Sự kiện tại TP. HCM thu hút số lượng người tham dự gấp gần 4 lần so với dự kiến của BTC.
Ảnh: NVCC - thanhnien.vn
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) lần thứ 11, diễn ra từ ngày 1 đến 9/3/2025, đã khép lại với những dấu ấn sâu sắc, khẳng định vị thế của áo dài như một trong những biểu tượng văn hóa Việt Nam. Với chủ đề “Áo dài Việt Nam - Vươn cao Việt Nam”, Lễ hội không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương. Ðược tổ chức tại hơn 20 địa điểm quan trọng của thành phố, từ các di tích lịch sử, văn hóa đến các điểm đến du lịch nổi tiếng, lễ hội mang đến chuỗi hoạt động phong phú như chương trình khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vào ngày 7/3, đồng diễn dân vũ áo dài với hơn 50.000 người tham gia vào ngày 8/3, cùng các cuộc thi như “Duyên dáng Áo dài TP. HCM”, thi vẽ trên áo dài và thi ảnh đẹp áo dài online. Tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa sôi động, lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ lễ hội, sự kiện “Bách Hoa Bộ Hành (BHBH) - Mùa Xuân 2025” diễn ra sáng ngày 8/3/2025 đã trở thành điểm nhấn rực rỡ, không chỉ làm đẹp thêm cho thành phố mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng người dân và du khách.
Hành trình diễu hành rực rỡ giữa lòng TP. HCM
Sáng ngày 8/3/2025, TP. HCM như được khoác lên mình một tấm áo mới với sự kiện “BHBH - Mùa Xuân 2025”. Hành trình diễu hành bắt đầu từ phố đi bộ Nguyễn Huệ, đi qua các tuyến đường trung tâm như Lê Lợi, Nhà hát Thành phố, sau đó là Nhà ga Trung tâm Bến Thành (tuyến Metro số 1). Dưới ánh nắng dịu dàng của mùa xuân, đoàn diễu hành như một dòng sông rực rỡ sắc màu, mang theo tiếng trống hội rộn ràng, tạo nên một không khí lễ hội tràn ngập niềm vui.
Sự kiện này có quy mô hơn 1.000 người tham gia đến từ TP. HCM và từ địa phương khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long, chủ yếu là giới trẻ. Các thành viên tham gia khoác lên mình những bộ cổ phục Việt Nam như áo dài ngũ thân, áo tấc, áo giao lĩnh, và các trang phục lấy cảm hứng từ các triều đại lịch sử như Lý, Trần, Lê, Nguyễn và có nhiều trang phục được sáng tạo từ truyền thống. Hình ảnh những tà áo thướt tha tung bay trong gió, hòa quyện với khung cảnh hiện đại của các tòa nhà cao tầng, đã tạo nên một bức tranh giao thoa văn hóa ấn tượng. Hơn 1.000 bạn trẻ thể hiện tinh thần nhiệt huyết của thế hệ mới trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa.
Ðiểm nhấn của sự kiện này chính là sức hút mạnh mẽ từ các bạn trẻ tham gia. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười tự hào và sự hào hứng của họ khi khoác lên mình cổ phục đã lan tỏa năng lượng tích cực đến hàng ngàn khán giả đứng hai bên đường. Bạn trẻ Huỳnh Gia An Tiến (kỹ sư công nghệ thông tin) trong trang phục áo dài ngũ thân tham gia BHBH cho biết: “Ðược hòa chung không khí đông vui của Bách Hoa Bộ Hành, em vô cùng tự hào. Nhìn lại dòng người hàng ngàn bạn trẻ, mang trong mình trang phục của những thời kỳ lịch sử khác nhau, một khung cảnh ấn tượng khiến em càng yêu hơn di sản văn hóa của nước mình. Em hy vọng sẽ có thật nhiều hoạt động như vậy để những bạn trẻ yêu di sản văn hóa như chúng em có thể kết nối cùng nhau”.
Họa sĩ Hồng Ân (phải) và bạn Nguyễn Hồng Hà (trái) trong những bộ triều phục thời Nguyễn
Ý nghĩa sâu sắc trong lòng Lễ hội Áo dài
“BHBH - Mùa Xuân 2025” không chỉ là một hoạt động nổi bật trong Lễ hội Áo dài TP. HCM mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Ðược tổ chức nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 và nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sự kiện đánh dấu cột mốc 1.000 ngày hành trình (từ 6/2022 đến 3/2025) của phong trào quảng bá cổ phục Việt Nam. Ðây cũng là lần đầu tiên chương trình được tổ chức vào mùa Xuân tại miền Nam, mang thông điệp “Hòa mình vào dòng chảy văn hóa, lan tỏa niềm tự hào dân tộc”.
Trong bối cảnh Lễ hội Áo dài 2025, hoạt động diễu hành cổ phục Việt Nam đã góp phần làm nổi bật giá trị của áo dài và các loại cổ phục khác, khẳng định vị thế của trang phục truyền thống trong đời sống hiện đại. Những bộ trang phục được trình diễn không chỉ đẹp về hình thức mà còn chứa đựng câu chuyện về lịch sử, nghệ thuật và tinh thần Việt Nam, từ đó khơi dậy tình yêu và ý thức bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bạn Trần Thanh Lam (quận Tân Bình, TP.HCM) thành viên tham gia đã chia sẻ: “Khi biết “BHBH” sẽ được tổ chức tại TP. HCM em rất háo hức và đăng ký tham gia vì những mùa trước em không sắp xếp để ra Bắc tham gia được. Lần này em cũng đã chuẩn bị bộ trang phục chỉn chu để cùng hoà vào không khí chương trình góp phần quảng bá nét đẹp trang phục Việt đến với bạn bè quốc tế. Không riêng em mà còn hầu hết các bạn trẻ yêu Việt phục, cổ phục ngày hôm nay đều cảm thấy tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục của ông cha ta thời xưa. Cổ phục cũng như áo dài hiện đại thời nay rất đẹp, nếu có thể hãy một lần nào đó các bạn hãy khoác lên mình những bộ trang phục của Việt Nam để truyền tải nét đẹp văn hóa này đến với bạn bè Quốc tế!”
Bạn Trần Thanh Lam trong đoàn bộ hành sáng 8/3/2025.
Ảnh: Diễm Quỳnh
Tác động đến du lịch và công nghiệp văn hóa
“BHBH - Mùa Xuân 2025” không chỉ là một ngày hội văn hóa mà còn có tác động tích cực đến du lịch và sự phát triển của công nghiệp văn hóa tại TP. HCM. Sự kiện đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước, tạo nên một không gian giao lưu văn hóa sôi động giữa người dân địa phương và bạn bè quốc tế. Một du khách đến từ châu Âu chia sẻ: “Tôi rất thích những bộ trang phục truyền thống, chúng rất đẹp và tinh tế. Ðây là một trải nghiệm tuyệt vời khi đến Việt Nam!”
Sự tham gia đông đảo của du khách đã góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch và các dịch vụ liên quan, từ lưu trú, ăn uống đến các hoạt động mua sắm, tham quan. Hình ảnh rực rỡ của “BHBH - Mùa Xuân 2025” được lan tỏa qua các phương tiện truyền thông, với hàng nghìn lượt xem, đã giúp quảng bá hình ảnh TP. HCM như một điểm đến văn hóa hấp dẫn, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện.
Hơn nữa, sự kiện còn góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa tại TP. HCM thông qua việc khuyến khích sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm liên quan đến cổ phục. Các hoạt động như thiết kế, may mặc, và trình diễn cổ phục không chỉ tạo cơ hội cho các nghệ nhân và nhà thiết kế trẻ mà còn mở ra tiềm năng phát triển kinh tế từ văn hóa truyền thống. “BHBH - Mùa Xuân 2025” đã trở thành một thương hiệu văn hóa của thành phố, góp phần khẳng định vị thế của TP. HCM như một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.
Cùng những bộ trang phục, các bạn trẻ còn mang theo những sản phẩm thủ công truyền thống do mình tự làm
Hành trình kết nối và lan tỏa
“BHBH - Mùa Xuân 2025” đã khép lại trong niềm vui và tự hào của hàng ngàn người tham dự, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và du khách. Ðây không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là một hành trình kết nối, nơi mỗi người tham gia đều trở thành một “đóa hoa” góp phần làm rực rỡ thêm vườn hoa truyền thống Việt Nam. Với sự thành công của chương trình năm nay, người dân và du khách đều kỳ vọng rằng hoạt động này sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới, với quy mô lớn hơn và nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa, góp phần đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới. Là người tham dự sự kiện này, TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở VHTT TP Huế nhận xét: “Ðây là một cuộc biểu dương sức mạnh quả cảm, tâm huyết và sự hiểu biết của những người trẻ về văn hóa trang phục truyền thống. Hiệu ứng lan tỏa ngày càng mạnh mẽ của “BHBH” chứng tỏ sự thành công và năng lực của người trẻ. “BHBH” góp phần quảng bá văn hóa, thu hút du lịch, phát triển dịch vụ địa phương. Tuy nhiên, chính quyền và các ban ngành liên quan cần vào cuộc và có sự hỗ trợ tích cực để hoạt động này được tổ chức bài bản và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu các ảnh hưởng không tốt đối với giao thông đô thị trong quá trình tổ chức”.
Ngày 8/3/2025 đã trở thành một ngày đáng nhớ, khi TP. HCM chứng kiến “nghìn hoa” khoe sắc giữa phố phường. “BHBH” không chỉ làm đẹp thêm cho thành phố mà còn lan tỏa thông điệp về việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của một đô thị hiện đại như Sài Gòn. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM: “Lễ hội Áo dài không chỉ là sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc mà còn là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị áo dài Việt Nam. “BHBH” là một điểm nhấn quan trọng, góp phần đưa hình ảnh áo dài và cổ phục đến gần hơn với công chúng”.
Các bạn trẻ trong đoàn bộ hành.
Ảnh: BTC
Đoàn bộ hành cổ phục đi qua những công trình kiến trúc - điểm tham quan du lịch của TP. HCM. Ảnh: Lê Tiến
NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025