Luật Điện ảnh (sửa đổi): Tạo đà cho phim Việt

Sự phát triển quá nhanh của điện ảnh Việt cũng như điện ảnh khu vực và thế giới là lý do Luật Điện ảnh được sửa đổi nhằm tạo ra môi trường, cơ sở, hành lang pháp lý thích hợp với tình hình mới cũng như thúc đẩy, tạo đà cho phim Việt phát triển.

Cảnh trong phim Cậu vàng

Là bộ môn nghệ thuật đầu tiên xây dựng bộ luật cho riêng mình, Luật Điện ảnh khi ra đời đã góp phần tạo được môi trường, khuôn khổ, khung pháp lý để điện ảnh Việt Nam hoạt động và phát triển. Nhiều chỉ tiêu đặt ra trong luật đã sớm về đích và vượt dự kiến như số lượng phim Việt sản xuất mỗi năm, sự phát triển đa dạng của thị trường xét theo doanh số với nhiều phim có doanh thu ngang bằng hoặc vượt trội so với phim ngoại phát hành cùng thời điểm. Nhiều bộ phim đạt doanh thu cao không chỉ góp phần quảng bá điện ảnh mà còn có tác dụng thúc đẩy, phát triển du lịch. Hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế có nhiều khởi sắc, thể hiện qua các sự kiện điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài, các sự kiện điện ảnh quốc tế tại Việt Nam cũng như dấu ấn của điện ảnh Việt Nam tại các Liên hoan phim khu vực và thế giới… 

Tuy nhiên, cùng với bước tiến của công nghệ, sự tham gia của kỹ thuật, kỹ xảo ngày một nhiều, điện ảnh đã có bước phát triển nhẩy vọt cũng như đa dạng về phương thức phát hành. Những thay đổi của thị trường, sự lớn mạnh của các lực lượng, thành phần tham gia vào nền công nghiệp giải trí, sự phát triển của mạng Internet đã khiến một số điều trong Luật Điện ảnh không còn phù hợp. Việc sửa đổi luật trở nên cấp thiết để đáp ứng tình hình mới cũng như tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, bao quát và có tầm nhìn xa giúp thúc đẩy, tạo đà cho phim Việt phát triển trong những thập kỷ tới.

Hàng chục cuộc tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến được tổ chức trực tiếp, online nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, giới làm nghề nhằm sửa đổi cho Luật Điện ảnh sát thực hơn với thực tiễn cũng như tạo khung pháp lý làm nền cho các hoạt động sản xuất, phát hành, hợp tác, liên kết… Tất cả nhằm đưa điện ảnh Việt phát triển theo hướng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, có chiều sâu, đem lại lợi nhuận cũng như tạo thêm công ăn việc làm, đóng góp tích cực và đưa văn hóa Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. 

Sau các hội thảo, góp ý, tiếp thu và sửa đổi, ngày 15/6/2022, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc Hội khóa XV. Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh. Các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh cũng như quản lý nhà nước về điện ảnh với nhiều quy định mới mang tính đột phá.

Đánh giá về Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều ý kiến nhận định luật mới vừa kế thừa một số điều trong luật cũ vừa thay mới, bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tế cũng như khả năng phát triển của điện ảnh Việt Nam trong tương lai. 

Một số nét mới trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý cũng như giới làm nghề như quản lý phim trên không gian mạng, thu hút, kêu gọi liên doanh, hợp tác, cung cấp dịch vụ làm phim. Các quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu phim sử dụng ngân sách nhà nước, quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

So với Luật Điện ảnh 2009 thì phát hành phim trên không gian mạng là nội dung khá mới thu hút nhiều ý kiến, tranh luận trong đó kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm gắn với trách nhiệm của những đơn vị, tổ chức phát hành phim trên không gian mạng về phân loại, dán nhãn phim theo độ tuổi. Tuy vẫn còn những ý kiến chưa thật sự đồng thuận nhưng đa số đều thống nhất với khối lượng phim lớn thì kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại.

Việc thu hút, kêu gọi liên doanh, hợp tác hay cung cấp dịch vụ làm phim với các đối tác nước ngoài cũng có tính đến những luật khác trong việc quản lý, đầu tư. Theo đó, thay vì quy định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép có “Kịch bản văn học bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài” như Luật Điện ảnh 2009 thì Luật Điện ảnh (sửa đổi) chỉ yêu cầu trình duyệt: “Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt”. Đây được xem là một bước tiến để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến với Việt Nam qua đó thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển và góp phần quảng bá thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. 

Cảnh trong phim Miền ký ức

Về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu các phim có sử dụng ngân sách nhà nước, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã bổ sung quy định chi tiết “giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu” nhằm tạo ra những thông thoáng về thủ tục, các bước tiến hành để phim nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng được nhanh chóng thông qua, đưa vào sản xuất.

Ngay khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua, những nhà lãnh đạo ngành đã bày tỏ sự vui mừng và hy vọng với những nét mới trong luật sẽ góp phần hỗ trợ và thúc đẩy điện ảnh phát triển. Phát biểu về những nét mới trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ: Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm tiến bộ, mới mẻ và phù hợp nhu cầu cũng như xu hướng phát triển ngành điện ảnh vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế. Trong luật có những vấn đề hoàn toàn mới như quản lý phim trên không gian mạng với phương thức kết hợp “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, trong đó “hậu kiểm” là chính, đồng thời có những quy định về “tiền kiểm” để đảm bảo sự chặt chẽ của việc kiểm soát phim trên không gian mạng. Đây cũng là xu thế tất yếu của hoạt động điện ảnh trong những năm tiếp theo.

Một nội dung mới nữa là quy định về thẩm định, phân loại phim với việc phân cấp rất mạnh về cho địa phương. Theo đó, UBND các tỉnh, thành trong cả nước nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, các điều kiện để đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim thì đều được quyền cấp giấy phép. Với quy định này thì việc cấp giấy phép phân loại phim không chỉ còn là công việc của Bộ VHTTDL mà đã được giảm tải bớt.

Một nội dung được giới nghề đặc biệt quan tâm là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Dù trong quá trình xây dựng Luật có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng, quỹ đã được Quốc hội thống nhất giữ trong luật. Hoạt động của quỹ là nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ. Quỹ sẽ giúp hỗ trợ cho tác giả, các dự án sản xuất phim cũng như phim Việt Nam xuất sắc tham gia các liên hoan, giải thưởng, cuộc thi, hội chợ về phim cũng như các chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài...

Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2023. Với những thay đổi mạnh mẽ trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), điện ảnh Việt Nam hy vọng sẽ có thêm hành lang pháp lý, sự hỗ trợ cần thiết để phát triển và hội nhập vào dòng chảy chung của điện ảnh khu vực và thế giới trong những thập kỷ tới.

THU HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;