Lan tỏa các giá trị di sản văn hóa

Việt Nam tự hào vì có 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, với nhiều loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian, truyền thống ở khắp các vùng miền. Lần đầu tiên, 15 di sản ấy cùng “khoe sắc” trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa, Du lịch đất Tổ năm 2023 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức tại thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).

Trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên - Ảnh: Tuấn Minh

Không gian di sản 3 miền

Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh diễn ra từ ngày 22 đến 24-4 không chỉ để lại dấu ấn khó quên trong lòng nhân dân và du khách thập phương mà còn có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa các giá trị đặc sắc của các di sản .

Liên hoan có sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố sở hữu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh, trình diễn 15 loại hình di sản như: nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ... Gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên của các đoàn đã tụ hội tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, làm nên “bữa đại tiệc” văn hóa. Mỗi loại hình di sản văn hóa phi vật thể là một sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong khi, tiếng hát ca trù lay động lòng người bởi kỹ năng luyến láy biểu cảm thì du khách lại cảm nhận được sức sống mạnh mẽ qua tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hay giọng hát da diết, sâu lắng của các nghệ nhân đờn ca tài tử... như níu chân người xem. Tất cả tạo nên một không gian di sản vừa riêng biệt, độc đáo vừa hòa quyện, không tách biệt.

Trong những ngày diễn ra Liên hoan, dù thời tiết hơi nắng nóng, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt nhưng các nghệ nhân vẫn tích cực tập luyện, hăng say trình diễn cho du khách ghé thăm thưởng thức. Cô Nguyễn Thị Thắm- nghệ nhân hát xoan phường An Thái (Phú Thọ) vui vẻ chia sẻ: “Nhận được lời đề nghị của cấp trên tham dự liên hoan trình diễn lần này tôi rất vui mừng. Vẫn là những lời hát với nhau trong các lần sinh hoạt câu lạc bộ, nhưng sau khi được biểu diễn trên một sân khấu lớn, đông khán giả đến xem, tôi lại thấy hồi hộp và tự hào khó tả. Tôi đã hát xoan cả gần đời người, nhưng được tham gia một liên hoan trình diễn quy mô lớn như vậy tôi không bao giờ quên”.

Tái hiện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Ảnh: Tuấn Minh

Hay như tài tử Bảo Ngọc (Quán quân giải Bông Lúa vàng) đến từ đoàn nghệ nhân Bà Rịa - Vũng Tàu xúc động nói với tôi rằng: “Dù đứng trên khấu đã quen nhưng đối với một cô gái trẻ như em, được đại diện cho biết bao các cô chú có nhiều kinh nghiệm và tuổi nghề để đến với Liên hoan trình diễn lần này biểu diễn quả là vinh dự vô cùng. Đờn ca tài tử là một bộ môn nghệ thuật khó, nhưng không vì thế mà các bạn trẻ không quan tâm, ngược lại, còn rất hứng thú là khác”.

Với nỗ lực cao của các ngành, các cấp và cả cộng đồng, di sản văn hóa phi vật thể các địa phương đang được bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại. Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái cho biết: Đoàn nghệ thuật của tỉnh đến tham dự biểu diễn có tất cả 50 người gồm nghệ nhân và diễn viên. Là 1 trong 4 tỉnh có nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh, đây là niềm vinh dự của đoàn. Khi tham gia chương trình, các nghệ nhân xác định: về tham dự, được mang bản sắc của người dân tộc Thái, đặc biệt là những điệu xòe để trình diễn cùng với các tỉnh có các di sản, các nghệ nhân phải cố gắng giao lưu, học hỏi, trình diễn cho nhân dân, du khách được hiểu thêm về văn hóa dân gian. 

Những nỗ lực để di sản trường tồn

Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ bản sắc . Đây chính là tiềm năng dồi dào để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được điều này, các địa phương đã rất quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Thế nhưng, có một thực tế, nhiều di sản đang có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời. Do người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản phần lớn tuổi đã cao, môi trường diễn xướng của di sản bị biến đổi. Bên cạnh đó, đời sống của các nghệ nhân cũng chưa được đảm bảo để yên tâm giữ nghề. 

Hát Xoan - Ảnh: Tuấn Minh

Ông Phạm Minh Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết “Đờn ca tài tử đòi hỏi kỹ thuật hát điêu luyện, các câu lạc bộ được thành lập khá nhiều nhưng lại không duy trì được lâu, bởi mọi người còn có nhiều việc phải lo toan trong cuộc sống. Hiện nay, các nghệ nhân của trung tâm cũng có cuộc sống khá khó khăn. Nhiều khi chi phí thuê trang phục, hóa trang còn lớn hơn cả tiền công biểu diễn. Trong khi đó, chúng tôi cũng phải cân đối kinh phí được cấp hằng năm để đảm bảo nhiều hoạt động của Trung tâm”.

Phú Thọ vinh dự được sở hữu hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại được UNESCO ghi danh, đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan Phú Thọ. Chính vì vậy, với cương vị là tỉnh được Bộ VHTTDL tin tưởng lựa chọn làm nơi tổ chức Liên hoan trình diễn lần này, ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về công tác nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Ông cho rằng, đầu tiên, quan trọng và cần thiết nhất là đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào đối với di sản của địa phương mình. Với tính chất là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì vậy, việc trao truyền thông qua hình thức truyền dạy được coi là giải pháp quan trọng cần chú trọng.

Trình diễn nghi lễ hội Gióng

Thứ hai, cần thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa phi vật thể nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trên, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể cho người dân nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản. 

Đồng thời, đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo quản trong các kho tư liệu, vào giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại các bảo tàng và có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, những cá nhân có công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc…

Hát bài chòi - Ảnh: Tuấn Minh

Thứ ba, việc tôn vinh các nghệ nhân vừa nhằm ghi nhận công lao của họ đồng thời để khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy di sản bởi nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là những người nắm giữ và thực hành thành thạo các nghi lễ, diễn xướng dân gian, họ cũng là những người truyền dạy, bảo tồn những tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Có thể nói, Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh đã thành công tốt đẹp. Các tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể cả nước được hội tụ về vùng đất linh thiêng đúng dịp Lễ hội Đền Hùng lại càng mang nhiều ý nghĩa, giá trị hơn. Qua đó, góp phần khẳng định những giá trị đặc sắc của di sản, đồng thời, thể hiện sức mạnh đoàn kết, gắn bó keo sơn của dân tộc ta luôn trường tồn với thời gian; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp với bạn bè quốc tế. 

Trình diễn nghệ thuật xòe Thái - Ảnh: Tuấn Minh

NGÔ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

 

 

;