Tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng, dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp cách mạng, đổi mới, hội nhập và phát triển vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc bài học "lấy dân làm gốc" và nêu cao tư tưởng cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, năm 1927, Người cho rằng: “…muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc và cách mạng phải đoàn kết”;“… cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người” (1).
Thấu triệt tư tưởng chỉ đạo của Bác, mọi cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta luôn xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vì nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, từ đó luôn chủ trương phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, để xây dựng nên khối đại đoàn kết và không ngừng phát huy sức mạnh của cả dân tộc.
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là qua 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”. Bởi, “Dân là gốc”, được xác định là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới đất nước. Theo đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng của Nhân dân, vì mục tiêu bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của Nhân dân. Mục tiêu của công cuộc đổi mới là xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó chữ “dân” được đặt ở vị trí đầu tiên.
Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều định hướng về phong cách, văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhất là văn hóa gần dân, trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân; việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh không dừng lại ở những nguyên lý, những chủ trương mà đang từng bước đi vào đời sống thông qua việc Đảng ban hành và thực hiện các quy chế, quy định cụ thể, thiết thực, như: thăm dò dư luận, lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành những quyết sách quan trọng; đối thoại, chất vấn trong Đảng; việc nêu gương của cán bộ đứng đầu các ngành, các cấp; cán bộ lãnh đạo đi cơ sở, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân... Giảm bớt hội họp, tăng cường bám sát thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khiêm tốn, giản dị, hòa đồng, nêu gương trước cấp dưới, trước nhân dân… Chính là những tố chất văn hóa chính trị đang dần định hình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; qua đó từng bước nhân rộng, lan tỏa văn hóa Đảng trong nhân dân và xã hội.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” (2). Trước đây chúng ta nói cơ chế dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng lần này thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”, một lần nữa, Đảng ta đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy thành tựu đã đạt được, trong chặng đường tiếp theo, chúng ta phải coi trọng và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013; thực hiện có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ hai, các tổ chức trong hệ thống chính trị; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải tạo nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ; hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ ba, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng sáng tạo, thiết thực, tạo sự đồng thuận, cũng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng vào thời điểm cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế, xã hội năm 2020,chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tợi Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng. Để đạt được kết quả tốt nhất chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, cần phát huy mối quan hệ mật thiết “ý Đảng, lòng Dân” hòa quyện với một khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường.
_______________
1. Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.283
2. Ban tuyên giáo Trung ương, Những nội dung cốt lõi trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu phục vụ cán bộ, Đảng viên nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2020, tr.36.
Tác giả: Nguyễn Văn Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020