TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU NHÌN TỪ LÝ THUYẾT TÍNH ĐỒNG DẠNG

Ở Việt Nam, lý thuyết mạng lưới xã hội (MLXH) tỏ ra có hiệu quả trong việc nghiên cứu và giải thích quá trình di cư, tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế, hành vi tìm kiếm sức khỏe... Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng lý thuyết về tính đồng dạng của J.McPherson, L.S.Lovin để nghiên cứu một MLXH, cụ thể là trường hợp đồng thày Đặng Thị Mát, trụ trì chùa Hang, đền Quan Tam phủ, xã Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội; từ đó góp phần phản ánh quá trình vận động của tín ngưỡng thờ mẫu trong bối cảnh xã hội chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa.

1. MLXH và lý thuyết tính đồng dạng trong phân tích MLXH

Nhà nhân học người Anh, A.Barnes, được coi là người đề ra khái niệm MLXH trong các ngành khoa học xã hội (1). Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, nhà tâm lý học J.L.Moreno mới là người có công đầu phát minh ra phương pháp phân tích MLXH bằng việc đề xuất phương pháp và kỹ thuật trắc lượng xã   hội.  Sau J.L.Moreno, A.Barnes, nghiên cứu về MLXH có sự    đóng góp rất quan trọng từ các nhà khoa học,  M.McPherson, L.S Lovin...

Các học giả cho rằng, khái niệm MLXH dùng để chỉ phức thể các quan hệ xã hội do con người xây dựng, duy trì và phát triển trong cuộc sống thực của họ với tư cách là thành viên của xã hội. Về bản chất, có nhiều quan điểm coi MLXH như một nơi chứa đựng, nguồn tạo lập và là một thành tố của vốn xã hội. Bên cạnh phương pháp trắc lượng xã hội của J.L.Moreno, các nhà nghiên cứu đã không ngừng phát triển các phương pháp phân tích MLXH mới. Có thể kể đến: lý thuyết sức mạnh của liên kết yếu của Granovetter, lý thuyết sự di động xã hội thông qua các mối liên hệ của Nan Lin, lý thuyết lỗ hổng cấu trúc của Ronald Burt, lý thuyết tính đồng dạng của Miller McPherson, Lynn Smith Lovin, James M.Cook...

Lý thuyết tính đồng dạng của McPherson, L.S.Lovin là một trong những lý thuyết nổi bật về MLXH. McPherson và các cộng sự đã chỉ ra sự tương đồng tạo ra các liên kết, nghĩa là MLXH liên kết với nhau dựa trên những đặc điểm tương đồng nhất định. Sự tương đồng đó có thể là về tộc người, giới tính, nhóm tuổi, vị thế xã hội, tôn giáo, giáo dục, nghề nghiệp, vị trí trong mạng lưới, hành vi, thái độ, khả năng, niềm tin và khát vọng. Các yếu tố này được phân định thành 2 loại đồng dạng: nền tảng và khác biệt. Đồng dạng nền tảng chủ yếu nhấn mạnh những mối quan hệ liên quan đến nhân khẩu học, chẳng hạn yếu tố tộc người, nhóm tuổi, bối cảnh xã hội mang tính giới hạn như lớp học, công ty... Còn đồng dạng khác biệt nhấn mạnh đến tính duy lý của cá nhân hình thành những nhóm, tổ chức theo sở thích riêng.

Các quan hệ xã hội ở Việt Nam gắn kết chủ yếu trên cơ sở tương đồng, tức là các chủ thể có xu hướng kết bạn, gắn bó với những người có đặc tính tương đồng (2) thì quan điểm về tính đồng dạng của McPherson, L.S.Lovin lý giải hữu ích cho sự tồn tại mật thiết, hiệu quả của các mạng lưới đồng hương, các nhóm di cư, nhóm dân tộc, cộng đồng tôn giáo... Do đó, chúng tôi vận dụng quan điểm này để nghiên cứu những yếu tố tương đồng liên kết các thành viên trong MLXH của đồng thày Đặng Thị Mát trên cơ sở phân định đồng dạng nền tảng và đồng dạng khác biệt. Bên cạnh đó, một số quan điểm trong lý thuyết về vốn xã hội của P.Bourdieu, J.Coleman... cũng được sử dụng để làm rõ hơn lợi ích của MLXH này.

2. Vận dụng lý thuyết tính đồng dạng trong nghiên cứu MLXH của đồng thày Đặng Thị Mát

Đồng thày Đặng Thị Mát hiện đang trụ trì chùa Hang, đền Quan Tam phủ tại thôn Vị Thủy, Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội và thủ đền đền Mẫu, đền Thượng tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Hà Nội. Đồng thày đang sở hữu số lượng con nhang, đệ tử và tín đồ lên tới hàng nghìn thành viên, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, ở nhiều độ tuổi, có bối cảnh xuất thân, trình độ văn hóa, nghề nghiệp khác nhau, có mối quan hệ gắn bó mật thiết tạo lập thành một MLXH.

Kết nối đồng dạng nền tảng

Có thể thấy, MLXH của đồng thày Mát thuộc dạng thức kết nối đồng dạng nền tảng, bởi trước hết các thành viên chủ yếu là người Việt cư trú ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Do đó, họ có thể không thường xuyên tham gia các hoạt động của mạng lưới, nhưng mỗi khi có dịp họ thường tụ hội, đặc biệt là vào các ngày lễ chính trong năm như: lễ đầu năm (tháng giêng), lễ vào hạ (tháng 4), lễ tán hạ (tháng 7), lễ cuối năm (tháng chạp) và ngày tổ chức tiệc Quan Tam.

Điểm tương đồng liên kết các thành viên trong MLXH còn xuất phát từ những điểm đặc biệt về giới tính, tuổi và bối cảnh xuất thân. Về đặc điểm giới tính, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý với quan điểm của Ngô Đức Thịnh, cho rằng: “Đạo Mẫu và lên đồng được nhìn nhận như là hệ thống văn hóa gắn liền với giới tính nữ” (3). Nếu so với Công giáo, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo... là những tôn giáo có sự hiện diện đông đủ của cả hai giới, các tín ngưỡng thờ thành hoàng, gia tiên đa phần là nam giới thì hầu hết các tín đồ trong tín ngưỡng thờ mẫu là phụ nữ. Những tư liệu thực địa của chúng tôi cho thấy, phụ nữ chiếm số lượng lớn trong mạng lưới tín đồ của đồng thày Mát. Đa số họ ở độ tuổi trung niên từ 40 - 60 tuổi (4), độ tuổi chín muồi về gia đình, công việc, cuộc sống. Khi tham dự vào mạng lưới tín đồ của đồng thày Mát, họ không chỉ được đáp ứng nhu cầu cân bằng đời sống tâm linh mà còn mong nguyện nhận được sự độ trì của phật thánh để có một cuộc sống bình an.

Mạng lưới này không chỉ là không gian của phụ nữ mà còn là nơi hiện diện của những người thuộc giới tính thứ ba. Họ là đàn ông nhưng về hình thức, giọng nói, tính cách thể hiện rất rõ đặc trưng của phụ nữ. Họ thích được gọi bằng cô, thích đeo nhiều đồ trang sức và được khen đẹp. Việc người phụ nữ chiếm số lượng áp đảo và sự thâu nạp những người thuộc giới tính thứ ba trong mạng lưới tín đồ cho thấy đây là mạng lưới có nét đặc biệt về giới tính, khác biệt với mạng lưới tín đồ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác.

Những thành viên trong MLXH này giống nhau ở một điểm, đó là gặp những trục trặc, bất hạnh trong cuộc sống. Những rủi ro của số phận, sự bấp bênh trong đời sống kinh tế, sự thất bại trong nghề nghiệp… đã đưa đẩy họ đến với tín ngưỡng thờ mẫu, gia nhập mạng lưới tín đồ của đồng thày Mát để tìm sự an ủi, sẻ chia nỗi bất hạnh, nhọc nhằn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành MLXH của đồng thày Mát theo điểm kết nối đồng dạng nền tảng. Tín ngưỡng thờ mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt, “mà nền tảng là chế độ nông nghiệp lúa nước với gia đình tiểu nông phụ quyền làm trung tâm trong một môi trường làng xã khép kín” (5). Do đó, các thành viên trong MLXH của đồng thày Mát gắn bó với nhau bởi họ cùng là người Việt, sống trong bối cảnh văn hóa tâm linh dân tộc Việt. Họ kết nối với nhau bằng niềm tin vào tín ngưỡng thờ mẫu, vào quyền phép của đồng thày. Cùng với niềm tin, các yếu tố đồng dạng về độ tuổi, giới tính, bối cảnh xuất thân đã gắn kết họ chặt chẽ hơn. Mặt khác, xuất phát từ môi trường làng xã cổ truyền Việt Nam, điển hình là đồng bằng Bắc Bộ, nơi dường như có sự phân công về môi trường giao tiếp xã hội và tâm linh mang tính giới. Ở đó, đình là nơi sinh hoạt, giao tiếp của nam giới, còn đền phủ thờ mẫu, chùa là nơi sinh hoạt của phụ nữ (6). Không những thế, MLXH này còn là nơi thu nhận những số phận éo le, những cảnh đời bất hạnh. Bởi, tín ngưỡng thờ mẫu tức là thờ mẹ: mẹ trời, mẹ rừng, mẹ đất, mẹ nước... che chở cho những đứa con trần gian và đại diện cho mẫu là đồng thày - bố mẹ đồng (7). Sự đan cài của nhiều yếu tố tương đồng về chủng tộc, văn hóa tộc người, nhóm tuổi, giới, bối cảnh xuất thân tạo nên sự kết nối đồng dạng nền tảng trong MLXH của đồng thày Mát.

Đồng dạng khác biệt

Trong bối cảnh xã hội nhiều biến động, tín ngưỡng thờ mẫu bước vào giai đoạn hưng phát mạnh mẽ, các tín đồ với nhiều trình độ, nghề nghiệp, giới tính khác nhau tham gia mạng lưới ngày càng đông đảo. Không chỉ phụ nữ ở độ tuổi trung niên, những người đồng tính, có hoàn cảnh đặc biệt, có căn đồng mới ra trình đồng mở phủ mà các con nhang, đệ tử còn động viên, lôi kéo bạn bè, gia đình, người thân tham gia mạng lưới. Trong MLXH của đồng thày Mát, nhiều gia đình đội bát hương cả 3, 4 thế hệ. Có những trường hợp, con dâu, con rể, bạn bè là người dân tộc Mường, Dao, người nước ngoài nhưng sớm nhất tâm cửa phật, thật tâm cửa thánh hòa nhập vào MLXH của đồng thày Mát. Điểm kết nối đồng dạng khác biệt trong MLXH của đồng thày Mát phát triển mạnh trong khoảng 15 năm trở lại đây. Điều này có thể lý giải bởi sự phát triển của phương tiện thông tin liên lạc, giao thông vận tải, góp phần kéo các thành viên trong MLXH lại gần nhau, kết nối với nhau chặt chẽ hơn. Mặt khác, mối lo ngại về những bất trắc, rủi ro có thể bất ngờ xảy đến với mọi cá nhân trong xã hội, khiến họ tìm đến tín ngưỡng thờ mẫu như một phương cách vừa để cầu xin sự phù hộ, vừa tìm kiếm sự bảo hiểm cho cuộc sống.

Tác động của MLXH

Những người tham gia MLXH của đồng thày Mát là những cung văn, hầu dâng, pháp sư, chấp tác, người cung ứng dịch vụ vàng mã, đồ lễ, trang phục, nhang tử, đệ tử, tín đồ... được hình thành trong quá trình làm việc âm của đồng thày, gắn bó với đồng thày trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ mẫu. Đền Quan Tam phủ là nơi họ tụ họp vào mỗi dịp lễ tết hay khi có công việc.

Theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Mai,  “tập hợp người xung quanh đồng thày và trợ giúp thày trong thực hành nghi lễ gọi là bản hội” (8). Những tư liệu phỏng vấn đồng thày Mát cùng những quan sát hoạt động của mạng lưới này cho thấy, bản hội được tổ chức thành nhiều cấp độ. Đứng đầu và giữ vai trò quyết định mọi công việc trong bản hội là đồng thày, dưới là trợ lý, thư ký và các đồng đền phụ trách những khu vực khác nhau như đền Thượng, đền Mẫu ở vườn Quốc gia Ba Vì; nhóm đền Đá Bạc ở Lương Sơn, Hòa Bình; nhóm đền Rừng Già ở Tản Lĩnh... Đền Quan Tam phủ - nơi hội tụ của con nhang, đệ tử là chốn tổ. Dưới đồng đền là các nhóm trưởng quản lý các công việc khác nhau: nhóm thanh đồng, chấp tác, hầu dâng, thày cúng, cung văn, tín chủ... Việc chia nhóm còn được gọi tên theo khu vực cư trú của các thành viên như nhóm Hà Nội, Hữu Bằng, Tản Lĩnh, Sơn Tây, Hòa Bình, Sài Gòn... Tuy nhiên, sự phân chia như vậy cũng chỉ mang tính chất tương đối, tự phát trên cơ sở được đồng thày chấp thuận.

Mối quan hệ trong bản hội là đa chiều, trong đó, mối quan hệ giữa đồng thày với các thành viên là mối quan hệ trên dưới, đồng thày quyết định những công việc quan trọng như truyền nghề, dạy bảo con nhang đệ tử, trực tiếp thâu tóm, phân chia mọi công việc, tài chính trong bản hội. Thày chọn ngày mùng 10 các tháng giêng, 4, 7, 12 âm lịch để tổ chức bốn lễ chính, ngày 24 - 6 âm lịch tổ chức tiệc Quan Tam phủ, tiệc lớn nhất trong năm. Trong những ngày này, các con nhang, đệ tử thân tín thường phải có mặt, giúp đỡ, hầu thánh…

Giữa các thành viên có mối quan hệ hàng ngang, có trách nhiệm phải bảo vệ, giúp đỡ, liên kết, giúp nhau cắt đặt công việc trong buổi lễ, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề...

Mặc dù bản hội còn tổ chức lỏng lẻo, các quy định, chuẩn mực, chế tài không mang tính áp đặt đối với thành viên nhưng rõ ràng, đồng thày và các thành viên trong bản hội đã tạo lập được một nguồn “vốn xã hội” (9). Việc tạo lập vốn xã hội thực sự đã đem lại cho các thành viên trong bản hội nhiều lợi ích to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Đối với đồng thày Mát, bản hội càng mở rộng, mạng lưới con nhang đệ tử càng đông đảo thì đồng thày càng nổi tiếng, càng thu hút được nhiều tín đồ. Sau khi tham gia bản hội, các thành viên có thể thiết lập được các mối quan hệ từ quan hệ đồng đạo, đồng cảnh, đồng lợi ích, quan hệ giữa những người có trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội khác nhau... từ đó có thể tìm kiếm nhiều lợi ích. Rất nhiều thành viên trong bản hội là những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, trắc trở, bệnh tật, nghèo khó, họ tìm đến mẫu, đến bản hội không chỉ là tìm nơi nương náu, che chở về tâm linh mà còn tìm kiếm sự sẻ chia đồng cảm về hoàn cảnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ về kinh tế.

Bên cạnh đó, sự đồng dạng về niềm tin, lứa tuổi, giới tính, tâm lý, hay những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống trần tục… khiến các thành viên trong bản hội đồng cảm, cộng cảm với nhau. Mỗi khi tụ họp, gặp gỡ nhau ở chốn tổ đặc biệt trong mỗi cuộc lễ lên đồng, họ lại được tâm sự, giãi bày với nhau, hỏi thăm cuộc sống của nhau, vì vậy mà làm gia tăng tình thân thiết giữa các thành viên.

Về mặt tâm linh, khi tham dự vào MLXH, các con nhang, đệ tử được đáp ứng nhu cầu cân bằng đời sống tâm linh, được cầu xin ban tài phát lộc, được thăng hoa trong những vấn hầu để quên bớt những lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống.

Như vậy, MLXH của tín đồ thờ mẫu không chỉ mang lại những lợi ích về vật chất, tinh thần cho các thành viên mà còn cả niềm tin, sự hỗ trợ, các mối quan hệ để tạo thành vốn xã hội cho những tín đồ trong công việc và cuộc sống.

Đối với tín ngưỡng thờ mẫu, đồng thày Mát là đồng cựu, nắm vững nhiều quy tắc trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu nên các đệ tử của bà được truyền dạy khá chuẩn mực, bài bản, do đó các giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng thờ mẫu được lưu truyền. Trong hành trình nhất tâm hầu phật, hầu thánh, bản hội của đồng thày Mát có nhiều đóng góp vào công tác bảo tồn trao truyền tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam. Các thành viên trong bản hội còn tích cực góp phần vào công tác bảo tồn gìn giữ, vinh danh di sản văn hóa hầu đồng, chầu văn… Những hoạt động thiết thực trong bản hội của đồng thày Mát đã giúp quảng bá tín ngưỡng thờ mẫu của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt sau khi tín ngưỡng tam phủ của người Việt được vinh danh là di sản phi vật thể thế giới.

Tín ngưỡng thờ mẫu là tín ngưỡng đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước dày công nghiên cứu, tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, nghiên cứu tín ngưỡng thờ mẫu từ lý thuyết MLXH là xu hướng nghiên cứu hiện đại, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp cận các vấn đề văn hóa nói chung, tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng từ điểm nhìn mới: quá trình thực hành tín ngưỡng.

_____________

1. Barnes đề cập thuật ngữ mạng xã hội lần đầu tiên trong bài viết Giai cấp và cộng đồng ở đảo Parish, Nauy, công bố năm 1954.

2. Trong Nguyên lý đồng dạng: nghiên cứu khám phá cơ chế định hình MLXH của người Việt Nam, Nguyễn Quý Thanh, Cao Thị Hải Bắc chỉ ra rằng: “Nguyên lý đồng dạng tương đối phổ biến với nhiều người Việt Nam khi họ kết bạn”.

3, 6. Ngô Đức Thịnh, Lên đồng - hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.183, 189.

4. Số liệu điều tra ngày tiệc Quan Tam phủ  26-7-2016, kết quả phân nhóm các thành viên theo độ tuổi: từ 40 - 60 tuổi chiếm 50%, nhóm từ 20 - 40 tuổi chiếm 30%, nhóm từ 60 tuổi trở lên chiếm 15%, nhóm dưới 20 tuổi chiếm 5%.

5, 7. Nguyễn Hữu Thụ, Về văn hóa ứng xử của người Việt với thiên nhiên trong tín ngưỡng thờ mẫu, Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ 3, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, 2008.

8. Nguyễn Ngọc Mai, Nghi lễ lên đồng hầu bóng và mối quan hệ với đời sống tâm sinh lý nhóm xã hội đặc thù, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 2 (47), 2010.

9. Vũ Quang Hà, Các lý thuyết xã hội học, tập 1, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ MINH THU

;