Di sản văn hóa là một bộ phận cấu thành nên bản sắc văn hóa Việt Nam, là truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới giáo dục của Đảng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo yêu cầu đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung và các môn giáo dục nghệ thuật như: Âm nhạc và Mỹ thuật nói riêng cần có cách tiếp cận mới mẻ, phù hợp, với tư duy mỹ học, nghệ thuật và văn hóa trong bối cảnh đương đại.
Giáo dục truyền thống văn hóa địa phương, đưa di sản văn hóa vào trường học các cấp - Ảnh: binhthuan.gov.vn
1. Đặt vấn đề
Văn hóa là một khái niệm đa chiều, nhưng có thể hiểu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần đã được hệ thống hóa, tích lũy lại qua thời gian và có thể truyền lại cho các thế hệ sau. Giữa giáo dục và văn hóa có mối quan hệ hữu cơ, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” và “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa” (1). Giáo dục là con đường để tạo dựng, bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục đã phải mang bản sắc văn hóa. Giáo dục văn hóa nói chung và nghệ thuật dân tộc nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế yêu cầu giáo dục toàn diện nhân cách của học sinh để trở thành những công dân toàn cầu, thích ứng với xã hội hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai thực hiện trong các trường phổ thông kể từ năm học 2020-2021 (2). Quan điểm xây dựng Chương trình là theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Yêu cầu của Chương trình nhằm hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực cốt lõi. Trong năng lực cốt lõi có các năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và các năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất). Trong chương trình dạy học và giáo dục xuyên suốt từ chương trình lớp 1 đến lớp 12 đều có môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Hơn nữa, nội dung giáo dục địa phương là nội dung giáo dục bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội môi trường, hướng nghiệp… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Giáo dục văn hóa và nghệ thuật truyền thống dân tộc là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo dục phổ thông ngoài những định hướng chung trong cả nước còn mang tính đặc trưng vùng miền. Vì vậy, giáo dục thẩm mỹ thông qua di sản văn hóa là một phần không thể thiếu trong nhà trường phổ thông.
2. Nhận thức về giáo dục thẩm mỹ hiện nay
Giáo dục thẩm mỹ tức là truyền dạy cái đẹp trong đời sống tinh thần của con người, nhằm tôn vinh bản sắc truyền thống của mỗi dân tộc, cộng đồng người, đây cũng là con đường tiếp cận bản sắc dân tộc rõ nhất. Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật của mỗi cộng đồng dân tộc không thể không dựa vào đặc điểm về sinh thái, lịch sử, xã hội, kinh tế, tập quán, lý tưởng thẩm mỹ của mỗi cộng đồng. Từ đấy mới hiểu được cơ cấu tư duy, đặc điểm tri giác, nhận thức và tương tác giữa chúng với thế giới để hình thành kiểu tư duy, cảm thụ thẩm mỹ của mỗi cộng đồng dân tộc. Có thể thấy kiểu tiếp cận này của trường phái Nga mà đại biểu xuất sắc là V.L. Kôzơlốp hay nhóm nghiên cứu của các nhà nhân học Mỹ như M. Bacon, R. Bolton (3)…
Có thể nói giáo dục thẩm mỹ không chỉ gói gọn trong phạm vi học đường mà còn gắn kết với đặc điểm riêng của địa phương, nơi sống của người học. Do đó, khi xây dựng chương trình, phương pháp đào tạo cần tính đến điều kiện xã hội, lịch sử, văn hóa cụ thể của mỗi vùng, miền có trong nếp sống, nếp cảm, tính cách và tập quán của cộng đồng.
Ở Việt Nam, giáo dục thẩm mỹ được hiểu là một quá trình tác động có mục đích đến nhận thức của mỗi cá nhân nhằm tạo sự hiểu biết, năng lực cảm xúc và yêu thích cái đẹp, có khả năng đưa cái đẹp vào cuộc sống và phát triển những kỹ năng liên quan đến nghệ thuật, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển hài hòa giữa con người, tự nhiên và xã hội. Nhiều giáo trình, sách chuyên khảo về giáo dục thẩm mỹ đã công bố, đưa vào giảng dạy và nghiên cứu trong nhà trường phổ thông và đại học, song có thể khẳng định rằng đại đa phần các công bố ấy đứng từ góc nhìn mỹ học hoặc góc nhìn quản lý giáo dục, ít quan tâm đến yếu tố nghệ thuật như là chất liệu và phương tiện cho giáo dục thẩm mỹ.
Giáo dục nghệ thuật (arts education) và giáo dục thẩm mỹ là hai phạm trù độc lập nhưng có mối quan hệ biện chứng. Giáo dục nghệ thuật là “các hoạt động giáo dục về nghệ thuật và giáo dục), giáo dục thẩm mỹ (aesthetic education) là hoạt động giáo dục nâng cao trình độ văn hóa thẩm mỹ về cả mặt ý thức và hoạt động nhằm nâng cao khả năng cảm xúc, tình cảm, lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ, góp phần hình thành nhân cách hài hòa của con người biết tự giác và có óc sáng tạo. Giáo dục nghệ thuật chứa nhiều chức năng (mục tiêu), trong đó cao nhất chính là mục tiêu của giáo dục thẩm mỹ (4).
Xét ở cặp phạm trù nội dung và phương tiện/ hình thức thì mục tiêu của giáo dục thẩm mỹ nằm ở nội dung, trong khi giáo dục nghệ thuật cung cấp “phương tiện” và “chất liệu” để tiến hành giáo dục thẩm mỹ. Tri thức thẩm mỹ có tính khoa học, phù hợp với nhu cầu phát triển và chuẩn mực thẩm mỹ xã hội đương thời các thời kỳ. Giáo dục nghệ thuật là phương thức giáo dục thẩm mỹ quan trọng và cho rằng giáo dục thẩm mỹ cần hướng tới: năng lực, cảm xúc thẩm mỹ và tri giác thẩm mỹ; năng lực phán đoán - đánh giá thẩm mỹ và nhu cầu thẩm mỹ; lý tưởng thẩm mỹ và hình tượng thẩm mỹ (5).
Giáo dục nghệ thuật vừa có liên quan trực tiếp vừa mang tính cụ thể hóa giáo dục thẩm mỹ, cả hai đều là các bộ phận của giáo dục văn hóa trong nhà trường. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi coi giáo dục nghệ thuật là một trong số các “phương tiện” hữu hiệu để giáo dục thẩm mỹ. Đương nhiên, giáo dục nghệ thuật ngoài vai trò này ra tự thân nó hàm chứa hệ thống giá trị, nội dung của riêng mình. Giáo dục thẩm mỹ với tư cách là “phương tiện” cụ thể hóa của giáo dục thẩm mỹ được bao gồm 3 giá trị cơ bản: giá trị giáo dục nhận thức và thực hành nghệ thuật, giá trị giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật, giá trị giáo dục văn hóa nghệ thuật (6). Như vậy, mục tiêu cao nhất của giáo dục nghệ thuật về cơ bản khá tương đồng với giáo dục thẩm mỹ.
3. Tài nguyên di sản nghệ thuật Việt Nam đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo
Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, kiến thức về văn hóa dân tộc là một phần nội dung cơ bản ở một số môn học cấp phổ thông, thậm chí được xây dựng thành một số ngành học chuyên sâu ở các trường chuyên nghiệp. Di sản nghệ thuật là một loại hình của di sản văn hóa, trong phạm vi khu biệt này bao gồm nghệ thuật tạo hình, ngữ văn, nghệ thuật biểu diễn được tồn tại dưới hai dạng vô thể/ phi vật thể (tác phẩm văn học, nghệ thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian) và hữu thể/ vật thể (công trình kiến trúc, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia). Tài nguyên di sản nghệ thuật Việt Nam được hiểu là tất cả các di sản nghệ thuật ngữ văn, di sản nghệ thuật tạo hình, di sản nghệ thuật biểu diễn (đã được vinh danh hay chưa được vinh danh) do người Việt Nam sáng tạo. Tài nguyên di sản nghệ thuật không chỉ là các hình thức nghệ thuật mang giá trị văn hóa, lịch sử được lưu truyền qua các thế hệ người Việt Nam mà còn bao hàm những chất liệu nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, thậm chí là chi tiết nghệ thuật cấu thành nên các hình thức di sản đó. Hiện nay, trong giáo dục phổ thông, di sản nghệ thuật ngữ văn được chọn lọc và đưa vào một phần nội dung chương trình một số môn học bắt buộc như tiếng Việt ở cấp 1, môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các tác phẩm như Bình Ngô đại cáo, Hịch Tướng sĩ… có giá trị to lớn về giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Các môn lựa chọn thì có môn Âm nhạc và Mỹ thuật là xuyên suốt ở 3 cấp học phổ thông. Trong 2 môn này, những tri thức về âm nhạc cổ truyền (dân ca, dân vũ, nhạc cụ, âm nhạc dân gian), mỹ thuật dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, điêu khắc đình làng). Hàng nghìn di sản vật thể loại hình mỹ thuật còn tồn tại như hệ thống tượng ở các đình chùa, các quần thể di sản văn hóa kiến trúc như tượng A di đà chùa Phật Tích, tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), tượng vũ nữ Trà Kiệu ở Mỹ Sơn thấm đượm tinh thần thẩm mỹ văn hóa mỹ thuật Chăm, bức chạm Mẹ gánh con chạy loạn ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì (Hà Nội)… Mỹ thuật Việt Nam không những là niềm tự hào của người Việt mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa thế giới. Khi nói về giá trị nghệ thuật tranh sơn mài và đồ sơn ta khi ra thế giới, tác giả Trịnh Quang Vũ ghi nhận: “Đồ sơn mài, tranh sơn mài ra khỏi Việt Nam trở thành những thông điệp của đất nước ngàn năm văn hiến, tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè thế giới” (7). Những di sản văn hóa độc đáo này đã được các giáo viên biên soạn, chọn lọc, giới thiệu và truyền thụ cho học sinh. Đây chính là nội dung giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc trong nhà trường. Mục tiêu giáo dục của chương trình môn học cũng chính là mục tiêu đổi mới giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, học sinh không chỉ được tiếp nhận tri thức khoa học thời đại mà còn hiểu về truyền thống văn hóa ông cha ngàn đời.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mỹ trong các cấp học phổ thông hiện nay
Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới đều rất chú trọng đến vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Ở nước ta, chính sách giáo dục nghệ thuật trong nhà trường được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 29 NQ/TW (2013) của Trung ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục 2019… Giáo dục nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường phổ thông Việt Nam bắt đầu áp dụng hơn một thập kỷ qua. Thực tế cho thấy, bước đầu thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt này còn nhiều bỡ ngỡ, bất cập, ở cả hai khía cạnh lý luận - phương pháp và kinh nghiệm thực tiễn. Để nâng cao nhận thức về vấn đề giáo dục thẩm mỹ thông qua di sản văn hóa trong các nhà trường cấp học phổ thông hiện nay, đặc biệt là việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới có liên quan đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, song song với đổi mới nhận thức, cần thúc đẩy một số giải pháp sau:
Nâng cao nhận thức về giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc
Các nhà trường có trách nhiệm quán triệt, phổ biến tuyên truyền về vai trò của giáo dục văn hóa và văn học nghệ thuật dân tộc trong nhà trường ở địa phương trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Tầm quan trọng của việc giảng dạy các kiến thức về lịch sử văn hóa dân tộc, di sản văn hóa Việt Nam cho học sinh, lồng ghép vào các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, lịch sử địa phương, giáo dục công dân, giúp cho học sinh nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cũng như nghệ thuật dân tộc ở địa phương.
Thực hiện hiệu quả giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc thông qua dạy học và các hoạt động giáo dục
Thông qua dạy học các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục, giáo viên không những truyền thụ cho học sinh những kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học mà còn cung cấp cho học sinh những giá trị về văn hóa truyền thống, nghệ thuật dân tộc. Nội dung các môn học Mỹ thuật và Âm nhạc cần phải gắn liền với thực tiễn ở địa phương, đồng thời, tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương có hiệu quả ở các cấp học. Thông qua nội dung giáo dục địa phương học sinh sẽ được giới thiệu cho học sinh những hiểu biết về địa phương, nơi học sinh đang sinh sống. Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương đất nước; lòng tự hào và có ý thức tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo về giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó, chú trọng đến nội dung về giáo dục nghệ thuật thông qua di sản văn hóa cho học sinh ở tất cả các cấp học. Về nội dung bồi dưỡng chú ý đến việc nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về việc tích hợp, lồng ghép giáo dục di sản văn hóa vào các bộ môn và các hoạt động giáo dục; cung cấp các kỹ năng về dạy học thông qua di sản, bảo tàng và các trải nghiệm thực tế.
Giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc gắn liền với xây dựng văn hóa nhà trường
Mỗi nhà trường phải xác định được hệ giá trị văn hóa cốt lõi, đặc trưng để xây dựng và phát triển trở thành hệ giá trị xuyên suốt, truyền thống của nhà trường. Đồng thời, phát huy truyền thống văn hóa tích cực ở địa phương tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn, thân thiện trong nhà trường. Đưa văn học dân gian, dân ca, dân vũ, điêu khắc gỗ, các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc vào chương trình giáo dục địa phương; xây dựng các câu lạc bộ văn hóa truyền thống, di sản văn hóa, nghệ thuật dân tộc gắn liền với văn hóa địa phương. Nhà trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và dạy học thông qua di sản cho học sinh ở cấp trung học; phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, giao lưu văn hóa, văn nghệ ở địa phương, chia sẻ hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về giáo dục văn hóa, nghệ thuật dân tộc và xây dựng văn hóa nhà trường
Tận dụng sự ủng hộ của các nghệ sĩ, nghệ nhân trong biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, trong dạy học môn Âm nhạc, Mỹ thuật và dạy học thông qua di sản. Ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành VHTTDL của địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan phối hợp để đưa di sản văn hóa vào trường học một cách hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được tham quan, học tập tại bảo tàng, di tích lịch sử, cung cấp các nguồn tư liệu để giáo viên cơ hội được tiếp cận và sử dụng trong dạy học có hiệu quả. Huy động các nguồn kinh phí để mua sắm nhạc cụ truyền thống và tài liệu học tập cũng như xây dựng thư viện, phòng truyền thống nhà trường.
5. Kết luận
Giáo dục thẩm mỹ thông qua di sản văn hóa trong các nhà trường phổ thông đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn liền với xây dựng văn hóa nhà trường. Giáo dục thẩm mỹ thông qua di sản văn hóa được đưa vào chương trình dạy học/ giáo dục qua việc lồng ghép, tích hợp trong các môn học và các hoạt động giáo dục. Thông qua dạy học các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật… các thày, cô giáo đã lồng ghép, tích hợp các nội dung phù hợp để nâng cao hiểu biết của học sinh về văn hóa các dân tộc ở địa phương. Các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật được triển khai dạy học ở cả ba cấp học. Nội dung giáo dục địa phương được biên soạn từ những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, môi trường của địa phương. Để nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ thông qua di sản văn hóa trong nhà trường phổ thông, ngành giáo dục cần có những giải pháp hữu hiệu từ việc nâng cao nhận thức, tổ chức tốt hoạt động dạy học/ giáo dục, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, xây dựng văn hóa nhà trường đến việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa về văn hóa truyền thống dân tộc một cách hiệu quả
__________________
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TQ ngày 9-6-2014, Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018.
3. A.A. Belik, Những lý thuyết nhân học văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2000, tr.255-261.
4, 6. Huỳnh Quốc Thắng, Hệ thống giá trị với các giải pháp giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông và đại học, Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học, Viện Phát triển Giáo dục Việt Nam, 17-10-2023.
5. Vũ Minh Tâm, Về tính thực tiễn của giáo dục thẩm mỹ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, VII(2), 1996, tr.24-26.
7. Trịnh Quang Vũ, Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2002, tr.301.
Tài liệu tham khảo
1. Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Số: 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013.
2. Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, Di sản nghệ thuật Việt Nam bảo tồn và phát huy, Nxb Đà Nẵng, 2024.
3. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2005.
Ths NGUYỄN HOÀNG LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024