Văn hóa truyền thông và truyền thông văn hóa, tưởng như là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có một mối quan hệ rất biện chứng, rất gắn bó. Cả hai đều được xây dựng trên nền tảng văn hóa, và đều là những vấn đề được xã hội Việt Nam rất quan tâm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, người từ lâu đã được biết đến bởi chất văn hóa trong mỗi bài bình luận thời cuộc.
Thông tin phải lan tỏa điều tốt đẹp ra xã hội
●Được biết, Nhà báo Hồ Quang Lợi, đã từng đoạt 9 Giải báo chí quốc gia và toàn quốc, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp báo chí và sự nghiệp văn hóa, từ lâu đã được biết đến bởi chất văn hóa trong các bài bình luận thời cuộc. Vậy theo ông, giữa văn hóa và truyền thông báo chí, có mối quan hệ qua lại nào hay không?
Có chứ, thậm chí rất khăng khít. Bởi, báo chí chính là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa, và ngược lại, văn hóa lại là môi sinh của hoạt động báo chí. Chính vì thế, giữa văn hóa và báo chí là mối quan hệ hữu cơ gắn bó hết sức mật thiết. Nhà báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, mỗi sản phẩm báo chí chất lượng cao chính là một sản phẩm văn hóa có tác động truyền tải ra xã hội. Các nhà báo của chúng ta ngoài trách nhiệm thông tin thì còn có một trách nhiệm lớn hơn nữa là chúng ta truyền tải giá trị văn hóa ra xã hội. Chính về thế, một sản phẩm báo chí chất lượng cao luôn luôn được nhìn nhận như là một sản phẩm văn hóa.
●Ông vừa chia sẻ về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và truyền thông. Vậy, chắc hẳn, trong hoạt động truyền thông báo chí cũng cần phải có “chất văn hóa”, soi chiếu vào thực tiễn hiện nay, ông nhận thấy như thế nào?
Tôi phải khẳng định, báo chí có vai trò đưa thông tin ra xã hội nhưng những thông tin đó phải là thông tin tích cực, những thông tin lan tỏa những điều tốt đẹp ra xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế không phải sản phẩm báo chí nào đưa ra xã hội cũng đạt được mục tiêu đó. Chúng ta thấy có những hiện tượng rất đáng lo ngại, đó là những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử văn hóa trên mạng xã hội. Cụ thể, có những livestream trên mạng xã hội, từ một số nhân vật có những hành vi dị hợm, bạo lực, được lan truyền một cách chóng mặt, thu hút hàng trăm nghìn người xem. Tuy nhiên, có một số cơ quan báo chí truyền thông thay vì cảnh báo, phê phán, lại tiếp tay, quảng báo cho những hành vi đó. Tôi nghĩ đó là sự tham gia không tích cực của báo chí thậm chí gây tổn hại đến xã hội.
●Vậy, theo ông, những người làm báo cần làm gì để kiến tạo nên một văn hóa truyền thông tốt đẹp, lành mạnh?
Chúng ta nói ứng xử văn hóa đó là chúng ta nói đến đạo đức, nói đến mối quan hệ giữa con người với xã hội, giữa con người với nhau. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển một cách chóng mặt, trong một chừng mực nào đó chưa kiểm soát được. Những người làm báo hơn ai hết chúng ta phải có trách nhiệm với xã hội chúng ta làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải bảo vệ giá trị tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta chống lại những cái gì lai căng, những tổn hại đến đạo đức, nền tảng tinh thần xã hội. Người làm báo phải luôn tiên phong trong mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng.
Tác phẩm: Những ánh sao trong mùa luc lixhjc sử miền Trung: Chân trần chí thép, ngược thác vượt đèo cứu dân của nhóm tác giả Phan Tiến Dũng (Tiến Dũng), Nguyễn Văn Chung (Văn Chung), Trần Hồng Anh (Hồng Anh) - Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân
Trước hết, tôi nghĩ bản thân các nhà báo cần nhận thức sâu sắc là chúng ta đang làm một nghề rất đặc biệt, đó là truyền tải thông tin ra xã hội. Đó là những thông tin có định hướng, những thông tin có giá trị tốt đẹp đối với xã hội. Về vai trò, trách nhiệm khi chúng ta làm nghề, người làm báo cần nhận thức rõ ràng sâu sắc rằng đây là một nghề không chỉ đơn thuần để mưu sinh, nghề báo rất khác với những nghề nghiệp khác. Ý nghĩa cao quý của nghề báo là vì lợi ích của cộng đồng, đất nước, dân tộc.
Sứ mệnh báo chí gắn với sứ mệnh truyền tải văn hóa
●Ở trên chúng ta đã nhắc đến văn hóa truyền thông, vậy nhìn ngược lại, theo nhà báo Hồ Quang Lợi, làm thế nào để báo chí truyền thông thực sự góp phần vào xây dưng và phát triền văn hóa, con người Việt Nam mới?
Mỗi nhà báo cần phải luôn tâm niệm: báo chí chỉ thực sự làm tốt sứ mệnh của mình khi làm tốt sứ mệnh truyền tải văn hóa. Tôi thấy rằng báo chí của chúng ta thời gian vừa qua thực hiện khá tốt chức năng truyền tải văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chúng ta phải lưu ý hơn nữa để làm thực sự tốt chức năng này. Theo tôi, các quy định luật pháp về báo chí cần phải được rà soát, phải được hoàn chỉnh, kể cả Luật Báo chí và các quy định khác liên quan đến hoạt động báo chí cũng với một tinh thần như thế. Làm sao, cho báo chí hoạt động trên nền tảng pháp lý vững chắc và các nhà báo của chúng ta có thể phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, và giá trị đạo đức trong hoạt động báo chí. Cho dù chúng ta đang gặp khó khăn, nhưng tôi có niềm tin vững chắc là hệ thống pháp luật về báo chí sẽ ngày càng được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, chúng ta phải khẳng định nguồn sống báo chí chính là thông tin. Chúng ta phải thiết lập cơ chế cung cấp thông tin kịp thời chính xác và tin cậy cho báo chí, nhất là khi có nhiều sự việc gây bức xúc trong xã hội. Khi xã hội cần nhận thức sự việc đúng đắn là lúc báo chí phải vào cuộc một cách kịp thời và chuẩn xác. Chúng ta định hướng dư luận xã hội bằng thông tin kịp thời, chính xác, bằng phương thức làm nghề chuyên nghiệp, bằng đạo đức người làm báo.
Bữa sáng ở chợ phiên của Nguyễn Hữu Thông
Cùng với đó, theo tôi hiện nay, trong khi các cơ quan báo chí truyền thông của chúng ta đang phấn đấu để nâng cao chất lượng ấn phẩm báo chí thì bên cạnh đó vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Trong đó có vấn đề nguồn thu của báo chí. Có một số cơ quan đảm bảo được khá tốt đời sống cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, duy trì hoạt động ngày càng phát triển. Nhưng mặt khác, có khá nhiều cơ quan báo chí đang vật lộn với vấn đề cơm áo, gạo tiền, đó cũng là những tác động không mong muốn, ảnh hưởng đến chuẩn mực hành nghề của một bộ phận làm báo chúng ta.
●Vậy, với mỗi người làm báo cần phải làm gì để thực hiện sứ mệnh truyền tải văn hóa, thưa ông?
Để thực hiện sứ mệnh truyền tải văn hóa, theo tôi, người làm báo ở đây cần đủ ba yếu tố tôi cho là quan trọng nhất là: bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông trong nghề nghiệp, và điều quan trọng nhất là sự chính trực của nghề làm báo, trách nhiệm của nghề làm báo và lương tâm của nghề làm báo.
Trong đó, tinh thông về nghề nghiệp trong thời đại truyền thông kĩ thuật số là chúng ta phải làm nghề tốt, phải sử dụng được các thành tựu khoa học công nghệ, để dựa trên nền tảng đó chúng ta phát huy các giá trị văn hóa, phát huy nền báo chí cách mạng của chúng ta. Trên phương diện trách nhiệm, lương tâm, khi chúng ta đưa một thông tin ra xã hội chúng ta phải luôn luôn đo lường được khi đưa thông tin này ra xã hội sẽ tác động tích cực thế nào? tiêu cực ra sao? Để người làm báo thể hiện trách nhiệm của mình khi đưa ra xã hội một ấn phẩm báo chí thì tính nhân văn của báo chí phải được xuyên suốt, bao trùm một cách mạnh mẽ, sâu sắc. Trong toàn bộ quá trình làm báo, từ khi chúng ta tiếp cận tư liệu, xử lý tư liệu, rồi hình thành tác phẩm báo chí lan truyền trong xã hội. Đấy là trách nhiệm ở toàn bộ các công đoạn trong hoạt động báo chí để đảm bảo thông tin đưa ra xã hội là chính xác và tin cậy.
Báo chí Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, đi cùng với đó là những thách thức khó khăn trong thời đại truyền thông kĩ thuật số. Nhưng có niềm tin dù cho khó khăn như thế nào thì đội ngũ nhà báo Việt Nam chúng ta vẫn đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội. Với sự giúp đỡ của các lực lượng trong xã hội, cùng với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi tin chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn trong thời đại kĩ thuật số, xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu sức chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
TRẦN ĐỨC ANH (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022