Tóm tắt: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống sơn mài được thể hiện bằng sự tiếp nối nghệ thuật từ chất liệu sơn làng nghề qua những nghiên cứu thử nghiệm của giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã và trở thành nghệ thuật sơn mài mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Đến nay, tranh sơn mài truyền thống vẫn được các họa sĩ đương đại nhiện cứu, phát huy sáng tạo. Tranh sơn mài truyền thống đã trở thành thương hiệu Mỹ thuật Việt Nam trong nghệ thuật của thế giới. Để phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống cần có những giải pháp phù hợp nhằm khẳng định hơn nữa nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam, góp phần vào sự nhiệp xây dựng nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ khóa: giá trị văn hóa, phát huy giá trị văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tranh sơn mài, tranh sơn mài truyền thống.
Summary: The continuation of traditional lacquer craftsmanship, utilizing locally sourced materials, promotes its inherent value. Experimental research by faculty and students at Indochina College of Fine Arts exemplifies this, contributing to the development of lacquer art imbued with Vietnamese cultural identity. Contemporary artists continue to study, create, and promote these works, establishing traditional lacquer paintings as a distinctive brand of Vietnamese fine arts on the global stage. To further enhance the cultural and artistic significance of this art form, targeted solutions are necessary to reinforce Vietnamese lacquer art, thereby supporting the broader mission of building an advanced Vietnamese cultural and artistic foundation deeply rooted in national identity.
Keywords: cultural values, promoting cultural values, promoting cultural values, lacquer paintings, traditional lacquer paintings.
Chùa Tháp Phổ Minh, tranh sơn mài của Nguyễn Sáng - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Sơn mài truyền thống Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu, học giả đề cập bao gồm: chất liệu, sáng tạo nghệ thuật, được họa sĩ nghiên cứu sáng tạo trên cơ sở chất liệu truyền thống từ làng nghề sơn ta. Giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện qua “vật chất, tinh thần, xã hội, được cộng đồng lưu truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác”. Theo George Mclean: “Truyền thống là sự phát triển và sự hội nhập của chúng nhằm tạo ra một nền văn hóa đặc sắc và phong phú trong lịch sử và vì thế phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức sáng tạo của nhiều thế hệ. Nền văn hóa được truyền lại được gọi là truyền thống văn hóa” “Như vậy, nó phản ánh được thành tựu con người tích tập được trong quá trình tìm hiểu, thực hiện và truyền bá ý nghĩa sâu lắng nhất của cuộc sống” (1). Tranh sơn mài truyền thống là một phần không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật tạo hình, được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử nghề sơn. Trong sáng tạo nghệ thuật này có sự kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp đã đạt được để làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa nghệ thuật hiện đại. Trong mỹ thuật, tranh sơn mài truyền thống đã hội tụ đầy đủ những yếu tố về chất liệu, hình thức, tư duy sáng tạo và nội dung tác phẩm. Xuất xứ từ nghề thủ công mỹ nghệ được nâng dần và trở thành nghệ thuật, để phản ánh tri thức sáng tạo, thẩm mỹ nghệ thuật, giáo dục, giải trí... Trong sáng tạo nghệ thuật tranh, mỗi tác phẩm tạo ra đều có tâm hồn và tiếng nói riêng có chủ đích gồm những giá trị cốt lõi, vẻ đẹp đặc trưng, tính đại diện, bối cảnh không gian, thời gian, hơi thở của thời đại đó. Tranh sơn mài khác tranh sơn dầu về chất liệu, hình thức tranh sơn mài có đặc điểm vẽ, mài, ủ sơn; Sơn dầu có gốc dầu từ cây lanh, sơn tự khô trong nhiệt độ thông thường. Sơn mài truyền thống có nguồn gốc xuất xứ từ cây sơn ta ở Phú Thọ (nhựa cây sơn) được nghệ nhân chế bằng công cụ thủ công để cho ra hai loại: sơn cánh gián và sơn then. Sơn cánh gián có màu hổ phách giống cánh con gián gọi là sơn cánh gián; Sơn có màu đen bóng sừng gọi là sơn then. Đặc điểm sơn ta theo kỹ thuật là nhựa tự nhiên, là chất keo kết dính hay dùng để pha trộn vật liệu khác, nó có sức bền và làm đẹp cho sản phẩm; với ý nghĩa này, bằng kinh nghiệm sáng tạo ông cha ta đã phối hợp với chất liệu tự nhiên khác như: đất, đá có màu được nghiền mịn để tạo nên chất bột có màu sắc gọi là Son (màu son), kết hợp cùng với kim loại như vàng, bạc, vỏ trai, để bố cục trang trí nên các đồ dùng, đồ thờ, cúng, võng lọng kiệu để thực hành nghi lễ dân gian, trang trí hoành phi, câu đối, đại tự trong đình, chùa, nhà dân... từ chất liệu sản phẩm sơn được tạo ra được gọi là “sơn son thếp vàng” chế từ vật liệu sơn ta (sơn truyền thống trong nghiên cứu). Cái tên “tranh sơn mài truyền thống” được hình thành từ sau năm 1925, sau khi Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thành lập, qua những nghiên cứu thực nghiệm các họa sĩ đã tạo nên tranh, bằng kỹ thuật vẽ và mài, kể từ đó có tên gọi tranh sơn mài, nhằm khẳng định giá trị truyền thống và nơi khởi phát ở Việt Nam. Hiện nay, chất liệu này đã trở thành văn hóa đặc trưng trong sáng tạo nghệ thuật tranh sơn mài của họa sĩ Việt Nam. Những cảm tác được họa sĩ thể hiện qua sử dụng vật liệu truyền thống: sơn, son, vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ sò, điệp để tạo lên tranh.
Đến nay tranh sơn mài Việt Nam đã qua một thế kỷ nhưng vẫn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ họa sĩ tiếp lối sáng tạo, chất liệu sơn mài nghệ thuật đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng về bản sắc độc đáo của nghệ thuật nước ta. Phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, tranh sơn mài truyền thống vẫn ngày càng được các họa sĩ nghiên cứu tìm thể hiện, làm giàu thêm giá trị của nó qua nội dung, hình thức, để tô đậm hơn nữa cho giá trị sơn mài Việt Nam và làm phong phú giá trị sơn mài truyền thống, cũng như phát huy để làm mới hơn nữa chất liệu này. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đã khẳng định: “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”, phát huy giá trị văn hóa để “xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (2) làm phong phú, tạo lên giá trị văn hóa bền vững, và tranh sơn mài nghệ thuật Việt Nam không ngoại lệ.
1. Phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống
Một tác phẩm nghệ thuật bao hàm giá trị văn hóa và nghệ thuật. Tranh sơn mài truyền thống thể hiện rõ nét qua chất liệu, nội dung, hình thức và lịch sử hình thành. Sơn truyền thống có nguồn gốc từ các làng nghề sơn đồ trang trí, và qua sự tiếp nối nghiên cứu, sáng tạo của các thế hệ họa sĩ, tranh sơn mài đã hoàn thiện về kỹ thuật và chất liệu, được kế thừa và phát huy hiệu quả.
Ở mỗi làng nghề đều có bản sắc văn hóa riêng được tạo lập hình thành qua thời gian dài của quá trình phát triển nghề, cũng như chịu tác động ảnh hưởng thăng trầm của lịch sử đất nước để rồi tồn tại phát triển nghề cho đến nay và gắn với bản sắc riêng mỗi làng nghề. Văn hóa làng nghề đã ăn sâu vào mỗi nghệ nhân trong thực thể quần cư đó, nghiễm nhiên trở thành thói quen truyền thống nghề và họ thờ phụng tổ nghề, mỗi làng đều thờ thành hoàng riêng. Văn hóa truyền thống nghề ngẫu nhiên trở thành bản sắc văn hóa làng nghề và được tiếp nối liên tục cùng với sự phát triển chung của làng. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có rất nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu, riêng Hà Nội có 318 làng nghề truyền thống; Làng nghề sơn ta truyền thống hiện vẫn có ba làng nghề làm công việc về sơn truyền thống (vẽ tranh, sơn tượng, sơn đồ thờ, sơn vật dụng, sơn trang trí) gồm: Hạ Thái, Duyên Thái, Sơn Đồng, không kể các xưởng thủ công mỹ nghệ nhỏ nằm rải rác quanh Hà Nội (3). Làng nghề sơn truyền thống tạo ra các sản phẩm rất khác nhau đa dạng, phong phú mẫu mã. Để tránh cạnh tranh, các sản phẩm làng nghề được nghệ nhân phân chia theo nhóm sản phẩm, khu vực sản xuất và làng sản xuất. Cách phân chia này vẫn tồn tại đến nay. Các sản phẩm từ làng nghề tạo ra chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Kỹ thuật sơn truyền thống được nghệ nhân chế tác qua quy trình kỹ thuật thủ công khác nhau để cuối cùng trở thành sản phẩm sơn có màu sắc tự nhiên phục vụ cho công việc sáng tạo. Trước khi thực hiện việc sáng tạo của mình người họa sĩ phải phụ thuộc vào người có tay nghề cao, uy tín, để tạo ra một nền đen gọi là Vóc (nền vóc), nền vóc được tạo ra rất kỳ công (từ 10 đến 11 lớp sơn ủ, chờ khô) mất rất nhiều thời gian và công sức qua các khâu của bàn tay có kỹ thuật lành nghề. Công đoạn làm Vóc, bắt đầu từ chọn phôi gỗ, đến quét nót, hom, bó, phủ, mài sơn, để tạo lên một nền vóc hoàn chỉnh có độ dày sơn, bền đẹp, chịu được nhiệt độ, thời tiết, thời gian lâu dài.
Tranh sơn mài nghệ thuật được họa sĩ sáng tạo, khác với tranh sơn làng nghề về hình thức, cách sử lý kỹ thuật, nội dung đề tài, số lượng bức tranh. Riêng chất liệu sử dụng có chung từ gốc sơn ta, son, vàng, bạc, một chất liệu truyền thống có kỹ thuật chung để sử lý loại sơn này.
Trong sáng tác tranh sơn mài, biểu cảm chất liệu đóng vai trò quan trọng trong thẩm mỹ thị giác, tạo nên vẻ đẹp và giá trị đặc trưng. Không giống như tranh sơn dầu phương Tây, tranh lụa Trung Hoa, Nhật Bản, các phương pháp cơ bản vẽ tranh thường thể hiện qua kỹ thuật trồng màu, đặt màu, vờn màu, loang màu để tạo nên sắc thái, chiều sâu cho mảng màu sinh động. Trái với những kỹ thuật đó, kỹ thuật vẽ tranh sơn mài truyền thống được các họa sĩ nghiên cứu thử nghiệm từ chất liệu sơn ta đưa vào sáng tác tranh với các kỹ thuật vẽ mài cầu kỳ để tạo lên tác phẩm. Kỹ thuật thể hiện: Bắt đầu từ khâu phác thảo, phóng tranh, vẽ nét, tạo mảng màu, pha trộn màu, trồng màu, tạo chất (có thể cẩn chất liệu), các khâu được thực hiện theo ý đồ đã định trước, hoàn thành để cuối cùng phủ toàn bộ sơn cánh gián lên toàn bề mặt tranh, mỗi lớp vẽ được ủ trong phòng ẩm một lần để sơn khô (nhiều lớp vẽ, thì ủ nhiều lần); bước tiếp theo là công đoạn mài tranh, sửa chữa những khiếm khuyết, sau đó toát sơn và đánh bóng hoàn thiện bức tranh. Những công cụ thực hiện vẽ tranh thường là giấy ráp, đá mài, bút tỉa, bút phất bạc, mo, bộ thép, dao, búa. Các họa sĩ Đông Dương tiên phong thời đầu đã thành công phát triển tranh sơn mài nghệ thuật phải kể đến họa sĩ Nguyễn Gia Trí nổi tiếng với tác phẩm Vườn xuân Nam Trung Bắc, nội dung trong tác phẩm thể hiện không khí ngày xuân và hình ảnh thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống đi dự hội xuân với chùa chiền, cây cối, đậm sắc xuân. Theo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tác phẩm được đánh giá là bảo vật quốc gia, có giá trị văn hóa tư tưởng ở khía cạnh xã hội và nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Sáng với bức tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, tác phẩm khắc họa hình tượng cao đẹp và bình dị của những chiến sĩ, Đảng viên trên trận tuyến, sự dũng cảm, gan dạ hy sinh bảo vệ Tổ quốc, tác phẩm được đánh giá cao về biểu hiện nội dung tư tưởng có tính Đảng cao, tạo hình của kỹ thuật sơn mài tinh tế. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm với bức Con nghé quả thực, được vẽ theo phong cách dân gian, bức họa miêu tả hình ảnh con nghé được chia cho một gia đình nông dân, mọi người ngắm nhìn con nghé, trong bức tranh có nhiều nhân vật: cán bộ, cụ già, em bé, thanh niên... trong bối cảnh chia sẻ vui tươi hạnh phúc, tác phẩm đề cao giá trị văn hóa xã hội, tính cộng đồng được đề cao, tính đảng, tính nhân dân, gia đình xã hội rõ ràng, đoàn kết và tôn trọng. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo dựng một phong cách nghệ thuật kết hợp quá khứ và hiện tại trong tác phẩm Điệu múa cổ mang đậm bảm sắc dân tộc được kế thừa, phát huy qua nét đẹp truyền thống họa tiết hoa văn tạo hình cổ truyền, hòa quyện cùng hơi thở cuộc sống thời đại cùng với lối vẽ cách điệu phóng khoáng. Các họa sĩ đa phần đã khai thác nội dung đề tài dưới góc nhìn khác nhau sau thời gian giải phóng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại, đất nước bước vào thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam; Trong thời gian này cũng xuất hiện nhiều những bức tranh sơn mài của họa sĩ Trần Đình Thọ được sáng tác công phu theo phong cách kỹ thuật truyền thống phản ánh hoạt động sản xuất, chiến đấu, phong cảnh quê hương, các bức tranh nổi tiếng có thể kể đến như: Hành quân đêm (1974), Tre (1957)… Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và phát triển kỹ thuật sơn mài, các đề tài chủ yếu xoay quanh đề tài cách mạng, kháng chiến, sản xuất theo phong cách hiện thực, các bức tranh nổi tiếng Quay tơ dệt vải (1957), Bình minh trên nông trang (1958).
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, các họa sĩ sơn mài nghệ thuật đều nghiên cứu và trải nghiệm kỹ thuật riêng, tiếp tục làm mới và bổ sung vào kho tàng giá trị truyền thống Việt Nam. Giá trị nghệ thuật sơn mài truyền thống luôn được tiếp nối.
Từ năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Từ đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa, các họa sĩ đã có bước sáng tạo và làm mới nội dung, hình thức nghệ thuật để hòa vào dòng chảy chung của mỹ thuật thế giới. Chất liệu sơn mài truyền thống đã có sự thay đổi về bố cục chất, trong các quan niệm sáng tác; nội dung, chất liệu, hình thức biểu hiện riêng đã khẳng định giá trị tác phẩm của mỗi cá nhân, làm phong phú hơn cho tranh sơn mài truyền thống Việt Nam. Họa sĩ Bùi Hữu Hùng với bức tranh sơn mài Hào khí Thăng Long, Hà Nội ngày gặp lại, Tuổi thơ tôi, Hồi ức… các tác phẩm thể hiện sự tinh tế về nghệ thuật chất liệu trong các gam màu nóng lạnh đa sắc, nội dung tác giả khai thác nhiều góc nhìn khác nhau để đề cao tinh thần dân tộc qua khai thác tạo hình bố cục; trong nhân vật, họa tiết hoa văn truyền thống, kiến trúc, sinh hoạt văn hóa Việt…; với những thành công về chất liệu sơn mài, tác giả được công chúng đánh giá cao “họa sĩ ngoại giao văn hóa”. Họa sĩ Văn Chiến với bức tranh sơn mài Phong cảnh Bắc Giang, Đình làng Tây Tựu, Tây Bắc tháng Ba, cùng nhiều tác phẩm được khai thác góc nhìn phong cảnh con người trong không gian sinh hoạt đời thường... tác giả thể hiện những sáng tạo với nguồn cảm hứng giản dị về con người cảnh vật thôn quê mộc mạc cùng cảm xúc chất liệu, nhiều tác phẩm được các nhà sưu tập đánh giá sưu tập.
Nghệ thuật đương đại sơn mài truyền thống những năm gần đây có rất nhiều họa sĩ gặt hái thành công trong khai thác giá trị văn hóa mang bản sắc Việt. Đặc biệt là các họa sĩ trẻ, họ luôn là người đi tìm và thành công trong khai thác các đề tài mới với góc nhìn cùng bố cục mạnh bạo, để rồi khám phá những biểu hiện mới trong văn hóa, tạo hình, bản sắc dân tộc qua tranh sơn mài như họa sĩ Hùng Khuynh, Nguyễn Văn Đức, Diệp Quý Hải, Triệu Khắc Tiến, Nguyễn Xuân Lục... Theo giám tuyển Vân Vi: “Những nghệ sĩ này đang khai phá sơn mài theo cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng” và đạt những thành công mới.
Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2023 đã thu hút hàng nghìn tác phẩm từ 63 tỉnh thành, chọn trưng bày 292 tác phẩm, trong đó tranh sơn mài chiếm ưu thế. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, các tác phẩm “phản ánh tương đối chân thực đời sống đương đại; truyền tải những thông điệp mang tính xã hội, bản sắc rõ nét”. Các tác phẩm phản ánh vẻ đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần nước ta qua góc nhìn nghệ thuật biểu hiện của họa sĩ. Các tác phẩm đã thể hiện những cảm xúc, bút pháp sáng tạo, thẩm mỹ nghệ thuật mạnh mẽ trong khai thác các chủ đề lịch sử, văn hóa, xã hội đương đại với những tìm tòi thể hiện mới trong nét đẹp văn hóa nghệ thuật truyền thống tiếp nối.
Có thể thấy, “giá trị văn hóa truyền thống qua tranh sơn mài Việt Nam” biểu hiện qua nội dung như: Chủ thể sáng tạo (là họa sĩ, sáng tạo nội dung, tạo hình, biểu hiện nghệ thuật trong tranh); Lịch sử - Nghệ thuật sơn mài (quá trình hình thành, phát triển tranh sơn mài, các kỹ thuật sơn truyền thống); Văn hóa truyền thống (là các giá trị cấu thành bản sắc nghề, dân tộc).
Để phát huy giá trị văn hóa của tranh sơn mài truyền thống, người nghệ sĩ cần có thái độ và nhận thức đầy đủ để chắt lọc những giá trị hay, đẹp, tiêu biểu, đồng thời không thể phủ nhận vai trò của người họa sĩ. Họ có vai trò quyết định trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi thực thể sáng tạo trong họ đều mong muốn những sáng tác của mình cần có bản sắc của văn hóa sáng tạo nghệ thuật riêng và mong muốn tìm ra cái riêng để bứt phá. Tuy mỗi bối cảnh khác nhau nhưng họ đều có những cảm xúc riêng về ý tưởng sáng tạo nội dung, biểu cảm nghệ thuật, như: Tranh sơn mài một chất liệu truyền thống đã là cảm hứng cho nghệ thuật, bởi khi mài mới lộ dần vẻ đẹp tiềm ẩn có chủ đích của người nghệ sĩ trong bố cục tranh: hình, mảng, sáng, tối gây bất ngờ đã làm cho người nghệ sĩ mê man với cái đẹp tiềm ẩn của sắc màu, không gian, chất liệu. Để sáng tạo ra bức tranh sơn mài nghệ thuật người họa sĩ không đơn giản chỉ là ý tưởng, tay nghề của nghệ nhân giỏi, mà trong họ, phải là người có tri thức nghệ thuật, kiến thức văn hóa, lịch sử cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa, nhận thức những tiến bộ xã hội, cùng với những trải nghiệm được đúc rút qua quá trình hoạt động sáng tạo nghệ thuật thực tiễn. Văn hóa vô cùng rộng lớn với nhiều giá trị khác nhau mà người họa sĩ cần phải quan tâm để chắt lọc qua lăng kính thị giác, óc thẩm mỹ sáng tạo cùng với những phân tích của mình để sáng tác, tạo hình bố cục bức tranh của mình để trở thành biểu tượng điển hình nhất có nội dung tư tưởng chủ đích mà người họa sĩ hướng đến. Sự lựa chọn chất liệu truyền thống sáng tác tranh sơn mài cũng là bước đi táo bạo nhưng đầy khó khăn của nhiều thế hệ họa sĩ nước ta khi sơn mài chưa định hình kỹ thuật. Từ loại sơn chỉ dùng cho trang trí, đồ thờ, đồ tế lễ, đến trở thành loại chất liệu cao quý sử dụng cho tranh sơn mài nghệ thuật là quá trình phát triển sáng tạo nghệ thuật đến nay đã trở thành nét văn hóa sáng tạo cao cả của nghệ sĩ sơn mài. Từ đó, tranh sơn mài nghệ thuật đã khẳng định giá trị truyền thống Việt Nam với thế giới. Tranh sơn mài Việt Nam đã có sự tiếp lối chuyển giao kinh nghiệm của nhiều thế hệ họa sĩ. Kỹ thuật vẽ, ủ, pha trộn màu, nót vàng bạc, tạo ma che... cùng với quan hệ khác về kỹ thuật, tạo hình, tạo chất, tạo màu, để rồi tạo nên tác những phẩm giá trị. Nghệ thuật tranh sơn mài truyền thống Việt Nam không chỉ là mỹ thuật thuần túy, đến nay đã được nâng lên tầm cao mới về tri thức văn hóa với đậm đà bản sắc dân tộc Việt; và nghệ thuật tranh sơn mài cũng khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam không kém nghệ thuật truyền thống nhiều nước tiên tiến trên thế giới về năng lực óc sáng tạo nghệ thuật, cũng như thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho rằng “tranh sơn mài không chỉ là tác phẩm tuyệt đẹp, mà còn là di sản văn hóa lịch sử, tranh sơn mài đã ghi lại những sự kiện quan trọng, các hoạt động văn hóa xã hội, các thời kỳ lịch sử, và nó trở thành tư liệu thông tin giá trị về văn hóa, đời sống nghệ thuật trong quá khứ và hiện tại”. Bản sắc văn hóa truyền thống trong tranh sơn mài Việt Nam là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn và tâm lý của một dân tộc. Đây là những yếu tố đặc trưng, độc đáo riêng biệt của tranh sơn mài nước ta.
2. Một số giải pháp
Thứ nhất, giáo dục họa sĩ trẻ là nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo mỹ thuật. Các chương trình giáo dục văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, mỹ học và dân tộc học giúp họ hiểu và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa. Những chuyến đi ký họa thực tế giúp họ hiểu sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo động lực sáng tạo.
Thứ hai, hỗ trợ nghệ thuật: Nhà nước cần có chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho phát triển nghệ thuật mới như, Quỹ hỗ trợ đầu tư mỹ thuật, xây dựng Dự án mỹ thuật, khuyến khích hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển triển lãm nghệ thuật sơn mài.
Thứ ba, tổ chức thi triển lãm mỹ thuật về chất liệu truyền thống sơn mài nghệ thuật với các đề tài chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với khuyến khích đa dạng hình thức thể hiện nghệ thuật truyền thống.
Thứ tư, hỗ trợ giúp đỡ họa sĩ trẻ có thêm nhiều cơ hội thể hiện sáng tạo chất liệu qua các chủ đề tình yêu quê hương đất nước, giá trị truyền thống, giá trị văn hóa đương đại. Các hoạt động sáng tạo trên chất liệu truyền thống sơn mài sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới qua nghệ thuật sơn mài tại các triển lãm quốc tế hiệu quả.
Thứ năm, phát triển không gian sáng tạo mỹ thuật sơn mài truyền thống bằng việc tài trợ kịp thời sẽ giúp họa sĩ thêm động lực thử nghiệm các sáng tạo mới. Cần có những chương trình hỗ trợ cho các không gian sáng tạo mỹ thuật dành riêng để họ có thể tự do trải nghiệm phát triển phong cách cá nhân. Qua đó, họ có thể đưa ra những ý tưởng mới, kỹ thuật mới mẻ trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Và để nghệ thuật sơn mài phát triển trong kinh tế thị trường hiện nay, Nhà nước, Bộ VHTTDL cần có chính sách phù hợp để khuyến khích qua việc hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật truyền thống, cũng như quảng bá nghệ thuật sơn mài.
Thứ sáu, khuyến khích họa sĩ sáng tạo tác phẩm qua trưng bày triển lãm mỹ thuật. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam, và các tổ chức phi Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong giới thiệu trưng bày tác phẩm mỹ thuật đến công chúng trong và ngoài nước tại các sự kiện văn hóa, cơ quan ngoại giao văn hóa; khuyến khích trưng bày triển lãm nghệ thuật quốc tế sơn mài nghệ thuật truyền thống. Tuyên truyền giá trị văn hóa qua nghệ thuật truyền thống Việt Nam trên truyền hình, truyền thanh nhằm tạo tình yêu, lòng tự hào dân tộc với nghệ thuật sơn mài truyền thống. Đồng thời, các Gallery thương mại cần tạo lên môi trường năng động để trao đổi nghệ thuật sơn mài tới các nhà sưu tập trong và ngoài nước, cũng như hỗ trợ họa sĩ triển lãm tôn vinh tác phẩm. Các Gallery phi thương mại tăng cường hoạt động gây quỹ, tài trợ cho các hoạt động sáng tạo mỹ thuật sơn mài truyền thống.
Thứ bảy, phát huy làm mới giá trị nghệ thuật sơn mài cần có hướng đi mới cho những sáng tạo chất liệu cùng biểu hiện nghệ thuật với tri thức sáng tạo chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, giao lưu hợp tác sáng tạo mỹ thuật sâu rộng giúp thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như quốc tế trở nên mạnh mẽ hơn, giúp các họa sĩ học hỏi nhiều kinh nghiệm, nắm bắt được kỹ thuật mới, cũng như xu hướng tương lai của nghệ thuật. Từ đó mang lại tính sáng tạo độc lập, độc đáo, tinh thần nghệ thuật hiện đại cùng với nét đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam qua triển lãm mỹ thuật sơn mài.
Kết luận
“Phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống qua tranh sơn mài Việt Nam” không chỉ riêng họa sĩ mà cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ các tổ chức nghệ thuật, từ phía xã hội, các doanh nghiệp. Các tác phẩm mỹ thuật sơn mài cần thể hiện giá trị văn hóa Việt Nam, cân bằng, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, chất liệu, cảm xúc, để mang đến những gần gũi, đồng cảm, tạo nên sức hấp dẫn cho người xem. Việc phát huy “giá trị văn hóa truyền thống” qua tranh sơn mài sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng chung cho một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, đậm đà, hội nhập mạnh mẽ với thế giới, khẳng định giá trị chân, thiện, mỹ người Việt Nam.
______________________
1. Khái niệm giá trị văn hóa truyền thống, vusta.vn, 28-9-2010.
2. Bộ VHTTDL, Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bvhttdl.gov.vn.
3. Tài liệu điền dã, khảo sát tại các làng nghề tại Hà Nội, tháng 2-2025.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 25-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 8-3-2025; Ngày duyệt đăng:28-3-2025.
TS HOÀNG MINH CỦA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025