Ngày 3/3/2023, Lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TP. HCM Lần thứ 9 năm 2023 với chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM. Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài TP. HCM đã trở thành sự kiện du lịch văn hóa thường niên, mang đặc trưng không chỉ của TP. HCM mà còn của cả nước. Lễ Khai mạc có sự tham dự của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Nguyên Phó Chủ tịch nước; Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN; Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Thành phố, Tổng Lãnh sự và phu nhân/phu quân, đại diện các cơ quan lãnh sự, văn phòng kinh tế - thương mại - văn hóa tại TP. HCM và đông đảo người dân, du khách.
Màn trình diễn Vinh quy bái tổ, BST của Áo dài Năm Tuyền được phỏng dựng trong Lễ khai mạc
Với 21 bộ sưu tập (BST) của các nhà thiết kế Áo dài nổi tiếng trong nước được thể hiện theo các chủ đề chính gồm: Áo dài - Tinh hoa ngàn năm, Áo dài trong lòng Thành phố, Áo dài hội nhập cùng thế giới,… cùng sự tham gia biểu diễn của hàng trăm diễn viên và người mẫu. Mở màn là BST Áo dài và cổ phục Nếp màu tự nhiên của nghệ nhân Nguyễn Đức Huy - Thương hiệu Đông Phong đến từ Hà Nội với các mẫu trang phục tứ thân, ngũ thân, nhật bình, phượng bào được may ghép với lối nhuộm màu, dệt vải tự nhiên bằng các loại cỏ cây thiên nhiên... tái hiện lại trang phục truyền thống gắn với bảo tồn, duy trì, ổn định đời sống các làng nghề truyền thống. Nguyễn Đức Huy đã đi khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc để học cách nhuộm của bà con đồng bào dân tộc, và dần tìm ra phương pháp nhuộm vải tơ sống, tơ chín, đũi, lụa... bằng cây cỏ tự nhiên như thuốc bắc, vỏ củ nâu, lựu, vải, lá bàng, lá ngải cứu, gỗ tô mộc, gắn với hỗ trợ bảo tồn, duy trì, ổn định đời sống các làng nghề. Sau hơn 3 năm tìm tòi, thương hiệu Đông Phong với những sản phẩm Áo dài và cổ phục phỏng dựng khác đã được các bạn trẻ đón nhận trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi.
Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền - Thương hiệu Áo dài Năm Tuyền, TP. HCM trình diễn BST Hương sắc thời gian 4 - Vinh quy bái tổ, gồm hơn 50 bộ trang phục ngũ thân tay thụng, ngũ thân tay chẽn, nhật bình, giao lĩnh, tứ thân... mang đậm truyền thống Việt. Ngược dòng lịch sử, áo dài ngũ thân tay chẽn là loại thường phục được sáng tạo và định hình cùng với quá trình Nam tiến của người Việt từ đầu thế kỷ 17, đến giữa thế kỷ 18 được chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế thành loại trang phục chung cho mọi tầng lớp xã hội ở Đàng Trong. Bên cạnh loại thường phục ngũ thân tay chẽn, cha ông chúng ta còn có loại áo ngũ thân tay rộng, thường gọi là áo tấc, áo thụng hay áo lễ dành cho những dịp quan trọng. Từ những loại trang phục trên, Áo dài Năm Tuyền đã thực hiện bộ sưu tập Áo dài với những chiếc Áo ngũ thân tay chẽn dành cho nữ và áo tấc dành cho nam trên chất liệu mango, lụa chéo, tằm ướt đi cùng các gam màu trầm ấm được phối, nhấn với các gam màu sáng nóng. Những mảng thêu trang trí tựa tấm bổ tử tạo điểm nhấn vừa gần gũi, vừa giữ được sự trang trọng xưa. BST chính là sự kết nối từ quá khứ đến đương đại, lưu giữ dấu xưa bằng sự kỳ công và tinh tế.
3000 người tham gia diễu hành Tôi yêu Áo dài Việt Nam
BST Non nước Việt Nam của nghệ nhân Trung Đinh, TP. HCM được nhuộm màu thủ công và vẽ trên nền lụa Việt Nam (lụa Bảo Lộc, Lâm Đồng). Với 18 tác phẩm Áo dài thể hiện danh lam thắng cảnh nên thơ, hùng vĩ hay các nét văn hóa, tập quán của các vùng miền trong cả nước cùng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc đã mang đến cho Lễ khai mạc những sắc màu mới lạ.
BST Hương xưa của NTK Sĩ Hoàng cho thấy một vẻ đẹp cốt cách sang quý qua dáng áo từ những tấm lụa của làng nghề La Khê, Hà Đông nổi tiếng lâu đời. Sử dụng chất liệu truyền thống, NTK mong mỏi góp sức vực lại và tôn vinh nghề lụa truyền thống. Bộ sưu tập được vẽ, kết cườm trên lụa gấm mang phong cách của người họa sĩ làm thời trang, vừa giữ được nét xưa cốt cách tiền nhân, nhưng vẫn phù hợp với phong cách thời trang đương đại.
BST Vũ khúc của NTK Ella Phan, là những bộ Áo dài giao hòa giữa họa tiết cung đình và hoa lá, đặc biệt là hoa sen được thực hiện trên chất liệu lụa và lụa nhân tạo với kỹ thuật vẽ tay, in và thêu. Với điểm nhấn là sắc tím điểm xuyết men ngọc và màu vàng hoàng gia, NTK muốn gửi đến cho khán giả một chút “Huế” đi cùng thời đại nhưng phảng phất dấu hương xưa.
Các bộ sưu tập độc đáo gắn với đặc trưng văn hóa - du lịch của TP. HCM như BST Sài Gòn ơi (Áo dài với những công trình của thành phố) của NTK Trisha Võ, BST Áo dài Thành phố đi lên, đất lành chim đậu của NTK Việt Hùng (biểu diễn bởi 100 văn nghệ sĩ thành phố và các Đại sứ Lễ hội) hay bộ sưu tập Hòn ngọc viễn đông của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam với 20 mẫu áo vẽ lại những thắng cảnh hiện đại, đầy sức sống của TP. HCM.
Ông Justin Malcolm, Tổng Giám đốc khách sạn InterContinental Saigon trong trang phục Áo ngũ thân
Các đại biểu trải nghiệm vẽ và nhuộm lụa
Đặc biệt, chương trình khai mạc còn có NTK có hoàn cảnh đặc biệt và các tiết mục biểu diễn Áo dài của những cá nhân, tập thể có hoàn cảnh đặc biệt hay tiết mục trình diễn áo dài của người dân Thành phố, các doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành đoàn thể và các em thiếu nhi của Thành phố. Đây là thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tình yêu áo dài là không giới hạn, Áo dài có thể tôn vinh cho vẻ đẹp và tâm hồn của bất kỳ ai yêu quý Áo dài.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: “Lễ hội còn là dịp để ôn lại truyền thông yêu nước của dân tộc, nêu cao tinh thần và ý chí kiên cường, bất khuất bên trong vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam khi gắn với kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong bối cảnh rất ý nghĩa năm 2023, Lễ hội Áo dài TP. HCM lần thứ 9 năm 2023 tiếp tục đầu tư về quy mô và đổi mới về nội dung, hình thức nhằm thể hiện khát vọng khôi phục mạnh mẽ và sẵn sàng tăng tốc để phát triển của thành phố mang tên Bác trong giai đoạn mới cũng như thể hiện tình cảm và sự trân trọng các mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam nói chung, TP. HCM nói riêng với bạn bè trong khu vực và quốc tế”.
Trong khuôn khổ của Lễ hội Áo dài TP. HCM 2023, sáng 4/3, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM đã diễn ra Tọa đàm Vẻ đẹp Áo dài Việt - Bảo tồn và phát triển. Tọa đàm do Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phối hợp tổ chức, có sự tham dự của 21 đại diện Lãnh đạo của các cơ quan ngoại giao, trong đó có Tổng Lãnh sự, phu nhân Tổng Lãnh sự các nước Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), Cuba, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Ma Rốc, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Italia,... cùng các NTK, nghệ nhân, nhà nghiên cứu Áo dài tham dự. Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về sức sống, ý nghĩa của Áo dài trong việc phát triển của Việt Nam trên trường quốc tế, đánh giá của bạn bè quốc tế về Áo dài và đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị của Áo dài trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tại tọa đàm này, nhiều đại biểu tham dự đã đóng góp, đề xuất các phương án, giải pháp tổ chức Lễ hội Áo dài lần thứ 10 năm 2024 hiệu quả và thiết thực hơn.
Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền giới thiệu và hướng dẫn mặc Áo ngũ thân cho khách quốc tế
Trước buổi tọa đàm, các đại biểu và khách mời đã tham dự 3 workshop độc đáo: Workshop Nhuộm và vẽ trên lụa của NTK - nghệ nhân Trung Đinh, hướng dẫn kỹ thuật nhuộm lụa Ombre và hướng dẫn vẽ thủ công trên lụa; Workshop Tìm hiểu giá trị Á ngũ thân - Trình diễn trang trí, trải nghiệm mặc thử Áo ngũ thân do Thương hiệu Áo dài Năm Tuyền hướng dẫn; Workshop "Nhuộm" do nhà sáng lập Thương hiệu cổ phục Đông Phong hướng dẫn.
Bên cạnh Lễ khai mạc, các hoạt động diễn ra sôi nổi và thu hút đông đảo cộng đồng tham dự như: Không gian triển lãm tôn vinh Áo dài; Con đường nghệ thuật Áo dài; Chương trình nghệ thuật về Áo dài; Chương trình diễu hành với Áo dài; Chung kết Cuộc thi Duyên dáng Áo dài TP. HCM. Với nhiều hoạt động ấn tượng và ý nghĩa nói trên, Ban Tổ chức mong muốn Lễ hội Áo dài TP. HCM truyền cảm hứng đến du khách về các giá trị nhân văn, tạo sự lan tỏa về tình yêu đối với Áo dài - trang phục truyền thống độc đáo trong đời sống của người dân Việt Nam và trở thành sự kiện văn hóa - du lịch đặc trưng, uy tín trong lòng người dân, du khách trong nước và quốc tế.
TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhận xét, đánh giá về Lễ hội Áo dài TP. HCM 2023: “Thật vui vì hiện nay cả ba trung tâm lớn của đất nước ở ba miền là Hà Nội, Huế, TP. HCM đều đã tổ chức lễ hội Áo dài thường niên, và như là một sự phân công tự nhiên nhưng thật hợp lí, TP. HCM tổ chức lễ hội áo dài vào tháng 3, Huế vào tháng 6, còn Hà Nội là tháng 10. Như vậy, Hà Nội, Huế, TP. HCM sẽ là ba thành phố nắm vai trò tiên phong trong việc xiển dương, lan tỏa và quảng bá Áo dài đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Dù còn có những hạn chế, bất cập, nhất là việc hiểu đúng, mặc đúng loại hình Áo dài nam truyền thống cũng như việc dành cho Áo dài nam vị thế bình đẳng với Áo dài nữ, nhưng nhìn chung các lễ hội áo dài ở cả ba thành phố Hà Nội, Huế, TP. HCM đã đóng góp hết sức quan trọng trong việc quảng bá trang phục truyền thống Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta từng bước chấn hưng, khôi phục lại vị thế của Áo dài truyền thống, tiến tới đề xuất công nhận Áo dài là Quốc phục Việt Nam”.
TS Lý Thị Mai, Đại sứ Lễ hội Áo dài trao Giải Thí sinh lớn tuổi nhất cho bà Trương Thị Mỹ, 71 tuổi
ĐỨC MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023