LỄ HỘI YÊN THẾ, TỪ HOÀNG HOA THÁM VÀ DÀNH CHO HOÀNG HOA THÁM

Lễ hội Yên Thế xuất hiện khá muộn và gắn với nhân vật lịch sử có thực là Hoàng Hoa Thám. Sự nghiệp chống thực dân Pháp suốt gần 30 năm xung quanh núi rừng Yên Thế của vị thủ lĩnh Đề Thám không chỉ để lại một chiến tích quân sự lừng lẫy mà còn để lại những tập tục, di vật có giá trị tín ngưỡng và lịch sử làm cơ sở cho việc cộng đồng duy trì và tôn vinh thành một hệ thống di sản tâm linh, văn hóa cấp quốc gia. Nói cách khác, lễ hội Yên Thế chính là nơi phản ánh rõ nhất quá trình ký ức cộng đồng tiếp nhận, lưu giữ hình ảnh của Đề Thám.

1. Lịch sử Lễ hội Yên Thế

Ban đầu Lễ hội Yên Thế có nguồn gốc là lễ hội Phồn Xương, là hội mùa do dân các làng thuộc Thông Trung tổ chức, sau khi thu hoạch, vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hàng năm tại đình Phồn Xương. Họ tự nguyện mang những nông sản đến tạ thần linh và cầu xin mùa sau được bội thu. Từ 1897, lễ hội Phồn Xương được thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám tổ chức vào các ngày từ 10 - 16 tháng giêng, mục đích chính là mượn lễ hội để thu hút nhân tài, nhân lực cho lực lượng của nghĩa quân Yên Thế. Trong phần lễ Hoàng Hoa Thám tổ chức thêm nhiều nghi lễ tâm linh như: lễ lập đàn cầu siêu cho vong hồn nhân dân quanh vùng, các nghĩa quân, tướng lĩnh tử trận, lễ phóng ngư thả điểu cầu an, thể hiện tinh thần quyết giành tự do độc lập. Bên cạnh đó, ông còn cho tổ chức nhiều hoạt động khác ở phần hội như hát tuồng, chèo, đánh cờ tướng, cờ người, thi thổi cơm niêu, làm bánh, vật, võ, bắn súng, cung, nỏ…

Những hoạt động này được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, khiến cho quy mô lễ hội ngày càng mở rộng, thu hút cả nhân dân các vùng khác đến tham dự. Các làng, các thôn như Yên Thế, Cầu Khoai, thôn Thượng thuộc Thông Thượng (nay là Tam Hiệp), thôn Lèo, Mạc, Trung và các làng như làng Nứa cũng nấu cỗ và tổ chức đám rước kiệu về đình Phồn Xương. Như vậy, ngày lễ hội Phồn Xương, thời Hoàng Hoa Thám hoạt động kháng Pháp, từ một nghi lễ nông nghiệp truyền thống của một địa bàn (Phồn Xương) đã trở thành một lễ hội đương đại vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa có mục đích chính trị thiết thực cho vùng Yên Thế và có lẽ còn rộng hơn nữa. Và, so với những lễ hội thờ nhân vật hiển linh khác như lễ hội Bà Chúa Kho, lễ hội Bà Tơ hay hội Gióng… lễ hội Phồn Xương - Yên Thế trong quá trình phát triển có sự tham gia của chính nhân vật Hoàng Hoa Thám ở cả hai phương diện: vừa là người chủ lễ vừa là người (sau khi mất trở thành nhân vật hiển linh) được thờ phụng. Điều này dẫn đến việc kế thừa trọn vẹn hay lặp lại một số nghi lễ do chính Đề Thám đã thực hiện ở lễ hội Phồn Xương trong nghi thức tế lễ ông tại lễ hội Yên Thế sau này.

Từ sau năm 1913, khi khởi nghĩa Yên Thế thất bại, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám hy sinh, lễ hội Phồn Xương không còn được tổ chức quy mô như trước. Cho rằng Đề Thám mất ngày 5 tháng giêng âm lịch, lễ giỗ ông được tổ chức vào ngày này. Lễ hội Phồn Xương vì lẽ đó cũng được tổ chức ngày 5 tháng giêng âm lịch, với quy mô nhỏ gọn, tập trung lễ Phật, thần, giỗ Hoàng Hoa Thám mà không chú trọng phần hội (1).

Từ sau năm 1945, đình, đền và chùa Phồn Xương nhiều lần bị tàn phá chỉ còn nền đất, nhân dân Phồn Xương đã trùng tu, cúng tế, và tổ chức giỗ Hoàng Hoa Thám tại đây. Một thời gian sau đó, tình hình thay đổi, nhu cầu khích lệ tinh thần dân chúng chống ngoại xâm từ phía nhà nước đã gặp gỡ nhu cầu tín ngưỡng cũng như tình cảm tự nhiên của người dân địa phương và lễ hội Phồn Xương được tổ chức thường xuyên hơn.

Đặc biệt, năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa Yên Thế, UBND Hà Bắc đã quyết định đổi tên lễ hội Phồn Xương thành lễ hội Yên Thế, đồng thời chọn thời gian tổ chức vào ngày 16 -3 dương lịch hàng năm. Mục đích để biểu dương truyền thống đấu tranh anh dũng của Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân, phát huy tinh thần, truyền thống thượng võ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất    nước (2). Từ đó đến nay, lễ kỷ niệm khởi nghĩa Yên Thế và tưởng niệm Hoàng Hoa Thám được tổ chức hàng năm tại thị trấn Cầu Gồ. Những năm lẻ, lễ hội do UBND huyện Yên Thế tổ chức, quy mô đơn giản và nhỏ gọn; những năm chẵn do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức với quy mô hoành tráng hơn. Sự tham gia của chính quyền vào việc tổ chức lễ hội đã làm cho lễ hội Yên Thế mang tính chất quan phương, khác hẳn với tính chất làng xã như một số lễ hội khác. Thực tế, đây không phải là một hiện tượng mới lạ, trái lại rất gần gũi với ứng xử của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, như Tạ Chí Đại Trường đã quan sát thấy (3).

2. Nghi tiết tổ chức lễ hội Yên Thế theo dòng thời gian      

Nghi lễ và đám rước trong lễ hội Yên Thế (2009) đã được tác giả Bùi Văn Thành mô tả khá chi tiết (4). Còn quan sát của tác giả bài viết trong chuyến khảo sát thực địa tại Lễ hội Yên Thế (từ 16 đến 18-3-2012 và 2014) thì nghi lễ chính diễn tiến như sau:

Năm 2012, lễ hội Yên Thế do huyện Yên Thế tổ chức. Lễ hội thu hút khá đông du khách cùng nhân dân địa phương, bên cạnh đó còn có sự hiện diện của lãnh đạo cấp tỉnh. Lễ khai mạc và dâng hương diễn ra tại khoảng sân dưới chân tượng đài Hoàng Hoa Thám. Trước giờ khai mạc, đoàn đại biểu của các xã cùng tề tựu về khu vực diễn ra lễ hội. Mỗi đoàn đều chuẩn bị mâm lễ gồm xôi, gà, thủ lợn, hoa quả, oản..., đại biểu và nhân dân trong đoàn mặc trang phục dân tộc, tay cầm cờ, hoa. Đoàn đại biểu con cháu họ Hoàng ngoài mâm lễ vật còn có vòng hoa tươi và một bức chướng. Đoàn xã Phồn Xương rước nồi hương từ chùa Lèo, đi đầu là bốn thanh niên khênh kiệu, trên kiệu có nồi hương lớn, đi sau có 10 thanh niên mặc quần áo nâu, đầu chít khăn, tay cầm lọng che, đi theo đoàn rước còn có đội múa lân sư vừa đi vừa chiêng chống tưng bừng đem lại không khí náo nhiệt cho buổi lễ. Lễ khai hội được mở đầu bằng một diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của thủ lĩnh và nghĩa quân Yên Thế. Sau đó, ba hồi chiêng trống nổi lên vang động một vùng núi rừng, đoàn chèo Bắc Giang diễn lại cảnh lễ tế cờ năm xưa của nghĩa quân Đề Thám. Buổi tế lễ được phục dựng lại một cách sinh động và long trọng cùng với diễn xuất của NSƯT Thanh Hải - một nghệ sĩ có thâm niên đóng vai Đề Thám. Trước lá cờ đại nghĩa với dòng chữ Hoàng nghĩa kỳ, người xem cũng cảm nhận rõ ràng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất và lòng quyết tâm đánh đuổi kẻ thù của những con người Yên Thế năm xưa. Sau lễ tế cờ, phần lễ dâng hương tưởng niệm người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và những nghĩa quân Yên Thế diễn ra trang nghiêm, xúc động. Các đoàn đại biểu của tỉnh, huyện, xã, thị trấn, con cháu họ Hoàng, bà con nhân dân và du khách thập phương… đều thành kính dâng nén tâm nhang lên vị thủ lĩnh nghĩa quân. Màn biểu diễn võ sáo của nghệ nhân Trịnh Như Quân và múa lân sư, đồng diễn võ thuật của hơn 100 em học sinh trường dân tộc nội trú của thị trấn Cầu Gồ khép lại lễ khai hội.

Trong chùa Phồn Xương, đại diện ban tổ chức lễ hội, các sư sãi, người cao tuổi và nhân dân làm lễ tế linh hồn các nghĩa sĩ và lễ giỗ Hoàng Hoa Thám. Lễ vật và trình tự nghi lễ cúng được thực hiện đúng như những nghi lễ truyền thống. Riêng lễ phóng ngư thả điểu được lồng ghép vào hoạt cảnh lễ tế cờ của đoàn chèo Bắc Giang. Trong đoạn diễn, nghệ sĩ đóng vai Đề Thám đã mô phỏng hành động phóng ngư thả điểu của ông lúc sinh thời.

Phần hội được diễn ra ngay sau đó, trên dải đất bao quanh đền Thề, dọc thành Phồn Xương, những trò chơi dân gian đã tái hiện truyền thống văn hóa lâu đời của vùng đất Yên Thế như thi đấu võ thuật, vật cổ truyền, bắn cung, bắn nỏ, thi trang phục dân tộc đẹp, thi nấu cỗ bày cỗ khéo,… Bên cạnh đó, phần hội cũng xuất hiện nhiều trò chơi hiện đại như ném bóng, vòng quay may mắn, phi tiêu… người chơi thắng được thưởng bằng thú bông, bia, nước ngọt…Một số gian hàng bán đồ chơi, đồ dùng, quần áo, vật lưu niệm của Trung Quốc cũng xuất hiện trong không gian lễ hội. Từ tối 15 đến 18-3, phần hội có thêm chương trình ca nhạc và diễn chèo của đoàn nghệ thuật Bắc Giang, giao lưu văn nghệ của các xã, chiếu phim Thủ lĩnh áo nâu. Chương trình lễ hội Yên Thế được đài truyền hình tỉnh, đài phát thanh huyện Yên Thế đưa tin trong mục thời sự, phóng sự chuyên đề.

 
 
 
Lễ hội Yên Thế. Ảnh tư liệu 
 

Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế, 30 năm tổ chức lễ hội Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã đứng ra tổ chức lễ hội. Ngày 13-3-2014, chúng tôi đã phỏng vấn trực tiếp ông Thạch Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Trưởng ban tổ chức lễ hội Yên Thế về công tác chuẩn bị cho lễ hội. Với câu hỏi: “Xin ông cho biết Lễ kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 2014) năm nay có gì mới so với những năm trước?”, ông Thạch Văn Chung cho biết, tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể bằng văn bản, đồng thời đầu tư kinh phí lớn cho huyện để tổ chức một lễ hội quy mô, hoành tráng hơn mọi năm.

Theo quan sát của chúng tôi tại lễ hội, BTC đã lược bỏ các nghi lễ rước, lễ tế và dâng hương Hoàng Hoa Thám được thực hiện sau phần cắt băng khánh thành tượng đài Hoàng Hoa Thám diễn ra từ chiều 15-3-2014. Tại đền Thề, các sư sãi, người cao tuổi, đại diện BTC và nhân dân đã làm lễ cúng cầu siêu các vong hồn nghĩa sĩ và giỗ Hoàng Hoa Thám. Lễ vật cúng tế gồm 7 mâm với đầy đủ các thức như: lợn quay, gà trống luộc, bánh chưng, bánh dày, bánh gio, chè lam, xôi, rượu, muối trắng… được đặt tại ban chính. Ngoài ra, tại ban thờ Hoàng Hoa Thám còn có thêm thủ lợn và mâm xôi oản, bánh kẹo, hoa quả... Vị chủ trì đền Thề được chọn chủ trì nghi lễ cúng, đọc bài cúng Đương cảnh thành hoàng, cúng thánh, cúng phật. Tiếp đó, ở phần giỗ Hoàng Hoa Thám, vị chủ trì báo cáo việc chuyển đổi tượng đài Đề Thám, sau đó đọc bài cúng, nội dung thể hiện nỗi niềm nhớ thương, bày tỏ sự biết ơn và ghi nhớ công lao của vị thủ lĩnh, cầu mong vong hồn cụ Đề anh minh chứng giám cho tấm lòng của nhân dân. Tại đền Bà Ba, sư sãi và người cao tuổi cũng dâng lễ gồm xôi, gà, thịt lợn, các loại bánh, hoa quả, tiền vàng… lên ban thờ của Bà Ba để làm lễ cầu an cho nhân dân.

Sáng 16-3-2014, chương trình khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài THVN (VTV2, VTV4, VTV5) và truyền hình địa phương. Sân khấu được dựng xuống bãi đất rộng cách phía bên phải tượng đài mới khoảng 200m và được đầu tư phông cảnh, hệ thống đèn led, tăng âm loa đài hiện đại. Sau phần diễn văn khai mạc của vị lãnh đạo tỉnh, phát biểu của lãnh đạo trung ương, màn diễn mô tả lế tế cờ được thay bằng một chương trình nghệ thuật Hùng ca Yên Thế và khát vọng tự do với sự tham gia của hàng trăm diễn viên thuộc đoàn nghệ thuật trung ương, đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Giang và các em học sinh trên địa bàn thị trấn Cầu Gồ. Màn bắn pháo hoa, lễ thả điểu, thả bóng bay do các nghệ sĩ và ban tổ chức thực hiện khép lại chương trình.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi, sinh động suốt ba ngày đêm (15, 16, 17). Các đình, chùa, di tích, đồn lũy, nhà truyền thống được mở cửa đón khách thăm quan. Thanh thiếu niên, học sinh cắm trại, biểu diễn võ thuật, thi bắn súng, bắn cung nỏ, thi đấu cờ người, đu, vật, bóng chuyền, bóng đá, thi tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thi người đẹp mặc trang phục dân tộc… Hội chợ thương mại và triển lãm tranh ảnh, sinh vật cảnh trưng bày nhiều sản phẩm đặc sắc. Buổi tối, các đoàn nghệ thuật quần chúng biểu diễn tuồng, chèo, chiếu phim Thủ lĩnh áo nâu kể về Đề Thám và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo,... Trong khuôn khổ lễ hội, nhà trưng bày khởi nghĩa cũng tổ chức triển lãm ảnh, trưng bày sách và nhiều tư liệu khác liên quan đến thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, trong đó có cuốn chuyên khảo Hoàng Hoa Thám (1836-1913) của tác giả Khổng Đức Thiêm.

Như vậy, trải qua một quá trình dài cả thế kỷ, lễ hội Yên Thế được phục dựng, khai thác và phát triển, theo chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp hài hòa với đời sống đương đại của nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, lễ hội Yên Thế đã hội đủ những nét nghĩa được giới nghiên cứu folklore xác định cho một lễ hội: là một sự kiện trọng đại của một cộng đồng cư dân để tưởng niệm một (hay nhiều) vị thần có công lao với cộng đồng hoặc phù trợ cho cộng đồng; tại thời điểm xảy ra sự kiện ấy, cộng đồng cư dân tiến hành nghi lễ, phong tục nhằm bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới các vị thần và cầu mong được giúp đỡ; những nghi lễ ấy được tiến hành kèm theo những lễ vật… dâng lên thần linh bằng các nghi thức tế lễ có nhạc, múa hay ca xướng phụ họa; bên cạnh những nghi lễ là các cuộc vui chơi, ăn uống… là dịp để giải trí (5).

Với những giá trị lịch sử văn hóa tâm linh nổi bật như vậy, lễ hội Yên Thế đã được coi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngay sau quyết định này, nhiều hoạt động đã được thực thi để khẳng định tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Trong đó, hoạt động chủ đạo là thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia đặc biệt: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế gắn với phát triển du lịch huyện Yên Thế. Đề án nhấn mạnh nhiệm vụ của thiết chế địa phương là: tiếp tục duy trì, tổ chức lễ hội Yên Thế với quy mô hoành tráng, thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình lễ hội để xứng tầm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế; nâng cao chất lượng công tác tổ chức lễ hội tại các điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt do xã tổ chức. Nhiều tuyến du lịch tâm linh, hoặc du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái đã thu hút nhiều du khách. Chính quyền địa phương chủ trương tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá lễ hội Yên Thế bằng nhiều phương thức ở cả trong và ngoài tỉnh: tuyên truyền trên website của tỉnh; sản xuất và phát hành các tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, tờ gấp; làm phim tài liệu quảng bá du lịch tâm linh, in bản đồ du lịch về các địa điểm di tích khởi nghĩa và Lễ hội Yên Thế; lồng ghép giới thiệu danh lam thắng cảnh tự nhiên với giới thiệu cho du khách về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; liên tục mở các lớp truyền dạy, thành lập các câu lạc bộ hát soong hao, hát then, ca trù, võ cổ truyền, võ sáo... nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống cũng như phục vụ cho lễ hội. Về tài chính, dùng các nguồn thu và ngân sách xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, phục dựng Đình Tám mái, xây dựng đền thờ Hoàng Hoa Thám… nhằm hoàn thiện không gian phục vụ cho các hoạt động tâm linh diễn ra trong lễ hội.

3. Kết luận

Nhìn lại quá trình từ lễ hội Phồn Xương đến lễ hội Yên Thế, có thể nhận thấy:

Lễ hội đã chuyển từ nghi thức tế lễ nông nghiệp cổ truyền (trước khi Hoàng Hoa Thám làm chủ tế) sang một nghi thức tế vong và cầu siêu chủ yếu cho nghĩa sĩ vùng Yên Thế (khi Hoàng Hoa Thám đứng tế), và kết hợp với mục đích tế linh hồn Hoàng Hoa Thám (sau khi Hoàng Hoa Thám qua đời).

Mặc dù thay đổi tên gọi, nhưng phần hồn cốt của lễ hội Phồn Xương năm xưa vẫn được cộng đồng lưu giữ và tái hiện lại gần như đầy đủ trong lễ hội Yên Thế. Đó là những nghi lễ chính: lễ phật, lễ thần linh, giỗ Hoàng Hoa Thám, và các lễ cầu siêu, cầu an, lễ phóng ngư thả điểu,…

Bên cạnh đó, phần lễ của lễ hội Yên Thế còn có thêm những nghi thức hiện đại như: lễ diễu hành, nghi thức chào cờ, diễn văn khai mạc và ôn lại truyền thống lịch sử địa phương, khẳng định công lao của Hoàng Hoa Thám, lễ tế cờ (phục dựng lại buổi lễ tế cờ thời Đề Thám), lễ dâng hương tưởng niệm Hoàng Hoa Thám trước tượng đài của ông - hai nghi lễ này có kết hợp với trình diễn nghệ thuật... Phần hội, bên cạnh những trò chơi do thủ lĩnh Đề Thám năm xưa khởi xướng như: thi đấu võ, đấu vật, bắn tên, bắn nỏ, nấu cỗ, diễn chèo, tuồng,… còn được tổ chức phong phú, sinh động hơn với những hoạt động mới như: mở cửa tham quan Nhà trưng bày khởi nghĩa, thi người đẹp mặc trang phục dân tộc, hội trại, chiếu phim Thủ lĩnh áo nâu, biểu diễn văn nghệ, giới thiệu và quảng bá du lịch sinh thái…

Từ thực tế điền dã, chúng tôi cho rằng, việc duy trì sự quản lý và tổ chức lễ hội của chính quyền như hiện nay đối với lễ hội Yên Thế là cần thiết. Tuy nhiên, chính quyền địa phương tránh quản lý quá sâu, thậm chí lấn sân cộng đồng trong việc tổ chức chương trình lễ hội, trong khi cộng đồng (nhất là Hội người cao tuổi, Hội Phật giáo, con cháu họ Hoàng...) có khả năng tham gia vào việc tổ chức hoạt động này. Để nhận được sự đồng thuận cao hơn nữa từ phía người dân, các nhà quản lý phải lấy ý kiến từ cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng tổ chức lễ hội, thay vì áp đặt chương trình có sẵn. Thực tiễn cho thấy, mô hình quản lý nào có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương với cộng đồng cư dân địa phương, để cộng đồng phát huy vai trò là chủ thể văn hóa thực sự trong hoạt động lễ hội, chính quyền quản lý các dịch vụ, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường... thì hạn chế được nhiều mặt tiêu cực đang tồn tại trong lễ hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy ban tổ chức lễ hội cần có sự phân biệt giữa nghi thức khai mạc và nghi thức tế lễ truyền thống. Trong đó, các nghi thức đám rước, tế lễ truyền thống vốn có của lễ hội Phồn Xương nên để cộng đồng thực hiện theo tập tục, đại diện cơ quan nhà nước không nên làm thay, ngay cả với nghi lễ thiêng liêng (dâng hương Hoàng Hoa Thám) trong lễ khai hội. Sau nghi thức tế lễ truyền thống, đại diện cơ quan nhà nước và du khách có thể thực hiện các nghi thức khai mạc mà không làm ảnh hưởng đến tính thiêng của lễ hội. Bên cạnh đó, việc thay đổi các nghi thức, về mặt thời gian và địa điểm, cần xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của cộng đồng mà không làm ảnh hưởng tới cấu trúc và giá trị di sản.

Hiện tại, việc quảng bá lễ hội Yên Thế đã được đa dạng hóa, tuy nhiên, những thông tin về lễ hội này trên các mạng xã hội Facebook, Youtube, Yahoo vẫn còn quá giản lược và đơn điệu, trong khi đây là kênh thông tin nhanh nhất đối với du khách mọi miền đất nước và cả du khách nước ngoài. Vì vậy, hiển nhiên, đây là chỗ cần được các cơ quan liên quan chú trọng điều chỉnh, bổ sung.

Cuối cùng, theo chúng tôi, tất cả các hoạt động trên cần đặt mục tiêu là tìm kiếm và tái hiện một nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám vừa sinh động, vừa khách quan.

_______________

1, 2, 4. Trịnh Tiến Lưu, Bùi Văn Thành, Di sản văn hóa Yên Thế - Lễ hội dân gian, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009, tr.22, 23, 33-38.

3. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014, tr.17.

5. Kết quả điền dã và điều tra của tác giả.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : TRIỆU THỊ LINH

;