Nhà hát Cải lương Hà Nội dường như luôn có sự đồng đều trong công tác dàn dựng vở khi sau hơn một tháng khởi công hai vở diễn thì nay lần lượt các tác phẩm đều được ra mắt công chúng và thu được những lời đánh giá tốt. Đó là vở Những đứa con oan nghiệt (tác giả: NSND Doãn Hoàng Giang - chuyển thể Đình Tư; đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) và Trời Nam (tác giả: Lê Duy Hạnh - chuyển thể Nguyên Phương; đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) với sự đa dạng về đề tài, phong cách đạo diễn và sự thể hiện khá tốt của tập thể nghệ sĩ Nhà hát.
Vở Những đứa con oan nghiệt
Những đứa con oan nghiệt với triết lý rõ ràng về môi trường sống có hiệu quả lớn trong rèn luyện, tạo thành tính cách cho con người. Hạt giống tốt cũng cần một môi trường tốt mới có thể đơm hoa kết trái. Nếu rơi vào môi trường xấu, hạt giống đó cũng đành… cằn cỗi mà cho trái đắng. Hai gia đình trong một làng xưa có cách sống, hoàn cảnh sống hoàn toàn trái ngược nhau. Gia cảnh thầy đồ thanh bạch bởi thầy chỉ chăm lo truyền dạy đạo đức thánh hiền, trong khi tên kẻ cướp lại khét tiếng giàu có. Cả đời sống nhờ cướp giật nên khi có tuổi, tên cướp e ngại cho tương lai đứa con trai và hắn quyết định đánh tráo đứa con mới sinh của mình với con ông thầy đồ với ước muốn thằng con ấy sẽ thành người lương thiện. Sự thật đúng như hắn ước muốn, sống nơi cửa Khổng sân Trình, con trai tên cướp trở thành một thanh niên nho nhã; còn cậu con bị đánh tráo của ông thầy đồ, dẫu mang trong mình dòng máu của người cha đức độ đã lớn lên thành một gã du côn khi sống trong nhà kẻ cướp. Giữa chúng đã xảy ra những mâu thuẫn, bi kịch cuối cùng cũng xảy ra, không thể nào ngăn nổi khi gã du côn giết chết đứa con trai nho nhã theo tư tưởng ác giả ác báo.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã có những thay đổi so với kịch bản nguyên gốc để làm sáng rõ hơn chủ đề, phù hợp hơn với cải lương, đẩy nhanh tiết tấu, mang lại âm hưởng mới mẻ cho cải lương. Theo nhận xét của các thành viên Hội đồng Nghệ thuật Thành phố Hà Nội đây là một vở diễn lịch lãm, sạch sẽ, nghiêm túc, có nhiều yếu tố mới mẻ trong nghệ thuật, hấp dẫn. Những biến hóa trong thay đổi không gian chỉ nhờ vào những mảnh ghép có thể di chuyển linh hoạt và thay đổi màu sắc để gợi tả bối cảnh sự kiện kịch, đưa lại cảm giác hiện đại và tiết tấu phù hợp với tiếp nhận của khán giả ngày nay. Tuy vẫn còn những cảm giác chưa thật trọn vẹn vì vở diễn mới ở đêm đầu, vẫn còn chưa thật “ăn săm” giữa các diễn viên, hay một số vai diễn chưa đem lại ấn tượng cần có khi nhân vật Nhân cần khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn hay nhân vật Đức vẫn còn một màu… hay sự bất chấp của những nhân vật phản diện có phần quá lộ liễu… nhưng cảm xúc chung là vở diễn đầy đặn, hấp dẫn, được sự ủng hộ nhiệt thành của công chúng dù đêm ra mắt ở khá xa trung tâm.
Vở Trời Nam
Với vở Trời Nam, một kịch bản từng được nhiều đơn vị ở các thể loại sân khấu dàn dựng, nay được đưa lên sàn diễn của cải lương Thủ đô, vẫn có những dấu ấn khác biệt. Như những vở diễn khác về đề tài lịch sử lấy hình tượng nhân vật trung tâm là Quang Trung Nguyễn Huệ, tác phẩm đề cao lòng tự tôn dân tộc, khí phách kiên cường của những người con đất Việt qua các nhân vật chính diện như Quang Trung - Nguyễn Huệ, Ngọc Hân, Hoàng Cô, Phạm Công Trị v.v… thấm nhuần tinh thần: khí khái dù của dân thường thì cũng phải có được dũng đảm của bậc quân vương như Quang Trung để toàn tâm toàn ý vì chính nghĩa và vì sự trường tồn của non sông Đại Việt. Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt vốn sinh ra, trưởng thành và hành nghề ở cái nôi cải lương miền Nam, nên khi tham gia dàn dựng cho các nghệ sĩ cải lương Hà Nội có những điểm độc đáo riêng. Đạo diễn đã khai thác được thế mạnh vùng miền để sáng tạo một vở diễn vừa bi tráng, vừa hào sảng sâu lắng nhưng không kém phần bay bổng lãng mạn. Những lớp diễn tạo ấn tượng tốt như đoạn tiễn Phạm Công Trị (thế thân của Quang Trung) và đoàn tùy tùng đi vào đất giặc để hội ngộ hoàng đế Càn Long mang âm hưởng tráng ca rất hào hùng; rồi cảnh Lê Quyết gặp vợ con nơi đất khách quê người tràn đầy cảm xúc, ấn tượng với cảnh vị trí sĩ trung quân đã ngộ ra và tự lấy trái tim từ lồng ngực mình để gửi về đất mẹ khiến người xem cảm động lạnh người. Với lối dựng đan xen giữa hiện thực và quá khứ, nhấn được vào những nét tính cách riêng của nhân vật khiến mỗi diễn viên đều có đất diễn, thể hiện tốt khả năng của dàn diễn viên ca hay, diễn giỏi như Thanh Hương, Tuấn Cường, Hoàng Viện, Thi Nhung, Nhật Linh… Là đêm diễn đầu nên vẫn còn đôi chỗ chưa thật chau chuốt, độ đo tiết tấu vẫn có những đoạn chưa phù hợp như phần giao đãi giữa Quang Trung và Ngọc Hân thiếu đi nét lãng mạn vẫn là điểm sáng của mối tình xuất phát từ mục đích chính trị chuyển sang một tình yêu đích thực giữa cặp trai anh hùng, gái thuyền quyên này… Vẫn mong ước, phần ca nhiều hơn, đậm đà hơn, đáp ứng được yêu cầu của công chúng khi tìm tới với cải lương, và làm cho dàn diễn viên rất giàu nội lực của đơn vị tỏa sáng hơn nữa.
Đến với một đơn vị như Nhà hát Cải lương Hà Nội, một đơn vị tập hợp lực lượng diễn viên tài danh của đất Bắc, là nơi tiếp nối của những thương hiệu lớn của cải lương đất Bắc như Hoa Mai, Chuông Vàng, Kim Phụng, những mong chờ của công chúng đã được đền đáp ở các đêm diễn này. Tuy nhiên, vẫn còn những nét băn khoăn khi cả hai kịch bản đều là những kịch bản từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, được dàn dựng nhiều ở các đơn vị nghệ thuật khác và được chuyển thể sang cải lương. Phải chăng, đây cũng là sự phản ánh thực trạng, sân khấu đang thiếu vắng kịch bản hay, lại càng thiếu những nhà biên kịch chuyên tâm cho cải lương, có những kịch bản "đo ni đóng giày" cho chính cải lương? Vừa cảm phục các tác giả thế hệ trước có những kịch bản tiếp tục được các thế hệ nghệ sĩ hiện nay đồng cảm để dàn dựng, vừa lo lắng cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật cải lương nói riêng, sân khấu nói chung khi thiếu những tác phẩm trực tiếp viết về hiện thực đương thời, tiếp cận trực tiếp với công chúng như sự phản ánh ngay những vấn đề còn nóng hổi của cuộc sống, có được những lời giải đáp từ sự nhạy cảm của người nghệ sĩ trước các sự kiện thời sự của đất nước, con người ngày hôm nay. Mong lắm, những tác phẩm nóng hổi tính thời sự, thực sự thu hút được người xem từ sức nóng của hiện thực đương đại sẽ có mặt trên sàn diễn và tạo được sự rung động, hấp dẫn để rồi trở thành hiện tượng văn hóa nghệ thuật của xã hội ngày nay.
NGỌC DIỆP
Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022