Hà Giang - vùng đất cao nguyên đá hùng vĩ, không chỉ sở hữu những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn là kho tàng văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú. Với những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích khám phá và trải nghiệm văn hóa. Trong nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong cả nước và quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch gắn với các hoạt động phong tục tập quán xã hội, tín ngưỡng truyền thống, đặc biệt là các giá trị ẩm thực tinh hoa của địa phương thông qua các hoạt động ẩm thực truyền thống, nhằm tăng cường đầu tư xây dựng phát triển du lịch của tỉnh nhà. Bài viết phân tích các giá trị sản phẩm du lịch/ ẩm thực tại tỉnh Hà Giang nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ để du khách có cơ hội tìm hiểu về đất nước và con người nơi đây.
Ẩm thực truyền thống Hà Giang trong không gian văn hóa lễ hội - Ảnh: tác giả
1. Nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực tỉnh Hà Giang
Đến với tỉnh Hà Giang là đến với một kho tàng ẩm thực độc đáo. Mỗi món ăn ở đây đều mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, tạo nên một hương vị khó quên. Đầu năm 2024, Lễ hội Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực quốc tế lần thứ nhất được UBND, các đơn vị chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức với quy mô tầm cỡ quốc tế nhằm quảng bá các giá trị về văn hóa, sản phẩm du lịch với mục tiêu phát huy di sản và bản sắc văn hóa nghệ thuật các dân tộc để văn hóa địa phương thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, làm động lực phát triển cho địa phương, đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách.
Không gian văn hóa ẩm thực của Hà Giang rất đa dạng và phong phú, mang đến sự khởi nguồn từ quá trình sinh sống lao động của cộng đồng 19 dân tộc anh em Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Pu Péo, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Kinh, Hoa… với nhiều món ăn truyền thống mang sắc thái đặc trưng từng dân tộc với đa dạng nguyên liệu chế biến đặc sắc được thiên nhiên ban tặng riêng cho mỗi vùng núi phía Bắc. Ở lễ hội ẩm thực truyền thống, các nghệ nhân thể hiện các món dân dã cùng các tiết mục hát, múa… để ca ngợi, tôn vinh nét đẹp văn hóa bản làng trong đêm hội lung linh sắc màu. Các nghệ nhân/ ca sĩ/ nghệ sĩ thể hiện rõ hình tượng “không gian sinh thái Hà Giang”, mỗi vùng “không gian” đó mang nét đặc trưng văn hóa riêng với rất nhiều sản vật địa phương độc đáo, hấp dẫn, góp phần tạo nên hương sắc cho văn hóa ẩm thực Hà Giang. Các điểm trưng bày sản vật được sắp xếp trong khuôn viên lễ hội văn hóa ẩm thực tại trung tâm thành phố Hà Giang với sự đa dạng các món ẩm thực vùng núi, như: mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp, cá bống, phở ngô, cháo ấu tẩu…
Món mèn mén được làm từ hạt ngô của đồng bào Mông, độc lạ trong cách chế biến, vừa đơn giản nhưng cũng rất đặc trưng bằng nguyên liệu thân thuộc bao đời của các tộc người Việt, đó là bắp ngô bóc vỏ, tách hạt và xay thành bột, lọc sạch, đổ vào nia và hấp chín, đơn giản mà độc lạ, bắt mắt Du khách cùng thưởng thức và cảm nhận được hương vị đặc trưng, dẻo, thơm rất đậm đà. Món bánh cuốn phố cổ Đồng Văn được làm từ những hạt gạo săn chắc, được chọn kỹ và xay bằng tay cẩn thận để tạo ra phần bột trắng nõn. Mỗi vùng có một cách làm bột riêng, nhưng làm bánh ở Đồng Văn thì nhất định phải ngâm bột trong nước qua đêm để bánh được trắng và thơm. Du khách thưởng thức món bánh từ những lớp tráng mỏng, dậy mùi thơm phức của gạo và sợi bánh trắng mịn, mỏng, mềm. Các kỹ thuật từ pha trộn bột đến tráng, hấp và đợi bánh chín, gắp bánh ra… rất tỉ mỉ, để có được mẻ bánh cuốn thơm ngon, nóng hổi. Phần lớn bánh cuốn ăn với nước mắm tỏi ớt, mặn mặn theo vị truyền thống, ngày nay người dân Hà Giang đã biến tấu cách pha chế nước mắm với phần nước lèo và thêm miếng chả thơm, hành lá, mùi tàu thái nhỏ; phần nước dùng cũng được nấu từ xương ống lợn đen và hầm trong nhiều giờ để có được phần ngọt thơm tự nhiên.
Bên cạnh đó, có các món được làm từ nếp, một loại nếp nương, trắng ngà, thơm, như món xôi ngũ sắc, bánh chưng lưng gù, cốm nếp… Món xôi ngũ sắc, có 5 màu - tượng trưng cho ngũ hành không thể thiếu trong những dịp lễ tết, cưới hỏi với ý nghĩa để nhắc nhở cho con cháu đời sau luôn ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng trong bản xứ mình đã hy sinh và đóng góp công sức cho sự bình yên của bản làng của các tộc người Hà Giang. Nguyên liệu màu sắc được lấy từ trong tự nhiên: từ một loại lá cây cơm lông rừng đặc trưng làm màu đỏ, củ nghệ - màu vàng, màu tím - hoa đậu biếc, màu xanh - lá gừng… đun lọc lấy nước nhuộm cho xôi có đủ 5 màu và từ hạt gạo nếp nương được đồ bằng hơi, đã tạo cho món xôi ngũ sắc có tính dẻo thơm. Nếu để lâu, xôi vẫn giữ nguyên được tính dẻo thơm ngon, không bị cứng và khi ăn cũng có thể không cần đến những gia vị khác; Các món thịt, cá: món thịt lợn cắp nách, là món ăn đặc sản của người Dao, được chế biến từ thịt lợn rừng đen - một giống lợn nhỏ, thịt chắc được nướng cả tảng thơm nức - là đặc sản cổ truyền của người Dao ở Hà Giang; món cá nướng nẹp tre - được làm từ cá tươi, ướp gia vị và nướng trên lửa củi, được kẹp nẹp tre; món gỏi cá bống: có chút truyền thống pha cách làm mới - có vị chua chua, cay cay, rất kích thích vị giác; món thắng cố đặc trưng của người Mông, được nấu từ nhiều loại nội tạng của con ngựa…
Ngoài ra, Hà Giang có những sản phẩm được lấy từ thiên nhiên như: thảo quả - là sản vật quý mang giá trị đặc trưng núi rừng (thảo quả đỏ, thảo quả muối, thảo quả gió); mật ong rừng đen, mật ong bạc hà, mật ong nếp, gừng...; tam thất các loại quý, đương quy tươi, khô...; các loại trà quý (bạch trà, trà Shan tuyết cổ thụ, khuổi my...) được đóng gói tạo hình thẩm mỹ, có giá trị kinh tế cao... Các sản phẩm được chưng cất, hái lượm, chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên được trồng nhiều, nổi tiếng ở các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên… Các sản phẩm khô đóng gói cũng được trưng bày với đa dạng các thể loại đã chế biến rất công phu theo đúng kỹ thuật truyền thống, như: củ cải khô, măng rừng, nông sản rau, củ quả, hoa màu… Các loại nông sản này được trồng trên các thửa ruộng bậc thang, đất phì nhiêu ở những sườn núi, rừng nhiều tầng tự nhiên.
Với những giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc, Hà Giang xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn đối với những du khách yêu thích khám phá và trải nghiệm.
2. Tỉnh Hà Giang hướng tới mục tiêu xây dựng và định vị thương hiệu du lịch trong giai đoạn mới
Tỉnh Hà Giang xác định mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đồng thời, nhận thức được về tiềm năng to lớn từ văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai nhiều hoạt động hiệu quả để xây dựng thương hiệu du lịch dựa trên nền tảng này, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến thăm đất nước Việt Nam.
Những năm gần đây, lượng khách đến với tỉnh Hà Giang đã tăng nhanh, như trong năm 2023 đạt 3,2 triệu lượt khách và tính cả “6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,7 triệu lượt khách; Dự kiến cả năm 2024 sẽ đạt được 3,5 triệu lượt khách tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,8% kế hoạch năm; trong đó có gần 223.000 lượt khách quốc tế và trên 1,4 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.200 tỷ đồng” (1), cho thấy tỉnh Hà Giang là điểm đến du lịch ưa thích của du khách trong nước và nước ngoài. Đây cũng là động lực để tỉnh Hà Giang tiếp tục có thêm nhiều hoạt động du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc của vùng đất giàu tiềm năng, phát triển một cách toàn diện, đồng bộ với các tuyến du lịch ở các tỉnh trên cả nước.
Năm 2024 đã có nhiều hoạt động lễ hội thu hút du khách từ nhiều vùng miền cả nước, quốc tế tới tỉnh Hà Giang để được trải nghiệm tìm hiểu văn hóa các vùng miền và đắm chìm trong không gian văn hóa lễ hội các dân tộc với đa dạng các sản phẩm nông sản/ ẩm thực cùng chương trình trình diễn nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn ngay trong các đêm lễ hội với phong phú các chủ đề, trong đó, thể hiện nổi bật nhất với Lễ hội Hà Giang - Sắc màu văn hóa lan tỏa và hội tụ.
Trong lễ hội văn hóa ẩm thực ấn tượng, du khách thập phương trong và nước ngoài thưởng thức tinh hoa ẩm thực các món ngon đặc sản mà các nghệ nhân xuất sắc đến từ 22 tỉnh, thành phố ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Tiếp đó, nhiều hoạt động lễ hội du lịch được tổ chức với quy mô lớn, nhỏ có các chủ đề phong phú được liên tục tổ chức như lễ hội hoa tam giác mạch và các lễ hội làng được tổ chức với quy mô lớn nhỏ, tập trung vào ẩm thực địa phương. Du khách đến Hà Giang, sẽ có cơ hội tham gia vào các hoạt động chế biến món ăn truyền thống và thưởng thức ngay tại chỗ.
Những thành công ban đầu đã chứng minh tiềm năng to lớn của du lịch Hà Giang. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh nhà cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
3. Một số giải pháp giúp tỉnh Hà Giang đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch bền vững
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy các món ăn truyền thống
Một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thương hiệu du lịch bền vững tại Hà Giang là bảo tồn và phát huy các món ăn truyền thống. Xây dựng các tour du lịch ẩm thực bằng việc khai thác tiềm năng từ các món ăn truyền thống của địa phương để có được nhiều món ăn đặc sắc như thắng cố, mèn mén, cháo ấu tẩu, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc… từ đó phát triển và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Song song với đó, việc phát triển các tour du lịch ẩm thực, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm văn hóa cộng đồng sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
Thứ hai, đẩy mạnh marketing và quảng bá du lịch
Marketing và quảng bá đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang. Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Bên cạnh đó, việc tận dụng các kênh truyền thông số như mạng xã hội, influencer marketing sẽ giúp quảng bá được nhiều hơn hình ảnh Hà Giang đến với du khách quốc tế. Để tăng cường hiệu quả, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Tỉnh Hà Giang cần xây dựng nhiều trang web, fanpage chuyên biệt về du lịch Hà Giang; trong đó, có giới thiệu ẩm thực, tổ chức các cuộc thi, sự kiện online về du lịch để tương tác với cộng đồng mạng. Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả của các hoạt động quảng bá là cần thiết để điều chỉnh chiến lược một cách phù hợp.
Thứ ba, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch cao
Để phát triển du lịch bền vững, Hà Giang cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh cần tập trung đào tạo các ngành nghề trực tiếp phục vụ du lịch như hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch cũng được đặc biệt quan tâm. Qua các hoạt động đào tạo, người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về Hà Giang. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư vào đào tạo nhân viên, tạo ra một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Thứ tư, quản lý xây dựng, phát triển tiềm năng du lịch “Du lịch với di sản”
Với hơn 20 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận như: lễ hội truyền thống, tập tục tín ngưỡng của các tộc người ở Pà Thẻn (Bắc Quang); Nghệ thuật trình diễn dân gian như hát páo dung của người Dao; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Tập tục tín ngưỡng lễ cầu mùa, cầu mưa của người Dao huyện Bắc Mê; Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ cầu an của người Giáy, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc… Hà Giang sở hữu một kho tàng văn hóa vô cùng quý báu. Các lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập tục tín ngưỡng độc đáo của các dân tộc thiểu số không chỉ là bản sắc văn hóa mà còn là nguồn tài nguyên du lịch vô tận. Việc khai thác các di sản này thông qua các tour du lịch trải nghiệm, các lễ hội văn hóa, các làng nghề truyền thống sẽ không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch “Du lịch với di sản”, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Việc xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo tồn môi trường là những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch Hà Giang.
Thứ năm, hợp tác quốc tế
Với những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, văn hóa đa dạng và ẩm thực độc đáo, Hà Giang đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ đối với du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế. Thành công này không chỉ đến từ những nỗ lực của chính quyền địa phương mà còn nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức du lịch quốc tế. Hà Giang đã được Tạp chí New York Time bình chọn xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu trong năm 2023 và đặc biệt vinh dự được trao tặng giải thưởng là “điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” - giải thưởng du lịch thế giới khu vực châu Á và Thái Bình Dương Bình đã chọn trước đó (2). Đây là động lực giúp Hà Giang tập trung xây dựng thương hiệu du lịch trên bản đồ du lịch thế giới bằng các hình ảnh, logo, khẩu hiệu, thông điệp du lịch được thống nhất và ấn tượng nhất của miền Đông Bắc và phát triển du lịch số bằng các ứng dụng công nghệ thông tin trên di động, website.
Mảnh đất Hà Giang ngày càng có thêm nhiều khu du lịch, làng văn hóa được vinh danh và nhận giải thưởng quốc tế trong những năm gần đây như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp P’apiu với Giải thưởng khu nghỉ dưỡng lãng mạn “Dành cho cặp đôi” - tại đây, nhiều khu nhà nghỉ có kiến trúc độc đáo hàng đầu châu Á; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp làng Mông - Quảng Bạ với Giải thưởng khách sạn xanh. Hà Giang còn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại sản vật đặc trưng như mật ong bạc hà, cam sành, hơn 1000 loại dược liệu quý và hơn cả là chè shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, cùng tiềm năng nông/ lâm sản quý ở các huyện, xã Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên, Xí Mần, Quang Bình, Quảng Bạ…
Để phát huy tối đa tiềm năng du lịch, Hà Giang cần tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, như du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, du lịch khám phá văn hóa dân tộc. Đồng thời, tỉnh cũng cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch bền vững.
Kết luận
Với những lễ hội văn hóa ẩm thực quy mô lớn, tỉnh Hà Giang không chỉ giới thiệu những món ăn đặc sản độc đáo mà còn quảng bá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, sự đa dạng của văn hóa các dân tộc. Các sự kiện này đã thu hút đông đủ du khách trong và ngoài nước, góp phần đưa Hà Giang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Qua đó, tỉnh Hà Giang không chỉ từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
_____________________
1. Hoàng Tính, 6 tháng đầu năm 2024, Hà Giang đón trên 1,7 triệu lượt khách du lịch, hagiangtv.vn, 1-7-2024.
2. Tài liệu ghi chép, phỏng vấn tham dự Lễ hội Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực quốc tế lần thứ nhất của tỉnh Hà Giang, tại thành phố Hà Giang, từ ngày 28 đến 31-3-2024.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Hải Vân (dịch), Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thông tin, ich.unesco.org.
2. Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025.
3. Chương 1, Điều 4, Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, Số: 28/2001/QH10, thuvienphapluat.vn.
TS MAI HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024