Cần cẩn trọng khi đưa trang phục truyền thống lên sàn diễn

Những năm gần đây, trang phục truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn diễn thời trang hay cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những trang phục chuẩn mực, thể hiện bản sắc văn hóa thì vẫn còn đó nhiều thiết kế có ý tưởng độc, lạ nhưng lại kém thẩm mỹ, phản cảm, thậm chí làm biến dạng, méo mó các giá trị nội hàm của trang phục truyền thống.

Bà Nguyễn Mỹ Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Sở VHTT TP phản hồi về thông tin xử lý show thời trang của NTK Tường Danh

 

Xử phạt show diễn New Traditional: Cái giá của “thể nghiệm” quá đà

Chiều 8/6/2023, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. HCM, bà Nguyễn Mỹ Hạnh - Phó Chánh Văn phòng S VHTT TP. HCM - thông tin v show thi trang New Traditional (tm dch: truyn thng mi) ca nhà thiết kế Tường Danh.

Theo đó, đại diện Sở VHTT đã phi hp vi các cơ quan liên quan xác minh đơn v vi phm là Công ty TNHH Objoff (tr s 73 đường s 4, phường Tho Đin, thành ph Th Đức). S VHTT tham mưu và trình UBND Thành phố ban hành quyết định xử phạt hành chính.

Các vi phạm gồm: tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Phía Sở khẳng định rằng, căn cứ quy định pháp luật hiện hành tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Sự kiện âm nhạc - Werk in progress” do Công ty TNHH Objoff tổ chức là đối tượng bị xử phạt hành chính. Sở VHTT đề xuất phạt tiền 85 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.

Trước đó, những hình ảnh lố lăng, phản cảm trong show diễn New Traditional gây ra sự phẫn nộ lớn trên mạng xã hội. Cụ thể, show diễn xuất hiện nhóm người mẫu đội nón quai thao truyền thống, mặc áo yếm cách điệu, để lộ phần lưng và vòng ba phản cảm. Thêm nữa, hình ảnh khác còn kệch cỡm hơn khi một người mẫu nam đầu trọc, mặc bộ trang phục màu vàng cổ trụ, tạo dáng bên chiếc chuông vàng gợi nhắc đến chư tăng khất thực. Nhiều thiết kế trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ áo dài, áo yếm cũng có những chi tiết cắt xẻ lố bịch…

Sau khi nhận nhiều phản hồi tiêu cực, nhà thiết kế Tường Danh đã lên tiếng đính chính: “Nếu là áo yếm truyền thống chắc chắn nó sẽ là câu chuyện khác. Ở đây nó là một chiếc đầm được lấy cảm hứng từ áo yếm nhưng thành phẩm cuối cùng nó đã được thay đổi hoàn toàn so với chiếc áo yếm truyền thống”. Bên cạnh đó, nhà thiết kế này cho rằng tính chất của bộ sưu tập New Traditional chỉ mang yếu tố thể nghiệm.

Lời phân trần trên khiến dư luận lẫn giới chuyên môn bức xúc hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà thiết kế này đang lợi dụng danh nghĩa “thể nghiệm” - khái niệm vốn chỉ các hoạt động cải tiến, thực hiện hóa ý tưởng độc đáo trong thời trang, tuy nhiên lại đưa đến các bộ trang phục lai căng, phản cảm, đi ngược lại giá trị văn hóa của trang phục truyền thống.

Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng nhận định, quan điểm của mỗi người về thời trang có thể khác nhưng không thể tách rời giá trị văn hóa. “Không ai có thể đánh giá xấu hay đẹp vì đó là cảm quan riêng của từng cá nhân về thời trang. Tuy nhiên, sự sáng tạo không nên đi ngược với thuần phong mỹ tục. Mỗi nhà thiết kế cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ càng trước khi muốn đưa giá trị truyền thống vào thời trang”.

Với nhà thiết kế Hoài Đăng, anh bày tỏ lo ngại sau khi xem bộ sưu tập này. “Tôi luôn nể phục những bạn trẻ dành tâm huyết và sức sáng tạo để quảng bá giá trị truyền thống. Tuy nhiên, việc lấy lý do cách tân, thể nghiệm để tạo những sản phẩm gây sốc, phản cảm là điều không thể chấp nhận được. Hoạt động sáng tạo có thể không giới hạn nhưng cốt lõi vấn đề vẫn phải dựa giá trị văn hóa”.

Thiết kế trang phục trong show diễn của NTK Tường Danh gây tranh cãi

 

Không phải lần đầu tiên

Những năm trở lại đây, sự nở rộ của nhiều cuộc thi nhan sắc khiến cho phần thi “Trang phục truyền thống” cũng được quan tâm đầu tư hơn. Rõ ràng, so với các phần trình diễn trang phục dạ hội, áo tắm… thì vòng thi về trang phục truyền thống tạo nên điểm nhấn khác biệt hơn cả và góp phần khẳng định tên tuổi của cuộc thi. Theo thể lệ, các mẫu thiết kế phải đảm bảo tính độc đáo, sáng tạo và mang được nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Không thể phủ nhận rằng đã có nhiều ý tưởng tốt được khán giả trong và ngoài nước đón nhận như: Nàng mây của Lệ Hằng tại Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2016, Rồng chầu mặt trời của Tường San tại Cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2019, Hoa trạng nguyên của Phương Anh tại Hoa hậu Quốc tế 2022… Tuy nhiên, sự sáng tạo quá đà của nhà thiết kế dẫn đến nhiều bộ trang phục lố lăng, kém thẩm mỹ, thậm chí đi ngược lại yếu tố “truyền thống” như tên gọi của phần thi…

Tại Miss Grand Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), một số bộ trang phục thiếu yếu tố văn hóa hoặc gây phản cảm xuất hiện như: áo bà ba ở trên nhưng lại để chân trần và không mặc quần truyền thống; áo yếm phối áo bà ba… Hay các thiết kế lấy cảm hứng từ cua Cà Mau, nghề làm nail, nước mắm Phú Quốc, bánh xèo, hủ tiếu… khiến công chúng đặt dấu hỏi lớn về ý tưởng cũng như thông điệp truyền tải.

Thiết kế áo bà ba ở trên, người mẫu đi chân trần ở dưới từng gây tranh cãi ở một cuộc thi nhan sắc

Ngoại trừ mô tả, “gắn” vào văn hóa Việt một cách khiên cưỡng, thì các thiết kế này được đánh giá kém thẩm mỹ, giống với vũ hội hóa trang hơn là phần thi về trang phục truyền thống.

Chưa hết, những chủ đề về tín ngưỡng tâm linh, thờ cúng tổ tiên cũng bị thí sinh đưa vào thiết kế một cách khó hiểu. Trong bản phác thảo được ban tổ chức Miss Universe 2019 (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam) đăng tải, nhà thiết kế này vô tư lấy khung di ảnh đặt trước mặt người mẫu, phần lư hương thì biến thành… chân váy.

Thậm chí, ngay cả với áo dài, trang phục truyền thống vốn được xem là biểu tượng, “quốc túy” của dân tộc cũng từng bị một số nhà thiết kế thay đổi trở thành những sản phẩm thiếu thẩm mỹ như: áo dài vai trần, áo dài hở lưng, áo dài lai áo tắm… Tương tự, các bộ váy truyền thống của người Thái, Tày, Mường, Dao… cũng trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ của những nhà thiết kế “thừa” sáng tạo nhưng lại thiếu kiến thức nghiêm trọng về trang phục dân tộc.

Nguy hiểm hơn, những bộ cánh được dán mác “thể nghiệm” trang phục truyền thống trên sân khấu khi được phổ cập trong thời trang ứng dụng lại gây ra nhầm lẫn tai hại, ảnh hưởng đến công cuộc chấn hưng trang phục truyền thống hiện nay. Điều này dễ nhận thấy ở “áo dài cách tân” - loại trang phục vốn chỉ giống nhau ở chỗ có 2 thân, ống tay may rời vai nhưng bị nhiều người nhận nhầm thành áo ngũ thân.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, hoạt động về áo dài truyền thống lại trưng bày các mẫu mã, thiết kế mang hơi hướng của các quốc gia khác nhiều hơn là phản ánh giá trị bản sắc của Việt Nam. Thậm chí, không ít thiết kế còn bị in đè các hoa tiết, hoa văn một cách phô trương, lòe loẹt, qua đó khiến trang phục chỉ mang hình hài của một bức bích họa hay tấm áp phích không hơn không kém.

Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Việt xưa. Ảnh tư liệu đầu thế kỷ XX

 

Sáng tạo nhưng cần chừng mực

Có thể thấy, mẫu số chung của tất cả trường hợp kể trên là việc quá xem nhẹ hai yếu tố “văn hóa” và “truyền thống” trong quá trình sáng tạo, dẫn đến việc không thuyết phục dư luận ủng hộ. Các nhà thiết kế này chỉ xem cách tân là quá trình mô phỏng, cắt ghép và chắp vá tùy tiện trang phục truyền thống thành những bộ cánh kệch cỡm, lạc điệu…

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, việc tạo nên một thiết kế mới, đảm bảo tính thẩm mỹ, nhưng vẫn giữ được tinh thần truyền thống, dân tộc không phải chuyện dễ dàng và đòi hỏi nhiều yếu tố.

Nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - TS Lý Tùng Hiếu nhận định: “Việc cân bằng giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại là một bài toán nan giải cho nhà thiết kế hiện nay. Điều này xuất phát từ yêu cầu phải đảm bảo bản sắc, giá trị truyền thống không bị đứt gãy trong quá trình chuyển giao vào những sản phẩm cách tân. Đồng thời, trang phục còn phải phù hợp với điều kiện và thị hiếu của công chúng”.

Theo TS Tùng Hiếu, các nhà thiết kế và đơn vị tổ chức phải đưa ra nhiều giải pháp khác nhau tùy thuộc vào mục đích và nhóm đối tượng hướng tới. Trang phục dùng để trình diễn có thể tùy biến sáng tạo nhưng phải thể hiện bản sắc văn hóa. Đối với thời trang ứng dụng, nhà thiết kế cũng cần cân đối giữa yếu tố truyền thống với nhu cầu thực tiễn.

Việc sáng tạo luôn được khuyến khích, nhất là trong lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên, cái công chúng thực sự mong ngóng là những tác phẩm đến từ đội ngũ nhà thiết kế tài năng, có đủ tâm sức và hiểu biết sâu rộng về văn hóa chứ không phải những cá nhân luôn miệng hô hào khẩu hiệu cách tân, thể nghiệm rồi mặc sức tạo ra những văn hóa phẩm xuyên tạc,“bức tử” giá trị truyền thống.

Trang phục truyền thống trên sân khấu trình diễn tôn vinh và gìn giữ vẻ đẹp văn hóa Việt.
Ảnh: Áo dài Năm Tuyền

 

PHONG GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

 

;