Trong lịch sử Việt Nam, triều đại Tây Sơn tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn, nếu tính từ khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa chống chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1771, đến thời điểm kết thúc vào năm 1801, nhà Tây Sơn chỉ hiện hữu 30 năm. Nhưng chính sử ghi nhận triều đại này chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1788, khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, đến năm 1801, Cảnh Thịnh chạy ra đất Bắc, nghĩa là chỉ 14 năm. Tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng triều đại này đã để lại một sự nghiệp sáng ngời trong lịch sử dân tộc.
Đã hơn 200 năm trôi qua kể từ triều đại Tây Sơn, di sản văn hóa của thời kỳ này ở nước ta nói chung cũng như tại xã Cẩm Nhượng nói riêng còn lại không nhiều, thêm tác động của thời gian, thiên tai, chiến tranh nên có di sản đã bị phá hủy (như bia đá), song vẫn có một số di sản được gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày hôm nay. Chuông và khánh ở chùa Yên Lạc không chỉ là chứng tích lịch sử, ghi lại dấu ấn văn hóa của một thời đại mà còn là những bảo vật quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân làng biển Cẩm Nhượng, nơi đầu sóng ngọn gió.
Xã Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thời kỳ Tây Sơn thuộc tổng Lạc Xuyên, huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa, trấn Nghĩa An (Nghệ An). Những thập niên cuối của thế kỷ XVIII, vùng Nghệ An nói chung, huyện Hà Hoa nói riêng không phải nơi diễn ra các trận đánh có ý nghĩa quyết định dẫn đến thắng lợi của phong trào Tây Sơn nhưng trong ba lần tiến quân ra đất Bắc Hà, đặc biệt là lần hành quân thần tốc đánh đuổi quân Thanh xâm lược (năm 1788), Nguyễn Huệ đã dừng lại nơi này để mộ thêm quân, tổ chức và huấn luyện binh lính. Nghệ An là địa bàn có ý nghĩa chiến lược, vừa là nơi mang yếu tố tâm linh, gắn với nguồn cội của anh em nhà Tây Sơn, nơi cung cấp nhân tài, vật lực góp phần to lớn trong công cuộc đánh đổ chế độ chúa Trịnh vua Lê; đánh tan đội quân xâm lược nhà Thanh.
Sau chiến thắng Kỷ Dậu - mùa xuân năm 1789, vua Quang Trung đã ban hành nhiều chính sách khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố, chấn hưng và phát triển đất nước. Tại làng Nhượng Bạn, người dân xây dựng nên công trình bia đá và đúc chuông đồng, khánh đồng ở chùa Yên Lạc.
Bia đá: Theo các tài liệu lịch sử địa phương, công trình bia đá được xây dựng dưới thời vua Quang Trung, đặt ở đầu làng. Bia có tên: “Quốc ân trùng điệp chi bi”, nghĩa là:“Bia ghi công ơn chồng chất vì nước”. Nội dung: “Làng ở giữa vùng núi Cầm đảo Yến, phong tục chuộng lễ nghĩa, [những tên tuổi] mấy trăm năm trở lại được khắc bia, truyền miệng, đều là những danh nhân, thiện sĩ, đáng để làmgương cho đời vậy…”. Tấm bia còn khắc ghi công lao của nhiều thế hệ người Nhượng Bạn đã ngã xuống cho non sông, đất nước, trong đó có triều đại Tây Sơn. Hai bên bia có câu đối: “Thiết thạch nhất tâm can; Phong vân thiên tải hội”, nghĩa là: “Sắt đá một lòng; Vận hội ngàn năm”.
Năm 1802, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn thiết lập nên triều Nguyễn, vua Gia Long - Nguyễn Ánh đã thực thi chính sách trừng trị và trả thù hết sức tàn khốc đối với những ai có mối quan hệ với nhà Tây Sơn. Chưa hết, triều đình còn ra lệnh thu hồi, tiêu hủy toàn bộ di vật liên quan đến triều Tây Sơn, ai phạm phải điều cấm đều bị xét xử hết sức nghiêm khắc. Nhân dân Nhượng Bạn buộc phải phá bỏ nhà bia, chôn cất tấm bia đá để tránh bị liên lụy. Lâu về sau, tấm bia được đào lên nhưng bà con không dám dựng công khai mà chỉ để dưới gốc một cây đa chỗ um tùm, tối tăm. Hằng năm, bà con bí mật làm lễ tế bia một lần nhưng không tổ chức vào ban ngày mà chỉ làm vào ban đêm. Đến khoảng mùa hè năm 1924, khi chính sách của nhà Nguyễn bớt hà khắc hơn, tấm bia đá lại được nhân dân đưa ra dựng ở một nơi công khai đàng hoàng. Trải qua hai cuộc chiến tranh với sự tàn phá của bom đạn và sự lãng quên vô thức của một thời, tấm bia “Quốc ân trùng điệp chi bi” của xã Nhượng Bạn bị thất lạc hoàn toàn, đến nay không còn dấu vết.
May mắn hơn số phận của bia đá là chiếc chuông đồng và chiếc khánh đồng còn được lưu giữ ở chùa Yên Lạc. Trong suốt chiều dài lịch sử, Nhượng Bạn thường xuyên đối mặt với những cuộc đột nhập, cướp bóc của quân Chiêm Thành và giặc Tàu Ô từ cửa biển; nhiều trận càn và phá hoại của thực dân Pháp; sự truy bức của nhà Nguyễn và nạn trộm cắp. Người dân không ít lần phải chôn tượng đồng, chuông khánh, đồ tế khí quý của các đền, chùa trong làng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1946) hiện vật trên được dân làng chôn giấu dưới lòng đất, sau năm 1954 mới đào lên.Để chuông đồng và khánh đồng vẹn toàn như ngày nay, ngoài sự cất giữ, bảo quản của dân làng, còn phải xét đến đời sống nội sinh của những đồ tế khí này. Thứ nhất, toàn bộ văn tự trên chuông và khánh được khắc bằng chữ Hán, thứ chữ chỉ người có kiến thức Nho học mới hiểu được, trong khi đại đa số dân làng còn hạn chế về trình độ văn hóa nên không thể tiếp xúc, tìm hiểu, kể cả phát giác và báo với quan trên. Thứ hai, về yếu tố tâm linh, đối mặt với thiên tai, địch họa, các công trình thờ tự công cộng ở xã Cẩm Nhượng hầu hết bị tàn phá, chỉ còn ngôi chùa Yên Lạc gần như nguyên vẹn. Mái chùa chính là nơi nương tựa, chở che bình an cho con người và vạn vật thoát khỏi can qua.
Hiện trạng, toàn bộ nội dung trên chuông và khánh không bị đục xóa, tẩy sửa niên hiệu hoặc lời văn như nhiều hiện vật ở một số chùa chiền khác cùng thời. Tuy nhiên, do kỹ thuật khắc chữ hơi nông nên nhiều chỗ bị mờ không thể đọc, tra cứu hết được.
Chuông đồng: Quả chuông được đúc tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1796 - Bính Thìn), mang đặc điểm chung của loại chuông được đúc đại trà dưới thời Tây Sơn còn ở nhiều chùa chiền các địa phương từ Huế trở ra Bắc. Chuông to vừa phải, trọng lượng 100kg, thân cao 95cm, đường kính miệng rộng 55cm, gồm 3 phần gồm: quai, thân và miệng. Quai chuông không giống với các loại chuông khác được đúc dưới thời Lê hoặc Nguyễn sau này. Trên lưng có hình hai con rồng đấu lưng vào nhau, đuôi rồng cuộn tròn lại để làm chỗ treo, lưng rồng có vảy. Thân chuông chia thành 4 múi theo chiều dọc, mỗi múi có hai ô theo chiều ngang. Ô to phía trên dài khoảng phần ba múi chuông, khắc bài minh và thông tin liên quan. Các ô nhỏ ở dưới được để trống, không trang trí đề tài long, ly, quy, phượng như một số chuông khác. Phần trên của 4 múi chuông có 4 chữ đắp nổi “An - Lạc - Tự - Chung” (chuông chùa Yên Lạc). Núm chuông nằm ở ranh giới giữa các ô trên và ô dưới. Núm vừa phải có đường viền hoa mờ - vừa có chức năng để gõ vừa tượng trưng cho bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Vành miệng chuông loe và để trơn, không trang trí.
Chuông đồng ở Yên Lạc
Người soạn lời văn trên chuông là nhà sư Ba Tú, trụ trì chùa Yên Lạc, với văn phong ngắn gọn, súc tích, giàu tính triết lý của đạo Phật và đạo Nho. Lời minh ngợi ca danh lam thắng cảnh quê hương, ngợi ca đạo vua với âm hưởng phấn chấn, tự hào lan tỏa trong từng câu chữ:
“Nước nhà có thanh luật quốc âm thì Phật pháp có pháp khí. Đức Thích Ca tế độ chúng sinh, khuyến khích điều nhân, quảng thi công đức; hoằng dương lời hát, bảo trợ pháp môn. Vua Vũ nhà Hạ treo chuông trống trước điện tiền, khiến tứ phương chầu bái. Huống hồ là hai đạo Nho - Thích đều cùng một lý lẽ của trời đất. Nay trước quan viên trong xã truyền việc đúc chuông để biểu thị thời nguyệt, sau là khiến cho lòng người… dựng lầu chuông khiến cho thanh âm truyền khắp mười phương. Nay nghĩ tới việc tốt lành này… là để ơn thừa thánh đức, phụng sự thần linh. Đúc thành 1 quả chuông lớn… Ngôi chùa cổ kính của xã vốn trước kia thuộc châu An Bang… nay đã trở thành đất lành.
Lời minh trên chuông:
An Nam đất Việt
Người và vật cùng thịnh an
Phủ cũ tên Hà Hoa
Cảnh sắc huy hoàng
Có chùa An Lạc vĩnh viễn trấn trị
Lưu truyền một pho đại hồng chung.
Cảnh ấy thật là thắng địa thay.
Là nơi nổi tiếng thờ Phật
Đạo mạch nối tiếp trời đất
Núi Cùm kia là nơi phát nguồn
Dòng nước như rồng cuốn quanh
Núi Canh…
Ngàn ngọn núi chầu về hướng Nam
Như hương án che chắn khu vườn
Cảnh nước Nhược non Bồng
Bảo tướng trang nghiêm thay
Tiếng chuông một khi phát ra
Vang vẳng khắp 3.000 thế giới
Người người vùng vui vẻ thay
Cùng chung an lạc
Thọ như trời bể
Niềm vui như thể nguồn khơi
Sự nhiệm màu ấy cao vút trời
Ôi công đức ấy
Thật khó kể thay
Trời sinh địa danh này
Không gì khiếm khuyết
Khu vườn xuân vĩnh trường
Đạo vua dài bất tận
Ngàn vạn năm không thay đổi.
Trên chuông còn khắc tên, số tiền của những gia đình và cá nhân ở các thôn trong “bản xã” (tức Nhượng Bạn) là Vạn Nại, Đại Giáp, Giáp Thượng đã phát tâm công đức đúc chuông.
Khánh đồng: Là một dạng bộ gõ ở đền chùa, âm thanh trải tỏa (không tròn tiếng như chuông). Khánh được đúc vào tháng 12 năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1799, Kỷ Mùi). Không phổ biến như chuông, chiếc khánh ở chùa Yên Lạc là số ít trong những chiếc khánh cổ, di sản vật thể hiếm hoi còn lưu giữ lại được của nước ta, đặc biệt từ thời Tây Sơn.
Khánh đồng
Khánh có trọng lượng 80kg, hình bán nguyệt rộng 1,60m, cao 1,16m. Khánh được đúc và tạo hình rất công phu với các nét cong, lượn tinh vi, mềm mại như con dơi đang bay; viền quanh là hệ thống dây leo tay mướp nổi, phía trong là đường hoa văn lối triện hồi văn. Kỹ thuật chạm khắc trên khánh có sự kết hợp giữa khắc chìm và khắc nổi, nghĩa là hình khắc nổi có đường kẻ chìm, khác với kỹ thuật chạm khắc chìm của thời trước đó.
Phần đầu khánh cao khoảng 1/3 so với thân, phía trên có lỗ tròn để treo, xung quanh trang trí cánh hoa sen; phần trán khắc nổi ba chữ “Yên - Lạc - Tự” (chùa Yên Lạc), phía dưới là hình mặt hổ phù. Vai có ba đường cong, lượn mềm mại liên tục uốn cao ở góc thành hình mũi rìu. Phía trên vai có hình tàu lá phủ xuống với các rìa, đầu góc lá cách điệu như làn lửa mềm mại. Ở giữa hai mặt khánh có ô chữ khắc lời văn, phía dưới hai bên có hai con rồng cuộn mây chầu vào mặt nguyệt ở giữa (là núm gõ). Hai con rồng thân hình mềm mại, uốn lượn, có đầu lân dũng mãnh, các chi tiết phụ như mào, sừng, chân, đuôi bay được cách điệu bằng những đám mây trông rất khỏe khoắn. Khánh đồng ở chùa Yên Lạc được người xưa đúc và gia công mỹ thuật, kỹ thuật rất công phu, là cổ vật có giá trị về mỹ thuật và âm nhạc.
Nội dung trên khánh đề cao triết lý của đạo Phật, đạo Nho. Ngoài ra, còn khắc tên quan viên hương chức xã Nhượng Bạn và tên những cá nhân, hộ gia đình“đồng chí hướng xuất tiền tài và đồng tạo nên”. Một số nội dung cơ bản trên khánh như sau:
“Kinh Phật có nhắc tới ngũ uẩn hoằng khai chánh pháp, siêu độ chúng sinh. Kẻ tiện nhân thì làm điều bố thí… Cho nên cái lời dạy về đạo Tu - Tề - Trị - Bình của Khổng Phu tử vậy. Người tiền nhân có lời nhắc nhở để kẻ hậu nhân được biết tới mà khói hương, phụng sự…”.
“Nay có người dân trong xã Nhượng Bạn, huyện Hà Hoa…”[tên những người phát tâm công và thập phương tín chủ công đức đúc khánh]… “Họ vốn sinh vào thời thịnh trị, nhớ đến giao tình thân trọng của đạo hiếu. Nay chùa An Lạc vốn là nơi danh lam thắng cảnh, có việc đúc chuông khánh để hoằng khai Phật pháp”.
Qua nội dung được dịch thuật từ chữ Hán trên bia đá, chuông, khánh, đối chiếu với nội dung một số bản sắc phong của triều Lê và tư liệu địa phương, chúng ta có thể đi đến một số kết luận sau:
Tên xã Nhượng Bạn, phủ Hà Hoa được khắc trên chuông, khánh là sự khẳng định. Trước thời đại Tây Sơn, Nhượng Bạn đã trở thành đơn vị hành chính cấp xã. Nhượng Bạn hình thành vào cuối đời Trần, có thôn xóm, dân cư đông đúc và phát triển mạnh mẽ dưới thời Lê - Trịnh, Tây Sơn. Tên các thôn xóm, giáp như: Vạn Nại, Đại Giáp, Giáp Thượng cũng được khắc trên chuông, khánh. Ngày trước, Nhượng Bạn có 6 giáp và một số thôn, xóm với hai câu thơ được lưu truyền: “Bách niên văn vật thanh danh địa; Lục giáp y quan lễ nhạc đình”, nghĩa là: “Trăm năm nổi tiếng là vùng đất văn vật; Sáu giáp lễ nối tiếp ở đình này”. Đây là văn tự cổ nhất thể hiện tên xã, thôn, giáp- điểm mới so một số bản sắc phong có từ thời Lê trung hưng trước đó không hề ghi rõ địa danh.
Xã có Hội đồng quan viên hương chức và xã trưởng (tên là Nguyễn Văn Tương). Đây là luận cứ vững chắc phản bác lại ý kiến của một số nhà nghiên cứu địa phương cho rằng: Phải đến thời Tự Đức (1847 - 1883), Nhượng Bạn mới trở thành đơn vị hành chính cấp xã và có triện lý trưởng.
Thời Tây Sơn, thôn Vạn Nại đã trực thuộc xã Nhượng Bạn. Sang thời Nguyễn, Vạn Nại thuộc làng Thiên Trị (làng có chức lý trưởng và mục triện riêng) gồm 4 thôn, xóm: Cồn Bạc, Hoa Lũy, xóm Trong, xóm Ngoài. Chính quyền đặt đồn lính ở đây (sang thời thuộc Pháp, binh lính có đến đồn trú) và một trạm thuế quan để quản lý, đo đạc trọng tải tàu thuyền vận tải, định mức các thuế. Tàu, thuyền buôn, thuyền đánh cá ra vào cửa sông, cửa biển phải xuất trình sổ sách, chấp hành sự kiểm tra, khám xét và nộp thuế. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Thiên Trị thuộc xã Ngũ Phúc. Cuối năm 1955, cải cách ruộng đất, hai thôn Cồn Bạc và Hoa Lũy được chuyển về xã Nhượng Bạn; sau năm 1960, đổi sang tên mới là thôn Liên Thành, xã Cẩm Nhượng.
Từ trước tới nay, dân địa phương cho rằng thôn Vạn Nại có nguồn gốc từ làng Thiên Trị, sau này nhập vào xã Cẩm Nhượng. Tuy nhiên, chi tiết sử liệu được khai thác từ chuông đồng nêu trên đưa đến nhận thức và tiếp cận mới về nguồn gốc của thôn Vạn Nại. Thôn Vạn Nại vốn thuộc xã Nhượng Bạn từ trước thời Tây Sơn, sang thời Nguyễn là một thôn trong làng Thiên Trị, từ năm 1955 đến nay, lại trực thuộc xã Cẩm Nhượng. Bên cạnh nghề đánh cá, nghề chế biến nước mắm, nghề muối đã hình thành, phát triển ở thôn Vạn Nại từ thời “Lê - Trịnh” và Tây Sơn (đến nay nhân dân vẫn gọi thôn Liên Thành là làng Nại, chỉ làng làm nghề muối). Nhiều hộ gia đình ở thôn Vạn Nại qua làm nghề muối, buôn muối trở nên khá giả, đã phát tâm công đức tiền của và đồng để đúc chuông. Trong những thập niên 60 đến 80 của thế kỷ trước, Liên Thành trở thành nơi sản xuất muối lớn nhất huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Mặc dù công trình bia đá bị tàn phá hoàn toàn nhưng qua một số tư liệu còn lại, có thể xem đây là công trình vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang ý nghĩa nhân văn, có tính thời đại sâu sắc như những tượng đài, nhà bia, công trình Tổ quốc ghi công ngày nay. Rất có thể, vào thời kỳ này, người Nhượng Bạn đã ban hành hương ước, khoán ước liên quan đến việc đảm bảo đời sống tâm linh, việc thờ cúng các vị danh thần, thành hoàng và người có công với làng xã, đất nước. Chính vì thế, bất chấp sự truy bức khắc nghiệt của chính quyền nhà Nguyễn đối với triều đại Tây Sơn, người Nhượng Bạn vẫn bí mật làm lễ cho vong linh những người con đã ngã xuống cho quê hương, đất nước. Việc làm này là một nghĩa cử, đạo hiếu và truyền thống văn hóa tốt đẹp ở một làng quê miền biển. Nó còn thể hiện tính tự trị, tự quản của làng xã, là “cuộc đấu tranh giằng dai giữa làng xã và nhà nước, giữa tục lệ và pháp luật trong trường kỳ lịch sử suốt thời Hậu Lê - Nguyễn” (Kiều Thu Hoạch), là sự hiện hữu của yếu tố “phép vua thua lệ làng” - một hình thái pháp lý tương đối phổ biến trong thực tiễn tổ chức và quản lý đời sống các làng xã cổ truyền nước ta dưới thời quân chủ.
Người Cẩm Nhượng nói riêng và du khách thập phương nói chung khi đến với vùng đất này, ghé thăm chùa Yên Lạc, có thể lắng nghe tiếng chuông, khánh cổ ngân lên tiếng vọng của ngàn xưa, ghi vào lòng người anh linh đất Phật. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa nói chung, di sản văn hóa thời Tây Sơn tại Nhượng Bạn nói riêng có vai trò quan trọng trong việc kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chúng tôi tin chắc rằng, Cẩm Nhượng sẽ là một điểm đến trong chuỗi của khu du lịch Thiên Cầm, thu hút đông đảo lượng khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu. Từ đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương có bước đột phá mới trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Tác giả: Ths. Nguyễn Trọng Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020