Trí tuệ nhân tạo qua các bộ phim

Những ngày gần đây, ứng dụng ChapGPT làm cả thế giới lên cơn sốt, một số ngành phải tìm cách ngăn chặn, hạn chế hay sống chung cùng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Những hình ảnh đó đã từng là đề tài, được khai thác trong nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình đình đám của thế giới.

Phim A.I. Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo)

Trong số các bộ phim về trí tuệ nhân tạo thì loạt phim về The Matrix (Ma trận - 1999 - 2021) được khán giả đánh giá cao từ đề tài, nhân vật đến các chi tiết, tình huống và cả các màn kỹ xảo của phim. Ra mắt lần đầu vào năm 1999, The Matrix được xem là tượng đài trong dòng phim khoa học viễn tưởng. Kịch bản xoay quanh nhân vật Neo, mắc kẹt trong một thế giới ảo được biết đến với cái tên Ma trận. Phim giành bốn giải Oscar năm 2000 cho hạng mục kỹ xảo, dựng phim, âm thanh và chỉnh âm.

Sau thành công của tập đầu, thương hiệu dần xuống sức. Phần hai và ba - The Matrix Reloaded The Matrix Revolutions - đều ra mắt năm 2003, đạt doanh thu tốt nhưng không được đánh giá cao về chất lượng. Phần bốn phát hành năm 2021, thất bại tại phòng vé và nhận phản hồi tiêu cực từ giới phê bình, khán giả. Tuy nhiên, với những gì loạt phim làm được, khán giả cũng tiến gần hơn tới nhận thức có thể một ngày nào đó, máy móc, trí tuệ nhân tạo sẽ tác động lớn tới xã hội và những con người cụ thể. 

Trong các phim khai thác đề tài này, Ex Machina (Người máy trỗi dậy) cũng là một phim được đánh giá cao. Phim kể về nữ robot có hình dạng người tên Ava (Alicia Vikander đóng). Không theo lối mòn của thể loại trí tuệ nhân tạo khác, kịch bản tránh khai thác câu chuyện người máy muốn thống trị thế giới hoặc ngược lại. Thay vào đó, phim thiên về yếu tố tâm lý, là cuộc đấu trí giữa lập trình viên và Ava. Dự án được thực hiện với kinh phí 15 triệu USD và thu về 26 triệu USD trên toàn thế giới. Đa phần giới phê bình và khán giả đánh giá tích cực về kịch bản, biên tập và hiệu ứng hình ảnh.

Ra mắt vào năm 2001, bộ phim A.I. Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo) xoay quanh một người máy trong hình dạng trẻ em. Cậu bé có tên David. Cậu được một cặp vợ chồng nhận nuôi như một thí nghiệm và dần trở nên gắn kết với họ. Kịch bản dựa trên cuốn sách Supertoys Last Summer Long của Brian Aldiss. Phim thành công tại phòng vé, thu về khoảng 235 triệu USD. A.I. Artificial Intelligence cũng nhận đề cử Oscar hạng mục Bản nhạc gốc hay nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.

Phim The Matrix

Năm 2013, bộ phim Her của đạo diễn Spike Jonze kể về mối quan hệ độc đáo giữa chàng trai cô độc nơi phố thị (Joaquin Phoenix) và trợ lý ảo do Scarlett Johansson lồng tiếng. Bộ phim tập trung khai thác đề tài nỗi cô đơn trong thế giới công nghệ. Her nhận năm đề cử Oscar và chiến thắng hạng mục Kịch bản gốc hay nhất. Năm 2016, tờ BBC bình chọn phim đứng hạng 84 trong danh sách những dự án điện ảnh hay nhất phát hành sau năm 2000.

Cùng năm này, bộ phim Oblivion lấy bối cảnh thời gian năm 2077, khi trái đất gần như bị hủy hoại hoàn toàn sau cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh 60 năm về trước. Dù giành chiến thắng, loài người phải rời bỏ trái đất lên mặt trăng của Sao Thổ sinh sống. Nhân vật chính của bộ phim là Jack Harper, một cựu binh được giao nhiệm vụ ở lại trái đất cùng người đồng hành xinh đẹp Victoria sửa chữa máy bay không người lái và tìm kiếm nguồn sống ở hành tinh đã đổ nát này. Phim thu 287,9 triệu USD tại phòng vé và nhận đánh giá tích cực từ khán giả, giới phê bình.

Có thể nói, cùng với các mảng đề tài truyền thống về tình cảm, hành động, kinh dị… thì phim về những tiến bộ của khoa học kỹ thuật luôn có những khoảng rộng cho trí tưởng tượng bay bổng. Con người vừa sáng tạo thế giới, sáng tạo khoa học nhưng bên cạnh đó, sự thông minh của kỹ thuật, những ứng dụng mới cũng luôn là một dấu hỏi liệu đến lúc nào đó máy móc có thể thay thế con người hay không? Hay sẽ cần bao nhiêu thời gian để máy móc có thể chiếm lĩnh và thay thế con người ở một số ngành nghề đặc biệt? 

Câu hỏi đó không phải khi trí tuệ nhân tạo đã khá phát triển với robot thông minh, với trí tuệ nhân tạo ngày càng đổi mới mà ngay cả khi kỹ thuật, công nghệ vẫn còn hạn chế thì nỗi lo đó vẫn được phản ánh trên phim ảnh. Bộ phim The Terminator (Kẻ hủy diệt) được sản xuất năm 1984 cũng đề cập tới vấn đề này từ rất sớm. 

Phim The Terminator (Kẻ hủy diệt)

Là một trong những thương hiệu phim hành động thành công nhất của Hollywood với doanh thu hơn 3 tỷ USD, The Terminator có phần đầu ra mắt vào năm 1984. Loạt phim của thương hiệu này xoay quanh câu chuyện về robot Kẻ hủy diệt (Arnold Schwarzenegger đóng). Gã được cử từ tương lai trở về thập niên 1980 để giết Sarah Connor - người sẽ sinh ra vị anh hùng cứu nhân loại khỏi sự thâu tóm của trí tuệ nhân tạo. Những màn giao đấu, sự tiên đoán về sự lên ngôi, đe doạ của người máy, của trí tuệ nhân tạo đã manh nha xuất hiện trong các bộ phim từ cách đây gần bốn thập kỷ cho thấy trí tưởng tượng của các nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ điện ảnh nói riêng phong phú đến mức nào. 

Năm 2014, bộ phim Big Hero 6 (Biệt đội Big Hero 6) - một phim hoạt hình của Walt Disney do Don Hall và Chris Williams đạo diễn cũng xoay quạnh thiên tài chế tạo robot nhỏ tuổi - Hiro Hamada. Cậu cùng người máy Baymax tạo một biệt đội “siêu anh hùng” để bảo vệ thành phố San Fransokyo. Kẻ phản diện cũng chính là người chịu trách nhiệm cho cái chết của Tadashi - anh trai của Hiro. Phim thắng lớn tại phòng vé với doanh thu 657,9 triệu USD. Tác phẩm được khen ngợi vì nhiều áp dụng công nghệ hình mới trong lĩnh vực hoạt hình.

Còn có thể kể ra khá nhiều bộ phim về trí tuệ nhân tạo, về robot, về sự đe dọa của kỹ thuật, máy móc đến cuộc sống con người qua các truyện, sách, báo, tranh, ảnh phim. Nó cho thấy đi cùng sự phát triển, tiến về phía trước của khoa học luôn có những thách thức đòi hỏi con người phải nỗ lực vượt qua chính mình để làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc. Phim Real Steel (Tay đấm thép) kết hợp giữa hai dòng phim robot và thể thao quyền Anh khi quy tụ hai ngôi sao Hugh Jackman và Dakota Goyo. Phim lấy bối cảnh ở tương lai, khi robot được sản xuất để trở thành các vận động viên đấm bốc. Nhân vật trung tâm của Real Steel là Charlie Kenton - một võ sĩ đã hết thời, ngày ngày kiếm sống bằng việc đưa các robot rẻ tiền đi chiến đấu trong thế giới ngầm. Khi gần như khánh kiệt, cậu con trai lưu lạc Max bất ngờ xuất hiện và làm đảo lộn cuộc sống của Charlie.

Phim Oblivion (Bí mật trái đất diệt vong)

Không chỉ thuần về trí tuệ nhân tạo tác động tới cuộc sống, tương lai của loài người, một số phim còn lồng chủ đề này với những chủ đề khác như bộ phim The Imitation Game (Người giải mã) được sản xuất năm 2014.

Bộ phim dựa trên cuộc đời của Alan Turing, người được biết đến như cha đẻ của trí thông minh nhân tạo và khoa học máy tính hiện đại. Câu chuyện xoay quanh quá trình Turing và nhóm của ông tạo ra một hệ thống máy tính giải mã đấu lại với công nghệ của phe Phát xít. Dù khai thác đề tài trí thông minh nhân tạo, The Imitation Game thuộc thể loại chính kịch, tâm lý thay vì khoa học viễn tưởng. Phim nhận đề cử Phim hay nhất tại Oscar 2015.

Tới đây, khi trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống hiện đại thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều bộ phim tiếp tục khai thác chủ đề này với những sáng tạo, tưởng tượng mới mà có thể một ngày nào đó sự tưởng tượng đó lại trở thành một hiện thực mới trong cuộc sống, trong công nghệ.

HỮU BẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;