Xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 7 dân tộc, trong đó người Sán Chí chiếm đa số. Đồng bào còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống, trong đó có tục cưới hỏi và hát dân ca.
Hát đối đáp trong đám cưới dân tộc Sán Chí
Cũng như nhiều dân tộc khác, đám cưới của người Sán Chí trải qua nhiều nghi lễ, được đồng bào tuân thủ khá quy củ theo tập tục truyền thống địa phương và có nhiều nét độc đáo. Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ nhiệm CLB hát dân ca Sán Chí xã Kiên Lao cho biết: Hiện nay, đám cưới người Sán Chí không còn những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, bớt tốn kém, lãng phí và tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Trai gái có thể tự tìm hiểu, hoặc do mai mối rồi xin phép gia đình, chính quyền quyết định tổ chức lễ cưới. Việc cưới xin phải tiến hành đủ các bước: Lễ dạm hỏi, ăn hỏi, cưới chính thức và lễ lại mặt... Đặc biệt, người Sán Chí ở Kiên Lao có tục hát dân ca đối đáp (còn được gọi là hát “Cnắng cọô”) với nhiều hình thức như: hát ban ngày, hát ban đêm, hát đổi tên, hát rửa mặt, hát đám cưới... Theo tập quán, vào những dịp đầu xuân, thanh niên Sán Chí thường đến các bản làng trong vùng để du xuân, giao lưu hát dân ca khi đã ưng ý nhau thì từng đôi, từng cặp ca hát đối đáp để tự tìm hiểu nhau. Qua những cuộc hát ấy, nhiều đôi nam nữ đã quen nhau, yêu nhau rồi kết hôn.
Lễ cưới của đồng bào Sán Chí thường được tổ chức từ tiết Sương Giáng (tức là khoảng tháng 9 cho đến tháng 2 dương lịch hằng năm). Đây lúc công việc đồng áng có phần nhàn hạ, tiết trời lại mát mẻ. Trong lễ cưới, không thể thiếu một số tục lệ, như: têm trầu, đón dâu, nhận dâu, hát giao duyên đối đáp, đổ rượu, chia của hồi môn… Trong đó, hát đám cưới (còn gọi là tửu ca) xưa khá phổ biến nhưng nay ít nơi còn duy trì. Ở thể loại này, có khoảng 100 bài hát với lời ca vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng. Khi có đám cưới, các bạn của cô dâu chú rể đến hát mừng cho ngày vui của bạn. Ngày cưới của một gia đình người Sán Chỉ cũng là ngày vui chung của cả thôn bản. Tối đến, trai gái quây quần hát đối đáp mừng cô dâu, chú rể. Tiếng hát lúc rộn ràng khi thủ thỉ như lời dặn dò họ hãy yêu thương, sống vẹn nghĩa trọn tình. Tiếng hát kéo dài cả đêm thể hiện sự chân tình của tất cả mọi người dành cho đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống mới. Vì hát đối trong đám cưới là nghi lễ hết sức quan trọng nên khi đi ăn hỏi, đón dâu, cả hai họ (nhà trai và nhà gái) phải cử ông mối và các thành viên là những người giỏi hát, biết đối đáp linh hoạt.
Theo ông Sập, truyền thống trước đây của người Sán Chí là trong lễ ăn hỏi (đặt gánh), nhà trai sẽ mang tới nhà gái 40 lít rượu, 4 chàng trai khiêng con lợn 50 kg, 1 thúng gạo tẻ, 1 thúng gạo nếp và trầu cau... Đi cùng ông mối được lựa chọn khá kỹ, là một người chủ gia đình, còn đủ đôi, con cái đông đúc, được mọi người tôn trọng, kính nể, thạo ăn nói, biết nhiều về phong tục, tập quán dân tộc. Đặc biệt, đội hình nhà trai đi ăn hỏi phải chọn những người biết hát đối đáp. Khi họ nhà trai tới cổng, nhà gái sẽ mang một sàng rượu ra chặn ở cửa chưa cho vào. Muốn vào trong nhà để đặt vấn đề cưới hỏi cho đôi trẻ, đoàn nhà trai phải hát đối với nhà gái. Nếu nhà trai không đối đáp được thì sẽ phải chịu phạt bằng cách phải uống những chén rượu và chịu đội sàng lên đầu để nhà gái đổ rượu vào, hoặc bị bôi nhọ nồi lên mặt… Theo truyền thống xa xưa, thời gian từ lúc làm lễ ăn hỏi đến khi cưới của người Sán Chí từ 2 đến 3 năm (nay tục này không còn).
Ông mối bày lễ xin phép nhà gái.
Trong lễ cưới, nhà trai cử một đoàn người trong đó có ông mối, phù rể cộng thêm các lễ vật như lợn, gạo, rượu cùng chú rể sang nhà gái đón dâu... Tương tự như lễ ăn hỏi, trước khi vào nhà gái, họ nhà trai mà hát thua nhà gái thì sẽ phải chịu phạt, bằng cách bị đổ rượu lên đầu, hoặc bị bôi nhọ nồi, đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo. Khi đến nhà gái, nhà trai phải hát để chào hỏi nhà gái, nhà gái sẽ hát những câu chất vấn về trời đất, về phong tục để chúc mừng cho gia đình cô dâu. Sau khi hát đối đáp xong, nhà gái mở cửa chào đón nhà trai vào nhà. Lúc vào nhà, ông mối giao lễ và nhà gái cử người ra nhận lễ, chàng rể vào nhà làm lễ gia tiên. Ông mối thưa chuyện với nhà gái để đón cô dâu, hẹn giờ ra cửa. Cô dâu về nhà chồng với trang phục váy, áo chàm mới, khăn vuông, lưng thắt dây bao da, tay cầm ô. Chú rể mặc một chiếc áo the, quần trắng, đội khăn xếp, khăn chàm dài, tay cầm ô.
Đón dâu đến cổng nhà trai, toàn đoàn đưa đón dâu của hai họ tập trung khoảng 50- 60 người trước cổng để thực hiện nghi lễ tìm dâu. Cô dâu được mặc quần áo truyền thống, đội khăn vuông như nhiều phụ nữ khác và phải mất nhiều thời gian chú rể mới tìm thấy cô dâu của mình. Họ nhà trai sẽ cử người ra mời trầu để tìm cô dâu. Khi nhà trai ra tìm dâu, các cô đi phù dâu của họ nhà gái phải tìm cách che giấu cô dâu. Cô dâu và các phù dâu đều phải giấu mặt. Nhà trai phải đi tìm hỏi và lật khăn từng người để tìm. Trong đám đông đi theo cô dâu, người nào không nhận trầu thì không phải là cô dâu. Người nào nhận trầu thì người đó chính là cô dâu. Sau khi cô dâu nhận trầu rồi mọi người mới nhận trầu. Lúc này, ông mối phải lấy mũ, hoặc ô che đầu cho cô dâu rồi đưa vào trong nhà làm lễ.
Theo phong tục truyền thống nhà trai phải uống rượu, hát đối thắng nhà gái.
Thực hiện xong nghi lễ, cô dâu được chú rể đưa vào trong nhà làm lễ gia tiên. Cô dâu tay cầm đĩa trầu đi mời và nhận lễ mừng chúc phúc của mọi người. Cuối cùng, nhà trai mời nhà gái uống rượu và cùng hát đối đáp, hát đôi nam với đôi nữ mừng hạnh phúc của đôi uyên ương nên duyên mới. Theo ông Lâm Minh Sập, đó không chỉ là những câu hát đối đáp đầy ý nhị của quan viên hai họ mà còn cả là những phong tục độc đáo như tục sàng rượu lên đầu khi họ nhà trai (hoặc họ nhà gái) không hát đối đáp được giống như những giọt mưa, giọt tinh hoa của đất trời chúc phúc cho cô dâu chú rể. Để bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo này, năm 2015, ngành Văn hóa tỉnh Bắc Giang đã cùng với đồng bào Sán Chí ở Kiên Lao tổ chức sưu tầm, phục dựng và trình diễn trọn vẹn nghi lễ cưới tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Bảo tàng Bắc Giang cũng đã cho xuất bản cuốn sách “Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn” dày gần một nghìn trang. Các bài dân ca được phiên âm, dịch nghĩa để bà con có thể đọc hiểu.
Hát trong đám cưới của dân tộc Sán Chí tại Kiên Lao vẫn được duy trì. Tuy nhiên, điều băn khoăn đối với ông Sập hiện nay là số người có thể hát dân ca dân tộc hiện nay chủ yếu là những người trên 40 tuổi, lớp trẻ ít người biết hát dân ca. Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, ông cùng các thành viên có trách nhiệm trong CLB đã kết hợp với nhà trường mở các lớp truyền dạy tiếng nói, hát dân ca cho hàng chục học sinh người Sán Chí trên địa bàn.
Tác giả: Đông Khánh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020