Phú Thọ, mảnh đất cội nguồn, là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn những kho tàng di sản mang đậm bản sắc dân tộc như hát xoan, hát ghẹo và các trò diễn xướng dân gian cùng cụm di tích đình, đền, chùa, miếu... Nơi đây có 2 di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và xoan ghẹo. Trong kho tàng những di sản vật thể và phi vật thể đó phải kể đến các hình tượng nghệ thuật tiêu biểu được tìm thấy thời Hùng Vương gắn liền với các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Bài viết chỉ đề cập tới 3 trong nhiều hình tượng nghệ thuật tiêu biểu có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương.
1. Đặc điểm một số biểu tượng thời kỳ Hùng Vương mang tầm quốc gia
A.Radugin trong Từ điển bách khoa văn hóa học đã đưa ra khái niệm: “Biểu tượng là một loại ký hiệu đặc biệt thể hiện nội dung thực tế của một điều nào đó. Biểu tượng văn hóa khác ký hiệu thông thường ở chỗ chứa đựng mối liên hệ tâm lý với tồn tại mà nó biểu trưng”. Như vậy, biểu tượng là một hình thái biểu hiện của văn hóa, có thể thay thế ngôn ngữ, truyền đạt những thông điệp văn hóa.
Trong kho tàng các cổ vật được tìm thấy thời kỳ Hùng Vương, 3 biểu tượng điển hình được vinh danh là bảo vật quốc gia, đồ quý hiếm cần bảo vệ, có giá trị cao về nghệ thuật, mang tính nhân văn, truyền tải khát vọng người dân Văn Lang là nha chương, bộ khóa thắt lưng bằng đồng và chiếc qua đồng. Đây là những biểu tượng đặc biệt quý hiếm, mang vẻ đẹp về hình thể, đường nét, cấu trúc, đặc điểm và hoa văn tinh tế, đầy cảm xúc của người xưa truyền lại cho hậu thế.
Nha chương là di vật quý và rất đẹp, có 2 chiếc lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy ở xóm Rền (Gia Thanh, Phù Ninh, Phú Thọ) năm 2006. Chiếc thứ nhất bằng đá ngọc nêphơrit có hình dáng dài và dẹt, dài 63cm, chỗ rộng nhất 11cm, màu trắng vân xám, phần lưỡi chia ngạnh nhọn như đuôi cá được mài vát một bên, phần cán hình chữ nhật có đục lỗ. Còn chiếc nhỏ hơn màu trắng, vân hơi hồng, có hình dáng gần giống chiếc to, thân thẳng, đầu hình đuôi cá, dài 32,4cm, rộng 7,7cm. Cả hai chiếc đều được chế tác với kỹ thuật điêu luyện, thân mài nhẵn bóng, hình dáng thanh thoát, đường nét cắt gọt khúc chiết, tỉ lệ các chi tiết cân đối, hài hòa, toát lên vẻ đẹp sang trọng đầy tính thẩm mỹ. Các nhà khoa học cho rằng nha chương là vật đại diện cho quyền lực của thủ lĩnh, hoặc có thể nhằm thực hiện chức năng nghi lễ (như một dạng quyền trượng).
Bộ khóa thắt lưng gồm 2 phiến đồng nối với nhau bởi 2 cặp móc đồng, dài 21,5cm, rộng 5,5cm, trọng lượng 380g, đúc thủng nhiều chỗ theo hình hoa văn được tìm thấy ở di chỉ làng Cả (phường Thọ Sơn, Việt Trì, Phú Thọ) nằm trong niên đại giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Theo các nhà khảo cổ đánh giá thì đây là di vật độc nhất vô nhị, chưa xuất hiện ở nơi nào trên đất nước Việt Nam. Nó đặc biệt quý hiếm với đặc điểm: được tạo hình gồm 4 cặp rùa (tổng cộng 8 con được đúc nổi cao), với phong cách cách điệu rõ nét, đường cong họa tiết hoa văn xoắn ốc hình chữ S khắc chìm, vạch sâu nằm dọc xen giữa, mai rùa hình elip, miệng rùa trau chuốt hơi nhọn nhô lên. Hình khối từng con rùa được thể hiện cô đọng, lối tạo hình khúc chiết, không to lớn choáng ngợp, không nhỏ bé lỏng lẻo mà rất thuận cảm vừa mắt. Tổng thể được đúc đơn giản nhưng thanh thoát, đường nét tinh xảo, kỹ càng, hai bên được móc vào nhau tạo thành bộ khóa lưng rất đẹp. Hình tượng trên bộ khóa thắt lưng hình con rùa không chỉ hàm chứa ý tưởng về sức sống trường tồn mà còn thể hiện đẳng cấp về kỹ thuật, trình độ đúc đồng tinh khéo, chính xác, đầy tính thẩm mỹ thời Hùng Vương. Cho dù được suy tôn, công nhận là bảo vật quốc gia nhưng nó lại ít được quan tâm, ngày càng xa lạ với chính người dân Việt.
Chiếc qua đồng là cổ vật quý hiếm được tìm thấy trong đợt khai quật năm 2003 tại Gò De (xã Thanh Đình, Phú Thọ). Theo những nhà khảo cổ thì qua đồng là vật tùy táng của thủ lĩnh thời Hùng Vương. Phần thân hình chữ nhật có lỗ hình vuông, phần mũi hình tam giác, thân nổi gân, giữa có lỗ hình tròn. Trên bề mặt thân được nghệ nhân tạo hình cẩn trọng với 2 họa tiết xoắn ốc hình học đối xứng nhau được vạch khắc sâu, mảnh, rõ từng nét. Mảng diện này còn được tạo tác họa tiết khá lạ với hình trang trí trông giống như cổng mái vòm với hình 3 cột. Trong đó, 2 cột nhỏ thân dài đầu nhọn, 1 cột to đầu hình quả trám cao hơn 2 cột kia, tất cả được bao bọc bởi 3 vòng cung uốn quanh trông như cổng vòm. Các họa tiết này được thể hiện vô cùng tinh tế, sắc nét, chạm khắc tinh xảo trong diện tích rất nhỏ trên thân qua đồng. Phần mũi qua đồng được đúc nổi sống giữa, nét chạm khắc được bao quanh lỗ tròn rất đẹp và thanh thoát. Đây là di vật được kết hợp các nét, mảng, hình khối tạo hình hoàn hảo, đầy tính thẩm mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề bảo tồn, giới thiệu các biểu tượng thời Hùng Vương đến với người dân cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng chưa thực sự được coi trọng. Điều khiến chúng ta băn khoăn là trong khi những biểu tượng mang tầm quốc gia bị lãng quên, thờ ơ thì một số đồ vật mỹ nghệ nước ngoài lại đã và đang tràn lan chiếm lĩnh môi trường xã hội. Những thứ đồ đó với đủ loại nội dung thập cẩm, tạp nham, thể hiện hình tượng sai lệch, đặc điểm, kiểu dáng thô thiển, phản cảm, gây hại cho sức khỏe, môi trường… Chính những điều này phần nào đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa vật chất của người Việt.
2. Thực trạng vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị một số biểu tượng thời kỳ Hùng Vương
Phải thừa nhận rằng rất ít người dân Phú Thọ nói riêng và người Việt nói chung có thể hiểu tường tận về các di vật đã kể trên. Điều đáng quan tâm là, những di vật này chưa bao giờ xuất hiện trong các sách dạy mỹ thuật, tài liệu giáo dục văn hóa nghệ thuật chính thống, hoặc có chăng thì rất ít thông tin và hạn chế về hình ảnh. Đây có thể cũng là vấn đề khiến đa phần người dân ở chính nơi có biểu tượng di vật quý hiếm mà không biết, không hiểu, không quan tâm, thậm chí bàng quan, thờ ơ, lãnh đạm. Việc không để tâm đến giá trị di sản tạo hình của cha ông dẫn đến hậu quả là các thế hệ tương lai sẽ không cần phải có trách nhiệm giữ gìn, tôn trọng vốn văn hóa được lưu truyền từ ngàn năm.
Hiện nay, nhiều sản phẩm mỹ nghệ được thiết kế bắt mắt, lộng lẫy, tranh đá quý, tranh giả cổ, đồ phong thủy mạ vàng, bạc lấp lánh xuất xứ nước ngoài nghiễm nhiên đàng hoàng chiếm chỗ trong mỗi gian hàng giới thiệu sản phẩm ở các danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí, nơi tâm linh, tín ngưỡng của địa phương. Chính điều này đã góp phần làm tăng sự nhộn nhạo, hỗn tạp các sản phẩm văn hóa, như thứ virút lây lan, len lỏi tác động trực tiếp vào không gian sinh hoạt, đời sống tinh thần của người dân. Có thể lý giải vấn đề trên một phần do lịch sử, tư tưởng lạc hậu ăn sâu bám rễ và nhận thức thẩm mỹ đơn giản, phần khác do tâm lý đám đông dễ dãi ràng buộc, níu kéo. Dường như nhiều khi một số thể loại văn hóa phẩm nhạt nhẽo, hào nhoáng, kệch cỡm, giả tạo, tầm thường và có giá trị thấp về nghệ thuật lại dễ làm hài lòng, có sức hấp dẫn cuốn hút.
Mặt khác, do con mắt thẩm mỹ còn cảm tính, một số người chưa đủ thông tuệ để hiểu hết vấn đề nên dùng tiền mua những sản phẩm mỹ nghệ với mục đích khoe mẽ, thỏa mãn nhu cầu thị hiếu giản đơn, hoặc để mọi người phải ngưỡng mộ, kính nể. Có một thực tế là hiện nay nhiều gia đình thường mua sắm các sản phẩm mỹ nghệ nhập ngoại, đồ trang sức xa xỉ mà thiếu sự tư vấn, góp ý của những người có chuyên môn. Sự xa hoa sính ngoại, thiếu hụt về văn hóa thẩm mỹ rất dễ gây phản cảm, tới một lúc nào đó sẽ tạo ra lối sống thực dụng, làm cho một số đối tượng trở nên ảo tưởng, xa rời nguồn cội. Khi mà các hình tượng có xu hướng nước ngoài đang tràn lan ngấm dần vào lối suy nghĩ của mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ, thì xét ở một khía cạnh nhất định, đây chính là nguyên nhân làm giảm đi tình yêu quê hương, vô hình chung tạo ra thái độ thờ ơ, vô cảm với chính những biểu tượng, di sản nước nhà.
Có thể thấy, hiện nay, các vật phẩm lạ kỳ, màu mè, hào nhoáng của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, đẹp xấu lẫn lộn, đánh đố và phần nào tác động mạnh mẽ đến thị hiếu người dân. Để hướng người dân đến gần với văn hóa dân tộc, văn hóa cội nguồn, cần có những giải pháp cụ thể, định hướng thẩm mỹ phù hợp.
3. Biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của một số biểu tượng thời kỳ Hùng Vương
Để trả lời đầy đủ cho những vấn đề trên, thực sự cần có những biện pháp đúng đắn nhằm đưa hình tượng thời Hùng Vương mà tiêu biểu là nha chương, bộ khóa thắt lưng bằng đồng, chiếc qua đồng đến gần hơn với thế hệ tương lai, giúp họ hiểu được giá trị của cội nguồn, của văn hóa cộng đồng người Việt được hun đúc từ ngàn đời. Không chỉ là những khẩu hiệu giáo điều chung chung, những phân tích mỹ thuật sáo rỗng khô cứng, thái độ quan tâm hời hợt, đơn điệu, mà cần có các giải pháp cụ thể, sát với xu thế hiện nay.
Cần tổ chức thi tìm hiểu lịch sử, tọa đàm văn hóa, truyền bá, giáo dục, định hướng, dẫn dắt thị hiếu thẩm mỹ người dân, khơi nguồn cảm xúc tích cực trong từng biểu tượng cấp quốc gia, tạo sức hấp dẫn, thu hút, góp phần khơi gợi sự thích thú, yêu mến và ý thức giữ gìn phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Cần có những hội thảo, công trình nghiên cứu văn hóa cổ, công bố rộng rãi giá trị tạo hình các di sản thời kỳ Hùng Vương cho giới học thuật và công chúng biết. Phân loại, đánh giá, đưa hình ảnh vào sách tham khảo, sách giáo khoa nghệ thuật của học sinh nhằm nâng tầm giá trị, tôn vinh các biểu tượng đó một cách xứng đáng.
Bảo tàng Hùng Vương nên có kế hoạch tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan khu khảo cổ và di tích mỹ thuật cổ trong vùng kinh đô Văn Lang, kết hợp với phân tích giá trị di sản, hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ đặc trưng. Khi được nhìn thấy tận mắt, các hình tượng nghệ thuật này sẽ trở nên gần gũi, hấp dẫn, dễ nhớ. Trong quá trình tham quan cần đa dạng hóa bằng cách đưa ra các câu hỏi đố vui, thiết lập trình chiếu slide những phát hiện đặc biệt về các biểu tượng, tạo cơ hội cho học sinh vận dụng những thao tác tư duy của bản thân như: phân tích, so sánh, đánh giá, phát hiện để trả lời. Yêu cầu học sinh nêu những kiến giải cụ thể về hình tượng, khuyến khích viết cảm tưởng dưới dạng chủ đề hoặc tiểu luận nhóm.
Ngoài số ít những hình tượng nghệ thuật điển hình như trống đồng Hùng Vương, rìu đồng... cũng cần bổ sung thêm hình tượng khác của một số vùng miền để người dân dễ so sánh, đối chiếu, tìm ra giá trị khác biệt giữa các di sản trên cả nước. Gợi ý họ tiếp tục sưu tầm, thu thập bằng nhiều nguồn: internet, thư viện, bảo tàng… lựa chọn di vật cổ bằng hình ảnh, tranh vẽ các thể loại đã bị quên lãng, mai một để nghiên cứu, tìm hiểu, trưng bày, sưu tập… sao cho có lợi nhất về mặt bồi dưỡng cảm xúc, nâng cao khả năng thẩm mỹ bản thân.
Các nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư khi sáng tác tác phẩm tượng đài, phù điêu, công trình văn hóa, tâm linh có liên quan đến vùng đất Tổ nên khéo léo vận dụng, chọn lọc đưa những tinh hoa tạo hình một số biểu tượng thời kỳ Hùng Vương vào một cách đúng đắn, chính xác. Như vậy, vừa góp phần bảo tồn di sản, vừa có thể lưu giữ và phát huy giá trị đó ngay trên công trình của mình để công chúng chiêm ngưỡng.
Các họa sĩ, nhà thiết kế, nghệ nhân cần dành thời gian đầu tư, sáng tạo, chuyển thể hình tượng những di vật trên đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ dùng sinh hoạt như vòng tay, vòng cổ, tranh treo tường, đồ để bàn, ống cắm bút, áo in hình, đồ gốm, sứ… nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa thẩm mỹ tinh thần của người dân. Các cơ quan văn hóa cần tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế, tạo dáng, nghiên cứu, trưng bày những sản phẩm đó cho công chúng được chiêm ngưỡng. Để các cổ vật có sức sống lâu bền, trường tồn thì phải cho chúng được sống, hòa cùng dòng chảy của đời sống đương đại.
Các cấp, các ngành quản lý văn hóa tại cơ sở, địa phương, phương tiện thông tin đại chúng cùng cộng tác có trách nhiệm trong việc chú trọng quảng bá, tuyên truyền tạo sự lan tỏa những hình tượng nghệ thuật như nha chương, bộ khóa thắt lưng đồng, qua đồng… đến với mọi tầng lớp thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, chuyên mục văn hóa… Có như vậy, việc lưu giữ bảo tồn giá trị độc đáo của những biểu tượng đó mới có thể được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Di sản dân gian đất Tổ nói chung, hình tượng nghệ thuật nha chương, bộ khóa thắt lưng bằng đồng và qua đồng nói riêng là tài sản quý giá để lưu truyền cho thế hệ sau, giúp họ ghi nhớ những cổ vật đang dần bị mai một, tìm lại giá trị đích thực của văn hóa truyền thống trước xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Do vậy, việc bảo tồn một số di sản hình tượng nghệ thuật thời Hùng Vương nhằm xác định tầm quan trọng, giá trị minh triết của nó đối với thế hệ tương lai đất nước là điều rất cần thiết. Nó giúp cho người dân thêm trân quý thế giới tinh thần của người Việt cổ qua cái nhìn từ nhiều chiều tâm thức, để cảm nhận được ý chí tự lực tự cường trong lao động và chiến đấu, tinh thần đoàn kết, trí tuệ mẫn tiệp, sự thông thái của người Hùng Vương xưa. Thông qua các hình tượng nghệ thuật, họ sẽ hiểu rõ hơn sự gắn kết cộng đồng làng nước, mối quan hệ con người với con người và con người với thiên nhiên, phong tục tập quán tín ngưỡng…, từ đó thêm yêu hơn, biết trân trọng, giữ gìn, phát huy, vinh danh những giá trị lịch sử ngàn đời của đất nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : NGUYỄN QUANG HƯNG