Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên: Góp phần lưu giữ và lan tỏa hồn quê xứ Nghệ

Xã Hưng Tân nằm ở vùng giữa huyện Hưng Nguyên, cách thành phố Vinh khoảng 7km, có tổng diện tích tự nhiên 480 ha, trong đó diện tích canh tác nông nghiệp 267 ha. Toàn xã có 1.250 hộ dân, 4.280 người sinh sống trên địa bàn 9 xóm dân cư. Đảng bộ xã đạt “trong sạch, vững mạnh” 15 năm liên tục với gần 300 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ. Xã Hưng Tân cũng là “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” đầu tiên của huyện Hưng Nguyên vào năm 1998.

 Thành viên CLB “ mời trầu”

 

Hưng Tân vốn là một trong những cái nôi của phong trào hát phường vải của huyện Hưng Nguyên, với nhiều nghệ nhân từng một thời vang bóng như cố Nhân, cố Thúy, cố Phúc… Có lẽ, tình yêu lao động và văn nghệ ấy đã ngấm vào huyết quản người dân nơi đây như một mạch nguồn chảy mãi nên được trao truyền - tiếp nối qua nhiều thế hệ. “Sóng trường giang lớp sau đè lớp trước”. Chính vì vậy, Câu lạc bộ (CLB) dân ca Ví, Giặm Hưng Tân được thành lập cuối năm 2012 từ sự đam mê của anh em hoạt động văn hóa, của các tầng lớp nhân dân như một lẽ tự nhiên.

Theo ông Phan Đăng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã, cũng đồng thời là chủ nhiệm CLB thì ban đầu, CLB có 20 thành viên. Sau đấy, thấy CLB có lợi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cũng như tuyên truyền đường lối - chủ trương của Đảng, chính sách - pháp luật của Nhà nước dưới hình thức văn nghệ, sân khấu hóa nên xã nhiệt thành ủng hộ, bà con cũng xin được tham gia nhiều hơn nên quy mô CLB lên đến 35 thành viên.

Về tổ chức hoạt động, CLB vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, chủ yếu vào tối thứ 7 cuối cùng của mỗi tháng và thường xuyên thực hành công tác sưu tầm vốn văn hóa cổ như các làn điệu, trích đoạn, tuồng tích dân ca xứ Nghệ trong nhân dân. Từ năm 2012 tới nay, CLB đã sưu tầm được 15 tác phẩm dân gian có giá trị, bổ sung vào kho tư liệu Ví, Giặm quê hương, trong đó có 3 tác phẩm từng đoạt giải A, giải B tại các kỳ liên hoan toàn tỉnh. Thành viên CLB nhỏ tuổi nhất mới lên 10, thành viên nhiều tuổi nhất thuộc lứa U70. Nhiều gia đình có tới 2-3 thế hệ cùng tham gia sinh hoạt như gia đình bà Nguyễn Thị Hương. Bà Hương cũng chính là thành viên nhiều tuổi nhất trong CLB. Bà Hương yêu thích ca hát từ bé, từng mày mò học hát qua các chương trình dạy dân ca Ví, Giặm trên Đài phát thanh Nghệ An. Với bà, sinh hoạt văn nghệ trong CLB là nơi thích hợp nhất để người dân vui chơi giải trí, tái tạo năng lượng lao động sau những giờ làm việc vất vả trên ruộng đồng. Cũng nhờ những sinh hoạt văn hóa lành mạnh này mà bà con có sự gắn bó, sẻ chia, đùm bọc, đoàn kết với nhau hơn. “Điều ý nghĩa nhất là chúng tôi đã truyền được tình yêu dân ca cho lớp trẻ, để vốn văn hóa tinh thần quý báu của dân tộc ngày được gìn giữ, phát triển”. Bà Hương đã được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú. Trong những buổi sinh hoạt CLB, bà thường là người hát mẫu, tập những làn điệu mới cho anh chị em và cả… các cháu nhi đồng. Đây là một trong những lời ca thật hay, thật nhiều ý nghĩa: “Đẹp biết bao quê mình đang thay đổi/Khoác lên màu áo mới từng ngày/ Nghèo đói đã qua đi mạnh giàu nay trở lại/ Bức tranh quê đẹp mãi, thêm thắm đượm tình người?”…

Như đã nói, bên cạnh sinh hoạt chuyên môn, CLB dân ca Ví, Giặm xã Hưng Tân rất tích cực tham gia xây dựng các chương trình tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương qua những lời ca. Theo ông Phan Đăng Minh, CLB luôn có sự phối hợp với đội Thông tin lưu động đi đến các cơ sở tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, phòng chống tệ nạn xã hội, phổ biến - giáo dục pháp luật; tuyên truyền mừng Xuân mới, kỷ niệm thành lập Đảng (3/2), giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), mừng sinh nhật Bác (19/5), mừng Quốc khánh (2/9)... Tuyên truyền không thì khô khan, tuyên truyền dưới hình thức văn nghệ, sân khấu hóa thì hấp dẫn, dễ vào, dễ thu hút bà con. Thậm chí, không ít lời ca đã cho thấy sức sống lâu bền, lan tỏa ra cả xã nhờ các thành viên CLB biết lồng ghép tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là chi hội phụ nữ. Mỗi lần chi hội phụ nữ các xóm tổ chức sinh hoạt, trước khi vào nội dung chính, mọi người lại tự biên, tự diễn những làn điệu dân ca do chính những hội viên tham gia CLB sáng tác. Bà Nguyễn Thị Mùi, một người dân trong xã bày tỏ: chính những lời ca nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống nông thôn hằng ngày ấy lại có sức thuyết phục, đi vào lòng người...

Mà nào đã hết! CLB dân ca Ví, Giặm xã Hưng Tân còn tham gia truyền dạy hát dân ca cho học sinh Tiểu học, THCS trên địa bàn, nhất là dịp hè khi các em được nghỉ học. Các em được học hát, biết hát các làn điệu Ví đò đưa, Ví phường vải, Giặm kể, Hát ru, Hát đồng dao, Hát khuyên, Hát giận thương… Hiện, CLB có 20 em trong các nhà trường theo học, 10 em trong số đó hát rất tốt. Ngoài học hát, các em được thành viên CLB chỉ bảo cách xưng hô, ứng xử với thầy cô giáo, cha mẹ, bạn bè sao cho phải phép, biết đoàn kết yêu thương mọi người, “kính già, nhường trẻ”. Các nhà trường cũng luôn tạo điều kiện để học sinh của mình tham gia hội thi cùng CLB.

CLB tham gia Lễ hội đường phố “ Quê hương mùa sen nở”

 

Mới hơn 10 năm thành lập, hãy còn “trẻ” về tuổi đời nhưng những gì CLB dân ca Ví, Giặm xã Hưng Tân đạt được thật đáng nể. CLB đã sáng tác, biên soạn, biểu diễn được 36 tác phẩm dân ca mới có giá trị. Một số tác phẩm được lựa chọn phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài PTTH các địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Long…). Tham gia các kỳ liên hoan, CLB giành 1 giải Nhất (năm 2018), 1 giải Ba (năm 2016) khu vực Bắc Trung Bộ; 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba cấp tỉnh và liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh cùng 15 tác phẩm đoạt giải A, 7 tác phẩm đoạt giải B, 5 tác phẩm đoạt giải C. CLB từng được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng 1 Bằng khen; Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An tặng 2 Giấy khen… Mới đây, tối 15/5/2023, CLB đã vinh dự đại diện cho huyện Hưng Nguyên tham gia biểu diễn tại Lễ hội đường phố “Quê hương mùa sen nở” do tỉnh Nghệ An tổ chức chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Nói về những khó khăn, thách thức đối với CLB, ông Phan Đăng Minh cho biết: “Hiện tại, mỗi năm CLB được xã hỗ trợ 5 triệu đồng. Từ năm 2022 vừa qua, CLB được tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng nữa nhưng số tiền ấy là không đủ. Để có thêm kinh phí hoạt động, mua sắm trang phục biểu diễn, trang thiết bị, đạo cụ… CLB phải xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể và những người nặng lòng với di sản văn hóa quê hương. Thỉnh thoảng, CLB được sự đầu tư của các Ban tổ chức hội thi, hội diễn thì chúng tôi lại dùng số tiền đó thăm hỏi, động viên anh chị em khi có công việc. Mọi thứ đều công khai, minh bạch. Chúng tôi một phần đỡ tốn kém hơn các CLB khác do có những người nắm rất vững, rất sâu về dân ca Ví, Giặm, có thể đặt lời, viết lời từ các làn điệu dân ca theo những chủ đề, chủ điểm của Ban tổ chức - như anh Nguyễn Trọng Tâm ngoài việc đảm nhiệm vai trò sưu tầm làn điệu cổ, còn đặt lời mới cho các làn điệu trong những cuộc thi ca ngợi cảnh sắc quê hương, nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội. Nếu phải thuê người viết lời thì cũng mất một khoản kha khá…”.

Quả thực, CLB dân ca Ví, Giặm xã Hưng Tân rất xứng đáng là điểm sáng mô hình văn hóa tỉnh Nghệ An. Hy vọng, trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục phát huy những gì đã đạt được, khắc phục khó khăn, không ngừng lớn mạnh để góp phần gìn giữ và lan tỏa hồn quê xứ Nghệ!

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;