Thăng Long - Hà Nội xưa, nay đã cách nhau hàng ngàn năm lịch sử nhưng vẫn còn đây những lối cũ rêu phong. Màu thời gian ngưng đọng khiến ta nhớ đến bài thơ “Thăng Long hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan.
Thăng Long chính thức là kinh đô của Đại Việt từ năm 1010, khi Thái Tổ Lý Công Uẩn - vị vua đầu triều nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới thể hiện nhiều khát vọng.
Trước đó, từ thế kỷ thứ IX, vùng đất này có tên là Tống Bình, rồi Đại La, đã là thủ phủ, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội từ thời đặt dưới sự đô hộ của nhà Đường. Suốt 13 thế kỷ, qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao khói lửa chiến tranh, thành Thăng Long xưa dường như bị xóa nhòa dấu vết. Những gì còn lại của thành quách, cung điện… là hiện vật kiến trúc ít ỏi chồng lấp qua nhiều thời kỳ từ thời Đại La cho tới các triều đại Lý - Trần - Lê.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và định đô ở Huế, Thăng Long được gọi là Bắc Thành. Năm 1831, vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội, Thăng Long được gọi là Hà Nội. Như vậy, sau gần 8 thế kỷ được chọn là kinh đô, trái tim của cả nước, Thăng Long để lại bao nỗi tiếc nuối cho lòng người. Bà Huyện Thanh Quan hẳn cũng không tránh khỏi cái hoài niệm về một thời quá vãng khắc sâu trong tâm hồn bà cũng như đối với mỗi người trên đất Thăng Long. Bà đã viết bài thơ “Thăng Long hoài cổ”:
“Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”.
Bà Huyện Thanh Quan sử dụng từ láy “thấm thoắt” để diễn tả sự vận động thay đổi nhanh chóng thời gian: “Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”, như góp phần tô đậm thêm nỗi đau của nữ sĩ trước thời cuộc thay đổi, sự hưng phế của triều đại, của bao kiếp người, bao số phận. Hiện thực giống như một màn kịch trên sân khấu (cuộc hí trường) hạ màn, nhanh như mới hôm qua, hôm kia. Trong mỗi chữ, mỗi câu đều chứa chan sự thương yêu, nỗi buồn đau, nuối tiếc của bà đối với cố đô Thăng Long.
Ngoài ra, bài thơ sử dụng từ Hán Việt một cách chủ động, linh hoạt. Những cặp đối rất chỉnh, hài hòa, cân đối về âm điệu, hình ảnh câu từ “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương”, “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Các cặp từ Hán Việt ứng đối, tự giải thích cho nhau về nghĩa, diễn đạt ý thơ một cách hàm súc, cô đọng, trang trọng, thanh nhã, cổ kính, có sức khái quát cao.
Trong không khí Kỷ niệm 1010 Thăng Long - Hà Nội, dạo bước dưới trời thu Hà Nội se se lạnh, chúng ta nhớ về “Thăng Long hoài cổ”, thêm tự hào về một Hà Nội vững mạnh, phát triển, một Hà Nội như là bức tranh của những mảng màu, với một vẻ đẹp thật độc đáo: “Sương giăng đỉnh núi mờ xa Phủ Tây Hồ/ bâng khuâng huyền thoại/Xa xanh hạc trắng bay về… Hồn ta tĩnh lặng bên chùa nắng/ Gió Tây Hồ thổi mãi mái rêu phong” (Chiều Phủ Tây Hồ - Thái Thăng Long).
Tác giả: Nguyễn Văn Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020