Từ xa xưa trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh phi thường, ý chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng cùng nam giới đứng lên giành quyền sống cho mình và giành độc lập cho giang sơn Tổ quốc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Hán (năm 40-43) đã viết lên trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Mọi người như còn nghe vang vọng câu nói đầy hào khí của Bà Triệu - nữ anh hùng dân tộc khác đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Ngô (năm 248): “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3/2/1930), sự phát triển của phong trào phụ nữ gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhiều chị em đã tham gia tích cực và trở thành đảng viên nòng cốt, nổi tiếng của Đảng Cộng sản Đông Dương như Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai...
Nhận thức đúng đắn về vai trò của phụ nữ, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”; Cương lĩnh đầu tiên của Đảng cũng ghi “Nam nữ bình quyền”. Rõ ràng, Đảng đã sớm nhìn ra phụ nữ là lực lượng góp phần to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng.
Không phải ngẫu nhiên, Bác Hồ luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ và nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(1); “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên để lại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Bác từng nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân trên toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Dù bất kỳ ở thời đại nào hay một xã hội nào đi nữa, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, không thể không giải phóng phụ nữ. Người cũng phê phán một số nhận thức chưa đúng về bình đẳng, giải phóng phụ nữ. Bình đẳng không chỉ là “Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát mà phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động trong toàn xã hội để phụ nữ tham gia vào các ngành nghề như nam giới”.
Từ khi ra đời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Qua các phong trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Hội, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước, tên tuổi của những nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Út Tịch, Lê Thị Hồng Gấm, Mạc Thị Bưởi, Mẹ Suốt, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mãi mãi khắc ghi trong tấm lòng của mỗi người Việt Nam. Đọc quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, mỗi người chúng ta chắc đều xúc động trước lòng quả cảm và tình người tỏa ra từ cuộc đời của nữ bác sĩ phụ trách trạm quân y tiền phương, dù cách đây đã hơn 40 năm nhưng vẫn truyền lửa để chúng ta có thêm sức mạnh đấu tranh với những cám dỗ tầm thường hôm nay, quyết tâm sống trong sạch và phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp vì dân, vì nước. Chiến tranh đã lùi xa, song vẫn còn đó nỗi đau nhuộm trắng mái đầu những người mẹ, người vợ... và cũng chính những con người đó lại vững vàng trong xí nghiệp, nhà máy, trên đồng ruộng, chăm chút từng trang giáo án... để xóa đi những dấu vết chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Có thể khẳng định, phụ nữ Việt Nam, bằng vẻ đẹp của chính tâm hồn mình đã góp phần đặc biệt dệt gấm, thêu hoa, làm nên vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ ngàn đời cho dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960
Ảnh: Tư liệu
Bác nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”(2), đó chính là vị nữ Thiếu tướng duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Bác nhắc nhở phụ nữ phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Muốn vậy, phụ nữ phải cố gắng học tập, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ty, “ngồi chờ Chính phủ giải phóng cho mình”.
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”(3).
Sau gần 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu đạt được có ý nghĩa lịch sử, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Với hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tỉ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Những nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng; tỉ lệ phụ nữ trong Quốc hội chiếm gần 27%. Theo thống kê của Liên minh nghị viện thế giới, với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 26,8%, tăng 2,71% so với khóa XIII. Lần đầu tiên ở Việt Nam, Quốc hội khóa XIV có nữ Chủ tịch Quốc hội. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ đã tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới; trong khoa học, công nghệ phụ nữ tham gia gần 40% và tỉ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Việt Nam thuộc nhóm các nước có thành tựu về bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Đảng ta, nhân dân ta vui mừng khi các thế hệ nối tiếp của Bà Trưng, Bà Triệu tạo dựng nên truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Chúng ta nồng nhiệt chúc mừng những “bông hoa đẹp” trong vườn hoa khoe sắc thêm rực rỡ thời hội nhập luôn nảy nở, sinh sôi và ngào ngạt sắc hương - những “bông hoa” ấy cũng chính là chỗ dựa thực sự tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
______________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.204.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.148, 149.
3. Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.30.
Tác giả: Nguyễn Thanh Hoàng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020