Trong vài thập niên gần đây, rất nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng được tu bổ, phục hồi và xây mới. Nhiều nơi đã, đang xuất hiện những ngôi chùa, pho tượng, hiện vật mới ra đời, thi nhau lập kỷ lục về sự to lớn, hoành tráng, chưa từng có. Hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng diễn ra thường xuyên, thu hút ngày càng đông tín đồ, công chúng, nhất là vào các dịp lễ, tết, hội hè. Làn sóng đó khiến ta liên tưởng đến sự phục hưng mạnh mẽ của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong giai đoạn đất nước hòa bình, thống nhất.
Trong trào lưu chung đó, các di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng cũng nhận được sự quan tâm bảo vệ, gìn giữ của cộng đồng. Việc công đức không chỉ dừng ở hoạt động tu bổ tôn tạo di tích, mà còn cung tiến hiện vật để bày đặt ngoài . Các di tích còn nhận được nhiều hiện vật cung tiến để bày đặt ngoài khuôn viên và trong nội thất. Tuy nhiên, đã xuất hiện không ít trường hợp tiếp nhận và bài trí các hiện vật một cách thiếu cân nhắc về số lượng, loại hình, kích thước, sự phù hợp của các hiện vật được cung tiến, gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội thời gian vừa qua. Việc tiếp nhận các hiện vật được cung tiến một cách tự phát, không theo quy ước truyền thống đã dẫn đến sự lãng phí. Nhiều hiện vật đã có trong di tích nhưng vẫn được tiến cúng như các bức đại tự, đồ tự khí, những pho tượng Phật giáo. Một số hiện vật cung tiến không phù hợp với quy mô di tích, cái thì lớn quá, cái lại quá nhỏ gây khó cho những người trực tiếp trông nom di tích, đưa vào thì chật chội, bỏ đi thì lãng phí. Một số nơi đã phải làm nhà kho để chứa các hiện vật chưa phù hợp này. Những hiện vật từ xưa chưa từng có trong di tích lịch sử, văn hóa ở nước ta cũng được cung tiến ngày càng nhiều như những cây đèn đá, kim loại kiểu nước ngoài, những linh vật sư tử bằng đá. Việc tô lại, thay mới tượng, đồ thờ tưởng như làm đẹp cho di tích, vô hình chung lại phá mất giá trị nguyên gốc của các di vật, cổ vật. Những sai lệch trong bài trí tại di tích bị tác động mạnh hơn ở nơi có các đại gia bỏ tiền công đức với những yêu cầu đền, chùa được tu sửa tôn tạo theo ý mình. Đồ thờ tự trong đình chùa, đền cũng đã hiện đại hóa rất nhiều. Sự lạm dụng thái quá hệ thống đèn điện, đèn led tạo ra các ánh sáng màu, nhấp nháy... làm cho di tích giảm dần sự tôn nghiêm vốn có.
Thêm vào đó, việc bài trí tại một số di tích liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta đã bị xáo trộn từ trước, một số đình, đền, chùa, miếu bị phá hủy, bỏ hoang, tượng thờ, đồ tự khí phần bị đập bỏ, phần được dồn về một chỗ, nên không ít di tích hiện nay bày biện những đồ thờ tự không phù hợp với loại hình tôn giáo, tín ngưỡng. Trường hợp ngôi chùa bày cả đồ thờ, tượng vốn ở đình và đền trong nội thất, hoặc trong đền bày cả hiện vật đồ thờ tự ở chùa, đình không phải là hiếm.
Thực tế của sự pha trộn, dung nạp hiện vật giữa các tôn giáo, tín ngưỡng vừa phản ánh quá trình biến động của đất nước, vừa cho thấy sự dung dị, không quá khắt khe trong một số hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Do đó cần phải có những nghiên cứu thấu đáo để có những hướng dẫn phù hợp, nâng cao nhận thức của cộng đồng, những người cung tiến, tiếp nhận và lãnh đạo chính quyền địa phương nhằm bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa một cách tốt nhất.
Các nghiên cứu về kiến trúc truyền thống cho thấy di tích lịch sử văn hóa liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta như đình, đền chùa, đều được người xưa dựng lên ở những vị trí phù hợp với quan niệm tâm linh của từng thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng.
Đình thờ thành hoàng làng được dựng tại nơi có khả năng tạo phúc cho dân làng; chùa làng được chọn ở những địa điểm có phong cảnh đẹp, tiện cho việc tu hành của sư và lễ bái của dân làng, khách thập phương; đền làm ở chỗ có liên quan đến nơi sinh, nơi hóa và làm việc lúc sinh thời của thần. Dựa vào các di tích hiện còn chúng ta thấy đến thời Lê Trung hưng (TK XVII - XVIII) đình, chùa, đền ở nước ta đều được xây dựng, mở mang quy mô to lớn hơn cả. Đình đã có hậu cung, tả vu hữu vu với hai nếp (chữ nhị); chùa có kiểu trăm gian quy mô rộng lớn; đền quy hoạch theo lối ba nếp chữ tam, kèm thêm ống muống chữ vương hoặc “nội công - ngoại quốc”. Ngoại trừ một số chùa, đền lớn như chùa Keo (Thái Bình), đền Đinh, Lê (Ninh Bình), chùa Đại Bi (Nam Định) có cổng (tam quan) theo kiểu mặt bằng ba hàng chân, nhiều đình, đền, chùa làng vốn không có cổng. Đến thời Nguyễn mới bắt đầu xuất hiện một số cột kiểu tứ trụ (Văn Miếu, đền Quán Thánh, đình Chèm, chùa Láng - Hà Nội) bên ngoài cổng chính. Những di tích xây cổng dạng ngăn cách, bảo vệ về sau cũng nhiều dần lên, thịnh hành ở các khu đô thị dân cư đông đúc.
Việc bài trí hiện vật cũng tùy theo quy mô của từng kiến trúc. Những chùa, đền xây dựng lớn theo kiểu mặt bằng kiến trúc nội công - ngoại quốc, trăm gian thường có nhiều hiện vật hơn những kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh (chuôi vồ). Theo lẽ thường, việc bài trí trong mỗi di tích liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ những quy ước nghiêm ngặt mà những người theo tín ngưỡng tôn giáo đó quy định, thực hiện và trao truyền. Chùa bài trí hệ tượng Phật giáo, các hoành phi câu đối, đại tự đều nói về công đức của Phật và những việc liên quan đến Phật giáo. Các hiện vật, đồ tự khí bày biện ở đình, đền cũng đều liên quan đến thành hoàng hoặc vị thần được thờ. Việc bài trí hiện vật ở mỗi di tích tùy thuộc vào quy mô lớn nhỏ và các hạng mục của di tích. Xưa kia hiện tượng đưa, du nhập các hiện vật thuộc tín ngưỡng, tôn giáo này vào không gian sinh hoạt tín ngưỡng của tín ngưỡng, tôn giáo kia không bao giờ xảy ra trừ một số trường hợp do biến động xã hội.
Khuôn viên bên ngoài di tích trước đây hiếm thấy có bày biện gì, thông thường là một khoảng sân rộng để làm lễ và các sinh hoạt văn hóa mỗi kỳ hội lệ. Ở những ngôi đền lớn như đền Đinh, Lê (Ninh Bình), đền Cổ Loa, Quán Thánh (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương) ngoài sân chỉ bày một chiếc bàn hoặc hương án bằng đá với một bát nhang hai bên sân có hàng cờ đuôi nheo để phục vụ cho việc tế lễ. Một số chùa có dựng cây hương đá để thắp nhang mỗi khi có việc tế lễ. Cá biệt tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) từ thời Lý có tạc một dãy các con thú trước tòa tam bảo, đền Voi Phục (Hà Nội), thời Nguyễn có đắp tượng voi ngoài sân. Việc tạc tượng một số quan văn võ, hầu cận và một số loài vật như: voi, ngựa, hổ, chó… đứng canh ngoài khuôn viên chỉ phổ biến tại một số lăng mộ quan lại và vua chúa từ thời Lê.
Phía trước các kiến trúc đền, chùa, miếu ở bậc tam cấp có nơi làm lan can thành bậc bằng đá, ở đền, điện, lăng lan can thường chạm hình rồng; lan can thành bậc chùa phổ biến chạm hình sấu đá.
Những năm gần đây do ảnh hưởng của kinh tế thị trường mới có hiện tượng những người giàu có cung tiến sư tử đá đặt trước cổng đền, chùa, đặt các chậu cây cảnh, cây đèn đá, đèn đồng kiểu nước ngoài ở sân đền, sân chùa, đặt tượng phật Quan Âm Bạch Y tay cầm bình nước cam lồ ở khuôn viên chùa hoặc xây dựng nhiều công trình mới khác như tháp cao, tượng Phật lớn, tượng Phật giáo Khơme, tượng La hán Trung Hoa ở khuôn viên chùa Việt. Một số di tích, do người đến hành hương nhiều việc thắp hương, hóa vàng gây ảnh hưởng đến nội thất di tích nên đã làm nồi hương đặt ở sân trước và xây nơi để hóa vàng.
Trong nội thất di tích, việc bài trí cũng có những sự khác nhau giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và biến chuyển theo thời gian. Trong đình xưa kia hầu hết chỉ thờ long ngai, bài vị của thần tại ngôi miễu ngoài cánh đồng đến ngày hội mới rước về đình làm lễ, hết hội lại rước ra ngoài miễu. Trong khám thờ ở đình thường đặt hương án, long ngai, bài vị của thần được thờ, y phục của thần, bộ tam sự, ngũ sự, thất sự; hòm sắc bát bửu được cắm ở giá đặt phía trước hai bên khám thờ, kiệu rước thường được cất trong hòm hoặc cất giữ ở một bên chái đình. Trên các hạng mục kiến trúc của đình còn có các bức đại tự, hoành phi câu đối. Ở đại bái thường treo trống, mõ. Trước khám thờ một số đình làng thường có hàng chữ Nho Thánh cung vạn tuế, đây là một trong những dấu hiệu để phân biệt đình với đền của làng. Những năm sau cách mạng tháng Tám, do nhiều nguyên nhân, dân số phát triển, quy hoạch làng xóm thay đổi, hầu hết ngôi miễu ngoài cánh đồng không còn nữa, long ngai, bài vị được đưa về đặt trong khám thờ ở đình, đồ tự khí nhiều thêm, một số đình còn được cung tiến cả chuông và tượng thành hoàng nên trong nội thất của một số đình có thêm những hiện vật này. Số ít ngôi Miễu còn lại được nâng cấp, mở mang trở thành nơi thờ của thành hoàng của làng xóm mới (xóm trại). Đình ở Nam Bộ có nhiều ban thờ, ngoài ban thờ vị thần hoàng ở chính giữa còn có các ban thờ tiền hiền, hậu hiền, tả ban, hữu ban, ngũ hành... nên đồ tự khí khá nhiều, tuy nhiên tại những ngôi đình này cũng chưa thấy xuất hiện tượng thờ. Đình là của làng nên trong các pho sử cũ hầu như không nhắc đến một ngôi đình nào, khác hẳn với việc thường xuyên mô tả các vua chúa xưa cho xây dựng, thăm viếng chùa, đền, lăng tẩm.
Việc bài trí trong nội thất đền phong phú hơn ở đình, trong đền ngoài hoành phi câu đối đại tự, đồ tự khí bao gồm đồ lỗ bộ, bát bửu, cờ mao tiết, đôi lọng, đôi hạc đứng trên lưng rùa, bạch mã, hồng mã, cờ vía, biển “tĩnh túc”, “hồi tỵ”, kiệu long đình, kiệu thánh. Ngoài long ngai, bài vị, bộ tam sự, ngũ sự, thất sự, hòm sắc. Một số đền còn tạc tượng các vị thần được thờ và người thân của thần như vợ, con, các tướng lĩnh phò tá, người hầu, người đội đèn. Ở những ngôi đền thờ võ tướng có thêm giá kiếm, giá súng. Cá biệt một vài ngôi đền có cả voi ngựa bằng đá đặt bên trong tiền tế. Gần đây người ta còn đưa thêm các ban thờ cha, mẹ các vị thần vào thờ cùng. Hầu hết các đền thờ đã bổ sung tượng thần để thờ. Tại những ngôi đền linh thiêng thu hút nhiều người đến lễ còn bày vẽ thêm nhiều nghi thức mới như phát ấn, phát lương, phát lộc... thực chất là bán với giá cao để kiếm lời. Những hoạt động mang tính vụ lợi ở di tích đã, đang làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống.
Do quy mô của các ngôi chùa rất khác nhau nên việc bài trí bên trong mỗi ngôi chùa cũng không đồng đều. Những ngôi chùa trăm gian có mặt bằng kiểu nội công ngoại quốc bên trong có rất nhiều tượng thờ kèm theo đồ thờ cúng, chùa lớn có tới vài trăm pho tượng. Một số chùa còn có cả tháp cửu phẩm liên hoa, gác chuông, hành lang thờ thập bát la hán. Những ngôi chùa làng quy mô nhỏ, mặt bằng hình chuôi vồ chỉ có vài chục pho tượng. Bài trí ở chùa ngoài việc phụ thuộc vào quy mô to nhỏ của chùa còn mang dấu ấn của các tông phái. Những ngôi chùa Thiền tông thiên về thanh tịnh, thoáng đãng; Những ngôi chùa Tịnh Độ tông ưa màu sắc, nhiều ban thờ, cờ phướn; chùa Mật tông lại thiên về sự u tịch, huyền bí. Ngày nay ít ai quan tâm đến những khác biệt về tông phái Phật giáo nên việc bài trí tùy thuộc vào những người trụ trì nhằm thu hút khách đến hành hương, lễ bái.
Xưa kia, để hạn chế sự lộn xộn trong thờ cúng thần linh, chính quyền quân chủ trung ương đã có những quy định nhằm điều chỉnh hoạt động ở các nơi thờ tự. Từ thời Trần, triều đình ban sắc phong cho các vị thần, quy định những loại đồ tự khí, vật phẩm được dùng, tế tự đối với từng phẩm cấp của thần để tiện phân biệt, tăng sự tôn nghiêm, tránh lãng phí. Các quy định trên gần như đã được định hình cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại các làng quê từ thời Lê Trung Hưng cho đến thời Nguyễn.
Hiện nay, Nhà nước ta không ban hành những quy định cụ thể về các loại hiện vật và việc bài trí đối với từng loại hình di tích và các cấp di tích. Về cơ bản vẫn tôn trọng các loại hình hiện vật và cách bài trí truyền thống vốn có tại di tích trước khi được xếp hạng. Tuy nhiên, do đất nước trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, phần lớn di tích bị hủy hoại, xuống cấp, hiện vật trong di tích bị mất mát, hư hỏng. Nhu cầu thực tế về hiện vật ở mỗi di tích rất khác nhau. Nơi hiện vật bị mất cần bổ sung, nơi hiện vật hư hỏng cần tu sửa, bảo quản; nơi thừa hiện vật này, thiếu hiện vật kia cần được điều chỉnh. Do một thời gian dài di tích bị lãng quên, những ghi chép, tài liệu về di tích không nhiều, lại không được gìn giữ cẩn thận, thế hệ những người am hiểu về di tích còn lại rất ít, trí nhớ không đầy đủ, nên thiếu các cơ sở khoa học cho việc bổ sung, sắp xếp lại hiện vật ở di tích. Vì vậy khi đất nước đang trên đà phát triển, hòa bình, thịnh vượng, văn hóa truyền thống phục hưng, các công trình kiến trúc liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ được Nhà nước công nhận, xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, hoạt động hội hè được phục hồi, nâng cấp. Nhiều công trình còn được xây mới to lớn, quy mô bề thế lớn hơn các công trình cổ vài chục lần, tạo nên một diện mạo mới cho hoạt động tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta, nhất là các ngôi chùa như Bái Đính (Ninh Bình), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), Bạch Liên (Đồng Nai), các thiền viện Trúc lâm Yên Tử, Tây Thiên, Bạch Mã...
Nhìn lại lịch sử nước ta suốt mấy nghìn năm thăng trầm, biến động, mỗi khi đất nước hưng thịnh, thái bình lại là cơ hội cho sự xây dựng, mở mang, đời sau làm to lớn hơn đời trước.
Thời kỳ Lý - Trần (TK XI- XIV) chứng kiến sự bùng nổ của các công trình xây dựng liên quan Phật giáo. Song song với quá trình củng cố, mở mang, xây mới thành quách, cung điện ở kinh đô Thăng Long và các địa phương là việc triều đình cho xây dựng hàng loạt chùa tháp ở khắp nơi trong cả nước. Ngày nay chúng ta còn thấy di tích của các ngọn tháp Tường Long (Hải Phòng), Phật Tích (Bắc Ninh), Đọi Sơn (Hà Nam), Bình Sơn (Vĩnh Phúc), Phổ Minh, Chương Sơn (Nam Định)...
Sau kháng chiến chống quân Minh, đầu TK XV, triều đình Lê sơ cấm xây dựng chùa mới, hạn chế các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, khi nhà Mạc chiếm ngôi của nhà Lê TK XVI cho đến thời Lê Trung hưng TK XVII - XVIII, Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian không còn bị nghiêm cấm, hạn chế như trước. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây dựng mới hoặc trùng tu mở mang với quy mô rộng lớn hơn. Nhiều công trình còn lại đến ngày nay cho chúng ta thấy ở giai đoạn này kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có một diện mạo hoàn toàn mới. Tiêu biểu là các ngôi chùa Trăm gian, Thày, Bối Khê, Tây Phương, Kim Liên (Hà Nội), Dâu, Bút Tháp (Bắc Ninh), Keo (Thái Bình), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Thái Lạc (Hưng Yên)…Những ngôi đền như Voi Phục, Bạch Mã, Kim Liên, Quán Thánh, Phù Đổng (Hà Nội), Đô (Bắc Ninh)... Những ngôi đình như Tây Đằng, Liên Hiệp, Phùng, Chu Quyến (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc) Lỗ Hạnh, Phù Lão (Bắc Giang), Chảy (Hà Nam), Diềm (Bắc Ninh), Bảng Môn (Thanh Hóa), Hoành Sơn (Nghệ An)...
Thời kỳ này xuất hiện hệ thống chùa có tòa cửu phẩm liên hoa như Bút Tháp (Bắc Ninh), Thứa (Hưng Yên), Giám, Động Ngọ, Hun (Hải Dương)... Một số chùa xây gác chuông nhiều tầng như Keo, Ngăm; chùa Bút Tháp ngoài tòa cửu phẩm liên hoa là hệ thống lan can đá, tháp đá; chùa Thày có Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều...
Các ngôi đình đã trở thành nơi để nghệ nhân của các phường thợ phô diễn tài năng chạm khắc các hình tượng nghệ thuật, người, động vật, hoa cỏ, linh vật, mỗi nơi một vẻ.
Việc bài trí tại các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống đòi hỏi cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đối với các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng càng cần có sự xem xét cẩn trọng khi đưa những hiện vật mới vào bày biện nhằm bảo đảm gìn giữ sự toàn vẹn, tính xác thực của di tích. Cần vận dụng tốt các lý thuyết về bảo tồn di tích, ở những nơi di tích được bảo tồn tốt, hiện vật vốn có trong di tích ít bị hư hỏng, thất thoát, không gian, môi trường di tích ít bị xáo trộn như đền Đinh, Lê (Ninh Bình) việc bài trí tại di tích cần được bảo tồn nguyên trạng. Những di tích đã bị hư hỏng, hiện vật bị thất thoát, khi tu bổ cần nghiên cứu đề phục hồi lại cách bài trí vốn có tại di tích, giữ lại tất cả các hiện vật chưa bị hư hỏng thất thoát, phục hồi các hiện vật đã bị hư hỏng, thất thoát theo quan điểm bảo tồn kế thừa. Đối với những di tích đã trở thành phế tích, hiện vật hầu như đã bị hư hỏng, thất lạc hết. Sau khi di tích được phục hồi, tôn tạo, việc bài trí hiện vật trong di tích cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tùy theo tình trạng tư liệu khoa học để phục hồi và bài trí của di tích, có thể áp dụng quan điểm bảo tồn kế thừa hoặc quan điểm bảo tồn và phát triển cho phù hợp với thực tiễn ở từng di tích.
Đối với những di tích đã có những hiện vật lạ đưa vào cần có sự nghiên cứu trao đổi trên cơ sở pháp luật, tạo sự đồng thuận chung trước khi đưa ra những quyết định xử lý, tránh đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Thực tế cuộc sống rất sinh động, luôn phát triển trước khi các lý thuyết hình thành, Vì vậy, đứng trước sự muôn hình, muôn vẻ của việc bài trí đang diễn ra ở di tích hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực di sản văn hóa cần nghiên cứu làm rõ cho cộng đồng địa phương và những người trực tiếp trông nom di tích về việc bài trí của di tích đã định hình trong quá khứ, theo truyền thống của địa phương, không bày vẽ thêm hoặc bắt chước nơi khác. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu về hiện vật ở từng di tích, hiện vật nào còn thiếu cần bổ sung, hiện vật nào hư hỏng cần bảo quản, tu bổ, hiện vật nào thừa, không phù hợp cần xử lý cất vào kho hoặc chuyển cho nơi có nhu cầu phù hợp. Xây dựng kế hoạch vận động người cung tiến theo đúng yêu cầu về số lượng, loại hình, kích thước, chất liệu, màu sắc hiện vật tránh thừa và không phù hợp. Kiên quyết không nhận những hiện vật, không phù hợp với di tích và truyền thống địa phương. Người công đức cũng cần có nhận thức đúng đắn, không áp đặt người tiếp nhận phải bày đặt hiện vật theo ý muốn của mình. Chỉ có sự am hiểu sâu sắc và sự tôn trọng truyền thống, không phô trương, việc bài trí tại các di tích lịch sử văn hóa mới có thể đi vào nề nếp, đem lại cho di tích vẻ đẹp và sự tôn nghiêm vốn có.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016
Tác giả : NGUYỄN QUỐC HÙNG