Vở kịch Vua Lear được công chúng đón nhận

Vừa qua, Sân khấu Lệ Ngọc đã thành công khi ra mắt vở diễn kinh điển Vua Lear tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vua Lear là một trong những vở bi kịch kinh điển của nhà viết kịch vĩ đại U. Shakespear. Đã từng có một phiên bản Vua Lia của nhà viết kịch lừng danh được NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công cho Nhà hát Kịch Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước, vẫn được nhiều người yêu sân khấu lớn tuổi nhớ tới. Nay lại được một sân khấu xã hội hóa, Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng lại trong sự mong mỏi, kỳ vọng của người yêu sân khấu với kịch bản này.

King Lear - một trong những kịch bản giàu kịch tính, đúng chất bi kịch và có nhiều tầng ngữ nghĩa nhất của nhà viết kịch lừng danh người Anh đã được khai thác ở khía cạnh rất nóng hiện nay trong xã hội Việt Nam. Vua Lear thấy mình đã già, quyết định chia đất nước cho các con. Ông hỏi các con yêu cha ra sao thì các công chúa lớn, công chúa thứ hai đều dành những lời có cánh để thể hiện trong khi công chúa út chân thật khẳng định, yêu cha như mọi người con yêu cha, và chỉ là một phần vì sau này cô còn phải giành tình cảm cho chồng con mình. Nổi giận vì cho rằng con út bạc bẽo, ông vua chia đôi giang sơn cho hai cô chị, đuổi cô út đi… Chuyện gì phải xảy ra đều đã được tiên đoán. Hai công chúa lớn cấu kết với nhau, bạc đãi cha già khiến Vua Lear bất hạnh hóa điên. Công chúa út mang quân về cứu cha thì lại bị các chị bắt cha làm con tin và vì thế thất bại, bị giết chết… Rồi giữa hai cô chị cũng là kết thúc đẫm máu bởi tranh giành tình nhân, quyền lực. Cái kết bi thương của vở bi kịch đầy ám ảnh. Bi kịch giữa những người thân trong gia đình luôn là bi kịch đau lòng nhất với bao mâu thuẫn chồng chéo, đi ngược lại đạo đức khi dính tới lợi ích cá nhân, tới đất đai, tài sản thừa kế… và qua đó, đưa tới ý nghĩa về quyền lực và ảo tưởng, sự thật và những dối lừa… Là một kịch bản kinh điển của thế giới, rất đồ sộ và là câu chuyện của hàng mấy trăm năm trước, để có thể tìm thấy sự đồng điệu với ngày hôm nay và gỡ bỏ những áp lực bởi ý nghĩa nhiều tầng, đạo diễn NSND Lê Hùng quyết định lược gọn, tập trung cho chủ đề chính là về chữ Hiếu nhưng vẫn nhận ra được những ý nghĩa khác từ vở diễn. Ông chia sẻ, cha mẹ dù có mắc sai lầm do tuổi tác, do nhận thức thì kẻ làm con vẫn phải giữ đạo hiếu. Thông điệp này dễ dàng đi vào lòng khán giả bởi đây cũng là đạo lý làm người đầu tiên được người Việt trân trọng, đi vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt và trở thành truyền thống. Câu chuyện của Vua Lia (NS Văn Hải) và ngài Bá tước Gloucester (NSND Tuấn Hải) giống nhau là đều tin vào những lời giả dối ngọt ngào mà họ muốn nghe từ những đứa con, để rồi xua đuổi những đứa con chân thành và kết cuộc đều phải nhận lấy những cái kết đau lòng.

 Lựa chọn một cách kể chuyện theo lối dung dị, những con người Việt Nam đang dựng lại kịch bản của nhà biên kịch vĩ đại người Anh theo cách Việt hóa, không nhiều trang trí mỹ thuật, chỉ là những thước vải rủ xuống để tạo hình vòm mái cung điện hay tòa lâu đài của các cô công chúa. Lược bỏ những đoạn thoại quá dài, dùng lối đài từ không “lên gân” mà giản dị như trong đời thường… các nghệ sĩ, diễn viên của Sân khấu Lệ Ngọc đã thu hút được sự chú ý của khán giả. Với hơn hai tiếng đồng hồ, vở diễn khá dài so với thời lượng các đêm diễn thường thấy ở thời điểm hiện tại, nhưng khán giả vẫn chăm chú theo dõi, khóc cười ở từng cảnh diễn, có được sự đồng cảm sâu sắc cùng nhân vật. Các diễn viên được chiêu mộ từ nhiều nguồn để phù hợp nhất với hình tượng nhân vật, có những kỹ năng, kỹ xảo rất tốt như diễn viên đóng vai công chúa Cordenia (Hàm Hương) xinh đẹp và còn rất trẻ, đã có khả năng sử dụng một số động tác múa ballet để thể hiện màn mộng mị hư ảo của nhà vua… Những diễn viên quen thuộc của sân khấu Lệ Ngọc như NSND Lệ Ngọc - Công chúa Goneril, Quang Tú - Bá tước Kent, Lâm Cương - Edmund, Huy Bách - Công tước Albany… và một số gương mặt lần đầu tham gia như NSND Thu Quế vai công chúa Regan… đã hoàn thành khá tốt vai diễn. 

Nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc Sản xuất và Chỉ đạo nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc đồng thời cũng đóng vai chính, vai diễn khó nhất… đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn trong xử lý đài từ cho phù hợp ở từng phân cảnh. Đây là một trong những vai diễn tốt nhất của anh kể từ khi trở lại với sân khấu. Bên cạnh đó, những diễn viên “bám trụ” cùng sân khấu Lệ Ngọc đã có những bước phát triển khá tốt về nghệ thuật như Lâm Cương trong vai Edmund, đứa con rơi của Bá tước Gloucester do ganh ghét với người con cả của Bá tước nên bày mưu để ông hiểu lầm con mình, rồi lại tiếp tục tráo trở gian xảo, dối lừa cả hai công chúa cả và công chúa thứ hai của nhà vua. Hay diễn viên Quang Tú cũng đã tạo được ấn tượng tốt qua nhân vật Bá tước Kent cần sự thay đổi lớn về ngoại hình cũng như giọng nói để được tiếp tục phục vụ, tận trung với nhà vua dù bị ông trục xuất ra khỏi vương quốc… Sự trưởng thành của các thành viên trẻ chính là một trong những thành công khi mục tiêu đề ra của NSND Lệ Ngọc là góp phần đào tạo, giúp các diễn viên nhanh chóng chiếm lĩnh được nghệ thuật diễn xuất. Đó cũng là một trong những lý do để chị quyết tâm duy trì hoạt động của sân khấu Lệ Ngọc trong bối cảnh hoạt động còn rất khó khăn hiện nay.

Đúng như dự định thổi hơi thở thời đại vào câu chuyện có tuổi đời hơn 400 năm, vở diễn giàu tính nhân văn, mong muốn thức tỉnh mỗi con người trong xã hội khi phải lựa chọn giữa cái thiện và điều ác, giữa lương tri và sự bội bạc… và đặc biệt là sự hiếu nghĩa tận tâm với cha mẹ đã được khán giả cảm nhận một cách nhiệt thành. Những tiếng vỗ tay, đôi chỗ cười vui để hòa hoãn bớt màn bi kịch quá dữ dội… sự đo lường cảm xúc khán giả khá tinh tế đã giúp vở diễn giữ chân người xem tới tận phút cuối. Dù đã muộn, nhưng rất nhiều khán giả vẫn nán lại để giao lưu, trao đổi với ê kip sáng tạo.

Vẫn mong muốn có thêm sự đầu tư về âm nhạc sao cho rung động hơn nữa ở từng tình huống kịch, hay phần sáng tạo về mỹ thuật có thêm xử lý ánh sáng, vài sự gợi ý cho người xem dễ dàng hơn trong liên tưởng về không gian kịch… Sự nhuần nhuyễn và xúc cảm rất cần thiết ở những đoạn thoại kinh điển cũng cần được chau chuốt, chuẩn xác hơn. Sau một vài đêm diễn, cảm nhận rõ hơn tiết tấu, sự tiết chế, cách diễn xuất qua những tương tác với khán giả, hy vọng đây sẽ là một tác phẩm sân khấu xứng tầm với kịch bản vĩ đại này. Thử thách và khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng nội lực, sự dũng cảm, dám dấn thân của hai vợ chồng nghệ sĩ Lệ Ngọc, Văn Hải và những thành viên cộng tác với các anh chị rất đáng ghi nhận và cũng là phần đối trọng cần thiết để các sân khấu công lập thấy được sự cần thiết trong công tác khán giả để những vở diễn kinh điển vẫn mãi sáng lấp lánh trên sân khấu, tạo lực hút hấp dẫn đến công chúng để có thật nhiều sân khấu sẽ sáng đèn, dần “sống lại” trong đời sống nghệ thuật nước nhà.

Vở diễn dự kiến sẽ có nhiều đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vì ở những địa điểm khác, rất khó đạt tới độ nghệ thuật cần thiết khi sàn diễn không đủ yêu cầu về độ cao, chiều sâu sân khấu. Theo thông tin từ Sân khấu Lệ Ngọc, đã nhiều nơi đặt hàng để được xem vở diễn từ kịch bản rất kinh điển này.

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;