TỪ NHIÊN THẦN ĐẾN NHÂN THẦN VÀ VẤN ĐỀ TRUYỀN THUYẾT HÓA THẦN THOẠI
Tín ngưỡng bản địa Việt Nam chủ đạo là tín ngưỡng đa thần với đặc trưng sùng bái vật linh. Bắt nguồn từ tín ngưỡng ấy nên ở khắp các cộng đồng cư dân, người ta thờ cúng thần tự nhiên, đó là các thần động vật với nhiều chủng loại khác nhau, trong đó có thần thuộc thế giới bầu trời như: các loài chim thần, có thần thuộc thế giới mặt đất với các loài vật linh như: hổ, trâu, gà, gấu; có thần động vật thuộc thế giới mặt nước như: rắn, giải, giao long, thuồng luồng, rồng, rùa, cá; các loài thực vật được linh thiêng hóa thành thần như: cây cối, hạt lúa, hạt ngô, củ khoai, quả bầu; các dạng vật linh như: nước, đất, đá, rừng, núi, lửa; các hiện tượng linh như: mây, mưa, gió, sấm, chớp, sóng… Các câu chuyện kể về những vị thần tự nhiên này đã tạo ra một hệ thần thoại hết sức phong phú. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian và trải qua chiều rộng của không gian, các truyện kể này không còn nguyên hình, nguyên dạng như khởi nguyên nữa, một bộ phận nhân vật nhiên thần không nhỏ đã có sự chuyển hóa thành nhân thần và nửa nhiên thần, nửa nhân thần. Sự chuyển hóa đó diễn ra theo quy luật nội tại và khách quan, làm cho biến đổi cả về mặt thể loại của truyện cổ, theo đó thể loại thần thoại đã được truyền thuyết hóa một cách mạnh mẽ.