Dấu ấn lịch sử lâu đời và độc đáo của văn hóa Chăm Pa tại Quảng Bình

Quảng Bình là nơi nền văn minh Chăm Pa sinh sôi và phát triển với bề dày gần 10 thế kỷ (từ thế kỷ II đến thế kỷ X). Hơn 1.000 năm đã qua nhưng những loại hình di tích, di vật lâu đời và độc đáo vẫn còn tồn tại như lũy, thành, mộ, tượng, văn bia, giếng nước... góp phần tích cực trong việc nhận diện loại hình văn hóa Chăm Pa tại Quảng Bình cũng như minh định được những đóng góp của thành tố văn hóa này trong tổng thể văn hóa dân tộc Việt Nam.

Người Chăm sử dụng triệt để điều kiện tự nhiên sẵn có như sông, gò, đồi, núi... cùng địa hình, vị trí địa lý, sông ngòi để xây thành, lũy và làm cho nó trở thành những pháo đài phòng thủ vững chắc. Suốt dọc bờ biển Quảng Bình, nơi có các cửa sông hay ngã ba sông nhiều lũy, thành được người Chăm xây dựng tương đối quy mô. Lũy Hoành Sơn hay còn gọi là lũy Lâm Ấp, lũy Hoàn Vương được xếp bằng đá kéo dài theo dãy Hoành Sơn từ Tây sang Đông là một công trình như thế.

Gian trưng bày hiện vật dấu tích văn hóa Chăm pa ở Quảng Bình của Bảo tàng tổng hợp tỉnh

Sách Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ - quyển 1 viết năm Nhâm Thìn (922), Lê Hoàn sai Phụ Quốc là Ngô Tử An đem 3 vạn người làm đường vượt Đèo Ngang sang miền địa lý của nước Chăm Pa. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng gọi lũy Lâm Ấp là lũy Hoàn Vương, cao 3 - 4m, chân lũy rộng 15 - 20m, bề mặt lũy rộng 5m. Lũy kéo dài từ núi Thành Thang chạy qua các làng Tô Xá, Vân Tập, Phù Lưu, uốn quanh theo khe suối, vượt qua đồi núi trập trùng. Lũy Lâm Ấp có ý nghĩa phân chia lãnh thổ của hai quốc gia Đại Việt, Chăm Pa.

Phía nam sông Gianh, cách hệ thống sông lớn nhất Quảng Bình (dài 160 km) khoảng 1 km có thành Kẻ Hạ hay thành Lồi, thành Khu Túc. Đây chính là đại bản doanh nơi miền biên viễn phía Bắc của quân binh Chăm  Pa, là chiến địa mà người Chăm đã đứng vững và vươn lên giành chủ quyền trong suốt thời kỳ dài.

Thành Kẻ Hạ hiện nay vẫn còn dấu tích đắp bằng đất với 3 cửa Nam, Bắc và Đông. Chiều rộng thành theo hướng Bắc - Nam là 179m. Chiều dài thành theo hướng Đông - Tây là 249m. Mặt trên thành rộng 5m, chân thành rộng 10m8, độ cao của thành trung bình hiện còn là 1,7m, bao quanh thành có hào rộng xấp xỉ 30m. Nay hào đã và đang bị lấp dần. Chân thành được kè đá tổ ong và gạch Chăm. Gạch có kích thước 18 x 10 x 40 cm, có loại màu vàng và màu ghi. 

Thành nhà Ngo (thuộc hai làng Uẩn Áo và Quy Hậu), huyện Lệ Thủy, dài theo hướng Đông - Tây, rộng theo hướng Bắc - Nam. Bờ thành còn lại khoảng 20m, còn một cửa phía Đông Bắc là tương đối rõ, rộng 15m. Thành còn cao khoảng 1m55. Riêng đoạn Đông Nam cao chừng 2,4m. Chân thành kè đá tổ ong, đá hộc và gạch Chăm. Bao quanh ba phía (Tây, Đông, Bắc) có hào rộng khoảng 29m. Riêng phía Nam có sông Kiến Giang, là hào sâu bảo vệ thành lũy tránh khỏi những nguy cơ.

Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhận ra được ý nghĩa chiến lược của lũy, thành Chăm Pa, chúa Nguyễn đã  cải tạo, sử dụng lại thành Kẻ Hạ, còn chúa Trịnh (bắc sông Gianh) đã cho tu bổ, sử dụng lại hệ lũy Lâm Ấp phục vụ ý đồ quân sự của mình trong giai đoạn dài (1600 – 1777).

Những khu mộ Chăm Pa ở Quảng Bình được phát hiện rất nhiều. Người dân thôn Vân Tập, xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch) bao đời nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện ngôi mộ của vua Chăm, ban đêm nếu ở xa thì thấy một con lợn vàng phát sáng nhưng hễ tới gần thì không thấy nữa. Hay trong sách Đại Nam nhất thống chí chép ở Vân Tập có ngôi mộ xây đá vuông, chu vi khoảng 1 thước 5 tấc, trên mặt chạm nổi hình vuông. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ học cho rằng ngôi mộ được xây dựng công phu và quy mô này là của một người Chăm có địa vị cao.

Rải rác khắp các địa phương trong tỉnh còn phát hiện các khu mộ vò, là lối hỏa táng quen thuộc của người Chăm: ở thôn Phú Xá, xã Quang Phú (TP. Đồng Hới), ở Phong Nha (huyện Bố Trạch), ở Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), ở Quảng Thọ, Quảng Sơn, Quảng Thủy (thị xã Ba Đồn)... Những mộ vò này thường mai táng 3 đến 5 vò, chụm miệng vào nhau, vò có kích thước cao 40 - 50cm, đường kính miệng 10 - 12cm, vò có màu vàng hay sẫm, có nắp đậy, trong vò có mùn đen. 

Tượng Chăm được phát hiện và sưu tầm ở Quảng Bình cũng là một dấu ấn văn hóa độc đáo. Năm 1918, người Pháp xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và đã đưa tượng Chăm phát hiện ở thôn Đại Hữu, xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) vào đây trưng bày. Ở Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn 6 bức tượng đồng (thuộc thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XI) được phát hiện ở Quảng Bình, trong đó có bức tượng đồng Avalokitesvara cũng phát hiện tại thôn Đại Hữu, xã An Ninh (Quảng Ninh) được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia dựa trên tiêu chí độc bản, có giá trị đặc biệt (tháng 12 năm 2013).

Các bức tượng điêu khắc thuộc nền văn hóa Chăm - pa (có niên đại từ thế kỷ X-XI) hiện đang trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh

Ở Quảng Bình còn có một hệ thống giếng Chăm dọc theo biển từ cửa Roòn, cửa Gianh đến cửa Nhật Lệ. Đó là các giếng có dạng hình vuông hoặc tròn được kè đá hay xếp gạch, bên dưới có lát gỗ, nước rất ngọt, trong vắt và không hề cạn nằm rải rác hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là ở làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) với 4 giếng Chăm cổ.  

Có một chi tiết độc đáo trong cấu trúc của những giếng Chăm cổ đó là giếng đa số có ba phần liền nhau trong đó phần lưng bệ thờ là phần trước hết, tiếp đến là phần bệ thờ (giữa) và giếng nước ở phần sau cuối, trung tâm nhất. Điều này hoàn toàn ứng với hình tượng Linga trong điêu khắc của người Chăm - pa cũng như nhân sinh quan triết học Ấn Độ. Điêu khắc Chăm Pa biểu thị hình tượng Linga thường có ba phần, phần dưới cùng là khối vuông, phần giữa là khối bát giác còn phần trên cùng là khối trụ tròn. Đó là ý niệm về sự tôn sùng mọi lúc mọi nơi đối với ba vị thần của Ấn Độ giáo (Brama, Visnu, Siva). Sau nữa là lời giải thích về thế giới quan bằng ba giai đoạn tất yếu của mọi sự vật, hiện tượng ở trong trời đất bao gồm: sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt.

Từ khi vương quốc Chăm Pa thành lập cho đến ngày bị tàn phá, cư dân Chăm Pa đã có đời sống vật chất và tinh thần phát triển, tiêu biểu nhất là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Những dấu ấn lịch sử lâu đời và độc đáo của văn hóa Chăm Pa tại Quảng Bình chính là những giá trị quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. 

Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

;