Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa được tổ chức trong các ngày 18-19/6 tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của 138 đại biểu đến từ các địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; đại diện Lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương, TP Đà Nẵng, và nhiều nhà văn, nhà thơ lão thành đã tới dự.
“Vì sao chúng ta viết?”
Đây là chủ đề tại hội nghị lần này - một câu hỏi lý thú , bởi viết văn là công việc sáng tạo cá nhân. Có người viết xác định văn chương chỉ là một cuộc chơi, một số khác lấy văn chương để giãi bày cảm xúc cá nhân. Song, cũng không ít cây bút coi đó là nhu cầu tự thân và là cách để thể hiện trách nhiệm công dân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, chủ đề của hội nghị là một câu hỏi vừa dễ, lại vừa khó, mà các nhà văn trẻ khi cầm bút cần phải trả lời. Xưa nay, những nhà văn có tác phẩm để đời không chỉ tài năng mà còn có tâm hồn đẹp, đó là sự cống hiến ý nghĩa cho đời sống văn hóa, lịch sử của đất nước và nhân dân.
Nhà văn trẻ Kim Sơ trăn trở: “Vì sao tôi viết? Vì khi tôi thấy chiến tranh, tôi biết buông lời phẫn uất. Vì khi tôi thấy những chuyện buồn, tôi rơi nước mắt. Khi tôi thấy niềm vui tôi lan tỏa”. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sau Hội nghị, nhà thơ trẻ Hà Sương Thu bộc bạch: “Văn chương là tiếng nói, là lời tâm sự, nỗi niềm và là dấu ấn riêng của mỗi cá nhân. Với tôi văn chương chính là để giãi bày tâm sự những điều ta thấy, ta nghe, ta cảm nhận và dự cảm về những điều trong cuộc sống xung quanh mình. Chính vì thế, qua thơ tôi, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, quê hương, phong tục tập quán vùng miền núi Bắc Kạn. Và nó cũng chính là lời chất chứa những ưu tư, tâm sự của người con gái luôn luôn cảm thấy có những nỗi cô đơn vây bủa. Thay lời muốn nói cũng là lời tâm sự: Muốn được yêu, muốn được thấu hiểu và hơn hết là mong muốn qua những trang viết của mình, bạn đọc sẽ biết đến những bản sắc văn hóa, phong tục tốt đẹp của người Nùng, Tày miền núi quê hương Bắc Kạn. Và sự thật là để tạo nên một tác phẩm hay, người viết không chỉ dựa vào trải nghiệm, vốn sống và những tri thức tích lũy mà được viết bằng những cảm xúc tâm hồn, sự chân thật, rung động từ trái tim mình”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ: Các nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú, khác biệt hơn các thế hệ nhà văn đi trước, được tiếp nhận nhiều hơn những thông tin đa chiều, có nhiều điều kiện công bố tác phẩm hơn và được sống trong một nền dân chủ ngày càng được mở rộng. Nhưng điều mang tính sống còn của mọi nhà văn và mọi nền văn học là lương tri. Nếu mỗi trang viết của nhà văn không chứa đựng lương tri của con người và của dân tộc mình thì những gì họ viết ra lại trở thành sự phản bội chính nghệ thuật mà họ theo đuổi.
Động lực và kỳ vọng
Trước vấn đề được đặt ra về vốn sống với người viết, tác giả Lữ Hồng (Gia Lai) chia sẻ, người viết rất cần yếu tố vốn sống trong sáng tạo văn học nghệ thuật. Nói đến thơ, số đông cho rằng cảm xúc là điều quan trọng, nhưng để có được điều đó, trước hết người viết cần được đắm mình vào hiện thực cuộc sống thì mới bật ra được cảm xúc. Tác giả Lê Tuyết Lan (Bình Dương) cũng cho rằng, bản thân chị đã không ngại trải nghiệm nhiều công việc, nhiều cung bậc cảm xúc để có sự tích lũy cho trang viết, từ dạy học, làm công nhân trong nhà máy… chất liệu từ cuộc sống mênh mông giúp ích rất nhiều cho người viết.
Các đồng chí Lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm với các cây viết trẻ
Nhà thơ Lê Ngọc Dũng (Krong nô - Đắk Nông) chia sẻ, anh có thói quen đọc báo, đọc sách và ấn tượng một số tác phẩm văn học, rồi lọ mọ viết theo. Mới đầu chỉ là những cảm xúc chợt lóe, sau anh viết nhiều hơn về tâm trạng mình, về nhiều mảnh đời éo le, về nhiều tấm lòng nhân hậu anh từng gặp. Những lúc buồn, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ… anh làm thơ, viết ký, sau đó thử gửi cho các tạp chí, tờ báo và được một số nơi đăng tải. Điều đó tiếp thêm động lực viết và thôi thúc anh tìm hiểu sâu hơn về văn học. Anh hào hứng kể: “Tác phẩm của tôi lác đác xuất hiện trên báo chí, truyền thông và thường xuyên hơn ở mạng xã hội Facebook… Tôi được một số nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp khen thơ mình và không kể thì giờ góp ý từng chút một. Lúc này, tôi cảm thấy thơ văn rất quan trọng với bản thân. Nếu như hai, ba ngày bỏ tôi sẽ không thể chịu đựng nổi”.
Văn chương phải phản ánh hiện thực
Đó là chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh đối với những người cầm bút trẻ, phải luôn mang tâm thế xông pha, dấn thân vào trung tâm cuộc sống, đồng hành cùng đất nước, dân tộc để tích lũy vốn sống lâu dài. Ông cho rằng: “Vị trí của người viết văn là ở trong lòng nhân dân, chỉ có vị trí trung tâm của đời sống chúng ta mới có thể trang bị cho mình vốn sống lâu dài để đi, viết. Có một số cây bút xuất hiện đầy triển vọng nhưng sau một thời gian ngắn thì không viết được nữa hoặc viết một cái gì rất tẻ nhạt, vì không có vốn sống và sáng tác. Không có vốn sống, với hai bàn tay trắng thì không thể đi sâu, đi lâu, đi bền trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Cái mới cho văn chương chính là kinh nghiệm sống, cái mới quan trọng nhất là cái mới đến từ đời sống lao động, có thể có vốn sống gián tiếp qua mạng xã hội nhưng không thể bằng vốn sống trực tiếp. Trong quá trình sáng tác cần tiếp thu tinh hoa văn học thế giới trên nền tảng truyền thống của văn học dân tộc, tránh “cũ người mới ta” tiếp thu vội vã, bỏ quên nền tảng quan trọng nhất là nền tảng văn hóa của dân tộc”.
Đồng quan điểm với nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, người viết có thể có vốn sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, vốn sống trực tiếp ngồn ngộn là chất liệu quý báu. Thí dụ nhà văn Nguyên Hồng sống trong nghèo khổ, ông viết rất hay về cảnh cơ hàn. Kể cả các nhà thơ có trình bày rằng mình viết bằng tiềm thức đi nữa, thì đó vẫn là giấc mơ méo mó của hiện thực. Người viết nếu coi thường vốn sống, hiểu biết mà chỉ viết từ sách vở thì đó là một cảnh báo.
Hỗ trợ, chắp cánh cho những tài năng trẻ
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Bộ VHTTDL sẽ đồng hành với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, cùng trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”. Tuy nhiên, văn học là lĩnh vực khó, nên xét ở góc độ quản lý nhà nước, khó có một quy định pháp luật nào thật đầy đủ và bao quát. Muốn nhà văn cày xới được trên cánh đồng chữ nghĩa, Nhà nước phải tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi nhất, tạo ra động lực cho sự phát triển, nghĩa là bằng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo ra sức bật mới. Bộ VHTTDL đã báo cáo với Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định về hoạt động văn học, nghệ thuật và giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam để lắng nghe ý kiến.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sau các cuộc hội thảo giữa Bộ VHTTDL và Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian tới, sẽ xây dựng được cơ sở pháp lý cho hoạt động văn học, nghệ thuật để đáp ứng được thực tiễn đang vận động và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: “Đồng hành với quan điểm Chính phủ kiến tạo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Nhà văn Việt Nam để thực hiện những công việc cụ thể, thiết thực; làm những việc dễ trước, việc khó sau; làm việc nào chắc việc đó; đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp. Chúng tôi đã bàn với Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam về việc duy trì và nâng cấp trại sáng tác thì phải xây dựng được giải thưởng văn học quốc gia để phát hiện và đào tạo nhân tài.
Đồng thời, cần khẩn trương hiện thực hóa đề án về nâng cao năng lực sáng tác, lý luận và phê bình văn học giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 11-2021 đặt ra mục tiêu: Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đoạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học - nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước…
Bộ trưởng tin tưởng chắc chắn rằng, những nhà văn trẻ sẽ là chủ nhân của những giải thưởng nói trên. Bộ VHTTDL sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, chắp cánh cho những tài năng trẻ với tất cả sự trân trọng, quý mến, tin yêu.
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 đã khép lại với nhiều dự cảm tốt đẹp cho những cây bút trẻ sung sức đầy khát vọng cống hiến. Hy vọng, với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và Hội Nhà văn Việt Nam, sẽ chắp cánh thêm động lực sáng tạo cho những người viết trẻ có những sáng tác giá trị, hấp dẫn.
Bài & ảnh: NGÔ HUYỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022