang đến vẻ thanh lịch, phù hợp với công việc. Mặc trang phục công sở để tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp bất kể vị trí công việc cao - thấp như thế nào trên con đường sự nghiệp. Kiểu dáng, màu sắc, độ dài và sự vừa vặn của trang phục nói lên tính lịch sự chứ không chỉ trở nên hợp mốt.
Màu sắc đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên hình ảnh chuyên nghiệp. Bởi màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng trong sáng tác thời trang. Màu sắc tác động trực tiếp đến thị giác, thông qua màu sắc con người sẽ cảm nhận nó ở hiệu quả tâm lý cho cả người nhìn và người sử dụng. Đối với con người thì màu sắc có một ý nghĩa đặc biệt. Ấn tượng ban đầu từ trang phục mà chúng ta thấy được là thông qua màu sắc, nó mang dòng xung động tình cảm rất mạnh cho người cảm nhận. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật như: Goethe, Leona de Venci, Vacili Kandinsky đã nghiên cứu những vấn đề tâm lý học màu sắc.
Màu sắc trong trang phục công sở rất thiết yếu trong việc tạo nên một hình ảnh chuyên nghiệp, lịch sự và tự tin. Đôi khi màu sắc là ý tưởng chính để làm điểm nhấn cho trang phục hoặc sự cân bằng về sắc độ và hài hòa về gam màu.
Có một nguyên tắc cơ bản trong thiết kế thời trang công sở là bao giờ cũng nên kết hợp áo màu sáng với quần hay jupe tối màu hoặc ngược lại. Độ tương phản sáng tối này luôn tạo được ấn tượng rõ nét trong một bộ trang phục, quần ra quần, áo ra áo, tính chất và vẻ đẹp của từng loại trang phục được thể hiện rõ rệt. Đây là yếu tố quan trọng trong việc kết hợp quần áo trong trang phục công sở. Ngoài cách kết hợp cùng tông màu như: áo tím nhạt sẽ đi cùng jupe tím đậm, áo màu be kết hợp cùng quần màu nâu… thì trên một bộ trang phục luôn có một màu đóng vai trò chính còn màu kia có tác dụng bổ trợ, hai màu này có tính năng làm tăng nét rực rỡ sinh động và giúp trang phục nổi bật lên.
Chẳng hạn, khi muốn tôn lên vẻ đẹp của một chiếc áo màu xanh thì nên kết hợp với màu đen hoặc màu xám hay màu ghi. Tương tự như vậy với jupe màu đỏ sẽ rất đẹp và tôn lên khi kết hợp với một trong hai loại màu trung tính là đen và trắng, ngoài ra cũng có thể kết hợp với be sáng.
3. Chất liệu trong trang phục công sở
Như chúng ta biết, chất liệu đóng vai trò không nhỏ trong trang phục công sở. Chất liệu đôi khi là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng để các nhà thiết kế sáng tạo. Chất liệu có thể bằng phẳng, nhẵn nhụi, thô xốp, hay nhám hoặc lấp lánh. Ngày nay, với nền khoa học và công nghệ hiện đại, các nhà thiết kế đồng thời luôn khám phá tìm tòi, sử dụng chất liệu vải và xử lý chất liệu theo nguồn cảm hứng riêng, tạo nên sức sống và hơi thở mới trong cách sử dụng chất liệu. Trong trang phục công sở thì chất liệu vải là phương tiện tạo hình của hình khối. Chất liệu vải trong trang phục công sở cần thể hiện thông qua các nhóm chỉ tiêu sau:
Tính thẩm mỹ
Thẩm mỹ là đặc tính quan trọng ngày càng được đề cao khi đánh giá về chất lượng sản phẩm trong trang phục công sở. Thuật ngữ thẩm mỹ không chỉ dùng đối với văn hóa phẩm, mỹ phẩm mà nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu thẩm mỹ đối với sản phẩm, trong đó có sản phẩm dệt may và điển hình là chất liệu may mặc. Theo L.Sobierai, nhà thiết kế thời trang người Pháp, khi đánh giá chất lượng hàng may mặc thì chỉ tiêu thẩm mỹ là chỉ tiêu biểu thị giá trị sử dụng của hàng may mặc.
Hiệu quả thẩm mỹ chung của chất liệu trong trang phục công sở phụ thuộc vào độ đục, độ trong của vải, độ bóng, độ mờ, hình in, cấu trúc, màu sắc trên vải. Phù hợp với các yếu tố về độ bền của chất liệu như: độ bền màu, độ vón hạt trên bề mặt của vải, độ lão hóa, khả năng giữ dáng của sản phẩm trong quá trình sử dụng, độ chống nhàu, cảm giác của vải khi sờ tay, tính động của vải... Như vậy, yêu cầu về thẩm mỹ của chất liệu vải trong trang phục công sở phải được xem xét cả hai mặt: thẩm mỹ về nội dung và thẩm mỹ về hình thức. Yêu cầu về thẩm mỹ của chất liệu trở thành phương tiện để truyền tải toàn bộ giá trị của sản phẩm.
Độ bền
Trên thực tế chất lượng của vải trong trang phục công sở phải được lựa chọn theo chức năng và công dụng của trang phục. Tính công năng của trang phục thường được biểu thị bằng các thông số kỹ thuật đặc trưng hay giá trị sử dụng của vải như: tính cơ lý, thành phần hóa học, tính vệ sinh. Đây là nhóm tính chất quyết định giá trị sử dụng của chất liệu vải nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó trong những điều kiện xác định phù hợp với tên gọi như độ bền của vải. Độ bền của vải được thể hiện thông qua các chỉ tiêu sau đây:
Độ bền đứt: trong quá trình sử dụng, các chất liệu may mặc thường phải chịu nhiều tác dụng của lực kéo bởi cử động của con người, hay trong quá trình sử dụng như: giặt, vắt… Thậm chí trong trạng thái có vẻ như nghỉ ngơi, sản phẩm may mặc cũng bị kéo do tác động của trọng trường. Do đó vải để may mặc cần phải đảm bảo độ bền đứt, cũng như độ co giãn đứt trong quá trình sử dụng tương ứng với chức năng của nó. Độ bền đứt của vải chịu ảnh hưởng nhiều nhất là độ bền đứt của sợi sau đó là kiểu dệt và mật độ sợi. Tuy nhiên, độ bền của sợi lại phụ thuộc nhiều nhất bởi độ bền của xơ dệt dùng để tạo nó. Như vậy, một sợi có cấu trúc và chỉ số hoàn toàn giống nhau sẽ có độ bền đứt hoàn toàn khác nhau, nếu nó làm từ bông, tơ tằm, hay polyester.
Độ bền nhiệt: khi là (ủi) hoặc ép nóng, vải sẽ giảm độ bền kéo và mài mòn, thay đổi màu, do đó cần phải đảm bảo độ bền nhiệt.
Độ bền ánh sáng và thời tiết: do quá trình sử dụng như phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Ánh sáng sẽ tác động trực tiếp lên vật liệu, xuất hiện phản ứng quang - hóa phức tạp và cũng làm phá hủy vật liệu dệt. Phản ứng còn được thúc đẩy nhanh hơn do môi trường có độ ẩm và nhiệt độ cao, cả những bụi bặm trong không khí. Chính vì vậy mà các vật liệu dệt khi có tác dụng lâu của ánh sáng thì sẽ nhanh cũ, sản phẩm trở lên cứng và giảm độ bền. Do đó, chất liệu cần phải có độ bền ánh sáng.
Ngoài ra, chất liệu trong thiết kế thời trang công sở còn có một số tính chất như: độ hấp thụ nước, mao dẫn, chống thấm nước, tích điện, độ giữ nhiệt, thẩm thấu, thông khí, thông gió, thông hơi... (đối với sản phẩm may mặc chỉ quan tâm nhất đến tính nhiễm điện và tính cách điện). Và chất liệu may mặc còn được đánh giá theo cảm giác tiện nghi của hệ thần kinh, tiêu chí này được thể hiện bởi các tính chất sau của chất liệu vải như: độ gây kích ứng da (gây bỏng rát, đỏ da khi mặc), đặc trưng nhiệt (khi mặc cho cảm giác nóng, lạnh).
Tóm lại, chất liệu sử dụng trong trang phục công sở không có các tính chất trên sẽ không có vẻ đẹp thực sự. Sự thuận tiện và biết kết hợp màu sắc trong trang phục công sở không bao giờ làm hỏng vẻ đẹp bên ngoài của nó, mà còn giúp cho người sử dụng chúng cảm thấy hòa hợp với hoàn cảnh và môi trường công sở.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 - 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ QUỲNH MAI