Tính đăng đối trong trang trí nói chung và trang trí nội thất nhà ở truyền thống nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng đem lại giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà. Trong những hoàn cảnh nhất định, nó mang tính biểu tượng nghệ thuật và thể hiện tinh thần của một công trình. Tuy nhiên, những nguyên tắc trang trí này còn bị ảnh hưởng và chi phối bởi văn hóa truyền thống, các quan niệm sống, đặc điểm khí hậu, kết cấu của công trình… Bài viết muốn nhận diện, hệ thống các đặc điểm khác nhau của tính đăng đối, trong trang trí trong nhà ở truyền thống vùng Bắc Bộ như là phương tiện quan trọng trong sự khám phá những giá trị thẩm mỹ cần được bảo tồn và phát triển trong kiến trúc truyền thống.
Nhà ở truyền thống (NOTT) vùng đồng bằng Bắc Bộ là một trong những loại hình kiến trúc có giá trị tiêu biểu cho nền kiến trúc Việt Nam, nó biểu hiện ở nhiều đặc trưng văn hóa khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử. Trải qua hàng ngàn năm, NOTT qua các triều đại đều có sự khác nhau, sự khác nhau đó là ở cấu trúc của các thể loại vì kèo, kẻ hiên, độ cong của mái và kỹ thuật, nghệ thuật thể hiện các hoa văn trang trí trên các thành phần kiến trúc truyền thống. Phần lớn các công trình NOTT đều không có bản vẽ thiết kế trước khi xây dựng, làm theo kinh nghiệm truyền khẩu, dựa trên thước tầm và được xây dựng bằng vật liệu địa phương.
Nhà nghiên cứu kiến trúc Nguyễn Bá Đang đã đưa ra thống kê về những đặc trưng thẩm mỹ của kiến trúc NOTT theo một số dạng thức như sau:
Kiến trúc có ý đồ bố cục, có tính biểu tượng, ẩn dụ, hàm súc, có hình tượng nghệ thuật, từ nội dung đến hình thái chứa đựng tính triết lý phương Đông nghệ thuật thâm trầm, tế nhị, kín đáo nhưng sâu lắng và thâm thúy trí tuệ.
Kiến trúc xinh xắn, dàn trải, gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, không gian và hình khối kiến trúc như là một yếu tố hữu cơ của cảnh quan thiên nhiên.
Không gian sử dụng linh hoạt, đa năng, dễ dàng biến đổi thích ứng cho các điều kiện sinh hoạt, hoạt động trong không gian kiến trúc. Có sự kết hợp khéo léo 3 loại không gian: không gian kín, không gian bán kín, bán hở và không gian hở.
Tỷ lệ không gian rất gần gũi, gắn bó với hoạt động của con người. Tỷ lệ giữa các bộ phận công trình hài hòa, thống nhất.
Kiến trúc sử dụng điêu khắc, chạm khắc màu sắc như một yếu tố phụ trợ tích cực tăng tính nghệ thuật cho công trình, mặt khác là phương tiện diễn đạt ý nghĩa biểu trưng, cái thần của công trình, như sử dụng các hoa văn (động vật quý, cây cối, hoa lá…) đầy ý nghĩa tượng trưng.
Tính hợp lý của kết cấu, tính đơn giản, thống nhất tính điển hình và tính tiêu chuẩn thấy rõ trong bộ khung gỗ chịu lực của công trình (1).
Những nghiên cứu, thống kê này đã cho chúng ta thấy toàn cảnh về những đặc trưng tiêu biểu của các loại hình kiến trúc truyền thống, trong đó NOTT không là ngoại lệ. Tuy nhiên nghiên cứu này mới chỉ khái quát về những biểu hiện chung của kiến trúc mà chưa làm sáng tỏ những đặc trưng cụ thể trong các thành phần kiến trúc thuộc không gian nội thất của NOTT. Bài viết này nghiên cứu các yếu tố thẩm mỹ linh hoạt, đăng đối trong nội thất NOTT chính là nhằm tôn vinh, bảo tồn và chuyển tải những giá trị đó vào các công trình kiến trúc mới hiện nay.
Tính đăng đối trong kết cấu không gian nhà ở
Dân gian có câu: Nhất gian cô quả, nhị gian lung, tam gian phú quý, tứ gian bần, vì thế với người Việt, không gian ngôi nhà chính thường được chia theo số lẻ: 3 gian; 3 gian - 2 chái; 5 gian; 5 gian - 2 chái… Điều đó có nghĩa là, gian ở giữa luôn là tâm điểm, chia không gian nhà thành cặp đối xứng. Cách chia không gian đối xứng như vậy sẽ quy định sự đối xứng của các cột chịu lực và các vì kèo, kèm theo đó là đồ gỗ nội thất cũng cân xứng. Cửa sổ ở bức tường sau cũng là hai cái cân đối (ở hai gian kê giường). Cửa ra vào chính cũng đặt cân đối, cùng trục với bộ tràng kỷ, sập gụ và ban thờ. Ngay cả tấm liếp bao ở ngoài hiên nhà (bức dại) cũng để trống khoảng giữa, đối diện bàn thờ.
Tính đăng đối đó được thể hiện rõ nhất trong trang trí nội thất ở không gian chính của ngôi nhà, thường là gian giữa (nếu là nhà 3 gian) và ở 3 gian giữa nếu là nhà 5 gian.
Ở giữa là gian thờ. Ngay trong ban thờ thì trang trí cũng đăng đối (hai bình hoa, hai ngọn nến, 1 hoặc 3 bát hương, hai đĩa đựng đồ lễ hai bên…). Trên cao, trước bàn thờ là bức hoành phi và ở hai bên cân đối là đôi câu đối.
Ở gian giữa, là phòng khách, nếu bày đầy đủ gồm: 1 sập, 1 bộ tràng kỷ (1 bàn và hai ghế dài cân đối). Điều cần nói thêm ở đây là: mặc dù từ thời phong kiến đến nay, mẫu bàn tròn mặt đá, hay mặt gỗ khảm trai kiểu Trung Hoa đã xâm nhập vào đời sống ở nước ta nhưng mẫu này thường chỉ được người thị dân dùng hoặc ở các gia đình địa chủ miền Trung, miền Nam dùng nhiều, ở ngoài Bắc, người Việt vẫn thích dùng bộ tràng kỷ hơn, bởi nó có chuẩn mực của đăng đối, thêm nữa tỷ lệ của nó so với không gian tiếp khách của ngôi nhà là rất tương thích. Một chiếc bàn của bộ này thường chỉ có kích thước nhỏ (1,2m dài x 0,8m rộng, 0,9m cao), cộng thêm hai chiếc ghế, mỗi chiếc có chiều dài từ 1,5m, rộng 0,4m, thì tổng cộng không gian mà bộ trường kỷ cần khoảng 4m2, phù hợp với không gian không phải là quá rộng rãi của các nhà nông dân bình thường (thường thì không gian trung bình phòng khách còn lại sau khi đã kê bàn thờ của gian giữa ở các ngôi nhà có diện tích trung bình từ 12m2 đến 14m2).
Ở hai gian bên cạnh là 2 giường ngủ cũng đã tạo được sự cân đối về bố cục trong nhà ở.
Từ những khảo sát, nghiên cứu và phân tích trên, chúng tôi đã nhận thấy tính đăng đối trong kết cấu, tổ chức không gian và bố cục các đồ đạc trong nội thất nhà ở truyền thống là tính đăng đối theo trục. Trục này thường là trục ảo, mang tính ước lệ. Nó tạo sự nhất quán, trang trọng và hài hòa trong tổ chức không gian nội thất, nó mang lại cảm giác bình yên, tĩnh lặng của ngôi nhà, đây cũng chính là yếu tố đặc trưng trong thẩm mỹ nhà ở truyền thống.
Tính linh hoạt, mềm dẻo trong kết nối các không gian nội thất
Những không gian linh hoạt trong nhà ở truyền thống thường là những không gian sinh hoạt chung. Đây là 3 gian chính thông nhau và hoàn toàn không có vách ngăn. Các chức năng chính diễn ra trong không gian này bao gồm: tiếp khách, các sinh hoạt thường ngày của gia đình (như ăn uống, học tập, chỗ ngủ cho chủ nhà)… Đặc điểm chung của không gian này là tính chất sử dụng đa năng và xen kẽ, kết hợp nhiều mặt của hoạt động đời sống gia đình mà trong đó việc giao tiếp được coi trọng nhất. Không gian này là nơi có thể tổ chức họp mặt gia đình trong những ngày giỗ tết hàng năm, những cuộc hội tụ đầy đủ bà con thân tộc và hàng xóm vào những dịp nhà có công việc (ma chay, cưới xin…). Vào những dịp này, người chủ mở cửa đi, dựng rạp ngoài sân, tạo nên một không gian rộng mở từ nhà ra sân thông qua không gian chuyển tiếp là hiên nhà. Đây là yếu tố có tính linh hoạt cao trong tổ chức không gian tạo nên nét đặc trưng riêng của kiến trúc nhà ở truyền thống, đồng thời cũng là cách tổ chức không gian ước lệ. Cách tổ chức không gian này vừa có chức năng độc lập, vừa có chức năng kết hợp mà không làm phá vỡ cấu trúc bố cục, không phá vỡ tính đăng đối của kiến trúc nhà ở truyền thống.
Không gian phía trước nhà chính được mở rộng còn phía sau nhà thường được đóng kín và nếu có mở cửa thì cũng chỉ là những ô cửa nhỏ bố trí ở hai bên của gian chính. Vị trí trang trọng nhất trong không gian sinh hoạt chung là không gian thờ cúng, sau đó là không gian tiếp khách.
Dưới một góc độ khác, những không gian linh hoạt trong nhà ở còn gọi là những không gian kín, không gian hở hay nửa kín nửa hở. Trước kia, chỉ trừ gian ngủ của gia chủ được gọi là không gian kín, còn lại trong ngôi nhà chính sự phân chia các không gian chỉ là tương đối và có tính ước lệ, giữa chúng luôn có sự liên thông với nhau. Các nhà kiến trúc gọi kiểu kết nối không gian này là không gian hở và không gian nửa kín - nửa hở (2). Nói là mở bởi giữa ban thờ với phòng khách hay không gian ngủ nghỉ (hai giường ở hai bên bàn thờ) và không gian tiếp khách (bộ tràng kỷ hay sập gụ) hoàn toàn không có vách ngăn, nhưng nói là nửa kín nửa hở là do khi cần thì có thể đưa bình phong di động hoặc kéo rèm để che ở phía giường ngủ, tạo thành một không gian tương đối riêng biệt.
Dĩ nhiên, thời xưa, không gian nội thất nhà ở không được rộng rãi như ngày nay nên mới tạo ra kiểu kết nối không gian như vậy, nhưng trải qua nhiều trăm năm, tại sao khi người dân đã có điều kiện kinh tế khá hơn nhưng phòng khách của họ vẫn được duy trì kiểu kết nối không gian như vậy?
Đó chính là do lối sống của người Việt quy định: ở phòng khách cũng là phòng thờ, chỉ có những sinh hoạt chung trong gia đình như thờ cúng, ăn uống, trò chuyện, tiếp khách… là được phép. Mặc dù có hai chiếc giường ở phòng khách nhưng chỉ đàn ông được nằm nghỉ, ngủ ở đó, không cho phép phụ nữ nằm. Chuyện sinh hoạt vợ chồng không được phép diễn ra ở không gian này (xưa ở những nhà gia giáo, phụ nữ còn không được lên gian phòng này, chỉ đi từ phòng ngủ, xuống nhà ngang, không được đi qua bàn thờ).
Dù thế nào đi nữa thì những yếu tố này đã trở thành một đặc trưng thẩm mỹ không gian nội thất nhà ở người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
_______________
1. Nguyễn Bá Đang (chủ biên), Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1999.
2. Nguyễn Đình Thi, Kiến trúc nhà ở nông thôn, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2011, tr.104.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017
Tác giả : PHẠM THỊ NGÂN