Năm Canh Tuất 1070, Lý Nhân Tông cho xây dựng Văn Miếu làm nơi dạy học cho các hoàng thái tử. Năm 1075, triều đình mở khoa thi Nho học đầu tiên. Thời gian sau đó, các kỳ thi Nho học được nhà nước phong kiến tổ chức đều đặn 4 năm một lần, rồi từng bước hoàn thiện. Đến đầu triều Khải Định chế độ khoa cử Nho học bị bãi bỏ sau kỳ thi hương cuối cùng vào năm 1918, kỳ thi hội cuối cùng năm 1919. Trong suốt thời phong kiến Việt Nam, giáo dục, khoa cử Nho học tuy từng thời có biến động khác nhau nhưng các triều đại đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức học tập, thi cử để tuyển chọn số lượng lớn trí thức, quan lại cho nhà nước.
1. Vùng ven hồ Tây và phụ cận
Trong lịch sử Thăng Long, Hà Nội, vùng ven hồ Tây và phụ cận có một vị trí đặc biệt quan trọng. Không gian văn hóa hồ Tây vừa mang những nét đặc thù của Thăng Long, Hà Nội, vừa mang những nét riêng biệt. Mặt nước rộng của hồ Tây không chỉ như một lá phổi lớn điều hòa không khí đô thị mà trong suốt quá trình lịch sử, đây luôn là một phần gắn bó hữu cơ với đời sống mọi mặt của vùng đất này. Lấy hồ Tây làm trung tâm, khái niệm vùng ven hồ được hiểu là những đơn vị hành chính nằm sát cạnh hồ, gián cách, chịu ảnh hưởng của không gian mặt nước hồ Tây trong sản xuất, đời sống. Hiện nay ven hồ có 13 làng. Chỏm đỉnh bắc là làng Nhật Tân; theo bờ phía đông là làng Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, Yên Phụ; bờ nam là các làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái; bờ tây là làng Vệ Hồ, Trích Sài, Võng Thị.
Nói đến hồ Tây không thể không nói đến một vùng đất gián cách với hồ nhưng vẫn được coi là thuộc quần thể vùng, đó là Bưởi. Vùng Bưởi được dùng để chỉ chung một khu vực có gần một chục làng trải dọc phía tây nam hồ: Đông Xã, An Thọ, Võng Thị, Trích Sài, Ngũ Xã, Phú Thượng... cùng các phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Bưởi, Thụy Khuê, Trúc Bạch, Nghĩa Đô...
Trong phạm vi không gian được xác định như vậy, bài viết tìm hiểu, thống kê, phân tích các nhà khoa bảng vùng ven hồ Tây và phụ cận, đóng góp của họ đối với lịch sử, văn hóa của đất nước.
2. Các vị đỗ đại khoa thời phong kiến
Các kỳ thi Nho học được tổ chức thành ba kỳ: thi hương, thi hội, thi đình. Các kỳ thi hương được tổ chức rộng khắp trong cả nước. Những người đỗ kỳ thi hương ở các địa phương được về kinh đô ứng thí kỳ thi hội. Theo quy định của nhà nước, 3 năm sẽ tổ chức thi hội một lần tại kinh đô Thăng Long. Kỳ thi đình thường tổ chức ngay sau thi hội, do đích thân nhà vua ra đề, hỏi thi nhằm mục đích phân loại các tiến sĩ. Ba học vị cao nhất là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn), Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa). Ngoài ra còn có danh hiệu là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tính từ năm 1075 đến năm 1919, theo thống kê của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Thúy Nga, nhà nước phong kiến đã tổ chức được 184 khoa thi tiến sĩ, đỗ được 2894 người.
Các nguồn tư liệu lịch sử hiện còn trước TK XIX thường chỉ ghi chép tên tuổi, quê quán những người đỗ tiến sĩ, xác thực nhất là 82 văn bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Còn danh sách những người đỗ trong các kỳ thi hương không được thống kê. Phải bắt đầu từ thời Nguyễn (1802 - 1945), danh sách những người đỗ thi hương mới được ghi chép, thống kê bởi Cao Xuân Dục trong Quốc triều hương khoa lục.
Căn cứ vào Các nhà khoa bảng Việt Nam, 1075 - 1919 (1) chúng tôi thống kê vùng ven hồ Tây và phụ cận có 16 người đỗ đạt trong các kỳ thi do nhà nước phong kiến tổ chức (trạng nguyên 1 người, bảng nhãn 1 người, hoàng giáp 2 người, tiến sĩ đệ tam giáp 12 người) (2). Số người thi đỗ được thống kê, kiểm chứng theo đơn vị làng dựa trên tư liệu từ công trình Các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội (3). Cụm từ làng khoa bảng liên quan đến 2 khái niệm, cũng là 2 yếu tố: làng, khoa bảng.
Làng là một đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt ở nông thôn, có địa vực, cơ cấu tổ chức, lệ tục, tâm lý, tiếng làng (được biểu hiện ra âm giọng) riêng, hoàn chỉnh, tương đối ổn định qua quá trình lịch sử. Làng khác với xã, bởi xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước phong kiến. Một xã có thể chỉ gồm một hoặc hai, ba làng (4).
Khái niệm khoa bảng liên quan đến các danh hiệu học vị của nhà nước phong kiến. Theo đó làng khoa bảng hàm ý là những cộng đồng cư dân truyền thống có nhiều người theo đuổi việc học hành, đỗ đạt cao qua các kỳ thi Nho học của nhà nước phong kiến, tạo nên một truyền thống hiếu học, đỗ đạt qua nhiều thế hệ (5).
Các làng khoa bảng đã cung cấp một số lượng lớn trí thức Nho học cho đất nước, nhiều người có những đóng góp to lớn trong xây dựng, bảo vệ đất nước; đặc biệt là trong xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, nêu tấm gương sáng về nhân cách của người trí thức. Chính vì thế, về một phương diện nào đó, có thể nói các làng khoa bảng cùng các danh nhân khoa bảng là một biểu hiện của văn hiến Việt Nam.
Trên cơ sở thống kê, chúng tôi có bảng sau:
Trong 16 người đỗ đại khoa, có 1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 2 hoàng giáp. Trong số 13 làng ven hồ Tây và phụ cận, đến 10 làng có ít nhất 1 người đỗ đại khoa.
Theo thời gian, nếu nh thời Lý (1009-1225), thời Trần (1226-1400), vùng ven hồ tây và phụ cận chưa có người đỗ đại khoa thì đến thời Lê sơ (1427-1527) có sự khởi phát với 5 người. Thời Lê Trung hưng (1533-1788), số lượng người đỗ đại khoa là cao nhất với 8 trường hợp. Thời Mạc (1527-1592) có 2 người đỗ. Nhà Nguyễn có 1 người. Như vậy, tính từ năm 1475 đến năm 1826, trung bình 22 năm có 1 người đỗ đại khoa. Nếu so các thời kỳ thì có sự khác biệt. Thời Lê sơ trung bình 20 năm có 1 người đỗ, thời Lê Trung hưng trung bình 32 năm có một người đỗ...
Theo lứa tuổi, trong số 16 người đỗ đại khoa thì có 2 người không xác định được là Ông Nghĩa Đạt, Đoàn Nhân Thục. Căn cứ vào độ tuổi, người đỗ đại khoa trung bình hơn 32 tuổi. Người cao tuổi nhất đỗ đại khoa là Nguyễn Quang Huệ khi 52 tuổi. Người trẻ nhất đỗ đại khoa là Nguyễn Kiều khi 21 tuổi. Phân tích theo lớp tuổi, ở độ tuổi từ 20 - 30 có 9 người đỗ (chiếm 64%), từ 31 - 40 tuổi có 2 người (chiếm 14,3%), từ 40 - 50 tuổi có 2 người (chiếm 14,3%), trên 50 tuổi có 1 người (chiếm 7,1%). Theo số liệu thống kê trong Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội thì độ tuổi có nhiều tiến sĩ thành danh nhất ở các làng khoa bảng là tuổi 31 - 40; tiếp sau đó là độ tuổi 20 - 30. Số liệu so sánh về lớp tuổi đỗ đại khoa của vùng hồ Tây và phụ cận tập trung ở độ tuổi 20 - 30, trong khi đó, toàn bộ Hà Nội (bao gồm cả Hà Tây) lớp tuổi đỗ đại khoa là 31 - 40 tuổi. Điều này cho thấy độ trẻ hóa của vùng ven hồ Tây và phụ cận so với toàn bộ khu vực Hà Nội nói chung.
So trên địa bàn Hà Nội, với 321 người đỗ đại khoa (6) thì số người đỗ đại khoa của vùng ven hồ Tây và phụ cận chiếm số lượng khiêm tốn là 4,98% (16/321 người). Tuy nhiên, những gương mặt này thật sự nhiều đóng góp với đất nước.
Vũ Tuấn Chiêu, nguyên quán phường Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức, nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên) khoa ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 6, đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang.
Ông Nghĩa Đạt, người thôn Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (bảng nhãn) khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 6, đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Phó đô ngự sử, đi sứ sang nhà Minh năm 1476.
Nguyễn Kiều (7), người thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (8), Hà Nội, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11, đời Lê Dụ Tông, khi đó ông 21 tuổi. Năm 1734, ông được cải bổ vào Nghệ An làm chức Đốc thị, hai năm sau thăng Thừa tuyên trấn Nghệ An. Ông từng là chánh sứ đi tuế cống nhà Thanh năm 1742 - 1745 (9). Ông làm quan đến chức Binh bộ Tả thị lang, là chồng của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Ông sáng tác Hạo Hiên thi tập, gồm các bài thơ làm trong khi đi sứ.
Các vị đỗ thi hương dưới thời Nguyễn (1802 - 1919)
Thống kê từ Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, vùng ven hồ Tây và phụ cận có 11 người đỗ trong các kỳ thi hương do nhà Nguyễn tổ chức (10). Người đỗ cử nhân đầu tiên là Lý Văn Phức, khoa thi năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819). Người đỗ cử nhân cuối cùng là Nguyễn Túc, đỗ kỳ Ân khoa năm Giáp Thân, Kiến Phúc thứ 1 (1884). Như vậy, thế hệ cử nhân của khu vực hồ Tây và phụ cận nằm trọn vẹn trong TK XIX.
Phân tích hành trạng các vị đỗ cử nhân kỳ thi hương dưới thời Nguyễn, có thể thấy:
Trường hợp anh em ruột cùng thi đỗ: Gia đình Lý Văn Phức, người phường Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Lý Văn Phức cùng em là Lý Văn Hảo đều thi đỗ khoa thi năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 (1819). Khoa thi (ân khoa) năm Tân Tỵ Minh Mệnh 2 (1821), người em là Lý Văn Loát cũng đỗ kỳ thi hương tổ chức tại Hà Nội. Hành trạng Lý Văn Hảo không được biết đến nhưng Lý Văn Phức, làm quan chức tham tri, bị lỗi nên bị cách chức, nhưng sau đó được phục hàm quang lộc tự khanh; từng phụng mệnh đi sứ Trung Quốc. Lý Văn Loát làm quan tri huyện dưới triều vua Minh Mệnh.
Trường hợp cha con cùng đỗ: Khoa năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825), Nguyễn Văn Thắng, người phường Yên Thái, huyện Vĩnh Thuận đỗ cử nhân. Năm 1826, ông thi đậu tiến sĩ khoa Bính Tuất, làm quan tới chức tham hiệp. Con trai của ông là Nguyễn Quý Cầu, đỗ kỳ thi hương khoa năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852).
Có 8/11 (chiếm 72,7%) trường hợp đỗ cử nhân có ghi chép quan chức họ đạt được sau khi thi đỗ kỳ thi hương, chức quan họ được bổ nhiệm, cao nhất là tham hiệp. Có 2 người đỗ cử nhân sau đó được bổ nhiệm làm tri huyện là Lý Văn Loát, Nguyễn Trăn. Có hai người làm quan ngự sử trong Huế là Phùng Kiệt, Bùi Văn Mỹ. Hứa Văn Cương, đỗ cử nhân khoa Mậu Tú 1828, làm quan đốc học. Nguyễn Hiến (sau đổi tên là Nguyễn Vĩ, đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi 1847), làm quan tư nghiệp Quốc tử giám.
Về địa phương những người thi đỗ cử nhân, làng Yên Thái có 5 người đỗ trong các kỳ thi hương. Làng Hồ Khẩu với 3 người đỗ cử nhân, đều là anh em.
Vùng ven hồ Tây và phụ cận là một bộ phận hữu cơ không tách rời với không gian văn hóa Thăng Long, Hà Nội; là nơi sinh dưỡng, trưởng thành của nhiều nhân vật lịch sử lớn, trong đó có 16 vị đại khoa trong lịch sử khoa bảng phong kiến của Thăng Long, Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Kết quả thống kê với 16 vị đỗ đại khoa, 11 vị đỗ cử nhân cho phép chúng ta suy nghĩ về một phong trào học hành, thi cử tại đây. Số lượng thống kê cho biết những nhà khoa bảng của khu vực tuy không nhiều, nhưng họ thật sự có nhiều đóng góp đối với quê hương, đất nước. Trong quá trình tham gia bộ máy quan lại, nhiều người trong số họ đã để lại nhiều công trạng. Những gương mặt ưu tú đó đều góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của vùng đất ngàn năm văn hiến Thăng Long, Hà Nội.
_______________
1. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi, Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.
2. Con số 16 dựa vào phạm vi hành chính vùng ven hồ Tây và phụ cận hiện nay. Tuy nhiên, số liệu có thể bổ sung dựa vào những phát hiện mới và đối chiếu với thực tế tại địa phương.
3, 4, 5, 6. Bùi Xuân Đính, Nguyễn Viết Chức (đồng chủ biên), Các làng khoa bảng Thăng Long-Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.32, 33, 26.
7, 9. Vũ Khiêu, Danh nhân Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2004, tr.434.
8. Ngày 28 - 10 - 1995, theo Nghị định số 69/CP của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập quận Tây Hồ thì phường Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ.
10. Thống kê từ Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TP. HCM, 1993, tr.115, 117, 130, 145, 146, 158, 268, 317, 330, 479.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8-2017
Tác giả : PHẠM THƯƠNG THƯƠNG