Núi Bình San - một trong Hà Tiên thập cảnh - còn gọi là núi Lăng, nằm ở hướng Tây Bắc cách Hà Tiên khoảng 1km. Phần lưng chừng núi nhìn ra biển Tây, là nơi yên nghỉ của dòng họ Mạc, đặc biệt là đền thờ Mạc Cửu (1655-1735) - người có công khai phá và xây dựng đất Phương Thành hoang vu, giáp biển thành một khu đô thị Hà Tiên trù phú, có vị trí chiến lược ở Tây Nam nước Việt.
Đền thờ Mạc Cửu nằm dưới chân núi Bình San, có lối kiến trúc theo hình chữ quốc, xung quanh tường đá dày bao bọc, ở giữa là điện thờ. Bước vào cổng là con đường nhỏ lát gạch, dẫn đến tiểu sảnh. Trước chánh điện có một biển thờ đề “Khai Trấn Trụ Quốc” và bức hoành phi “Nghị Võ Công” đó là hai tước hiệu, danh phong mà chúa Nguyễn Phúc Chu phong tặng cho Mạc Cửu. Phía trước khu đền thờ là hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai đào để chứa nước ngọt. Ngôi đền có bố cục hài hòa với những mảng chạm trổ, điêu khắc tinh xảo trên cột, liễn, diềm, hoành phi, bình phong. Đền được đánh giá là công trình văn hóa, lịch sử có tính nghệ thuật cao. Ngay cổng đền, có đề danh Mạc Công miếu, hai bên là cặp liễn đối chữ Hán:
Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng/ Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh
Dịch: Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ/Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu
Câu trên gợi nhớ khoảng năm 1671, Mạc Cửu - một thương buôn Quảng Đông, với mấy trăm tùy tùng, được phép vua Chân Lạp cho khai thác vùng bờ biển gần Phú Quốc. Tiếp đó, Mạc Cửu đến mở mang vùng Hà Tiên. Tuy còn trẻ, nhưng ông là người có đầu óc tổ chức, sau khi chiêu mộ thêm nhiều người Hoa, người Việt và người Khmer, vùng Hà Tiên trở thành một khu tự trị phồn thịnh. Sau một thời gian mở mang và bình định, để tránh áp lực của người Xiêm, năm 1708, Mạc Cửu đem vùng này dâng cho Chúa Nguyễn và xin thần phục. Ông được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên.
Sự kiện quan trọng này được sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi lại như sau: “Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy.
Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng quy tụ đông đúc.
Tháng 4 mùa hạ năm thứ 21, Tân Mão (1711), Tổng binh trấn Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn”.
Nếu như Mạc Cửu có công lớn khai phá, mở mang vùng Hà Tiên trở nên phồn thịnh thì người kế thừa là con ông, Đô đốc Tổng binh Mạc Thiên Tứ là một anh hùng văn võ song toàn. Mạc Thiên Tứ đã đánh bại, tiêu diệt nhiều đám quân nổi loạn, cướp biển ở vịnh Thái Lan. Ông được Chúa Nguyễn rất mực tin dùng và đãi ngộ. Cụ thể, vào năm 1739, Mạc Thiên Tứ chỉ huy quân binh đánh tan quân Chân Lạp xâm lược Hà Tiên. Nhờ chiến công này, Mạc Thiên Tứ được đặc cách phong làm Đô đốc tướng quân, vợ của ông cũng được phong tước hiệu Hiếu Túc Thái Phu Nhân do có công đốc chiến, tiếp tế hậu cần. Đến năm 1747, giặc biển Đức Bụng quấy phá vùng ven biển đạo Long Xuyên (Cà Mau), Mạc Thiên Tứ một lần nữa đánh đuổi, giữ bình yên cho vùng đất mới. Mạc Thiên Tứ còn là chủ soái của Tao đàn Chiêu Anh Các lừng lẫy phương Nam.
Trở lại đền thờ Mạc Cửu, đi bên cổng phụ, phía tay phải của đền là một con đường nhỏ lát gạch giữa những bóng cây cao rợp mát, hai bên có trồng nhiều hoa kiểng, đinh lăng, hoa mười giờ. Con đường này dẫn lên khu mộ với hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc. Trong ấy, có mộ của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ, Nguyễn Hiếu Túc... Mộ Mạc Cửu là ngôi mộ lớn, kiên cố nhất, hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, thế tọa ngưu (trâu nằm). Bên trái mộ có Thanh Long, bên phải có Bạch Hổ và trước hai bên mộ có hai tượng chiến tướng bằng đá xanh cầm gươm đứng hầu.
Núi Bình San trải qua bao cuộc bể dâu, vẫn xanh tươi cỏ cây hoa lá. Nơi yên nghỉ của dòng họ Mạc giờ đây đã trở thành một thắng tích nổi tiếng của đất phương Nam. Hằng năm, nhất là vào dịp đầu xuân, rất đông khách đến tham quan, hành hương cầu xin Phúc-Lộc-Thọ, an khang. Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Khai trấn Nghị Võ Công Đại tổng binh Mạc Cửu được tổ chức long trọng với đủ các phần lễ và hội. Về phần lễ vẫn giữ theo thông lệ với các lễ cúng, tế được diễn ra tại đền thờ họ Mạc. Lễ thỉnh sắc được tổ chức vào ngày 27/5 âm lịch, bắt đầu xuất phát từ đền thờ họ Mạc đến tượng đài Mạc Cửu dưới chân núi Tô Châu. Đoàn thỉnh sắc với cờ, phướn, lộng, bạt chiêng trống liên hồi, hòa nhịp tạo nên không khí vừa tưng bừng rộn rã, vừa trang trọng. Nổi bật nhất của lễ hội là phần đọc sắc phong của vua Minh Mạng phong tặng tước vị cho Mạc Cửu. Phần hội gồm hội thao và nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Đặc sắc có hội chợ ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc sản của Hà Tiên, mỗi gian hàng gắn với một địa danh của Hà Tiên như Đông Hồ, Bình San,... Phần diễu hành với các xe hoa được trang trí rực rỡ đi qua các tuyến phố, còn có biểu diễn văn nghệ, giới thiệu các tác phẩm ca ngợi đất nước, con người, tôn vinh công khai mở đất của họ Mạc.
Ngày nay, ngay cửa ngõ vào Hà Tiên, tượng đài Mạc Cửu bằng đá cao 15 mét đã được dựng lên hùng dũng, oai nghi: một tay Ngài cầm chặt cán gươm, tay kia cầm quyển chiếu văn của Chúa ban, mắt nhìn ra biển Tây bao la. Đất Phương Thành xa xưa với tiếng trống canh đêm đêm vang vọng, bây giờ đã trở thành chốn đô hội với những thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa thu hút du khách gần xa. Ghé núi Bình San, lại nhớ đến tiền nhân một thời đổ xương máu khai mở và bảo vệ vùng đất Hà Tiên. Để nghe đâu đó vang vọng bài vịnh “Bình San Điệp Thúy” (khắc in năm 1737, phiên âm tiếng Hán): Lông thông thảo mộc tự thiều nghiêu/Điệp lĩnh bình khai tử thúy kiều/Vân ái táp quang sơn thế cận/Vũ dư giáp lệ vật hoa nhiêu/Lão đồng thiên địa chung linh cửu/Vinh cộng yên hà chúc vọng dao/Cảm đạo Hà Tiên phong cảnh dị/Lam đồi uất uất thụ tiêu tiêu.
Và bản dịch của thi sĩ Đông Hồ với tựa bài thơ “Núi dựng một màu xanh”: Cây xanh ngăn ngắt vút cao cao/Ngọn dựng bình giăng đẹp mĩ miều/Mây sáng vây quanh hình núi rõ/Mưa tàn thêm nổi bóng non theo/Đất trời bền vững nền linh tú/Mây khói vời xa nỗi ước ao/Danh thắng Hà Tiên đâu dám bảo/Cây ngàn mơn mởn biếc xanh gieo.
Tác giả: Trần Trọng Triết
Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020