Dòng chảy ngầm mạnh mẽ

Đã 80 năm kể từ ngày Đề cương về văn hóa việt nam ra đời (1943 - 2023), suốt bao nhiêu năm qua, dù trải qua nhiều biến động nhưng văn hóa vẫn luôn là một dòng chảy khi ào ạt, lúc lặng thầm, góp phần làm nên lịch sử, văn hóa và bản sắc đất nước, con người Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ.

Tác phẩm O du kích nhỏ của nhà báo Phan Thoan 

 

Dù gọi thẳng tên hay chỉ trong ý niệm thì văn hóa bao gồm lý tưởng, đạo đức, lối hành xử, văn học nghệ thuật, di sản… đã góp mặt từ khi xuất hiện các hình thái xã hội. Mỗi giai đoạn lịch sử, tùy vào thể chế lại tôn sùng một triết lý hay tín ngưỡng, tôn giáo và lấy đó làm kim chỉ nam. Thời phong kiến đã có lúc đạo giáo, nho giáo, phật giáo được lấy làm thước đo, chuẩn mực, định hướng trong xã hội và mỗi người đều nương theo các chuẩn mực, quy ước đó để sống, làm việc, cống hiến, giao đãi… Tiếp nối dòng chảy đó, khi còn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn từ thù trong, giặc ngoài đến việc dồn sức giải phóng đất nước nhưng Đảng ta vẫn xác định: văn hóa chiếm một vị trí quan trọng. Và Đề cương về văn hóa Việt Nam (từ đây xin viết tắt là Đề cương văn hóa) 1943 thực sự đặt một dấu mốc cho văn hóa Việt Nam khi chính thức được định hướng, gọi tên và xem như một cột trụ quan trọng trong đấu tranh giải phóng cũng như dựng xây đất nước.

Tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng

Tác phẩm nổi tiếng Nụ cười dưới chân thành cổ Quảng Trị của NSNA Đoàn Công Tính
 

Dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa với 3 tiêu chí nổi bật là dân tộc, khoa học, đại chúng, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã gắn các sáng tác của mình với sự vận động, với lịch sử của dân tộc. Hàng loạt tác phẩm hướng về nhân dân, lấy quyền lợi của đại chúng, của dân tộc làm gốc để phản ánh, sáng tác. Những tác phẩm như Đôi mắt, Rừng xà nu, Sống như anh, Vợ chồng A Phủ, Một chuyện chép ở bệnh viện… (văn học), Trận Mộc hóa, Lũy thép Vĩnh Linh, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Bài ca ra trận… (điện ảnh), Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ (họa sĩ: Nguyễn Sáng), Dân quân gái Ngư Thủy (họa sĩ: Hoàng Trầm), Bên chiến hào Vĩnh Linh (họa sĩ: Đào Đức)…, Nụ cười thành cổ, O du kích nhỏ… (nhiếp ảnh), Tiểu đoàn 307, Tiến quân ca… (âm nhạc) đã thực sự tác động sâu sắc tới quần chúng, góp phần tạo nên một khí thế, tinh thần của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Cũng chính nhờ văn hóa được nhuyễn hóa vào trong từng tác phẩm, mỗi nhân vật, câu thoại, giai điệu, lời hát… đã hun đúc, tạo nên giá trị tinh thần của cả một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử. Trong những năm tháng khói lửa hào hùng chống Mỹ, đã có nhiều bài hát, khổ thơ, những nhân vật trong văn học, sân khấu, điện ảnh… xây lên những hình tượng đẹp để lớp lớp dân chúng từ thanh niên, phụ nữ, người già, trẻ em đều noi vào và phấn đấu. Nếu trẻ em có những hình mẫu như anh Kim Đồng, Vừ A Dính thì lớp thanh niên có hình tượng của Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương… những con người đó đại diện cho một lớp người, một thế hệ không quản hy sinh cùng đóng góp sức mình vào mục tiêu chung của cả dân tộc. Hơn 30 năm kể từ khi Đề cương văn hóa ra đời cho đến khi thống nhất đất nước (1975), văn hóa được thể hiện qua nhiều hình thức trong đó có văn học nghệ thuật đã thực sự đóng góp trí tài, tâm lực vào những mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Ba tiêu chí quan trọng của Đề cương văn hóa là dân tộc, khoa học, đại chúng, đã được lớp lớp nghệ sĩ hiện thực hóa qua những tác phẩm cụ thể ở tất cả các mảng từ văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh… Nhiều tác phẩm gắn chặt với chất liệu từ đời sống, qua tài năng sáng tạo của các nghệ sĩ đã vươn lên thành những biểu tượng tinh thần có sức định hướng, lay động, thu hút đông đảo quần chúng làm theo. Nhiều tác phẩm đã trở thành đại diện cho dân tộc, cho số đông và có sức sống vượt thời gian và trở thành những đại diện văn hóa tiêu biểu cho một giai đoạn, một thời kỳ của lịch sử dân tộc.

Phim Vợ chồng A Phủ chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Tô Hoài

 

Nếu văn hóa được thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật có sự phát triển mạnh mẽ trong hơn 3 thập kỷ kể từ khi ra đời đến khi thống nhất đất nước thì khi bước vào thời bình, dòng chảy này đã đôi lúc chậm lại, tìm phương hướng, cách thức phản ánh mới. Sự thay đổi mục tiêu, sự biến chuyển của đời sống xã hội từ thời chiến sang thời bình cũng đã khiến một số nghệ sĩ có khoảng thời gian lắng lại, thâm nhập vào thực tế mới để tìm kiếm, xây dựng những giá trị mới cho phù hợp với xã hội. Có những giai đoạn, không ít tác phẩm văn hóa nghệ thuật không vượt lên được với tính dự báo hay khắc họa được sâu sắc hiện thực xã hội. Thực tế đó đã từng có những phản ánh khi văn học, phim ảnh, âm nhạc chưa đi cùng được với thời đại. Những phân tích, ý kiến như thiếu những tác phẩm xứng tầm thời đại hay còn thiếu những tác phẩm đi sâu, phản ánh được cuộc sống xuất hiện trên khá nhiều bài viết. Sự chuyển trạng thái cũng như chưa bắt kịp với thời đại từng được nhắc đến nhiều, trong tất cả các loại hình từ văn học, hội họa, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh… Độ trũng đó có cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, sự thay đổi từ thời chiến sang thời bình khiến tâm thế của nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ… chưa thích ứng kịp. Về khách quan, sự biến đổi quá nhanh của xã hội, sự hội nhập mạnh mẽ cùng tác động bên ngoài diễn biến khá nhanh khiến cho các chuẩn mực, những giá trị luôn cập nhật và thay đổi. Tuy nhiên, bằng tài năng, sự thích ứng và lao động nghệ thuật nghiêm túc, sau một, hai thập kỷ chững lại nhiều loại hình nghệ thuật trở lại với sức bật mới. Thập niên 90 là hàng loạt những vở diễn sân khấu từ kịch nói, chèo… đã có những thành tựu nổi bật. Những vở như Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Hồn Trương Ba da hàng thịt… của kịch tác gia Lưu Quang Vũ hay bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt đã thổi một luồng sinh khí mới vào sân khấu Việt Nam thời đó. Phim ảnh cũng ghi nhận những thành tựu mới với Trở về, Bao giờ cho đến tháng Mười, Ngã ba Đồng Lộc… Về văn học một loạt tiểu thuyết ra đời như Thân phận tình yêu, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng… làm sôi nổi văn đàn. Nhiều tác phẩm tuy vẫn khai khác chất liệu, đề tài cũ nhưng cách tiếp cận, phản ánh đã mới hơn, hiện đại hơn, đi sâu vào những số phận, mảnh đời, bi kịch cá nhân.

Vở kịch nói Tôi và chúng ta

 

Sự mở cửa, hội nhập cũng giúp văn hóa Việt Nam tiếp cận, giao thoa nhiều hơn với văn hóa các nước trong khu vực và trên thế giới. Về âm nhạc đã có nhiều bước chuyển với sự pha trộn về giai điệu, tiết tấu để trở thành những sản phẩm có sức lan tỏa hơn với bên ngoài. Một số ca khúc gần đây như Dễ đến dễ đi, Hai phút hơn… được công chúng nước ngoài biết tới nhiều hơn. Làn sóng cover lại vũ điệu, lời hát… của một số ca khúc đã minh chứng cho âm nhạc Việt có khả năng tạo nên những bản hit đủ sức hấp dẫn với công chúng bên ngoài biên giới. Một loạt bức ảnh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam thắng giải trong các cuộc thi quốc tế như Phơi cói, Đi qua vườn bắp cải, Quây lưới bắt mực… cũng góp phần quảng bá thiên nhiên, đất nước, cảnh sắc, con người, văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Những hợp tác về phim ảnh cũng giúp hình ảnh Việt Nam được nhận diện tốt hơn. Những bộ phim như Người Mỹ trầm lặng, Kong: Đảo đầu lâu… giúp quảng bá tốt hơn hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Trong sự phát triển, ngoài yếu tố dân tộc, đại chúng thì hội nhập cũng đang là nét mới, yếu tố mới để văn hóa Việt Nam định hướng và phát triển trong giai đoạn mới.

Tác phẩm Phơi cói của Nguyễn Linh Vinh Quốc lọt top giải cao nhất của cuộc thi ảnh quốc tế chụp từ trên cao

 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 một lần nữa đánh giá cao vị trí, vai trò của văn hóa khi đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, văn hóa có thêm những hỗ trợ từ kinh phí đến hành lang pháp lý thể hiện qua hàng loạt các luật, nghị định… hỗ trợ. Ở mốc kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa, nhiều hoạt động, hội thảo thiết thực đã giúp cho nhận thức về văn hóa một lần nữa được nhận diện sâu sắc, cụ thể hơn từ những chủ thể sáng tạo văn hóa (các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn…) cho đến đối tượng thụ hưởng (công chúng, độc giả, khán giả…). Với sự nhìn nhận, đánh giá mới, dòng chảy văn hóa sẽ có thêm những cơ hội, những điều kiện để phát triển lên những tầm cao mới, xứng đáng là một trong những động lực, trụ cột quan trọng trong bảo vệ và phát triển đất nước.

 

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023

 

;