Văn hóa ngày càng chứng tỏ sức mạnh trong quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người ra với thế giới. Ðể không bị chìm lấp, bản sắc riêng trong mỗi nền văn hóa được thể hiện qua cảnh quan, trang phục, hội họa, phim ảnh... cần được khắc họa, tạo sức cuốn hút.
Phim Bao giờ cho đến tháng 10
Tôn vinh bản sắc phương Ðông
Cùng với sự hội nhập mạnh mẽ, khái niệm lãnh thổ ngày càng trở nên mềm dẻo khi văn hóa trong đó có âm nhạc, hội họa, phim ảnh… là phương tiện đắc dụng trong giao lưu, hội nhập quốc tế. Với sự phát triển cả về nghệ thuật lẫn công nghệ, kỹ thuật nhiều trung tâm điện ảnh lớn của thế giới trong đó điển hình là Hollywood đã có thị trường ngày càng mở rộng, lấn át về văn hóa khi phim ảnh Mỹ tràn ngập các nước, các rạp chiếu trên khắp toàn cầu. Trong sự lan tỏa và ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, các quốc gia, lãnh thổ muốn giữ bản sắc, thế mạnh trong hội nhập đều cần tới những chính sách, luật định để bảo vệ và phát triển nền điện ảnh của chính mình. Hàng loạt các văn bản, nghị định đã ra đời kéo theo sự xuất hiện những hợp đồng, thỏa thuận, văn bản được ký kết giữa các nước nhằm quảng bá, nhập khẩu và mở rộng cũng như bảo hộ thị trường phim ảnh. Trong “cuộc chiến” bảo vệ bản sắc văn hóa có nhiều bài học thành công nhưng cũng có không ít những thất bại. Hội nhập trở thành cơ hội và thách thức được nói đến trong nhiều lĩnh vực, trong đó có điện ảnh.
Xác định đúng mục tiêu, bản chất trong hội nhập, mỗi nền điện ảnh đều đã có những phương thức riêng để bảo tồn và phát triển nền điện ảnh của quốc gia mình. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Ðiện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã từng nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa, bản sắc phương Ðông trong xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế về điện ảnh. Ðặt văn hóa Việt Nam trong sức hấp dẫn, quyến rũ chung của bản sắc phương Ðông được xem như một nhân tố quan trọng để điện ảnh Việt Nam bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Những bộ phim như Cha cõng con, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang… đều ít nhiều phản ánh văn hóa Á Ðông, ở đây là văn hóa Việt Nam trong các câu chuyện, tình huống, kịch tính và cả cách nhân vật đối diện, xử lý các vấn đề của riêng mình.
Một trong những đặc điểm của các nền điện ảnh châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là không sử dụng nhiều đến công nghệ, kỹ thuật vào trong câu chuyện, cách thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật của các bộ phim. Bên cạnh đó, do thiếu hụt về nguồn nhân lực, thô sơ về cơ sở vật chất nên yếu tố bản sắc (được thể hiện trong việc tìm kiếm, tiếp cận đề tài, nội dung) là một phương thức để điện ảnh Việt Nam có thể trụ lại và ghi dấu trên bản đồ điện ảnh thế giới. Nhiều ví dụ cụ thể đã minh chứng điều đó trong đó có một thực tế là điện ảnh Việt Nam vẫn còn mờ nhạt với thế giới. Nguyên nhân thì có nhiều bao gồm cả những yếu kém trong công tác quảng bá. Trong khi biên giới điện ảnh ngày càng mở rộng qua việc hợp tác, giao lưu phim ảnh hay tìm kiếm, thuê mướn những bối cảnh, không gian mới cho các bộ phim ngày càng trở nên phổ biến thì việc khẳng định bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc trở thành một trong những yêu cầu cơ bản để khẳng định và phát triển điện ảnh. Khắc họa và tôn vinh bản sắc phương Ðông sẽ phải trở thành nhu cầu và thách thức trong các sáng tạo điện ảnh. Trong quá khứ, một số bộ phim truyện nhựa Việt Nam đoạt giải hầu hết là những phim mang đậm nét bản sắc, tâm hồn Việt như Ðến hẹn lại lên, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10…
Phim Cha cõng con
Phim Song Lang
Cơ hội từ Liên hoan Phim và dấu ấn riêng
Trong khi các Liên hoan Phim (LHP) được xem là cơ hội quảng bá, giao lưu và khẳng định, nâng tầm cho các bộ phim nói riêng các nền điện ảnh quốc gia nói chung thì việc làm chủ, đón đầu kỹ thuật được xem như rút ngắn quá trình chiếm lĩnh thị trường và tiến tới thành công. LHP với những ảnh hưởng tới công chúng và giới làm phim là một kênh giao lưu, quảng bá và thử sức với phim ảnh. Làm thế nào để ghi dấu và giành giải tại các LHP qua đó quảng bá cho văn hóa phim ảnh Việt Nam ra với thế giới? Câu hỏi đó không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi cá nhân nghệ sĩ mà còn là sự trợ giúp của các chính sách, các nghị định hay bộ luật về điện ảnh. Có một cơ chế bảo hộ về điện ảnh trong nước, định hướng và trợ giúp của chính sách về kinh tế, cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế trong phân loại phim… sẽ là tiền đề để ngày càng có nhiều bộ phim mang bản sắc, văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Nếu LHP là cơ hội để quảng bá, giao lưu điện ảnh thì việc bắt tay, hợp tác, xin tài trợ từ các quỹ đầu tư điện ảnh cũng là cơ hội được tiếp cận với các phương tiện, thiết bị cùng cách làm phim mới của những nền điện ảnh nhỏ hay các tác giả trong quá trình vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ, kinh phí để làm phim.
Phim Trăng nơi đáy giếng
Có một khái niệm luôn được nhắc đi nhắc lại là chính sách phát triển văn hóa trong đó có điện ảnh của mỗi quốc gia liên quan đến đặc điểm, văn hóa, lãnh thổ. Nó thể hiện nét riêng có của mỗi quốc gia trong cộng đồng chung cũng như sự đi được bao xa, bao lâu của mỗi nền điện ảnh trong các hoạt động điện ảnh chung của thế giới. Trong quy hoạch phát triển ngành, bên cạnh sự phát triển về bề rộng với việc chiếm lĩnh ngày càng nhiều thị phần của điện ảnh trong nước bằng sự khuyến khích, phát triển các hãng phim tư nhân, đa dạng các khuynh hướng, dòng phim song song với việc tập trung nhân tài, vật lực, tạo cơ chế, kinh phí để phát triển dòng phim tác giả, dòng phim độc lập mang dấu ấn sáng tạo cá nhân và bản sắc dân tộc. Nếu được như vậy, điện ảnh Việt Nam nói riêng và các nền điện ảnh khác nói chung sẽ có nhiều hơn các cơ hội để ghi dấu trong các LHP hay các tuần lễ, các chương trình giao lưu về phim ảnh. Ðể có cái nhìn phong phú, đa dạng về Việt Nam, việc có nhiều bộ phim mang những phong cách, sáng tạo khác nhau sẽ mang đến các góc nhìn đa chiều hơn bởi mỗi tác phẩm, bộ phim chỉ có thể tập trung, đi sâu vào một vấn đề nhất định. Bên cạnh sự phát triển đa dạng, chiếm lĩnh thị trường nên có những chùm tác phẩm mang lại nhiều góc nhìn đa dạng, đa diện về mỗi quốc gia. Trường hợp thành công của hai nền điện ảnh Thái Lan và Hàn Quốc thể hiện trong việc có những tác phẩm giành giải cao tại một số LHP điện ảnh danh tiếng là những tham khảo, những ví dụ hay về sự thay đổi chính sách của các nền điện ảnh này đối với việc bảo hộ và phát triển điện ảnh dân tộc. Những chính sách đúng hướng và nỗ lực của mỗi cá nhân nghệ sĩ cùng sự trợ đỡ của các yếu tố kỹ thuật, cơ sở hạ tầng sẽ là những điều kiện để điện ảnh Việt Nam không bị chìm lấp trong xu thế chung về hội nhập. Phát triển đa dạng, mở rộng thị trường song song với việc xây dựng những tác phẩm mang định hướng, giầu tính nghệ thuật cần thể hiện qua những chiến lược, quy hoạch phát triển ngành. Việc xác định sớm, hoàn thiện sớm con đường đi riêng cho mỗi ngành nghệ thuật trong hội nhập bằng cách phát huy nội lực, nét bản sắc riêng sẽ giúp cho mỗi ngành nghệ thuật tìm được thế mạnh và tới gần hơn với thành công.
Phim Cô Ba Sài Gòn
NGÔ MINH NGUYỆT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023