TỪ NHIÊN THẦN ĐẾN NHÂN THẦN VÀ VẤN ĐỀ TRUYỀN THUYẾT HÓA THẦN THOẠI

Tín ngưỡng bản địa Việt Nam chủ đạo là tín ngưỡng đa thần với đặc trưng sùng bái vật linh. Bắt nguồn từ tín ngưỡng ấy nên ở khắp các cộng đồng cư dân, người ta thờ cúng thần tự nhiên, đó là các thần động vật với nhiều chủng loại khác nhau, trong đó có thần thuộc thế giới bầu trời như: các loài chim thần, có thần thuộc thế giới mặt đất với các loài vật linh như: hổ, trâu, gà, gấu; có thần động vật thuộc thế giới mặt nước như: rắn, giải, giao long, thuồng luồng, rồng, rùa, cá; các loài thực vật được linh thiêng hóa thành thần như: cây cối, hạt lúa, hạt ngô, củ khoai, quả bầu; các dạng vật linh như: nước, đất, đá, rừng, núi, lửa; các hiện tượng linh như: mây, mưa, gió, sấm, chớp, sóng… Các câu chuyện kể về những vị thần tự nhiên này đã tạo ra một hệ thần thoại hết sức phong phú. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian và trải qua chiều rộng của không gian, các truyện kể này không còn nguyên hình, nguyên dạng như khởi nguyên nữa, một bộ phận nhân vật nhiên thần không nhỏ đã có sự chuyển hóa thành nhân thần và nửa nhiên thần, nửa nhân thần. Sự chuyển hóa đó diễn ra theo quy luật nội tại và khách quan, làm cho biến đổi cả về mặt thể loại của truyện cổ, theo đó thể loại thần thoại đã được truyền thuyết hóa một cách mạnh mẽ.

Nhìn từ quy luật biến đổi tư duy loài người, trong không gian xã hội nguyên thủy, hệ tư duy huyền thoại ngự trị và chi phối đời sống của con người. Ở đó, thần linh tồn tại theo tình cảm, niềm tin của con người một cách vô thức. Người nguyên thủy quan niệm mọi vật bao gồm từ các sự vật vô tri, vô giác như: đất, đá, núi, mây mù, sương gió, sấm sét, cây cối, sông, biển, hồ đến các loài động vật, thực vật và con người, tất cả đều có linh hồn. Có thể nói, đặc trưng niềm tin tâm linh trong xã hội nguyên thủy là tín ngưỡng vạn vật hữu linh, đánh dấu bằng việc tất cả mọi sự vật hiện tượng liên quan đến con người đều có thần linh trú ngụ. Theo đó, những truyện kể về các vị thần linh trong thế giới tự nhiên là căn nguyên ra đời của thần thoại. Thần thoại đã lý giải mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này, đó là về nguồn gốc vũ trụ, tự nhiên và loài người. Thần thoại lý giải bằng cách gán cho mỗi sự vật hiện tượng một hoặc một vài vị thần. Đó có thể là vị thần đã sinh ra hoặc vị thần ngự trị, cai quản sự vật hiện tượng trong thế giới tự nhiên như: thần trời, thần đất, thần sông, thần biển, thần núi, thần đá, thần cây, thần mặt trăng, thần mặt trời... Trong niềm tin của người nguyên thủy, thần là trung tâm của vũ trụ và con người tồn tại được hay không cũng do sự chi phối của thần. Thần có thể mang đến sự sống, giúp con người có thức ăn, nơi ở. Thần cũng có thể gieo rắc cái chết cho con người. Điều đó lý giải vì sao, tất cả các tộc người nguyên thủy đều có chung một đặc điểm là thờ nhiều vị thần khác nhau. Đó là căn nguyên ra đời của các hệ thần thoại vốn là những truyện kể dân gian đầu tiên về thần.

Từ thời đại tư duy huyền thoại bước sang thời đại của tư duy tôn giáo, niềm tin và tình cảm tín ngưỡng của con người đã có sự biến đổi sâu sắc. Đặc trưng của thời đại tư duy tôn giáo là niềm tin vào nhất thần. Nơi đâu có sự hiện diện của loại hình tôn giáo nhất thần thì ở nơi đó, một số vị thần mới có địa vị tối cao trong đời sống tôn giáo của con người. Bên cạnh đó, một bộ phận thần linh thuộc tín ngưỡng bản địa (vật linh đa thần giáo) không hề mất đi, nó thâm nhập và dung hòa cùng với tôn giáo nhất thần để tạo nên sức sống riêng như hiện tượng thờ Tứ Pháp của Phật giáo vốn là thờ: mây, mưa, sấm, chớp; tín ngưỡng thờ nữ thần ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà trung tâm của nó thuộc địa phận Dâu (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); hay hiện tượng thờ cây, thờ đá, thờ núi, thờ sông... vẫn tồn tại khắp các vùng miền trong sự dung hòa với Phật giáo. Trên thực tế, nơi đâu chưa xuất hiện niềm tin nhất thần thì tín ngưỡng vật linh đa thần giáo vẫn ngự trị trong tâm thức cộng đồng, còn ở những nơi có sự xuất hiện niềm tin tôn giáo nhất thần thì ở đó tín ngưỡng thờ thần tất sẽ diễn ra theo ba xu hướng khác nhau. Xu hướng thứ nhất: sự biến mất của một số vị thần tự nhiên; xu hướng thứ hai: một số vị thần tự nhiên vẫn còn đất sống trong tiềm thức cộng đồng; xu hướng thứ ba: sự hòa nhập giữa những vị thần linh cũ và thần linh mới.

Quá trình vận động của tư duy tôn giáo loài người còn được đánh dấu bằng sự chuyển biến từ tư duy tôn giáo đến tư duy khoa học. Nếu căn cứ theo đúng nguyên lý của tư duy khoa học thì vai trò của thần không còn ở địa vị tối cao nữa, con người đã nghiệm ra nguồn gốc, căn nguyên đích thực của sự vật hiện tượng là do đâu, ý thức giới hạn tồn tại của mình là thế nào. Vì thế, về mặt lý thuyết, cho đến thời kỳ tồn tại tư duy khoa học sẽ đánh dấu bằng sự mất đi hoặc dần loại bỏ các thế lực siêu nhiên ra khỏi đời sống tâm linh của con người. Trên thực tế không phải như vậy, mặc dù con người đã nhận thức về sự tồn tại hữu hạn của chính bản thân mình trên trần gian nhưng niềm tin vào sự hiện diện thế lực thần linh không bao giờ vơi cạn. E.B Tylor cho rằng: “Ngay cả những ranh giới của nền văn minh cao, con người vẫn hành động dường như theo lối nửa tin vào linh hồn của các vật (1). Do con người chưa thoát khỏi những niềm tin thần thánh, họ cần một điểm tựa tâm linh, khắc phục sự sợ hãi của mình trong cuộc sống ngày càng nhiều rủi ro. Mặt khác, cảm thức về thế giới siêu nhiên còn là lối sống, trở thành một nét văn hóa của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Sự biến đổi của lịch sử tư duy loài người rõ ràng tác động không nhỏ đến sự tồn tại của truyện cổ nhiên thần. Tuy nhiên, cho đến tận ngày nay, trong đời sống đương đại, tín ngưỡng sùng bái nhiên thần vẫn đồng tồn cùng hệ tư duy khoa học, có điều mức độ đậm nhạt ở mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng lại được biểu hiện khác nhau. Theo đó, các truyện cổ nhiên thần một mặt dần mai một theo sự thu hẹp của tín ngưỡng đa thần, một mặt các truyện cổ nhiên thần lại có dung mạo, địa vị mới, gần gũi hơn với con người. Chính điều này làm cho thần thoại về các thực thể tự nhiên mang bộ mặt người, được nhân thần hóa. Do đó, thần thoại đã có sự pha trộn cả yếu tố của truyền thuyết.

Nhìn từ quá trình lịch sử hóa, thần tích hóa, sự vận động từ nhiên thần đến nhân thần ở nước ta đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Các vương triều phong kiến nước ta với đặc trưng vương quyền cai trị, lấn át thần quyền, quyền lực của nhà vua là tối thượng. Trong bối cảnh đó, các vị nhiên thần vốn tồn tại trong đời sống tâm linh của người dân nhưng qua ngòi bút của các sử gia đã được chỉnh sửa lại cho phù hợp với nhu cầu của vương quyền. Các nhà viết sử phong kiến vốn là những nhà nho, khi họ viết các bộ chính sử đã gắn kết với những truyện kể hoang đường trong dân gian với sự kiện lịch sử của đất nước. Đó là trường hợp của Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và hầu hết các bộ chính sử của các triều đại phong kiến khi viết về ngọn nguồn dân tộc đều có một quá trình lịch sử hóa các thần tự nhiên. Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường cho rằng “Nhiên thần mang dạng nhân vật lịch sử để tự mình có thân xác, trở thành nhân vật lịch sử, vào ngự trị trong sách vở, có đà lấn át cả nhân vật lịch sử” (2). Xuất hiện trong chính sử, các vị nhiên thần được cải hóa, mang diện mạo của những nhân vật lịch sử, như: Lạc Long Quân vốn là loài rồng/rắn đại diện cho thế giới mặt nước, Âu Cơ vốn là loài chim thần đại diện cho thế giới trên cao đã trở thành tổ tiên dân tộc Việt; Sơn Tinh vốn là thần núi trở thành con rể vua Hùng, Thánh Gióng vốn là vị nhiên thần đã trở thành anh hùng giết giặc ngoại xâm… Đó đều là những vị thần tối linh trong lịch sử, văn hóa dân tộc. Do muốn xây dựng những nhân vật trong thần thoại mang hình dạng của nhân vật lịch sử nên các sử gia phong kiến đã lược bỏ những yếu tố hoang đường, kỳ ảo của nhân vật nhiên thần, xây dựng các nhân vật đó với một lý lịch rõ ràng, gần gũi hơn với đời sống hiện thực của con người. Đó cũng chính là một trong các nguyên nhân làm cho biến đổi hành trạng thần. Một số vị nhiên thần trong thần thoại dần trở thành những nhân vật nửa nhiên thần, nửa nhân thần trong truyền thuyết dân gian.

Trong quá trình thờ cúng các vị nhiên thần ở nước ta đã diễn ra một biến động rất lớn về diện mạo, hành trạng của các vị thần do quá trình thần tích hóa. Đặc biệt, ở vào thời kỳ hậu Lê, một số nhà nho đã định hình ra một lý lịch chung về các vị thần. Cụ thể, mỗi vị thần đều có quá trình ra đời, trưởng thành, lập chiến công, hóa thân và sự vinh phong của nhân dân. Thường các vị thần đều được chắp cho những yếu tố hoang đường, kỳ ảo nên dung mạo và hành trạng các vị thần được định hình như sau: sinh nở thần kỳ, trưởng thành kỳ diệu, lập chiến công phi thường và hóa thân kỳ ảo. Cụ thể như trường hợp thờ Ông Cộc, Ông Dài - vốn là hai con rắn thần qua thần tích đã trở thành nhân vật Trương Hống, Trương Hát mang dung mạo của nhân vật anh hùng chống giặc ngoại xâm. Qua quá trình thần tích hóa, các vị nhiên thần vốn có hình dáng, hành trạng mơ hồ trong thần thoại đã được định danh thành những vị thần có lý lịch và hành trạng rõ ràng hơn trong truyền thuyết. Điều đó làm cho diện mạo các vị nhiên thần biến đổi hết sức mạnh mẽ, thậm trí người ta không còn nhận ra được diện mạo của thần.

Kết quả khảo sát từ trong các bộ văn xuôi thời kỳ trung đại đã cho thấy sự biến đổi về diện mạo, hành trạng thần một cách mạnh mẽ. Quan niệm về thần trong Việt điện u linh là những vị thông minh chính trực, có vị là tinh túy của núi sông, có vị là nhân vật kiệt linh, khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau. Trong Lĩnh Nam chích quái, bên cạnh các vị là hào khí tinh anh hay tinh túy núi sông, lại có các vị thần đại diện cho sức phá hoại của thiên nhiên mà con người phải hàng phục. Văn xuôi  TK XVIII-XIX đã bùng nổ các loại thần, ma, quái, trong thần có cả thần thiêng và thần  nhảm (3). Như vậy, ngay trong ghi chép của các nhà nho phong kiến, càng về sau, diện mạo và hành trạng của thần đã có sự biến đổi sâu sắc, gần gũi với hình dạng, tính cách con người hơn. Chính điều đó đã tạo ra sự khác biệt giữa các vị thần TK XIII-XIV so với thần được ghi chép giai đoạn TK XVIII-XIX. Theo đó, các vị nhiên thần vốn có đặc thù là đại diện cho những lực lượng của tự nhiên đã trở thành các vị thần gần gũi với con người, thậm chí mang bộ mặt người.

Chính từ việc các nhà nho phong kiến đã khoác những chiếc áo lịch sử lên dáng hình thần tự nhiên, làm cho các vị thần ấy mang đặc tính của nhân thần. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hình bóng nhiên thần trong các nhân vật ấy không bị biến dạng hoàn toàn. Bởi khi truyện cổ về các nhân vật nhiên thần được đưa vào công thức thần tích hay đưa vào chính sử, người ta vẫn dựa trên nền tảng là những tình tiết miêu tả về các vị thần ấy. Hơn nữa, người dân khi thờ cúng vị thần của mình cũng khó có thể chấp nhận một diện mạo hoàn toàn khác biệt với chức năng mới. Vì vậy, tuy có biến đổi do quá trình lịch sử hóa, thần tích hóa nhưng các vị thần tự nhiên vẫn còn lưu lại hành trạng của mình qua các chi tiết đặc tả, qua tên gọi về thần, qua các trò diễn về sự tích và chiến công của thần. Nó tạo ra một quá trình dung hòa giữa tự nhiên và lịch sử, giữa nhiên thần và nhân thần. Chính điều này dẫn đến việc có nhiều vị thần nửa nhiên thần, nửa nhân thần đã xuất hiện rất phổ biến trên khắp các vùng miền, rõ nét nhất là đối với trường hợp của người Việt.

Quy luật chuyển hóa từ nhiên thần đến nhân thần trong truyện cổ dân gian và tín ngưỡng dân gian Việt Nam còn có thể nhìn nhận từ quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa. Nền văn hóa Việt Nam trong một thời gian dài từ thời Bắc thuộc cho đến khi hình thành các vương triều độc lập đã chịu sự ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Ngoài mô hình nhà nước thì các sắc thái tôn giáo cũng đã có ảnh hưởng đến văn hóa nước ta. Trên thực tế, với sự ảnh hưởng ấy ở Việt Nam đã xuất hiện các nhân vật thần, tiên, ma, quỷ mang màu sắc Trung Hoa. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh cho rằng: “Thần thoại và anh hùng ca cổ Việt Nam, không tránh khỏi bị nhào nặn lại và cắt vụn ra sau ngàn năm Bắc thuộc, rồi được tái hiện vào trong văn học phong kiến thời Lý, Trần, Lê thành những tiểu sử rời rạc, gọt xén và chắp vá của các thần linh. Tình trạng này khiến nhiều người hoài nghi sự tồn tại của một hệ thống thần thoại và một nguồn anh hùng ca cổ Việt Nam” (4). Ngoài ra, sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa còn diễn ra giữa các tộc người cũng đã tạo ra sự biến đổi về diện mạo của thần.

Nhìn từ quá trình địa phương hóa, trong thực tiễn của quá trình sinh hoạt văn nghệ, tín ngưỡng dân gian, người dân kể rất nhiều truyện cổ nhiên thần khác nhau, họ coi những truyện đó là của vùng quê mình, bởi những truyện này luôn gắn liền với đời sống văn hóa của họ. Hễ có dịp, có điều kiện thuận tiện, nhân dân đem gắn truyện với những danh nhân, danh thắng ở địa phương. Ban đầu, truyện cổ nhiên thần vốn là những  truyện về thần động vật, cây cối, đồ vật và hiện tượng tự nhiên lưu truyền phổ biến trong dân gian, đến khi nó gắn với địa phương thì tạo ra một trường vật linh đối với cộng đồng cư dân địa phương ấy. Những truyện cổ nhiên thần vốn hoang đường, nhiều sắc màu hư ảo đến khi trở thành một sự kiện trong tín ngưỡng của địa phương sẽ có sự thay hình đổi dạng. Các nhân vật trong truyện trở nên gần gũi, linh thiêng đối với người dân. Đặc biệt, đối với những truyện cổ nhiên thần được gắn với nhân vật địa phương như trường hợp nhân vật Lạc Long Quân vốn là vị thần nước gắn với vùng đất xứ Bắc và Phú Thọ, nhân vật Thạch Tướng Quân vốn là vị thần đá gắn với vùng đất xứ Bắc, Tản Viên (Sơn Tinh) vốn là vị thần núi gắn với vùng đất xứ Đoài... Quá trình ấy sẽ làm cho diện mạo của vị thần không còn nguyên dạng nữa, các thần tự nhiên mang cả dáng dấp nhân thần.

Quy luật vận động từ nhiên thần đến nhân thần dẫn đến hệ quả là ban đầu các vị nhiên thần trong thần thoại nguyên sơ là những vị thần có hình dạng khổng lồ, thậm chí kỳ quái. Thần là hiện thân của các thế lực trong tự nhiên, sức mạnh của tự nhiên. Nhưng về sau này, các vị nhiên thần đã được miêu tả với diện mạo, tính cách gần gũi hơn với con người. Trạng thái tâm lý, hành động của thần tự nhiên không còn xa lạ và hoang đường kỳ vỹ như trước nữa, các vị thần tự nhiên cũng không còn giữ được hình dáng thuần nhất ban đầu. Đó là nguyên nhân xuất hiện các vị thần nửa tự nhiên, nửa người như trường hợp nhân vật Lạc Long Quân, Trương Hống, Trương Hát, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh… Thần thoại vì thế đã mang cả dấu ấn truyền thuyết. Nguyễn Đổng Chi đã từng nhận định rằng: “Sự thực thì thần thoại của chúng ta đã từng bị đời sau tô điểm, vai trò chủ nhân đó đã gần với nhân tính cho nên quả là đã đượm yếu tố truyền thuyết” (5).

Tín ngưỡng sùng bái nhiên thần tồn tại từ trong xã hội cổ đại cách nay hàng ngàn năm lịch sử loài người. Ở đó, những cảm xúc về ma thuật tượng trưng vẫn còn bí ẩn. Trên thực tế lưu truyền và tồn tại, truyện cổ về thần tự nhiên từ trong niềm tin tâm linh nguyên sơ là các thần thoại nhưng do được lưu truyền qua nhiều thế hệ và các vùng đất khác nhau, nên các yếu tố văn hóa đã kế tiếp nhau xuất hiện, phủ lên thần thoại một lớp văn hóa mới. Đó có thể là lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ bộ tộc, quốc gia dân tộc; có thể là những nhân vật anh hùng văn hóa chinh phục thiên nhiên, cùng với đó là quá trình lịch sử hóa, thần tích hóa, địa phương hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa đã làm cho những nhân vật nhiên thần trở nên gần gũi với nhân thần hơn. Các vị nhiên thần vốn mơ hồ về hành trạng đến khi được nhân thần hóa đã trở thành vị thần có lai lịch, quê quán, tên tuổi và có cả ngày sinh, ngày hóa ở những địa phương cụ thể. Càng về sau này, các thần tự nhiên không chỉ được miêu tả với hành trạng và diện mạo giàu tính người mà thậm chí các thần tự nhiên còn được trần tục hóa qua các tình tiết trái với đạo lý, thuần phong mỹ tục của người phương Đông, một số thần tự nhiên được khắc họa với hình ảnh về sự ham vui và tận hưởng lạc thú của con người, bị gắn với danh hiệu tà thần, dâm thần. Chính quy luật   chuyển hóa từ nhiên thần đến nhân thần đã làm cho truyện kể về thần tự nhiên ban đầu là các thần thoại nhưng sau này đã được truyền thuyết hóa một cách mạnh mẽ.

___________

1. E.B Tylor, Văn hóa nguyên thủy, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2001, tr.583.

2. Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.89.

3. Trần Thị An, Quan niệm về thần và việc văn bản hóa truyền thuyết trong truyện văn xuôi trung đại, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 2003, số 3, tr.35-44.

4. Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.34.

5. Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Ban nghiên cứu Văn sử địa, Hà Nội, 1956, tr.21.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017

Tác giả : NGUYỄN HUY BỈNH

;