Lưu trữ, quảng bá phim trong thời đại số

Được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của công nghiệp văn hoá, là sản phẩm kết tinh của kinh tế tri thức, góp phần bảo vệ, phát triển, quảng bá bản sắc dân tộc, điện ảnh đang rất cần đẩy nhanh quá trình số hóa để gìn giữ, lưu trữ và tạo bước tiến trong phát hành, quảng bá.

Phim Cánh đồng hoang

Điện ảnh với vai trò là một trong những phương tiện truyền thông mạnh mẽ của thời đại công nghệ thông tin, có khả năng ghi lại và lưu trữ di sản văn hóa nghe nhìn của con người đương đại. Vì thế các tác phẩm điện ảnh có giá trị như một tư liệu lịch sử và được sử dụng như một công cụ trực quan sinh động trong các chương trình giáo dục, giải trí hay giao lưu văn hóa.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ kỹ thuật hiện đại đã tác động đến mọi yếu tố trong lĩnh vực điện ảnh. Trong đó, ở khâu sản xuất là sự hỗ trợ đắc lực của kỹ xảo về tạo hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, trường quay ảo, công nghệ thực tế ảo… Khâu phát hành và phổ biến phim là sự thúc đẩy, đổi mới trong xây dựng công nghệ kết hợp kiến trúc rạp chiếu và các ứng dụng nền tảng. Khi công nghệ phát triển, phát hành là công đoạn có nhiều đột phá khi công nghệ số đã tạo điều kiện thuận tiện để có thể truyền trực tiếp các bản phim từ nhà sản xuất đến cơ sở chiếu phim. Việc bỏ qua khâu vận chuyển trung gian (như thời còn phim nhựa, băng đĩa…) vừa tiết giảm công sức, thời gian vừa gia tăng sự đảm bảo về bản quyền phim. Cũng như các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu ở Việt Nam, với các quá trình triển khai hoạt động sản xuất phim mới được ứng dụng công nghệ 4.0, đồng thời áp dụng số hoá trong lưu trữ, phổ biến và quảng bá phim.

Với hỗ trợ tích cực từ số hóa, trong năm 2022, khán giả điện ảnh Việt Nam, đặc biệt các em nhỏ đã được thưởng thức 50 phim hoạt hình tiêu biểu trong “Tuần phim hoạt hình Việt Nam trên VTVGo”. Các tác phẩm vừa mang tính giải trí, vừa có những bài học giáo dục ý nghĩa, lại được phát sóng trên nền tảng số, nên dễ dàng thu hút khán giả cũng như có độ phủ sóng rộng khắp từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu và vùng xa.

Việc số hóa các bản phim lưu trữ cũng giúp cho việc triển khai các tuần lễ, chương trình phim chuyên đề được dễ dàng, thuận tiện. Trong thời gian dịch bệnh, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cùng Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (Đài Truyền hình Việt Nam) đã tổ chức thành công 2 đợt “Tuần phim Việt trên VTVGo”, với 2 chủ đề: phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học và Phim với chủ đề Tết. Trong các chương trình này, khán giả không chỉ được xem những phim mới sản xuất trên nền tảng kỹ thuật tiên tiến mà còn được thưởng thức nhiều thước phim sống động của điện ảnh Việt Nam trên nền tảng số. Những bộ phim như: Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Đừng đốt… có phim được sản xuất bằng chất liệu phim nhựa từ cách đây nửa thế kỷ nhưng vẫn được bảo quản, giữ gìn tốt. Một số phim đã được số hóa để phục vụ cho công tác lưu trữ, quảng bá và giao lưu văn hóa tại các tuần phim, các chương trình đối ngoại, hợp tác...

Có thể thấy, với việc số hóa, nhiều bộ phim không chỉ được lưu trữ, bảo quản tốt mà còn có thể quảng bá đến nhiều thế hệ người xem sau này. Với cách lưu trữ, bảo quản truyền thống thì tác động của thời gian, điều kiện kỹ thuật, kho, môi trường… cũng khó bảo quản các bộ phim được lâu dài. Tuy nhiên, công tác lưu trữ, bảo quản và số hóa phim Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều thách thức. Viện Phim Việt Nam là cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia, có kho lưu trữ lớn nhất cả nước với gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau. 

Phim Trạng Tí

Theo đại diện Viện Phim Việt Nam thì Viện đang thực hiện in chuyển phim nhựa sang định dạng kỹ thuật số 4K, trong đó có nhiều phim mang giá trị lịch sử, văn hóa. Song, số lượng phim nhựa xuống cấp còn nhiều, trong khi trang thiết bị, máy đọc, tu sửa, phục hồi còn hạn chế, thiết bị chuyển đổi số còn chưa đủ đáp ứng… nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản kho phim nguyên vẹn.

Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương cũng đang lưu trữ gần 12.000 phim nhựa và video sản xuất từ năm 1956 đến nay, trong đó nhiều phim ghi lại các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc… Tuy được bảo quản thường xuyên và bắt đầu số hóa, nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều phim đã nhiễm khuẩn, xước nặng, khó phục hồi.

Cùng một mối lo, điện ảnh quân đội, cụ thể là bộ đội biên phòng đang lưu trữ hơn 2.000 cuốn phim nhựa được quay trong giai đoạn 1968-1990 trong đó có nhiều tư liệu, bộ phim rất có giá trị. Một số phim như: Ngọn cờ Hiền Lương, Trên vĩ tuyến 17, Đi giữa mùa xuân đại thắng… Tuy nhiên, hiện kho bảo quản phim không được thiết kế theo tiêu chuẩn vì được tận dụng từ phòng làm việc, thiếu thiết bị lưu trữ phim đặc thù, nhiều thiết bị lưu trữ đã hỏng… Đơn vị đang thực hiện số hóa, song nhiều phim không khai thác được, buộc phải hủy.

Đối với các quốc gia, dân tộc khác nhau thì những thước phim sống động sẽ giúp giới thiệu hình ảnh đất nước, con người ra với thế giới, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch. Phim ảnh cũng là nguồn tư liệu sống động giúp thế hệ hôm nay và mai sau thêm hiểu, tự hào về truyền thống dân tộc, khơi dậy khát vọng, truyền cảm hứng vươn lên trong mỗi người. Việc chuyển đổi phim, hình ảnh động sang dữ liệu số một cách nguyên vẹn, nhanh chóng là xu hướng tất yếu, là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu khai thác, thưởng thức của công chúng hiện nay. Song, công tác này cần sự quan tâm, đầu tư đồng bộ về công nghệ, trang thiết bị, nhân lực, đặc biệt cho việc chỉnh sửa, phục hồi trước khi số hóa.

Phim Nghề siêu dễ

Bà Đặng Thị Kim Sơn - Trưởng phòng Tư liệu, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương cho rằng, việc chuyển đổi số trong lưu trữ phim đem lại lợi ích về kinh tế, môi trường và không bị suy giảm chất lượng theo thời gian. Tuy nhiên, quá trình này cần thêm những quy định để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ thất thoát. Vì vậy, các đơn vị làm công tác lưu trữ cần đầu tư thiết bị bảo mật, thường xuyên nâng cấp công nghệ bảo quản, liên tục cập nhật công nghệ mới cho kỹ thuật viên… 

Liên quan đến vấn đề này, Viện Phim Việt Nam đã và đang hợp tác với các thành viên Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương để trao đổi chuyên môn, tìm ra giải pháp lưu trữ, bảo quản, phát huy hình ảnh động trong thời đại số. Song song với việc chuyển đổi số là kế hoạch đầu tư công nghệ, liên kết với các đơn vị, tổ chức cùng bồi đắp, phát huy giá trị của di sản văn hóa, hình ảnh động một cách bền vững. Công cuộc số hóa các bản phim, những tư liệu, hình ảnh động… được đánh giá cao khi không chỉ phục vụ công cuộc phát triển đất nước, phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, để không mất đi những tư liệu, hình ảnh, bộ phim quý giá khắc họa, phản ánh lịch sử dân tộc trong các giai đoạn thì cần sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía. Với công cuộc, hành trình số hóa trong lĩnh vực lưu trữ, quảng bá phim ảnh rất cần sự quyết liệt từ nhà nước cũng như sự chung tay của các công ty, hãng phim, đơn vị lưu trữ, bảo quản và quảng bá phim ảnh.

THỦY NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;