Truyền thống và hiện đại trong "Lụa 2022"

Triển lãm “Lụa 2022” hội tụ năm phong cách cá nhân đặc sắc trong nghệ thuật vẽ tranh lụa đương đại của Việt Nam. Ngôn ngữ tạo hình hiện đại, thế nhưng, văn hóa nghệ thuật truyền thống vẫn là chất liệu đầy cảm hứng để tương tác và cấu thành nên sự đa dạng trong các tác phẩm. Triển lãm kéo dài đến ngày 7 tháng 8 năm 2022 tại không gian nghệ thuật Ánh Dương Art Space (Hà nội).

Khai mạc triển lãm - Nguồn: Bùi Tiến Tuấn

Chất liệu truyền thống ở đây mang cả ý nghĩa về vật chất lẫn tinh thần. Cách thức tương tác và vận dụng truyền thống vào nghệ thuật tranh lụa đương đại rất đa dạng. Điều nổi bật của triển lãm “Lụa 2022” chính là sự đa dạng trong phong cách biểu hiện có liên quan đến khía cạnh truyền thống và hiện đại.

Trước tiên phải kể đến các tác phẩm của họa sĩ Vũ Đình Tuấn. Trong suốt quá trình sáng tác khoảng 20 năm với chất liệu lụa và khắc gỗ, các tác phẩm của anh đặc trưng với sự kết hợp cảm hứng truyền thống và hiện đại trong việc xây dựng các motif, biểu tượng và hình tượng nhân vật như: mượn hình tượng nhân vật Tố nữ trong tranh dân gian Hàng Trống, các motif quạt nan - biểu tượng trong Bát bửu của trang trí cung đình Huế thời Nguyễn, hình tượng hoa sen, hoa mẫu đơn, các loài hoa dây - đặc trưng trong nghệ thuật trang trí cung đình và Phật giáo. Đèn dầu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho đời sống của con người với ý nghĩa phổ quát.

Các sáng tác trong triển lãm này, vẫn là những hình tượng đặc trưng trong sáng tạo của họa sĩ. Đó là những trang phục truyền thống với những họa tiết mây cả cách điệu trong mỹ thuật cổ Việt Nam, lẫn hình tượng mây được sáng tạo bởi họa sĩ, các loài hoa với ý nghĩa biểu trưng đặc biệt trong văn hóa Việt…

Gương mặt người lồng vào thiên nhiên là hình tượng mang tính phổ quát. Thiên nhiên trong tranh Vũ Đình Tuấn bao la với sông núi và các sinh vật… được bố cục chặt chẽ trong không gian đồng hiện. Mỗi chi tiết, hình ảnh dường như đều mang ý nghĩa của hiện sinh, gợi cảm xúc mạnh mẽ về sự cô đơn nhỏ bé của kiếp người trong tự nhiên rộng lớn, trù phú và tươi đẹp.

Các tác phẩm của họa sĩ Vũ Đình Tuấn không ngần ngại sử dụng những hình ảnh của quá khứ và văn hóa truyền thống, nhưng ý nghĩa hiện sinh và sự sáng tạo táo bạo trong tạo hình của họa sĩ còn mạnh mẽ hơn, lôi cuốn và hấp dẫn hơn để người xem thấy được cảm hứng truyền thống đã thực sự được nhào nặn nhuần nhuyễn trong sáng tạo mang tính đương đại.

Tiếp đến là những tác phẩm có vẻ như đối lập về màu sắc và chi tiết của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn. Tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn giản lược về hình và màu. Các cô gái là nhân vật chính trong tranh anh táo bạo, dường như đoạn tuyệt với truyền thống của các thiếu nữ từng xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng, cảm hứng cho những nàng thơ này lại là những câu thơ Kiều. Theo một cách nào đó, những câu Kiều chạm vào được vào suy tư của người họa sĩ để anh thấy rằng: “Thông qua phụ nữ sẽ thấy được đời sống thị thành, xã hội…”

Cô gái của Bùi Tiến Tuấn hiện lên với vẻ đẹp đầy chất phù phiếm, là trung tâm chủ động và điều khiển bố cục. không còn hiện thực ở đây, mà hoàn toàn là cường điệu, biểu hiện. Anh đã từng chia sẻ: “10 năm trước đời sống mỹ thuật quá cũ kỹ với chất liệu lụa…” và khi anh thả hơi thở/ tín hiệu của đời sống đương đại vào chất liệu này, thì lập tức các tác phẩm đã gây được sự chú ý. Rõ ràng, cách mà họa sĩ Bùi Tiến Tuấn tương tác với lụa và lối tạo hình truyền thống trên lụa không phải là cố lựa theo, mà là một chiều ngược lại: phản kháng, xây dựng và nối dài. Chính sự sáng tạo, chân thật trong nghệ thuật mà anh đem lại đã làm nên thành công và sự độc đáo trong sáng tác của Bùi Tiến Tuấn.

Vẻ đẹp trong tranh lụa của Nguyễn Thị Hoàng Minh và Nguyễn Đức Toàn có gì đó đồng điệu mặc dù hai phong cách tạo hình hoàn toàn khác biệt. Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Đức toàn trong trẻo cả ở màu sắc, tạo hình và hình tượng nhân vật. Nhân vật chính là một người đàn ông. Chỉ một góc nhỏ cơ thể nhưng hoán dụ cho cả một con người, một tâm hồn cô đơn đến cùng kiệt, câm lặng và được phóng chiếu ra hình ảnh bình hoa trên chiếc ghế băng dài. Họa sĩ Nguyễn Đức Toàn mượn chất liệu lụa và kỹ thuật lụa truyền thống như một phương thức phù hợp để thể hiện tác phẩm theo lối tối giản hiện đại. Tranh lụa của Nguyễn Đức Toàn bình lặng, không ồn ào nhưng thể hiện được nội tâm mạnh mẽ và một phong cách cá nhân đặc trưng, vững vàng. 

Có lẽ vẻ đẹp nội tâm và chiều sâu những khoảng lặng trong tác phẩm chính là vẻ đẹp đồng điệu đã nhắc tới trong tranh của Nguyễn Đức Toàn và Nguyễn Thị Hoàng Minh ở trên. Tranh của Hoàng Minh cũng có một nhân vật chính phần nhiều được phóng chiếu từ chính tác giả. Những nhân vật cũng chỉ là một phần cơ thể được hoán dụ cho cả tâm hồn và thể xác. Tư thế, điệu bộ nhân vật cùng những quân cờ trong tác phẩm Đoạn Tương Tư của cô cho người xem liên tưởng đến những thiếu nữ chơi ô ăn quan trong tác phẩm cùng tên nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) - người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam. 

Vũ Đình Tuấn, Vườn Phương Đông 02

Tác phẩm này của Nguyễn Thị Hoàng Minh là một sự thành công trong bố cục, màu sắc và hình tượng nhân vật. Màu đen trong trang phục của thiếu nữ được đẩy đến độ thâm (một cách gọi khác của màu đen có sắc tím nâu trong đó, thường dùng để gọi màu quần nhuộm bằng chất liệu tự nhiên của các cụ già xưa), gợi lên vẻ đài các và đầy chất dân dã. Tư thế bắt chân chơi cờ, bàn tay yểu điệu kiều diễm, những cánh hoa Bằng lăng tím nhạt mỏng manh trên nền cam rực rỡ, cùng khổ tranh vuông, tạo nên cho tác phẩm một sự hoa mỹ đến hoàn hảo. 

Cuối cùng, người xem được mãn nhãn với các tác phẩm đầy màu sắc và chi tiết của tác giả Lưu Chí Hiếu. Các chi tiết trang trí trong chạm khắc đình chùa thế kỷ XVII- XVIII của mỹ thuật dân gian Việt Nam được đan cài cùng các hình tượng văn hóa phương tây hiện đại, đem đến cảm giác về những quyền lực vô hình. Yếu tố truyền thống và hiện đại là nguyên liệu chính để tạo thành tác phẩm mà qua đó, họa sĩ thể hiện những suy tư trăn trở với thời cuộc và người xem đón nhận nó tùy thuộc vào những trải nghiệm cá nhân.

Cùng với một chất liệu lụa, nhưng 5 tác giả đã đem đến những cảm xúc rất khác biệt cho người xem. Ta vẫn thấy được sự tôn trọng nhất định của các họa sĩ với tính chất cốt lõi của vật liệu đỡ này. Các tác phẩm hiện lên trong trẻo, hoa mỹ và nên thơ. Những suy tư về thời cuộc, số phận, con người cũng đến một cách nhẹ nhàng. Qua triển lãm, người xem có thể thấy yếu tố truyền thống và hiện đại được kết hợp một cách tự nhiên trong các tác phẩm - như một phần của ý niệm làm nên chiều sâu và giá trị thời đại cho tranh lụa hôm nay. 

TRẦN THU HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;