LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM TỪ GÓC NHÌN LỄ VẬT

Bà Chúa Xứ núi Sam từ lâu đã được xem là một vị thần bảo hộ có quyền năng vô hạn. Việc tôn thờ Bà và niềm tin được Bà che chở khiến cho cư dân thấy yên tâm làm ăn. Người dân đến với lễ hội vía bà chúa Xứ núi Sam Châu Đốc tỉnh An Giang thuộc miền Tây Nam Bộ Việt Nam không chỉ có được sự đồng cảm về biểu tượng chung - biểu tượng của niềm tin tâm linh, mà còn có niềm cộng cảm về các giá trị văn hóa.

Đến với miếu bà chúa Xứ núi Sam vào tháng 4 âm lịch hàng năm để thấy một không gian hội rộng lớn với đa dạng thành phần du khách và phong phú lễ vật dâng lên Bà. Có thể nói, chưa một lễ hội nào trên cả nước mà lễ vật dâng cúng lại phong phú đến như vậy. Từ những sản vật đắt tiền, cao lương mỹ vị cho đến những món ăn dân dã bình dị hàng ngày được bày kín cả khu vực chánh điện. Tuy nhiên, cũng giống như lễ hội, lễ vật không phải là một hàm số bất biến mà nó vận động, biến đổi theo thời gian và phản ánh rõ sự phát triển của xã hội qua từng thời kỳ.

Quan niệm, lễ vật dâng cúng là một thành tố đặc biệt, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa người phụng thờ và đối tượng được phụng thờ. Người phụng thờ ký gửi ước vọng, niềm tin, sự tin tưởng vào lễ vật dâng cúng, nhưng lễ vật dâng cúng cũng lại là thành tố gắn bó với nhân vật được thờ cúng. Có hai loại lễ vật: loại phổ cập cho tất cả các lễ hội, nơi nào cũng có; loại gắn bó với nhân vật phụng thờ, chỉ có với từng lễ hội, đó là lễ vật mang tính nghi lễ (1). Nét chung của các loại lễ vật này là chúng gắn bó với nhân vật phụng thờ. Đó là những lễ vật “để hiến tế dâng lên các linh hồn và các thần thánh” của người phụng thờ. Những lễ vật này lại là nơi ký thác niềm tin tín ngưỡng của người dân, là lòng thành của người dân dâng lên các vị thần, thánh mà họ phụng thờ, chúng chỉ xuất hiện trong thời gian thiêng, còn thời gian thường nhật thì không xuất hiện, hay nói cách khác, chúng tàng ẩn trong tiềm thức của người dân (2). Đối với lễ hội bà chúa Xứ ở An Giang, chúng tôi nhận thấy lễ vật có những vấn đề đáng lưu ý dưới đây.

1. Heo quay và những dịch vụ đặc biệt

Người hành hương dùng heo quay để cầu xin Bà những điều lớn lao trong cuộc sống. Heo quay cũng được dùng với ý nghĩa tạ ơn Bà khi những mong cầu được Bà phù hộ và thành hiện thực. Không ít người dùng heo quay để dâng lên Bà với ý niệm cúng cho xứng với điều ước vọng, xứng với công danh địa vị xã hội của người phụng thờ và cũng là để thể hiện sự giàu có của một bộ phận người đi lễ mà theo Marcel Mauss là có một sự đua tranh để xem ai tặng quà nhiều nhất và có giá trị nhất (3).

Chính giá trị và tính phổ biến của lễ vật này, nên các lò quay heo mọc lên rất nhanh. Đoạn từ Châu Đốc, trên con đường Tân Lộ Kiều Lương đến miếu Bà và con đường vòng quanh núi Sam, san sát lò với đầy đủ các dịch vụ đi kèm. “Vì giá trị của lễ vật này, nên còn có cả dịch vụ cho thuê heo quay. Người đi lễ do không đủ tiền mua cả con, nhưng lại rất cần heo để dâng lễ, cũng có thể họ nghĩ mua cả con heo quay, sau đó không ăn hết nên sợ phí, khi đó đến hiệu thuê heo để cúng Bà” (4).

Việc thuê heo cũng không phải như ta vẫn thấy bình thường là người thuê đặt cọc tiền, cúng heo xong, chủ tiệm trả lại tiền cọc, chỉ lấy khoảng tiền thuê sau khi mình trả heo. Thực ra là người đi lễ mua con heo đó đem cúng, xong rồi đem bán con heo đó lại cho chủ tiệm, gọi thuê là như vậy. Điều này tạo cho người đi lễ cảm giác con heo đó vẫn là sở hữu của mình, xong việc đem bán lại mà thôi.

Vì lợi nhuận từ việc kinh doanh heo quay khá lớn, lại gặp phải sự cạnh tranh gay gắt nên đã nảy sinh ra dịch vụ cò mồi. Những cò mồi đón khách tại các khu cầu, phà Mỹ Thuận, Vàm Cống, An Hòa... để mời khách, tuy nhiên, họ cũng khó bán được nhiều vì khách hành hương không tin tưởng. Còn khu vực quanh miếu Bà, lực lượng cò mồi hoạt động khá chuyên nghiệp và đắt khách. Vì bên cạnh việc cò nèo bán heo quay, họ còn hướng dẫn tận tình cách thức cúng Bà, van vái, cũng như tư vấn đầy đủ một mâm cúng Bà gồm những lễ vật gì, giá cả và trình tự cụ thể ra sao.

Bởi sự phổ biến của việc dâng cúng heo quay, người ta lại nghiên cứu và cho ra công thức lễ vật cúng Bà, là một mâm cúng (mà người ta thường gọi là một set/bộ đồ cúng) gồm: trái cây, hoa lay ơn, nhang rồng phụng 5 tấc, đèn cầy, hũ gạo, hũ muối, trà pha sẵn, rượu nếp Hà Nội 420ml, nước chai 500ml, giấy cúng bà chúa Xứ, bánh kẹo, trầu cau, chè, xôi, cháo trắng, bộ tam sinh, vịt luộc, gà luộc, heo quay, bánh bao. Tiền hoa hồng cho cò khi bán set đồ cúng này là 500.000đ. Tinh giản hơn có set: heo quay, hoa huệ, áo Bà (bằng giấy hoặc vải), nhang đèn, trái cây, rượu, muối, gạo. Tiền bồi dưỡng cho cò dắt khách, bán set này cũng là 500.000đ/bộ. Công việc cũng không mấy khó khăn, nhưng lại gặp phải sự cạnh tranh cao nên lực lượng cò mồi hoạt động khá chuyên nghiệp và nhiệt tình. Ngoài việc tư vấn cho khách một mâm đồ cúng với đầy đủ rượu, gạo, thịt, hoa quả, họ còn phục vụ mọi lúc, mọi nơi, mọi nhu cầu của khách. Khách có thể đặt heo quay bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả 1 - 2 giờ sáng.

 
 
Lễ vật ở hội bà Chúa Xứ. Ảnh Huỳnh Anh
 

2. Đồ chế tác bằng vàng

Trước hết những người hảo tâm muốn công đức, thì thường là công đức bằng vàng và áo, mão. Người ta đúc những hình Bà bằng vàng, đặt lên trên nền nhung đỏ, để trong hộp kính hoặc là những mỹ từ như: Phước, Lộc, Thọ; Kính dâng bà chúa Xứ hay những mỹ từ khác… giá trị là một, vài chỉ, thậm chí vài cây vàng (5).

Năm 2014, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam họp bàn, quyết định trích 150 lượng vàng từ nguồn công đức dâng cúng Bà của du khách, chế tác thành đồ trang sức gồm dây chuyền (vòng kiềng) và bông tai. Tuy nhiên, các nghệ nhân chế tác đã góp ý thay kiềng vàng thành dây chuỗi hạt tăng sự sang trọng và tính thẩm mỹ; đồng thời tăng từ 150 lượng lên 162 lượng (162 cộng lại là 9) thể hiện sự trường tồn và hợp phong thủy. Sợi chuỗi gồm 3 lớp, 187 hạt trong đó hạt chủ có trọng lượng lên đến 5 lượng vàng. Mỗi hạt chuỗi được chạm trổ hình những đóa hoa mẫu đơn tinh xảo tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng và nhân từ. “Hoa văn trên hạt chuỗi chủ có hình chim phụng phun những hạt châu nhỏ, được kết thành dây, tỏa ra nhiều hướng, với ý nghĩa “phun châu nhả ngọc”, thể hiện hàm ý bà chúa Xứ luôn ban phước lành đến bá tánh trên khắp thế gian”(6).

Ngoài dây chuỗi kỷ lục 162 lượng vàng, Bà còn có thêm một chiếc kiềng chế tác từ 20 lượng vàng. Ban Quản lý sẽ thay đổi giữa chiếc kiềng và chuỗi vàng để du khách đến hành hương chiêm ngưỡng.

3. Vàng mã - một lối tư duy khác trong thực hành tín ngưỡng

Ở một số cơ sở thờ tự, nghề bán hàng mã và nghề sắp lễ thuê đã trở thành một công việc có thu nhập khá ổn định vào các “mùa lễ” đối với những người “ăn lộc thánh”. Về phía những người đi lễ, khi thành công, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền cho một cuộc trả lễ, thậm chí đôi khi có người còn mua rất nhiều tiền âm với một cái giá hết sức bất thường (3.000 đồng một tờ đô la âm). Người ta còn quan sát thấy cả cảnh đốt tiền thật với mệnh giá thấp 200 hay 500 đồng (7).

So với các đình, đền, lăng, miếu khác trong cả nước, vàng mã ở miếu bà chúa Xứ là rất ít. Vàng mã ở đây chỉ là một bộ vàng mã mà người đi lễ gọi là tập cúng Bà, gồm bộ áo, mão và một chút tiền vàng để trong túi nilông. Không ai mua nhiều túi đó và không ai mua nhiều tiền bằng mã, để cúng và đốt (8). Ban Quản trị lăng miếu núi Sam cùng chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền bà con hành hương hạn chế việc đốt vàng mã nhằm hạn chế lãng phí tiền của và tránh gây cháy nổ ở miếu Bà nhất là vào mùa lễ vía.

Những năm gần đây, việc đốt vàng mã được hạn chế, người đi lễ cũng ít sử dụng đến lễ vật này dâng Bà. Chỉ còn một bộ phận nhỏ người đi lễ mà đại đa số là người miền ngoài (miền Trung và miền Bắc, được nhận biết thông qua giọng nói) là sử dụng nhiều loại hình lễ vật này. Tuy nhiên, thành phần khách vía này cũng chỉ đến miếu vào các ngày lễ chính. Thời gian còn lại trong năm cũng có nhưng rất ít. Nên việc đốt vàng mã chỉ xảy ra tương đối ít vào những ngày vía chính. Tuy vậy, Ban Quản trị vẫn bố trí hai chiếc đỉnh lớn giữa sân miếu cho người hành hương đốt vàng mã. Việc này sẽ hạn chế tình trạng đốt vàng mã bừa bãi gây nguy hiểm đến người và tài sản khi xảy ra cháy nổ.

             4. Áo, mão - lễ vật đặc trưng hiến tặng bà chúa Xứ

Cùng với heo quay, áo, mão cũng là một loại lễ vật phổ biến và khá đặc trưng. Có thể nói đây là loại lễ vật đắt tiền nhất mà khách hành hương thành kính dâng lên Bà. Giá trị của chiếc áo có thể từ vài triệu đến vài chục triệu, thế nhưng giá trị của những chiếc mão có khi lên đến hàng trăm triệu đồng và được chế tác rất công phu. Để cúng áo, mũ của Bà thường phải đăng ký trước để nhà đền tiện theo dõi, vì chẳng hạn năm đó, đã có nhiều người cùng cúng, thì nhà đền báo để tín chủ có thể thay đổi vật cúng. Do lễ vía Bà kéo dài trong 4 ngày, mỗi ngày dâng một bộ nên chỉ lựa chọn 4 bộ, số còn lại cất trong kho để dùng dần trong năm (9). Vì số lượng áo dâng cúng hàng năm rất nhiều (năm 2015, khách hành hương dâng Bà khoảng 2000 áo lễ) nên ngoài lễ mộc dục diễn ra đêm 23 rạng ngày 24 - 4 âm lịch, Ban Quản trị lăng miếu tổ chức tắm Bà và thay áo hai lần trong tháng, vào các ngày 13 và 28 âm lịch. Ban Quản trị quyết định chọn các ngày trước ngày rằm và cuối tháng để thay áo cho Bà. Vì thế, khi khách hành hương đến vía vào ngày rằm và đầu tháng có thể chiêm ngưỡng Bà trong áo mới. Ngoài ra, số áo không sử dụng hết, Ban Quản trị biếu tặng cho các đền, đình, miếu trong tỉnh hoặc các nơi khác có nhu cầu xin. Số áo Bà sau khi dùng xong sẽ được cắt thành những mảnh nhỏ, cho vào túi đỏ làm lộc Bà và phát miễn phí cho người dân.

5. Tiền công đức

Có thể khẳng định, tiền công đức ở miếu bà chúa Xứ núi Sam thuộc vào hạng cao nhất cả nước và có xu hướng tăng qua các năm. Ở đây, tiền công đức là dạng lễ vật đặc biệt, là phương tiện mà người trần dùng để mua lấy sự bình an. Đây là dạng mua bán đặc biệt vì nó không diễn ra ở chợ, các cửa hàng, quán xá mà lại là hoạt động chính yếu tại các cơ sở thờ tự và vì không có sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Người mua thì quá cụ thể, rõ ràng nhưng “người bán” lại vô hình. Con người dùng tiền để mua lấy một tương lai ổn định, tốt đẹp từ các vị thánh thần. Nghĩa là tiền được dùng đúng ý nghĩa của nó, là một vật thể có giá trị về mặt vật chất nhưng để đổi lấy một dạng thức vô hình, một ý niệm tồn tại trong tâm thức, trong tư tưởng của con người. Càng cầu mong lớn lao, số tiền cho đi càng nhiều. Người càng thành đạt cúng càng nhiều tiền. Tiền cúng dâng Bà ở đây là tiền dương, tiền của người sống. Không có cảnh lấy “tiền dương” để mua “tiền âm” như những cơ sở thờ tự khác. Nghĩa là, khách hành hương đã “nhân hóa” thần linh, xem thần linh như con người ở cõi dương nên có thể sử dụng tiền dương? Việc “mua bán” cứ thế diễn ra quanh năm và cao điểm vào mùa lễ hội. Thế nhưng không ai dám chắc sẽ mua lấy được sự bình an, hạnh phúc hay giàu có như người ta hằng ao ước. Chỉ biết rằng muốn đạt được những điều đó thì hãy cứ cho đi một cách thành tâm nhất. Niềm tin cứ thế lớn dần, được khẳng định qua việc tiền cúng Bà ngày một tăng. Nếu như năm 2008 tiền công đức là 34 tỷ đồng thì số tiền này tăng lên gấp đôi chỉ sau 5 năm, đạt 74 tỷ đồng vào năm 2013. Con số này khá ấn tượng vào năm 2015 khi đạt mức 100 tỷ đồng. Từ những con số ấn tượng đó cho thấy rằng, một lượng lớn khách hành hương đã đạt được điều mình mong mỏi nên việc cúng để báo ân mới nhiều như thế. Hay nói cách khác là chính việc cúng dường tăng nhanh là sự khẳng định vào tính thiêng của bà chúa Xứ. Rõ ràng, tiền đang thật sự trở thành một loại lễ vật đặc biệt nơi đây. Nó không chỉ mang sứ mệnh của một vật trung gian trong mua bán hàng hóa (H-T-H) nữa mà ở đây nó trở thành một vật trung gian để bày tỏ đức tin.

6. Kết luận

Việc chọn lựa lễ vật dâng cúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó mục đích mà người đi lễ mong muốn là “cầu được ước thấy” đã quy định việc sửa soạn mâm lễ dâng Bà. Việc dâng heo, gà, vịt hay trái cây lên Bà đều giống nhau ở chỗ lòng thành nhưng ai cũng cho rằng tùy mức độ “xin” mà cúng lễ vật cho xứng. Rằng nếu xin bình an và buôn may bán đắt, người ta cúng giỏ trái cây và hoa huệ; xin con cái đậu đại học hay được tuyển dụng đi làm thì cúng vịt quay hoặc gà quay; còn riêng những chuyện to tát, liên quan đến bạo bệnh, nợ nần, khó khăn thì phải heo quay và bộ đồ cúng (hoa, rượu, muối, nhang, đèn cầy, đồ mã…). Cao cấp hơn là chuyện quan trường, thương trường, dự án... thì dâng mâm cúng gồm heo quay, bộ đồ cúng, bộ áo vải (áo Bà), mão, hài và chuỗi dây đeo (đôi khi kèm lễ vật khác: khánh vàng, trang sức, vàng, tiền hỷ cúng). Qua đó cho thấy từ trong tiềm thức, người đi lễ đã phân loại lễ vật theo mục đích và mức độ cầu xin của tín chủ. Bởi “Người ta cho rằng chính thần thánh là người mà ta cần mua chuộc và các vị thần thánh biết trả lại cái giá của những sự vật” (10). Chính vì thế, “Con người muốn được những gì thì phải thỉnh cầu thần linh. Muốn thỉnh cầu được thì phải dâng cúng, hiến tế. Dâng cúng càng nhiều, hiến tế càng lớn thì việc cầu xin sẽ dễ dàng hơn (dương sao, âm vậy)” (11). Niềm tin về sự cho, nhận giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh đã bao đời tồn tại một cách hồn nhiên như thế.

Với bản chất nền kinh tế nông nghiệp cổ truyền nên các sản vật dâng lên Bà gắn liền với cuộc sống thường ngày của người nông dân như: trái cây, bánh, chè, xôi, heo, gà, vịt… Ngày nay, cùng với những sự biến đổi của đời sống vật chất, kéo theo sự thay đổi trong lễ vật, đồng thời sự du nhập của đồ ăn thức uống phương Tây và các vùng miền khác trên cả nước.

Có thể thấy, lễ vật dâng cúng bà chúa Xứ núi Sam đã và đang tăng nhanh về số lượng, phát triển về chất lượng và vô cùng đa dạng về chủng loại. Dù là để dâng hiến thần linh, ma quỷ, những lực lượng mà con người không bao giờ nhìn thấy thì giá trị sử dụng vẫn phải tính bằng số lượng và chất lượng, nó vẫn là một nội dung vật chất, vẫn đại diện cho lòng thành kính, thơm thảo mà không ai bác bỏ được (12).

Chính sự công khai, minh bạch và sự chia sẻ đầy ý nghĩa của nhà đền càng làm tăng sự tin tưởng trong lòng du khách. Lễ vật cúng Bà được san sẻ dân chủ trong cộng đồng là điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển của niềm tin giữa người dâng lễ - nhà đền - người thụ hưởng.

Khác với những cơ sở thờ tự trên cả nước, khi mà vàng mã rõ ràng đã trở thành một hàng hóa chủ yếu của thị trường tâm linh nội địa (13) thì ở lễ hội vía Bà, vàng mã không phải là vật dâng cúng được khách hành hương ưa chuộng. Việc dùng “đồng tiền thật” để mua “đồng tiền giả” (14) không xảy ra một cách rầm rộ và mang tính cuồng như những nơi khác. Điều này được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Trong đó, vẫn còn quan điểm cho rằng đốt vàng mã là biểu hiện của mê tín dị đoan. Cũng một nguyên nhân đến từ việc thực hiện nghị định 31/2001/NĐCP, và nghị định 75/2010/NĐCP khi Chính phủ cấm đốt vàng mã tại những nơi công cộng. Tuy những nghị định này đã hết hiệu lực song vẫn còn sức ảnh hưởng cho đến tận bây giờ. Tính thực dụng của người Nam Bộ cũng rất có thể là nguyên nhân của việc này. Con người Nam Bộ chân chất nhưng hào hiệp, phóng khoáng. Họ thể hiện những điểm này trong cách sống, cách nghĩ và cả cách thực hành các nghi thức trong đời sống tâm linh.

Một hệ thống lễ vật vô cùng phong phú nhưng lại rất đặc trưng mà chỉ lễ hội vía bà chúa Xứ núi Sam mới có đã góp phần khẳng định nét riêng độc đáo của lễ hội này trong số hơn 8000 lễ hội truyền thống trên cả nước. Với con số 3.5 triệu lượt khách (năm 2015) hành hương về miếu Bà đã cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu đặc trưng Nam Bộ vào đời sống nhân dân. Sức lan tỏa của nó đã bao trùm lên cả nước và có ảnh hưởng đến một số nước lân cận, nhất là Campuchia. Việc dâng lên Bà những lễ vật đắt tiền đã chứng minh cho sự phát triển của cuộc sống hiện nay; đồng thời tăng thêm tính thiêng của hình ảnh Mẫu trong lòng người đi lễ trong thời gian qua.

_______________

1, 2. Nguyễn Chí Bền, Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015.

3. Marcel Mauss, Luận về biếu tặng, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2015.

4, 5, 8, 9. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.

6. eva.vn, tháng 8-2016.

7, 13, 14. Nhiều tác giả, Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008.

10. Marcel Mauss, Khảo về quà tặng, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009.

11, 12. Đặng Văn Lung, Lễ hội và nhân sinh, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2005.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017

Tác giả : BÙI THỊ NGỌC PHƯƠNG

;