Giỗ tổ Hùng Vương - thiêng liêng niềm tin, thành kính hướng về cội nguồn dân tộc

Phú Thọ là tỉnh có lịch sử phát triển lâu đời, chiếc nôi văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Hơn một ngàn di tích lịch sử văn hóa hiện còn là minh chứng hết sức sống động trong đó có di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nơi thờ các Vua Hùng có công mở nghiệp sơn hà. Hành trình lịch sử dựng nước cũng là hành trình lắng đọng, bồi đắp những lớp phù sa tạo nên độ dày của hệ giá trị vật chất và tinh thần. Mỗi vùng quê nằm trên dải đất cong cong hình chữ S đều là không gian văn hóa để chúng ta không ngừng khám phá tìm ra những giá trị mới mẻ, bất ngờ, thú vị. Phú Thọ - đất Tổ Hùng Vương là vùng đất khởi đầu của những giá trị ấy, vùng đất hòa quyện giữa truyền thuyết và lịch sử.

 

Trong sâu thẳm tâm khảm mỗi người dân đất Việt, Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã thành biểu tượng văn hóa tâm linh, thành niềm tin son sắt về cội nguồn dân tộc, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết Việt Nam; là nơi mà mỗi người dân dù sống quần tụ nơi đất Mẹ hay cách xa Tổ quốc muôn trùng cũng luôn hướng về với tấm lòng thành kính tri ân, thể hiện  đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, Đền Hùng bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần, sức mạnh tâm linh. Chính điểm tựa đó đã làm nên kỳ tích Việt Nam trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm giữ nền độc lập của dân tộc. Ý nghĩa tâm linh của Giỗ Tổ Hùng Vương đã vượt ra ngoài biên giới, trở thành tiếng chim gọi bầy, là lời hiệu triệu muôn triệu con tim đất Việt hướng về Tổ quốc với hai tiếng thân thương “Đồng bào”. Biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai sơn phá thạch, mở nghiệp sơn hà cách đây mấy ngàn năm để có được cơ đồ non nước hôm nay, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tôn vinh các Vua Hùng là Thánh Tổ của mình để muôn đời thờ phụng. Từ thờ cúng tổ tiên trong các gia đình đến thờ phụng ông Vua Tổ của cả dân tộc là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng rất riêng và cao quý của người Việt với các bậc tiền nhân có công dựng nước. Nét riêng độc đáo của các gia đình đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ngày càng phát triển sâu rộng. Đất nước ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nhiều hy sinh mất mát vì thiên tai địch hoạ, người dân hiểu rõ cái giá phải trả cho độc lập tự do, cơm no áo ấm. Vì vậy, sự biết ơn và lòng chung thuỷ đã trở thành đạo lý truyền thống của các dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Dân tộc Việt Nam đã chọn ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Giỗ Tổ, cứ vào dịp này mọi người đều hướng về Đền Hùng thành kính tri ân các Vua Hùng. Trong những ngày mở hội các làng xung quanh núi Hùng rước kiệu và tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao phục vụ đồng bào, du khách:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba

Phú Thọ vùng đất cội nguồn, nơi đây còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa cổ xưa mà tổ tiên ta đã dày công xây dựng. Cùng với các di ti tích đình, đền, miếu thờ các nhân vật lịch sử, vợ con tướng lĩnh các Vua Hùng... là những hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian rất phong phú, độc đáo: các tục lệ, kiêng, hèm, diễn xướng, lễ hội, sự tích, các chuyện cổ tích, thần thoại, dân ca, dân vũ, sân khấu dân gian… Trải qua nhiều biến động của thời gian, lịch sử, những giá trị ấy vẫn được nuôi dưỡng, bảo lưu phát triển trong mạch nguồn lễ hội truyền thống, trong các sinh hoạt dân gian, nhất là những vùng xung quanh núi Hùng, thành phố Việt Trì, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Yên Lập. Sự xuất hiện của các giá trị văn hóa phi vật thể nêu trên khá đậm đặc, nó phản ánh nhiều lĩnh vực của quá trình dựng nước và giữ nước từ thờ Hùng Vương thông qua các lễ hội dân gian truyền thống. Hội hè ở nhiều làng quê là những cuộc tế lễ, trò diễn xướng liên quan đến chủ đề dựng nước song hành với lễ thức và phong tục gắn với đời sống của người Việt cổ: Nghi thức cầu mùa, cầu phồn thực, cầu đông đàn dài lũ, mùa màng tốt tươi, con người no đủ như trong trò diễn Trò Trám, múa Tùng dí, Bách nghệ khôi hài. Tất cả đều phản ánh một cách sống động dấu ấn của thời kỳ con người khai phá, chinh phục thiên nhiên để cải thiện cuộc sống cho chính mình từ thuở sơ khai săn bắt hái lượm đến trồng trọt, chăn nuôi, tích lũy của cải, mơ ước một xã hội phát triển. Những điều này được gửi gắm, phản ánh thông qua các dịp tế lễ, hội hè, dân ca, dân vũ.

 

Số liệu điều tra, thống kê của Bộ VHTTDL năm 2005 cho biết: cả nước có 1417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Tính riêng ở địa bàn Phú Thọ , có đến 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự và 96 di tích chỉ còn là phế tích. Phú Thọ là tâm điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động lễ hội diễn ra trang nghiêm, trọng thể, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở xung quanh, thu hút hàng triệu lượt đồng bào, du khách về tham dự. Các tỉnh thành khác có nhiều di tích thờ cúng Hùng Vương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang… đều tổ chức dâng hương tưởng niệm các vua Hùng theo hướng dẫn chung của Bộ VHTTDL vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự trở thành ngày hội non sông của cả nước với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống phong phú, đa dạng của các vùng miền, dân tộc. Triều Nguyễn thế kỷ XIX đã cho xây dựng miếu Lịch Đại Đế Vương tại kinh đô Phú Xuân (Huế) thờ các bậc minh quân khai sáng của dân tộc Việt Nam, cho rước bài vị các vua Hùng về thờ tự. Hay như tỉnh Lâm Đồng trong hệ thống các đền thờ Vua Hùng tiêu biểu có đền thờ Hùng Vương ở trung tâm khu du lịch thác Pren mô phỏng mô hình đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ với 3 hạng mục chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng cùng với nhiều công trình khác như công viên Hùng Vương, tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ. Đền xây dựng từ năm 1958, năm 1989 đã tu bổ lại và rước chân nhang từ đền Hùng ở Phú Thọ về thờ tự. Thành phố Hồ Chí Minh có tới 12 địa điểm thờ các Vua Hùng, ngày 10 tháng 3 âm lịch nhân dân về các di tích dâng hương tưởng niệm .

Không chỉ ở trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng lập nhiều đền thờ Vua Hùng ở Califocnia (Hoa Kỳ), Canada, Nga, Lào, Séc… hoặc các điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị hoặc tượng các Vua Hùng để tưởng niệm các Vua Hùng ngày Quốc lễ. Những không gian tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là sự hồi cố, tưởng nhớ từ trong tâm can đồng bào về lịch sử, về quá khứ, về các bậc tiền nhân có công mở nước và dựng nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện sự ngưỡng vọng, đồng thuận, tự nguyện của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sống ở khắp mọi miền đất nước và kiều bào sống ở ngoài nước. Các giá trị ấy luôn được bồi đắp, làm phong phú, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hoá tâm linh và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tín ngưỡng và lễ hội Đền Hùng trong quá trình hình thành , tồn tại đã góp phần rất quan trọng trong việc tạo nên những giá trị đạo đức truyền thống, lòng yêu nước tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trong miền ký ức sâu thẳm của mỗi con dân đất Việt, đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là biểu tượng cao đẹp, niềm tin thiêng liêng, thành kính hướng về cội nguồn dân tộc. Mỗi kỳ Giỗ Tổ niềm tin ấy lại được củng cố, bồi đắp thêm vì đây chính là niềm kiêu hãnh, tự hào của một dân tộc giàu truyền thống văn hiến, luôn biết trân trọng quá khứ, biết ơn các bậc tiền nhân đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ và khẳng định chủ quyền của đất nước, dân tộc.

 

TRẦN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;