Vĩnh Phúc là tỉnh có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Trải qua thời gian, trong kho tàng di sản văn hóa (DSVH) của tỉnh vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian... phong phú và độc đáo. Những năm gần đây, các DSVH của tỉnh Vĩnh Phúc đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một do sự tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Vĩnh Phúc đang tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình biến đổi cơ cấu dân số và kinh tế xã hội nhanh chóng đã tác động mạnh đến môi trường thực hành DSVH của Vĩnh Phúc, đặc biệt là bộ phận DSVH ở khu vực đô thị, công nghiệp. Các di tích, danh thắng bị phá vỡ không gian thiêng, thu hẹp không gian thực hành di sản; nhiều DSVH phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống… đứng trước nguy cơ bị mai một.
1. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị DSVH vật thể
Năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 1.306 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn huyện Sông Lô và di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), 65 di tích cấp quốc gia, 356 di tích cấp tỉnh. Một số di tích đang ở tình trạng xuống cấp và xâm phạm nghiêm trọng. Để ngăn chặn tình trạng này, thực hiện quản lý hiện vật, đất đai minh bạch, Vĩnh Phúc đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 799 di tích (gồm 53/65 di tích cấp quốc gia, 286/356 di tích cấp tỉnh, 460/885 di tích chưa xếp hạng). Công tác tổng kiểm kê di tích và xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, danh thắng được thực hiện ngày càng chặt chẽ.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi được tu bổ tôn tạo, một số di tích đã đem lại hiệu quả hoạt động rõ rệt, khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân như di tích Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên; các chùa Hà Tiên, Bảo Sơn, Biện Sơn, Tùng Vân, Vân Ổ, Hòa Lạc, Vân Xuân; đền Quốc Mẫu Tây Thiên, đền Thượng; các đình Trung Nguyên, Thiệu Tổ, Ngoại Trạch, Yên Điềm, Thanh Lộc, Bàn Mạch… Năm 2015, Vĩnh Phúc đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu. Trung tâm đã tiến hành nghi lễ phủ bia ghi danh 91 vị khoa bảng đỗ đại khoa qua các triều đại quân chủ và triển khai nghiên cứu tài liệu, hiện vật về lịch sử danh nhân khoa bảng làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch và làng Lý Hải, xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên.
Nguồn kinh phí tu bổ di tích sử dụng một phần vốn từ chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, một phần còn lại là nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân, doanh nghiệp, khách thập phương đóng góp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, tôn tạo di tích của tỉnh. Vấn đề bất cập hiện nay là nhận thức của một số địa phương chưa tốt nên một số nơi (xã, thôn) tự ý tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích dẫn đến sai lệch, làm biến dạng không gian kiến trúc truyền thống, giảm giá trị của di tích. Qua kiểm tra, ngành văn hóa đã xử lý 9/65 di tích cấp quốc gia và 29/365 di tích cấp tỉnh tu bổ, bổ sung đồ thờ mới vào di tích sai nguyên tắc.
Bên cạnh công tác tu bổ, tôn tạo di tích, nhiệm vụ quản lý di tích cũng được chính quyền, cơ quan chuyên môn và cộng đồng quan tâm. Thực tế, việc trao quyền nhiệm bảo vệ DSVH cho cộng đồng địa phương còn chưa đầy đủ. Đến năm 2015, toàn tỉnh mới chỉ có 96/137 xã, phường, thị trấn thành lập được Ban quản lý di tích trông coi, bảo vệ trực tiếp. Ở những xã, thôn thành lập Ban quản lý di tích chậm và hoạt động chưa thường xuyên, việc bảo vệ di tích, cổ vật gặp nhiều khó khăn, dễ gây mất mát, hư hỏng hoặc bị tác nhân bên ngoài làm giảm giá trị của di vật, cổ vật. Công tác bảo vệ các di chỉ khảo cổ học ở Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường (2011) và di chỉ Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc (2012 - 2013) gần đây có sự quan tâm hơn so với giai đoạn trước.
Nói đến công tác bảo vệ và phát huy DSVH vật thể không thể không nói đến công tác bảo tàng. Tỉnh Vĩnh Phúc có Bảo tàng tổng hợp tỉnh, được thành lập từ năm 1997, đang lưu giữ gần 100.000 hiện vật các loại, trong đó có 3 bộ sưu tập khảo cổ học và sưu tập tiền cổ quý hiếm các thời kỳ với 70.000 hiện vật. Năm 2000, Bảo tàng tỉnh được khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống trưng bày nội thất giai đoạn 1, không có khu trưng bày ngoài trời, khu giới thiệu di sản, khu bổ trợ cho hoạt động tham quan. Bảo tàng tỉnh trưng bày nội dung chuyên đề phản ánh về quá trình lịch sử hình thành và biến đổi của mảnh đất Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến năm 1930, quy mô rộng 800 (m2). Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng nội dung chỉnh lý trưng bày Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Tỉnh ủy; tư vấn, giúp đỡ Phòng PC 15 - Công an tỉnh lựa chọn hình ảnh, tài liệu, hiện vật phục vụ cho Trưng bày Nhà truyền thống Công an Vĩnh Phúc. Mỗi năm, bảo tàng tổ chức từ 2 - 4 chuyên đề trưng bày lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã và một số địa phương khác trong cả nước, phục vụ đón tiếp trung bình từ 35.000 đến 40.000 lượt khách tham quan.
2. Thực trạng bảo vệ, phát huy giá trị DSVH phi vật thể
Giai đoạn 2008 - 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản và tổ chức các hoạt động thực hành di sản. Ngành văn hóa đã tham mưu xây dựng và triển khai các giải pháp bảo tồn, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm 2009, Vĩnh Phúc lần đầu tiên có mặt trên bản đồ DSVH phi vật thể thế giới qua việc UNESCO công nhận ca trù là DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và là 1 trong 16 tỉnh, thành phố nằm trong không gian văn hóa ca trù được nêu trong hồ sơ. Ngoài ra, ngày 02-12-2015, di sản trò kéo đã được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện nhân loại.
Ban Quản lý di tích tỉnh đã phối hợp với Viện VHNTQG Việt Nam thực hiện tổng điều tra DSVH phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Bước đầu thực hiện khảo sát điền dã, thu thập tài liệu, xây dựng kịch bản hướng dẫn thực hành phục hồi lễ hội rước nước đền Ngự Dội (thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường), lễ hội Chạy cày Đan Trì (làng Đan Trì, Hoàng Đan, Tam Dương) nhận được những phản hồi tích cực từ phía chính quyền và nhân dân địa phương. Đến năm 2015, ngành văn hóa thực hiện kiểm kê DSVH phi vật thể trên địa bàn thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và lựa chọn các hình thái tiêu biểu để lập hồ sơ, nhập dữ liệu để quản lý.
Đối với di sản nghệ thuật chèo, tỉnh Vĩnh Phúc có Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản này. Nhà hát quy tụ nhiều nghệ sĩ, diễn viên giỏi thường xuyên phục hồi các vở diễn, tiết mục chèo cổ và phát huy bộ môn nghệ thuật chèo qua các vở diễn mới dưới hình thức sân khấu hóa.
Hiện nay, chính quyền và cộng đồng người dân có di sản ngày càng nhận thức tốt hơn về vai trò quan trọng của DSVH phi vật thể, thể hiện qua việc đầu tư công sức, tiền của bảo tồn các lễ hội, nghi lễ truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc.
Cùng với tăng cường quản lý DSVH phi vật thể, ngành văn hóa Vĩnh Phúc tổ chức nhiều hội thảo khoa học, biên soạn sách, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trung ương tổ chức khảo sát, nghiên cứu về DSVH, nghệ thuật biểu diễn, thư viện, trưng bày, khai quật di chỉ văn hóa trên địa bàn.
So với giai đoạn trước, quan hệ hợp tác về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị DSVH được tăng cường toàn diện. Tuy nhiên, phạm vi hợp tác quốc tế còn yếu về các lĩnh vực nghiên cứu về quản lý, sưu tầm, bảo tồn DSVH... Hình thức và đối tượng hợp tác chưa đa dạng; chất lượng hợp tác chưa cao và chưa thường xuyên.
3. Định hướng bảo tồn, phát huy DSVH trong thập kỷ 20 - 30 TK XXI
Đến năm 2020, tỉnh hoàn thành công tác kiểm kê phân loại hệ thống di tích, danh thắng; kiểm kê DSVH phi vật thể; dự án trưng bày nội thất bảo tàng tỉnh giai đoạn 2; xây dựng 5 nhà truyền thống cấp huyện, thành phố (Vĩnh Yên, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương) và một số nhà truyền thống các ngành; thực hiện các hoạt động nghiên cứu và quảng bá giới thiệu Văn Miếu Vĩnh Phúc; nâng tỷ lệ di tích cấp quốc gia được tu bổ, tôn tạo đạt 80%, di tích cấp tỉnh đạt 30 - 40%; có từ 3 DSVH phi vật thể được công nhận trong Danh mục DSVH phi vật thể đại diện quốc gia và 1 di sản được UNESCO công nhận trong Danh sách DSVH phi vật thể đại diện nhân loại. Tỉnh đầu tư có trọng điểm bảo tồn lễ hội tiêu biểu cấp tỉnh và cấp vùng.
Đến năm 2025 - 2030, tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng khu trưng bày ngoài trời, khu dịch vụ, thể nghiệm trình diễn nghề, khu trưng bày dân tộc học của Bảo tàng tỉnh. Thực hiện tu bổ, tôn tạo 100% di tích cấp quốc gia, 50 - 60% di tích cấp tỉnh; có 3 - 4 DSVH phi vật thể được công nhận trong danh mục DSVH phi vật thể đại diện quốc gia. Khuyến khích các nhà sưu tập cổ vật, cộng đồng tham gia thành lập 2 bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng làng nghề thủ công truyền thống.
Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, kết hợp hài hòa mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa với nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, du lịch. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lập hồ sơ quy hoạch tổng thể xếp hạng và đầu tư tu bổ hệ thống di tích, danh thắng. Lập và triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống di tích và khảo cổ học trên địa bàn tỉnh.
Triển khai dự án sưu tầm tài liệu hiện vật theo chủ đề trưng bày bảo tàng tỉnh giai đoạn 2. Nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý hiện vật, trang thông tin điện tử của bảo tàng tỉnh. Lập quy hoạch chi tiết khu dịch vụ, trưng bày ngoài trời, khu trưng bày dân tộc học tại bảo tàng... Tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm phát triển loại hình du lịch bảo tàng chất lượng cao từ các bảo tàng trong và ngoài nước ngoài để đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng. Phối hợp với các bảo tàng, cơ quan nghiên cứu, tổ chức lữ hành du lịch xây dựng Bảo tàng tỉnh thành trung tâm nghiên cứu khoa học và điểm tham quan hấp dẫn.
Tăng cường liên kết hoạt động của các bảo tàng, nhà truyền thống, khu điểm di tích, danh thắng với hoạt động giáo dục truyền thống trong nhà trường và phục vụ khách du lịch. Triển khai xây dựng mô hình bảo tồn không gian làng bản cổ truyền các dân tộc. Thành lập các bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng làng nghề thủ công bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Triển khai thực hiện đề án bảo tồn, phát huy DSVH phi vật thể các dân tộc thiểu số. Nghiên cứu bảo tồn, phát triển bền vững các DSVH phi vật thể đã được công nhận. Duy trì tổ chức hàng năm các lễ hội lớn; thực hiện tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, đầu tư phục hồi có trọng điểm cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, âm nhạc dân gian, múa dân gian, hoa văn trang phục, sinh hoạt nghi lễ, nghề thủ công truyền thống, cách chế biến món ăn truyền thống, y dược dân gian, trò chơi dân gian, xây dựng và thực hiện dự án phục hồi, bảo tồn chữ viết, sách cúng chữ Hán, chữ Nôm... gắn với các hoạt động du lịch.
Thực hiện cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian. Nghiên cứu biên soạn chương trình giảng dạy một số loại hình dân ca, dân vũ, chữ cổ, phương pháp chế tác, sử dụng nhạc cụ và kỹ thuật nghề thủ công truyền thống để áp dụng vào nhà trường, các trung tâm văn hóa, câu lạc bộ. Tổ chức lớp dạy về kiến thức, kỹ năng thực hành DSVH phục vụ công chúng cho cán bộ bảo tàng và trung tâm văn hóa các cấp.
Tổ chức định kỳ mỗi năm các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức lĩnh vực bảo tồn DSVH phi vật thể. Xây dựng và mở rộng mạng lưới các câu lạc bộ, đội nghệ thuật truyền thống; tổ sưu tầm và bảo vệ DSVH phi vật thể do những người đứng đầu thôn bản, dòng họ, nghệ nhân, cán bộ dân tộc thiểu số phụ trách; thành lập các chi hội bảo vệ DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung.
Tại các huyện có cộng đồng dân tộc thiểu số, bổ sung từ 1 - 2 cán bộ của trung tâm văn hóa, thể thao là người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, chuyên theo dõi và quản lý DSVH phi vật thể. Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của nhà truyền thống các huyện, giới thiệu về DSVH phi vật thể để du khách và nhân dân tham quan, tìm hiểu.
Nghiên cứu, sưu tầm, hoàn thiện các tiêu chí đặc trưng về bản sắc văn hóa địa phương trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Xây dựng kế hoạch dài hạn và thực hiện tuyển chọn đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn về DSVH phi vật thể để phổ biến rộng rãi.
Thành lập Trung tâm lưu trữ Dữ liệu DSVH phi vật thể tại bảo tàng. Đổi mới phương thức trưng bày, nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng.
Đầu tư bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản nghệ thuật truyền thống tiêu biểu thông qua các nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; kết hợp bảo tồn di sản nghệ thuật với thể nghiệm, gắn với khai thác phục vụ du lịch. Thực hiện xây dựng mô hình bảo tồn DSVH phi vật thể phục vụ phát triển du lịch tại các khu, tuyến du lịch trọng điểm. Tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, giao lưu, thi sáng tác... nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho các dân tộc thể hiện bản sắc DSVH phi vật thể.
Thực hiện quy hoạch phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; dành quỹ đất xây dựng khu sản xuất, khu trưng bày, mua bán sản phẩm; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, gắn hoạt động nghề với mục tiêu phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Xây dựng các chương trình sự kiện, sản xuất các sản phẩm sách, tạp chí, đĩa nhạc, phim giới thiệu về kho tàng DSVH phi vật thể của tỉnh đến khán giả trong nước và quốc tế; phục vụ phát triển du lịch văn hóa.
Triển khai nghiên cứu, thử nghiệm mô hình bảo tồn lễ hội, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống phù hợp với địa phương để phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất 2-3 nghề truyền thống, loại hình dân ca, dân vũ gắn với hoạt động du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu di sản thông qua các chương trình sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh và vùng. Đầu tư sản xuất các chương trình truyền hình, sản phẩm sách, tạp chí, đĩa nhạc, phim, ảnh...; hình thành hệ thống các sản phẩm như đồ lưu niệm gắn với nghề thủ công dân gian; sản phẩm y dược dân gian; nghệ thuật âm nhạc, ca múa dân gian phục vụ du khách.
Nâng cao chất lượng chương trình dạy về DSVH truyền thống trong các trường học, trung tâm, nhà văn hóa. Thực hiện nhân rộng mô hình thành công đưa di sản nghệ thuật truyền thống vào sân khấu học đường, sân khấu tuổi thơ... Tỉnh bố trí kinh phí ngân sách hàng năm cho các dự án nghiên cứu mang tính ứng dụng bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Phấn đấu 100% trường học có chương trình ngoại khóa mang nội dung giáo dục DSVH.
Tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế nhằm làm rõ giá trị di sản và giới thiệu về các loại hình DSVH phi vật thể của tỉnh... Đầu tư nâng cao chất lượng các lễ hội dân gian, nâng tầm các lễ hội tiêu biểu của tỉnh trở thành lễ hội cấp vùng; đăng cai tổ chức hoặc cử các đoàn tham dự các liên hoan, trao đổi, giới thiệu DSVH phi vật thể ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tăng cường các chương trình hợp tác trong vùng nhằm bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc sinh sống trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sưu tầm, phục hồi các DSVH, ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc.
Như vậy, với việc thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cơ bản bảo vệ được kho tàng DSVH của tỉnh trước sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hạn chế thấp nhất khả năng mai một của DSVH vật thể và phi vật thể đồng thời bước đầu phát huy giá trị của DSVH phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong đời sống đương đại.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017
Tác giả : PHẠM LAN OANH - PHẠM NAM THANH