Đơn vị An Giang tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia – Cần Thơ năm 2022
Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, có sức sống nhưng mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân miền sông nước Cửu Long. Ngược dòng lịch sử hơn 300 năm trước, khi những lưu dân đầu tiên từ miền Trung len lỏi theo sông suối, về phương Nam mở cõi, trong hành trang của lớp người đầu tiên ấy bao giờ cũng mang theo những điệu hát của miền cố thổ trung du, xứ kinh kỳ nhã nhạc cung đình trang nghiêm và sang trọng. Thứ nhạc ấy, trên đường Nam tiến đã dần dần giao thoa với cộng đồng các dân tộc bản địa, cùng những điều kiện tự nhiên và xã hội, đã tiếp biến nên một loại hình nghệ thuật mới, mang âm hưởng và giai điệu rất tài tử, đúng chất “tài tử”, phong lưu, hào sảng – tính cách đặc trưng của những người đi mở cõi đất phương Nam.
Loại hình âm nhạc Đờn ca tài tử ấy đã chiếm lĩnh đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành món ăn không thể thiếu, từ việc ru con, lễ lạt, hiếu hỷ đều có mặt. Ở mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm trạng, người ta đều thấy có thể ngân lên một điệu Nam ai, Bắc oán… giãi bày tâm trạng.
Năm 2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây vừa là cơ hội, động lực nhưng cũng là vừa thách thức không chỉ đối với những người làm công tác quản lý mà cả với những nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Bạc Liêu – quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nơi phát tích bài Dạ cổ hoài lang, được xem là bài hát “gốc” của các bản vọng cổ trong Đờn ca tài tử Nam Bộ sau này. Với lòng tự hào là “cái nôi” của vọng cổ, tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư nhiều công trình, hạng mục và đề ra nhiều chương trình nhằm để giữ gìn và phát huy loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ. Nhà hát chiếc nón lá dành để biểu diễn Đờn ca tài tử một cách chuyên nghiệp và bài bản đã tạo một sức bật, làm tiền đề cho việc nâng cao chất lượng nghệ thuật của Đờn ca tài tử. Đồng thời các dự án bảo tồn được cụ thể hóa đến từng xã, huyện; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đội nhóm, câu lạc bộ Đờn ca tài tử ra đời và sinh hoạt thường kỳ. Thông qua những câu lạc bộ này, các tài tử, nghệ nhân đã có sân chơi và hoạt động một cách bài bản hơn, không còn mang tính tùy hứng, đã làm cho Đờn ca tài tử đến với công chúng không chỉ gần gũi mà còn mở ra những hướng phát triển mới.
Lễ ra mắt CLB Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương tỉnh An Giang và sinh hoạt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thiếu nhi tỉnh An Giang
Những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã không ngừng quan tâm và đầu tư bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của Đờn ca tài tử. Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ đã trở thành một đợt sinh hoạt lớn, mang tính quốc gia, quy tụ nhiều tỉnh thành tham dự. Một điều dễ thấy được ở các đợt Liên hoan là cách thức tổ chức rất phong phú và đa dạng về hình thức lẫn nội dung, thu hút đông đảo người mộ điệu đến thưởng thức, thậm chí tham dự diễn xướng. Tại các Liên hoan, những nghệ nhân không chỉ được gặp gỡ, giao lưu học hỏi từ ngón đờn, lời ca đến các bài bản điệu thức truyền thống lẫn hiện đại mà còn được tham quan trưng bày, triển lãm, có một cách nhìn tổng quan hơn về công tác bảo tồn Đờn ca tài tử ở các tỉnh thành. Từ các triển lãm này, dễ dàng hình dung, nhiều tỉnh, thành đã có sự quan tâm, đầu tư rất xác đáng cho các hoạt động nhằm để phát huy hơn nữa loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Không chỉ Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia được tổ chức thường niên, mà nhiều tỉnh thành, Đài Phát thanh - Truyền hình đã thường xuyên tổ chức những cuộc thi như: Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, Tài tử miệt vườn… Một điều đáng kể ở các cuộc thi là tính phát hiện và sự trẻ hoá đội ngũ ngày một chất lượng và đáng mừng. Hầu như các cuộc thi kể trên đều có những nhân tố trẻ đạt giải. Điều này lý giải rằng, Ban Tổ chức đã có một sự quan tâm, đầu tư cho thế hệ kế thừa một cách sâu sắc, Đã có một thế hệ vừa trẻ vừa khoẻ về bản lĩnh nghệ thuật, hứa hẹn những tài năng tương lai. Một điều rất dễ thấy ở cuộc thi Giọng ca nhí - Hò xự xang xê cống dành riêng cho các em thiếu nhi có năng khiếu và đam mê Đờn ca tài tử, có rất nhiều thí sinh, từ những vùng sâu vùng xa đến các em ở thành phố lớn đều tham dự đông đảo, chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được cái không khí “tài tử” vốn có – bản chất nghệ thuật của loại hình nghệ thuật đặc biệt này.
An Giang tuy không phải là “cái nôi” của loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ nhưng cũng không kém gì các tỉnh thành bạn. Tỉnh có hơn 30 câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở cơ sở các xã, huyện thị; có 1 câu lạc bộ Đờn ca tài tử thiếu nhi do vợ chồng NNƯT Phương Hồng Thắm và NNƯT Đặng Hoàng Linh dìu dắt. Từ câu lạc bộ này, nhiều nhân tố mới đã xuất hiện, góp cho tỉnh nhà một thế hệ đầy hứa hẹn. Cứ 2 năm/lần, Sở VHTTDL An Giang lại tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương. Một điều đáng mừng là bên cạnh những nhân tố mới xuất hiện rất triển vọng, trong các thí sinh từ các huyện thị về thi, bao giờ cũng có các tài tử trẻ, thậm chí rất trẻ. Có tài tử đờn sến chỉ mới 9 tuổi, đờn thành thạo trên 20 bài bản cơ bản của Đờn ca tài tử; hoặc có những giọng ca 10 – 15 tuổi đầy nội lực, không ít những em được phát hiện tại liên hoan, được gửi vào các câu lạc bộ có các nghệ nhân chuyên nghiệp dạy hát, dạy đờn một cách bài bản để rồi các em trở thành thế hệ kế thừa, chất lượng không thua kém gì thế hệ đi trước. Đây vừa là việc làm ý nghĩa, giữ gìn lửa đam mê đồng thời phát huy được chất lượng nghệ thuật cho đờn ca tài tử.
Đã hơn 300 năm kể từ ngày Đờn ca tài tử manh nha xuất hiện ở Nam Bộ, vậy mà cái sức sống của nó vẫn còn tồn tại và phát triển đầy hứa hẹn. Sự biến đổi thăng trầm của thời gian làm các hình thức sinh hoạt thay đổi, tuy nhiên cái “hồn cốt” như vẫn còn đó, vẫn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đời sống cư dân nơi đây, kể cả một lớp người trẻ, lớn lên trong tiếng đờn, điệu hát xàng xê vọng cổ.
ĐĂNG NGUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023