LIÊN KẾT ĐÀO TẠO CHUYÊN MÔN CHO CÁC LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TRUYỀN THỐNG

Hầu hết các làng nghề truyền thống ở nước ta vẫn duy trì dạy nghề theo phương thức truyền kinh nghiệm giữa người đời trước với người đời sau. Bên cạnh những hiệu quả đã đạt được trong nhiều thế kỷ qua, cách truyền dạy này còn tồn tại không ít những hạn chế như: không bao quát được tri thức nghề, thiếu hệ thống cơ sở lý thuyết, phương thức thực hành thiếu khoa học… Trước thực trạng đó, phương pháp liên kết đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho các làng nghề được xem là phương pháp thích hợp, nhằm tạo ra những thế hệ thợ nghề vừa có tay nghề cao, vừa có thẩm mỹ phù hợp với thị hiếu của xã hội hiện nay.

Theo tác giả Nguyễn Minh Yến: “Tại vùng đồng bằng sông Hồng, phương thức truyền nghề trong phạm vi gia đình chiếm 32,81%, tự học chiếm 27,34%, tư nhân đào tạo 13,28%, địa phương (xã, huyện) đào tạo chiếm 10,16%, nhà nước đào tạo chiếm 0,78%” (1). Nơi học nghề đồng thời là nơi sản xuất. Người học nghề được người dạy nghề hướng dẫn từ những thao tác cơ bản: cách cầm cưa, cầm đục, lao bào, thế ngồi, thế đứng, cách chọn gỗ, phân loại gỗ để dùng vào từng bộ phận của sản phẩm, cách xử lý gỗ, kỹ thuật đục, chạm; hoặc cách đánh sơn, làm nhẵn mặt cốt, cách ủ, phủ sơn… Bài học nghề được hướng dẫn tuần tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Lý thuyết nghề đơn giản, được thày nghề truyền dạy ngay khi thực hành công việc. Tuy nhiên, cách học và dạy nghề này có nhiều hạn chế. Người học nghề chậm biết nghề, thiếu tư duy tổng thể và khả năng bao quát về nghề. Bản thân người dạy cũng không nắm được đầy đủ tri thức của nghề. Người học nghề thường là bản sao của người dạy nghề. Bởi vậy, trong các làng nghề thường có câu: “Thày nào, trò nấy”. Biết được sở trường, sở đoản của thày nên họ thường khuyên nhau: “Học thày không tày học bạn”. Những người thợ nghề có chí tiến thủ, có tay nghề cao là do có thày dạy giỏi, hoặc tham gia làm việc, học hỏi qua nhiều thày ở nhiều hiệp thợ. Có thể nói, đây là cách truyền dạy nghề đã lạc hậu và thiếu cơ sở khoa học. Nó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng làm nghề ở các địa phương thời gian qua. Theo báo cáo của Sở Công thương, Hà Nội có 75% thợ nghề là lao động phổ thông, 9,1% thợ nghề có trình độ tay nghề ở mức trung bình, 14% thợ nghề có tay nghề cao, 1,5% thợ nghề là nghệ nhân. Còn ở Huế, có 95% thợ nghề là lao động phổ thông, 5% thợ nghề có tay nghề cao trong số đó có một số là nghệ nhân.

Ở thời kỳ hợp tác xã, trong cơ chế bao cấp, một số hợp tác xã thủ công ở các làng nghề như: sơn Hạ Thái, gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, mây che đan Phú Vinh… đã tổ chức một số lớp đào tạo nghề. Các lớp học nghề này không tổ chức thường niên mà từng đợt theo nhu cầu thợ nghề của hợp tác xã, học viên tuyển tại các làng nghề và địa phương khác. Những thợ nghề giàu kinh nghiệm ở làng nghề và những làng nghề đồng nghiệp đứng ra truyền dạy. Ví dụ, làng gốm Vân Đình đã từng mời nghệ nhân gốm Bát Tràng đến bổ túc nghề cho học viên, những người làm nghề có thể học hỏi thêm. Ngoài đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, các lớp học này đã mời các nghệ nhân, giảng viên của các trường nghề, trường mỹ thuật về giảng dạy.

Ở nhiều làng nghề đã có con em thợ nghề theo học tại các trường như Trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội, Trung cấp Mỹ nghệ Hà Đông, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Từ cơ sở vốn nghề truyền thống, được tiếp nhận cách giảng dạy bài bản, khoa học của các trường nghề; tri thức, tư duy nghề nghiệp đã giúp nhiều người trở thành những thợ nghề, nghệ nhân có tiếng. Họ đã sáng tác được nhiều mẫu sản phẩm, có những mẫu sản phẩm đoạt giải trong các cuộc thi của ngành tiểu thủ công mỹ nghệ như: nghệ nhân Nguyễn Văn Trung làng mây tre đan Phú Vinh; Trần Độ, Vũ Đức Thắng, Lê Minh Châu làng gốm Bát Tràng.

Những nghệ nhân sinh ra từ các làng nghề được đào tạo qua các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đã đóng góp cho làng bằng những sáng tạo mới. Như Lê Quang Chiến với hệ thống tranh phố cổ, tranh chân dung trên chất liệu gốm; Nguyễn Văn Trung với bộ mẫu đèn, tranh mây tre, ông đã mở Trung tâm dạy nghề mây tre đan Phú Vinh, đào tạo được hơn 2000 lao động.

Xã hội đang chuyển đổi vào đời sống công nghiệp. Thị hiếu thẩm mỹ công nghiệp đã và đang hình thành cùng với sự giao lưu kinh tế và tiếp biến văn hóa của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới. Để các làng nghề thủ công phát triển, mở rộng sản xuất và có khả năng chiếm lĩnh thị trường, những người làm nghề đã đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm làm mới sản phẩm, tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu đời sống, tâm lý thị hiếu của thị trường. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, yếu tố căn cốt là phải đào tạo con người.

Trước những hạn chế trong cách truyền dạy và tổ chức dạy nghề, một số cách thức đào tạo mới đã được đề xuất. Đó là sự liên kết của các làng nghề với các trường: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Hình thức liên kết đào tạo này sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề và trường đại học, viện nghiên cứu. Địa phương có thế mạnh về không gian tổ chức lớp học: hội trường nhà văn hóa, nhà xưởng sản xuất của các gia đình, tổ hợp, công ty và phương tiện thực hành nghề thiết thực. Làng nghề sẵn có các thợ nghề, nghệ nhân giỏi. Họ sẽ truyền đạt những kinh nghiệm thiết thực, những kỹ thuật, kỹ xảo trong thao tác từng sản phẩm cụ thể.

Đối với nghề mộc, người thày sẽ hướng dẫn học viên từ cách xử lý gỗ truyền thống, cách phân loại gỗ vào từng phần việc cụ thể, đến kỹ thuật chạm sao cho đường nét nổi bật. Từng loại sản phẩm lại có những yêu cầu kỹ nghệ khác nhau. Với sản phẩm sập, cần được tạo dáng khỏe, chắc, đường nét rõ ràng; họa tiết hoa văn trang trí hình chim thú, cây hoa sống động. Với tủ chùa cần tạo nên hình dáng với đường nét mang tính tổng thể; sử dụng những đường tách thế nào để tạo các hoa văn trên mũi ngói tủ chùa và các chi tiết khác. Với lèo tủ, dùng hình thức chạm thủng thì dùng những dụng cụ chuyên biệt để tạo tác được đường nét cây cành thanh nhỏ, làm bật được gân lá; đối với hình con giống, chim muông, dơi thú diễn tả cách nào để chuột ra chuột, dơi giống dơi bộc lộ cái thần của các loài thú này.

 
 
 
Phòng Tin học truyền thông Đại học MTCN. Ảnh Xuân Nghị 
 
 

Các trường đại học có thế mạnh về đội ngũ giảng viên, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực: tính năng, sức bền của vật liệu, nguyên lý kết hợp các chất liệu… (Đại học Bách khoa); lý luận về văn hóa, thẩm mỹ, chuyên khoa về tạo dáng sản phẩm, sơn, gốm, thiết kế thời trang, đồ họa (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Cao đẳng nghề Hà Nội, Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai)… Học viên có thể tìm hiểu tư liệu, thực hành nghề tại các thư viện và xưởng thực hành tại trường.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là nơi có khả năng ứng dụng nhu cầu liên kết đào tạo cao. Tiền thân của cơ sở đào tạo này là Trường Quốc gia Mỹ nghệ (1949), sau đó phát triển dần lên thành Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội công nghiệp. Trường có nhiều giảng viên tu nghiệp ở nước ngoài, có quan hệ hợp tác, trao đổi với nhiều trường đại học nước ngoài có uy tín như: Đại học Halle (Cộng hòa Liên bang Đức), Trường Thời trang Paris (Pháp), Viện Thiết kế Mỹ thuật Công nghệ (Séc)… Từ năm 1949 đến những năm 60 TK XX, Trường đã mời nhiều thế hệ nghệ nhân từ các làng nghề, thuộc nhiều ngành nghề về giảng dạy và thực hành ứng dụng chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: nghệ nhân Đào Văn Can (gốm); nghệ nhân Đinh Văn Thành, nghệ nhân Nguyễn Đức Cường (sơn)… Chương trình giáo dục của Trường có 2 phần. Phần kiến thức cơ sở dạy các môn học liên quan đến cơ sở mỹ thuật: hình họa, màu sắc, cơ sở tạo hình mặt phẳng, cơ sở tạo hình khối… Phần kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên sâu, Trường có nhiều khoa, ngành gắn bó thiết thực với thủ công mỹ nghệ như: gốm, sơn mài, trang sức, điêu khắc, thiết kế kim loại… Trường cộng tác thường xuyên với nhiều ngành nghề, làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ gốm Bát Tràng, Quang Minh, Quảng Ninh… Đánh giá hiệu quả của sự cộng tác này, nhà nghiên cứu Nguyễn Mỹ Thanh cho rằng: “Gốm nghệ thuật xuất hiện ở Bát Tràng từ khi có sự kết hợp giữa làng gốm với Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, dựa trên chất liệu đất, men và qua lò nung, một số họa sĩ, giáo viên của trường đã tìm tòi đưa thành tác phẩm hội họa (tranh gốm kích thước nhỏ), hay tác phẩm điêu khắc (tượng gốm)” (2). Những sáng tạo của các nghệ sĩ đã thổi một luồng gió mới trong tạo hình trang trí sản phẩm, làm thay đổi ít nhiều thị hiếu thẩm mỹ của người thợ gốm ở làng nghề. Nhiều mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cán bộ, giảng viên của trường thiết kế đã được đưa vào ứng dụng thành công tại các làng nghề và là những sản phẩm được thị trường ưa thích.

Nếu như cách dạy nghề của các làng nghề vốn chỉ chú trọng thực hành, thiên về kinh nghiệm, thì các trường đại học, viện nghiên cứu có thế mạnh về đào tạo khoa học, bài bản và luôn cập nhật các vấn đề mang tính thời sự. Điều đó sẽ hoàn thiện nguồn tri thức và hướng phát triển tư duy cần có cho người học. Ví dụ như các trường đại học mỹ thuật sẽ trang bị cho học viên vốn tri thức cơ bản về văn hóa, thẩm mỹ, thị hiếu của công chúng, nghệ thuật tạo hình… Và cũng truyền dạy chuyên sâu về tư duy khoa học, nghệ thuật làm đẹp của các ngành nghề như: may mặc, trang sức, thiết kế gốm, thiết kế trang trí nội thất, ngoại thất, sơn.

Với nghề mây tre đan, để ứng dụng vào việc chế tác một mẫu vật, cũng như hàng loạt sản phẩm, học viên sẽ được hướng dẫn, cung cấp một cách có hệ thống các cơ sở khoa học.

Trước tiên là khoa học vật liệu: tre là sản phẩm của tự nhiên, trên thế giới có tới trên 1500, ở Việt Nam có 464 loài với các tên gọi khác nhau, có tính năng, đặc điểm khác nhau. Tre là loài cây thuộc họ lúa, thân gỗ, thớ dọc, cấu trúc đốt; có đặc tính: bền, chắc, dẻo, dai, dễ uốn… Vật liệu tre dễ mốc, mọt, mối…

Khoa học xử lý, bảo quản, tạo màu: ngoài cách xử lý truyền thống của các làng nghề, vật liệu tre ngày nay còn được xử lý bằng phương pháp khoa học công nghệ dung các loại hóa chất.

Nghệ thuật tạo hình: tre có khả năng dễ tạo hình, có thể để nguyên cây, bó khối, cắt đoạn, để thẳng, uốn cong, chẻ nghiêng, lột mỏng, vặn xoắn, cắt khúc, thắt nốt…

Nghệ thuật tạo màu: bên cạnh màu tự nhiên: xanh, ngà vàng… người làm nghề có thể tạo màu bằng nhiều cách: phơi, sấy, hấp, nhuộm…

Khoa học và nghệ thuật tạo sự hài hòa với không gian: trong tư duy và thao tác truyền thống, các làng nghề thường tập trung vào vẻ đẹp tự thân sản phẩm, ít hoặc không quan tâm đúng mức đến việc vật phẩm ấy được sử dụng trong không gian nào… Với tư duy khoa học thẩm mỹ có tính hàn lâm, các trường nghệ thuật sẽ truyền đạt hoàn thiện cho người học tư duy cái đẹp luôn cần hài hòa, gắn bó với một môi trường cụ thể. Nó cần kích cỡ, hình khối, kiểu dáng, màu sắc nào để phù hợp với không gian phòng khách công sở, phòng khách gia đình… Như vậy cái đẹp tự thân của vật phẩm sẽ được nhân lên. Thiếu sự cân đối hài hòa ấy vật phẩm sẽ trở nên lạc lõng, kém hoặc mất đi giá trị.

Khoa học và nghệ thuật hiện đại hóa sản phẩm: khi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các làng nghề luôn gắn chặt với tư duy thẩm mỹ cũ, lấy sự tinh khéo của đôi bàn tay để tạo lập nên cái đẹp từ sự chau chuốt kỳ công, tinh xảo, đơn chất, hạn chế tính công năng, loay hoay trong ứng dụng khoa học công nghệ và cách kết hợp các thành phần sản phẩm chế tác từ công nghệ với các thành phần chế tác bằng tay thì nhà trường, học viện nghiên cứu là nơi có thể tháo gỡ khó khăn này. Các nhà thiết kế mẫu sản phẩm đã từ lâu ứng dụng khoa học công nghệ của thời đại để tạo dáng sản phẩm kết hợp nó với các kỹ thuật, kỹ xảo truyền thống. Họ cũng đã ứng dụng thành công việc phong phú hóa chất liệu trên sản phẩm thủ công. Ví dụ như đưa thêm hình thức dùng kim loại kết hợp với chất liệu mây tre trong việc làm khuy, đan cài điểm xuyết. Nó cho ra những mẫu sản phẩm cứng cáp, đa năng có khả năng chịu lực, tăng thêm công năng, góp phần đưa thẩm mỹ công nghiệp vào sản phẩm truyền thống trên nguyên tắc không làm mất đi giá trị thẩm mỹ chủ đạo của chất liệu và các thao tác thủ công...

Nhìn chung, việc liên kết đào tạo giữa các làng nghề với nhà trường, học viện là cần thiết và khả thi. Nhà trường sẽ bù đắp những thiếu khuyết và hiện đại hóa tri thức nghề cho người học; yếu tố căn bản là làm chuyển đổi tư duy, kỹ thuật thao tác nghề cần có đối với họ, giúp học viên tư duy nghề, thực hành nghề theo hướng có khoa học, giúp họ vận hành các công nghệ mới một cách bài bản… Sự liên kết đào tạo giữa các làng nghề với các trường đại học sẽ đào tạo ra được những thế hệ thợ nghề có tri thức nghề, thẩm mỹ nghề. Đây chính là yếu tố căn cốt làm chuyển đổi giá trị sản phẩm của các làng nghề; đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhu cầu thẩm mỹ của cuộc sống đương đại, truyền thống và hiện đại.

__________

1. Nguyễn Minh Yến, Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, in trong Tổng tập làng nghề, Trương Minh Hằng, Nguyễn Quang Dũng biên soạn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012.

2. Nguyễn Mỹ Thanh, Nghệ thuật tạo hình và trang trí gốm Bát Tràng ngày nay, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, 2010.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : NGUYỄN XUÂN NGHỊ

;