Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng của thời đại và không còn là việc riêng của một tổ chức, đơn vị hay cá nhân nào. Tất cả phải chấp nhận và thực hiện sự thay đổi, nếu không sẽ bị tụt lại phía sau và có thể đe dọa sự tồn tại của sự phát triển của tổ chức, đơn vị hay cá nhân trong tương lai. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải thay đổi để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xã hội số. Ngành Giáo dục nói chung và giáo dục và đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng không nằm ngoài tiến trình đó. Bởi vì, CĐS chính là sự giao thoa giữa công nghệ và chiến lược đào tạo.
Giờ học của sinh viên ngành TK Đồ họa Trường Đại học Hòa Bình
Trong giáo dục, đào tạo các ngành năng khiếu nghệ thuật được coi là lĩnh vực đặc thù,“mang tính truyền nghề”,“cầm tay chỉ việc”, vốn được mặc định là rất khó có thể áp dụng chuyển đổi số thì nay cũng đã và đang đổi mới tích cực theo hướng CĐS, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hình thức đào tạo truyền thống từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là những thách thức trong các cấp đào tạo thuộc lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật của thời đại số.
Để CĐS toàn diện, hiệu quả, công nghệ sẽ cần được tích hợp và kết nối một cách tổng thể trong những quy trình thực hiện và vận hành, làm chuyển đổi mô hình tổ chức. Trước hết từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ, giảng viên cần thay đổi về tư duy, nhận thức về xu thể, những giá trị và hiệu quả to lớn của CĐS mang lại.
1. Thay đổi tư duy và nhận thức
Hơn 2 năm do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, toàn ngành giáo dục đi vào hoạt động dạy và học online. Đây là quãng thời gian để đánh giá bước đầu của quá trình giáo dục CĐS, đồng thời giúp cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghệ thuật thay đổi về mặt tư duy và ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Đây thực sự là cơ hội và cũng là thách thức mới mà toàn ngành Giáo dục cùng nhau tìm cách vượt qua và đối diện.
Bản chất của chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc với cả các phiên bản số của các thực thể và sự kết nối của chúng trong không gian số. Quá trình chuyển đổi số gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0 và dẫn đến xu thế máy móc sẽ thay thế con người trong nhiều công việc hiện tại và ra đời nhiều công việc và ngành nghề mới.
CĐS hỗ trợ theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Trong tương lai, chuyển đổi số là sự phát triển của giáo dục, đào tạo.
2. Tính đặc thù trong đào tạo các ngành văn hóa nghệ thuật
Thứ nhất, giảng dạy đào tạo các ngành nghệ thuật phần nhiều mang tính truyền nghề và nặng về thực hành. Ngay từ tuyển sinh, thí sinh bắt buộc phải thi hoặc kiểm tra những bài thực hành năng khiếu. Trong chương trình đào tạo phần thực hành chiếm từ 70 -75% khối lượng kiến thức toàn khóa.
Thứ hai, do tính thực hành thâm diễn cao nên khuôn mẫu của người thầy ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập, tiếp thu kiến thức của sinh viên. Với đặc thù mang tính thực hành đó người học rất cần có một không gian, địa điểm như sàn tập biểu diễn, xưởng thực hành để thể hiện các bài tập, tiểu phẩm và thiết kế đồ án. Điều này không phải học sinh và sinh viên nào cũng có điều kiện để thích ứng.
Thứ ba, người thầy là nhân tố trực tiếp “truyền lửa” cho sinh viên trong từng tác phẩm, từng vai diễn, từng đồ án thiết kế để nuôi dưỡng cảm xúc và sáng tạo. Sự thiếu hụt tính tương tác trong giảng dạy trực tuyến thực sự là rào cản quan trọng trong đào tạo nghệ thuật, nếu không muốn sinh viên của mình trở thành những “thợ hát, thợ diễn, thợ múa, thợ vẽ, thợ thiết kế ” bởi sắc thái biểu cảm và xử lý kỹ năng ở mỗi tác phẩm là những yếu tố không thể thiếu được trong quá trình giảng dạy nghệ thuật trực tiếp.
Khác với các ngành khác, người học ngành mỹ thuật ứng dụng được trang bị những phần mềm thiết kế như: Photoshop Illustrator, Autoced, 3D Max, After effect để thiết kế các đồ án ứng dụng. Đây thực sự là nền tảng thuân lợi, đồng thời là cơ hội trong quá trình thực hiện CĐS.
3. Hiêu quả tích cực của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Về tổng thể, mở rộng đối tượng người học, gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp; giảm chi phí tăng chất lượng đào tạo.
Thu thập và phân tích dữ liệu của người học để tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập, từ đó có những điều chỉnh về chính sách, phương pháp giảng dạy, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như của xã hội.
Bộ áp phích về bảo vệ môi trường, quảng cáo văn hóa và xã hội của sinh viên Trường Đại học Hòa Bình
Ứng dụng thực tế ảo nhằm tạo môi trường học có tương tác, nâng trải nghiệm học tập cho người học.
Mang lại hiệu quả rất cao và rộng lớn trong đào tạo cử nhân MTƯD do việc sử dụng mạng lưới kết nối trực tiếp, trực tuyến với doanh nghiệp với nhà tuyển dụng để đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết, giúp người học có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa quá trình học tập, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy, công tác quản lý, giáo vụ. Đặc biệt rất thuận lợi cho người học ở vùng sâu vùng xa, được tiếp cận với khối học liệu dễ dàng và phong phú nhờ bởi nền tảng công nghệ và phổ cập được nhiều đối tượng.
4. Cơ hội và thách thức chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo các ngành nghệ thuật
Cơ hội:
Đại dịch COVID-19 kéo dài, phá vỡ tòa bộ mô hình giáo dục, đào tạo truyền thống từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Nhìn từ góc độ tích cực lại là “đòn bẩy” để các cơ sở giáo dục thúc đẩy đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến và CĐS. Nhờ các công cụ truyền thông, kỹ thuật số và nền tảng học tập, do vậy các cở giáo dục đã triển khai ứng dụng phần mền công nghệ ZOOM, TranS cho sinh viên học tập (online) tại nhà.
Cái chung trong đào tạo những ngành thuộc lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Mỹ thuật ứng dụng, …) đều có một hệ thống học liệu, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập là những hình ảnh và sản phẩm được nhận biết thông qua các giác quan. Do vậy, việc mã hóa, số hóa hệ thống đề cương môn học, bài giảng điện tử, hệ thống bài tập thực hành thị phạm là cơ hội thuận lợi trong CĐS.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội thúc đẩy các cơ sở đào tạo các lĩnh vực thay đổi hình thức, phương pháp giảng dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây chính là cơ hội, nền tảng cho CĐS, biến giải pháp tình thế trong giai đoạn bệnh dịch trở thành xu thế trong giáo dục, đào tạo
Để chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo về lĩnh vực nghệ thuật nên cùng nhau phát triển học liệu điện tử, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo trực tuyến. Tài nguyên giáo dục mở sẽ được phân phối trên mạng thông tin, giúp mọi đối tượng tiếp cận tri thức. Có kho học liệu mở thì dù ở đâu, thời gian nào, có phải giãn cách xã hội hay không, việc học tập cũng không bị gián đoạn với xu hướng phát triển của thế giới. Xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và thế giới, điều quan trọng để có dữ liệu học tập, giảng dạy về chuyên ngành cần các trường chia sẻ, hỗ trợ và liên thông và thực hiện được sự chia sẻ tài nguyên, từ đó hình thành giá trị chung. Đây chính là cơ hội thúc đẩy tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kiến thức cả cho người dạy cũng như người học với các trường đại học trong nước và quốc tế có đào tạo về các chuyên ngành về nghệ thuật.
Thách thức:
Việc chuyển từ mô hình giáo dục truyền thống sang CĐS là cả một khối công việc khổng lồ cần phải làm, đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, kinh phí và thời gian, đặc biệt là trong đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Các chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng điện tử và công tác quản lý dạy và học cần được số hóa. Cần cải thiện, đầu tư hạ tầng công nghệ (hệ thống mạng và hệ thống tính toán), thiết bị, cập nhật, nâng cấp các phần mềm giảng dạy và phần mền thiết kế các chuyên ngành phục vụ học tập và NCKH. Quá trình CĐS trong lĩnh vực đào tạo các ngành năng khiếu nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp. Bởi lĩnh vực nghệ thuật vừa mang tính khoa học vừa mang tính cảm xúc sáng tạo. Đây chính là những thách thức không nhỏ vừa mang cả tính khách qua và chủ quan.
Hiện, cả nước chưa có cơ sở nào hoàn thành về CĐS trong đào tạo về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Do vậy việc học hỏi và mời tư vấn về công tác CĐS sẽ gặp khó khăn.
Hầu hết các cơ sở đào tạo chưa thực sự sẵn sàng đổi mới cho công tác CĐS. Sự tương tác, tính thống nhất tổng thể giữa các bộ phận trong nhà trường còn hạn chế nên hiệu quả khai thác những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo, quản lý còn thấp.
Hệ thống công nghệ đường truyền và các phần mềm, thiết bị hỗ trợ dạy và học của nhiều cơ sở đào tạo hiện tại còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Năng lực về sử dụng công nghệ của các giảng viên trong giảng dạy và thiết kế chưa đồng đều.
Cần triển khai được mô hình dạy học hỗn hợp, lấy người học làm trung tâm. Do vậy phải có một kho học liệu mở đồ sộ với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao, được biên soạn sẵn. Đây là một thách thức không nhỏ trong bước đầu thực hiện CĐS vì bên cạnh chi phí đầu tư để thực hiện còn cần sự kiên trì của các giảng viên.
* * *
CĐS là yêu cầu bắt buộc, là xu hướng và quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Với ngành Giáo dục, CĐS không chỉ là đổi mới phương thức cập nhật thiết bị, công nghệ mà nó còn là vấn đề văn hóa và con người. Trong đào tạo các ngành văn hóa nghệ thuật, CĐS cần đổi mới cả về công nghệ, cả về văn hóa, thẩm mỹ và những giá trị ứng dụng. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tạo giáo dục đạt hiệu quả cao mỗi cán bộ trong ngành giáo dục cần phối hợp vượt qua khó khăn, biến “nguy” thành “cơ” và chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời đại số.
CĐS trong giáo dục là việc áp dụng công nghệ kỹ thuật vào mục đích đào tạo. Trong đó có ba áp dụng cơ bản là: Ứng dụng công nghệ trong phương thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong quản lý và ứng dụng công nghệ trong lớp học. Việc xây dựng lớp học số, tài liệu chuyên ngành số, kho học liệu mở, đối tượng người học các ngành đào tạo về nghệ thuật chắc chắn sẽ không còn bị bó buộc bởi độ tuổi. Các giới hạn về diện tích của nhà trường hay khoảng cách địa lý sẽ không còn nữa. Từ đó, chỉ tiêu đào tạo của ngành sẽ tăng nhanh hơn, chất lượng đào tạo sẽ cao hơn, người học có tương tác với người dạy thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đặc biệt sự tiếp cận với thông tin, kiến thức ở kho học liệu, thư viên số, bài giảng điện tử đa dạng và phong phú hơn. Tạo điều kiện cho người học nâng cao kiến thức về thẩm mỹ, tư duy sáng tạo và tính ứng dụng trong giáo dục đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong kỷ nguyên số.
_________________
Tài liệu tham khảo
1. Phan Nữ La Diang, Chuyển đổi số trong giáo dục là gì?, Báo Lao động, ngày 07/01/2-22
2. Giáo dục Việt Nam, Từ "cầm tay chỉ việc" đến thích ứng chuyển đổi số tại các trường nghệ thuật, ngày 3/1/2021
3. Bùi Quý Khiêm, Một số vấn đề về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, Sở Giáo dục Đào tạo Đồng Tháp; Cổng thông tin điện tử, ngày 13/1/2021.
4. Công ty FSI, Tác động của chuyển đổi số đến ngành Giáo dục, ngày 5/2022.
Ths LÊ THÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022