Sau hai năm bị trì hoãn, níu chân bởi đại dịch COVID-19, sân khấu nói riêng, nghệ thuật biểu diễn nói chung đã có sự kích hoạt nguồn năng lượng mới từ đội ngũ nghệ sĩ. Những hoạt động âm thầm mùa dịch như tìm kiếm kịch bản, tự đào tạo lại cho chính mình và cho đội ngũ nghệ sĩ của từng đơn vị, những ấp ủ từ bao lâu nay như được bung tỏa, được tiếp năng lượng để có được một năm hoạt động với rất nhiều liên hoan, chương trình biểu diễn nghệ thuật được đông đảo công chúng đón nhận và đánh giá cao.
Đại diện 6 đơn vị có vở diễn xuất sắc nhận Huy chương Vàng của Liên hoan Chèo toàn quốc 2022.
Ảnh: Cục NTBD
Tại phiên họp tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 do Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, lãnh đạo của các Hội chuyên ngành nhận định rằng, bóng đen của đại dịch COVID-19 vẫn còn phủ bóng xuống nhiều lĩnh vực chuyên ngành, nền kinh tế phục hồi nhanh nhưng nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa thể khởi sắc khi còn gặp quá nhiều khó khăn về kinh phí giành cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tuy đã áp dụng chính sách xã hội hóa từ nhiều năm nay, nhưng sự huy động nguồn lực từ xã hội cho hoạt động văn hóa văn nghệ trong đó có sân khấu vẫn chưa đủ để các hội chuyên ngành đẩy mạnh hoạt động sáng tác cũng như tổ chức các liên hoan cho đúng nghĩa. Nhiều cuộc liên hoan, hội thảo chuyên ngành đã phải cân nhắc rất lâu, thậm chí thực hiện phương pháp loại trừ để ưu tiên những cuộc liên hoan thực sự cần thiết. Vậy nhưng, cho dù khó khăn, sân khấu các nhà hát đã sáng đèn trở lại, dù chưa hoàn toàn lấy lại được nhịp độ như giai đoạn trước đại dịch, nhưng đa số các đơn vị đều đã trở lại hoạt động bình thường (nghĩa là trung bình hai suất diễn mỗi tuần). Điều đó chứng minh, sân khấu đích thực luôn có vị trí nhất định trong lòng công chúng, dù đã có nhiều hình thức giải trí mới, thậm chí là những sân khấu trên truyền hình, trên nền tảng mạng internet nhưng sự ấm áp của khán phòng, sự giao lưu, giao cảm giữa người diễn với người xem là điều mà công nghệ không thay thế được, cũng là lý do để hình thức nghệ thuật có tuổi đời hơn hai ngàn năm vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển. Khán giả đích thực của sân khấu sẽ không bằng lòng với những vở diễn trên công nghệ số mà phải là tới rạp, sống trong không khí giao lưu ấm áp để thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật sân khấu.
Hàng loạt các cuộc Liên hoan được tổ chức “bù” vào thời kỳ cách ly bởi dịch bệnh như Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan sân khấu Thủ đô, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm , Liên hoan Xiếc quốc tế... thực sự đem lại không khí sôi động cho người làm nghề cũng như đông đảo công chúng. Nhiều giá trị nghệ thuật được khẳng định, vinh danh thêm những giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh những thành quả lao động không mệt mỏi của đội ngũ nghệ sĩ. Cần khẳng định rằng, đội ngũ nghệ sĩ đã thấm nhuần tư tưởng, muốn khẳng định vị trí của nghệ thuật sân khấu trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của nhiều loại hình giải trí, của sức hút từ mạng xã hội, mạng internet... họ buộc phải thay đổi tư duy, tự làm mới lại mình ở mọi khâu trong quá trình sáng tạo vở diễn. Yêu cầu cao nhất là chất lượng vở diễn, là đem tới sức cuốn hút, hấp dẫn khán giả từ chính bản thân nghệ thuật, đón bắt được tâm lý, xu hướng chờ đợi của khán giả vào hình thức nghệ thuật luôn lấy tiêu chí “đối thoại với thời đại, đối thoại với khán giả” để kéo công chúng tới rạp. Yếu tố thi thố, tâm lý khoe nghề, sự cọ xát với đồng nghiệp trong và ngoài nước... tất cả làm nên sức sống mới cho sân khấu năm nay. Những thay đổi từ đội ngũ biên kịch, đạo diễn, diễn viên..., từ nhận thức cho tới trình độ dàn dựng, biểu diễn có thể thấy khá rõ qua những tác phẩm được đánh giá cao ở các liên hoan và cả trong sự công nhận lẫn nhau của người cùng giới vốn khó tính. Các vở diễn được vinh danh giải đặc biệt như Lá đơn thứ 72 (Sân khấu Lệ Ngọc) hay Bên dòng Long Khốt (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An), Đất liền và biển cả (Đoàn Cải lương Hải Phòng và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa cùng dựng)... rồi các vở "vàng mười" ở Liên hoan Tuồng và Dân ca như Cánh cò trong bão (Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An), Cô thần (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định), Truyện ngoài chính sử - Làm vua (Nhà hát Tuồng Việt Nam), ở Liên hoan Chèo có Linh từ Quốc mẫu (Nhà hát Chèo Hà Nội), Vang bóng một thời (Đoàn Chèo Hải Phòng), Khóc giữa trời xanh (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam), Nguyễn Đình Nghị (Nhà hát Chèo Hưng Yên), Mật chỉ giữa hoàng cung (Nhà hát Chèo Quân đội), Thiên duyên huyền tích (Nhà hát Chèo Thái Bình), Liên hoan sân khấu thủ đô có Mưa đỏ (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên (Chi hội Biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội), Trung trinh liệt nữ (Nhà hát Chèo Hà Nội). Đặc biệt, tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm có Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam), Thượng Thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Đến bến bờ kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) và các tiết mục được huy chương Vàng của Liên hoan xiếc quốc tế...
Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An khai màn Liên hoan Cải lương với vở Bên dòng Long Khốt.
Ảnh: Cục NTBD
Việc thử nghiệm kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một tác phẩm đã dần trở thành xu hướng đáng chú ý tại liên hoan sân khấu thử nghiệm. Tin rằng, xu hướng này cũng là bước kết hợp thích đáng để làm mới các loại hình nghệ thuật, để cuốn hút hơn với công chúng khán giả. Nhìn chung, không chỉ các nghệ sĩ được nhận các giải thưởng danh giá mà ngay cả những người tham dự các cuộc liên hoan đầy chất nghề nghiệp cũng đã cảm nhận được ngọn lửa nghề, tạo được sự phấn khích, sự đam mê, tình yêu nghề ở các nghệ sĩ. Tài năng, nhiệt huyết, sức lao động sáng tạo đã tạo được một năm hoạt động rất đáng khuyến khích.
Bên cạnh việc điểm lại các cuộc liên hoan thì đây cũng là năm mà nhiều đơn vị sân khấu đã tìm được cách tiếp cận khán giả, nhất là đối tượng khán giả trẻ thành công. Đó là Sân khấu Lệ Ngọc hiện đang trở thành điểm sáng của sân khấu phía Bắc khi thống kê gần nhất cho thấy, số đêm diễn đã xấp xỉ gần 300 buổi cho 4 vở diễn mới được dàn dựng trong năm. Đối tượng khán giả mà Sân khấu Lệ Ngọc hướng tới là những khán giả trí thức, là các em học sinh, sinh viên cùng nhiều bộ phận khán giả khá đa dạng. Ở phía Nam, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) và Sân khấu Kịch Hồng Vân đã chính thức ký kết hợp tác, ra mắt Sân khấu kịch học đường UEh Theatre. Sự bắt tay này là bước thúc đẩy nhiều hoạt động đào tạo lan tỏa và truyền cảm hứng nghệ thuật cho đối tượng khán giả là sinh viên, học sinh trên địa bàn, một cách làm theo mô hình Sân khấu kịch học đường, nhằm tạo nên một thế hệ khán giả trẻ biết thưởng thức và trân trọng các giá trị nghệ thuật trong đó có sân khấu. Đáng chú ý đây là hai sân khấu tư nhân, họ đã vượt qua những khó khăn lớn về kinh phí, về sự đầu tư, về con người để tìm được phương thức hoạt động tích cực.
Lễ Khai mạc Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V.
Ảnh: Nam Nguyễn
Cũng là một điểm sáng đáng trân trọng của hoạt động sân khấu trong năm là Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng được xem như là cụ thể hóa, minh chứng sinh động việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Không chỉ dàn dựng, biểu diễn để truyền hình trực tiếp và ghi hình phát sóng, các tác phẩm này còn được chính quyền cùng các đơn vị nghệ thuật tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đó là các vở diễn tiêu biểu cho mảnh đất và con người địa phương này như: vở chèo Hào khí Bạch Đằng Giang, Vùng sáng Dương Kinh; vở Cải lương Anh hùng miền Cửa Úc, Huyền thoại Bà Đế; vở kịch nói Mặt trời quê hương; vở múa rối Lời thề…đã tạo được không khí sôi nổi trong toàn địa bàn, góp phần đắc lực trong công tác tuyên truyền và khẳng định rõ hơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển văn hóa, con người thành phố Cảng.
Tuy nhiên, dù vui mừng với các thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn phải nhắc tới những điểm cần được tiếp tục thay đổi để sân khấu phát triển vững bền. Đó là ngay tại các cuộc Liên hoan, vì vấn đề kinh phí và đôi khi cũng ở ý thức của người nghệ sĩ, vẫn chưa có nhiều nghệ sĩ tới xem đầy đủ các đêm diễn của đơn vị bạn. Có nghệ sĩ lớn tuổi, uy tín nghề từng phàn nàn: Tôi đi xem không thiếu buổi nào nhưng rất buồn là một số đạo diễn không hề xuất hiện ở khán phòng. Có lẽ nào họ tự cho rằng mình quá giỏi, không cần xem tác phẩm của ai. Chưa kể, nhiều đơn vị cố gắng để một bộ phận diễn viên lưu trú lại để xem thì hầu hết họ... đi bát phố, tụ bạ ở nơi nào đó chứ không phải ở khán phòng. Tình trạng này khiến người làm nghề không khỏi thở dài khi bản thân nghệ sĩ còn không tôn trọng nghề thì còn đòi hỏi ai tôn trọng.
Rồi ở hoạt động thường nhật, trong thời đại mạng xã hội và các ứng dụng chia sẻ trực tuyến rất phát triển, nhưng nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu không bắt kịp, lười làm mới mình, không ứng dụng chuyển đổi số vào khâu quản lý, vận hành cũng như quá trình sáng tạo nghệ thuật để bắt kịp xu hướng mới. Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào mọi hoạt động, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động. Gần đây, nhiều nhà hát và đoàn kịch tại Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như ra đời các trang fanpage như một kênh thông tin chính thức của các đoàn nghệ thuật với các nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi với khán giả đã mang lại hiệu quả tích cực về doanh thu đồng thời cũng là một kênh nhanh chóng và hiệu quả để thu nhận phản ứng của khán giả, giúp các nghệ sĩ rút kinh nghiệm. Đây cũng là cách thức bán vé, quảng bá rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Sân khấu Lệ Ngọc... thì rất nhiều đơn vị bỏ quên thế mạnh này. Thậm chí, vào một số trang website của các đơn vị thì đã bị lãng quên không cập nhật từ cách đây vài năm. Nếu bỏ qua những cách quảng bá rất tiện ích, ngon bổ rẻ này, chúng ta dễ dàng đánh mất thế hệ khán giả trẻ, những chủ nhân tương lai của xã hội công nghệ.
Vài suy nghĩ về một năm hoạt động của lĩnh vực rất phong phú đa dạng như sân khấu. Hy vọng, thời điểm này năm sau, chúng ta thêm nhiều niềm vui vì sự tưng bừng của một nền sân khấu có khán giả, có vị thế cao trong đời sống xã hội.
Vở Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc)
Hình ảnh trong vở Tình mẹ - Hội Sân khấu Hà Nội tham dự LH Kịch nói 2022
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023