Đẩy nhanh số hóa để phát triển

Khi nói đến điện ảnh, chúng ta thường hình dung đến các bộ phim, các video và hình ảnh động. Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử này phụ thuộc nhiều vào các quy trình lưu trữ, phổ biến và quảng bá phim trên các nền tảng số.

Phim A Tourist's Guide to Love quảng bá nhiều cảnh đẹp của Việt Nam

 

Số hóa là một hình thức hiện đại có khả năng chuyển các hệ thống từ dạng thông thường sang dạng kỹ thuật số. Điển hình như số hóa các tài liệu dạng giấy thành file pdf, jpg, tif, bmp và lưu trữ trên máy tính. Số hóa truyền hình từ hình thức phát sóng analog sang loại hình phát sóng kỹ thuật số. Hay số hóa còn được định nghĩa là nhập dữ liệu lên phần mềm để có thể quản lý, theo dõi và đánh giá chúng dễ dàng, thuận tiện hơn. Số hóa phim là bước chuyển mọi thông tin và dữ liệu phim từ dạng analog sang thông tin kỹ thuật số.

Mặc dù lưu trữ ở dạng analog thường ổn định hơn, nhưng dữ liệu số có thể dễ dàng chia sẻ, truy cập và khai thác. Dữ liệu số có thể được truyền đi vô thời hạn, không bị mất mát qua thời gian và qua các lần sao chép dữ liệu, miễn là trong quá trình số hóa, sử dụng các nền tảng ổn định. Số hóa tài liệu lưu trữ phim điện ảnh đã phổ biến tại các nước phát triển, tuy nhiên tại Việt Nam, số hóa tài liệu lưu trữ phim và các dạng hình ảnh động còn khá mới mẻ.

Khi điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời, đa số các bộ phim đều được làm bằng chất liệu phim nhựa. Các bộ phim tài liệu, phim điện ảnh thường có mối liên quan mật thiết tới tiến trình lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học. Những tư liệu quay trên phim nhựa ấy chính là hiện thân của đất nước, con người Việt Nam. Đây chính là lý do vì sao việc lưu trữ, bảo quản cần được quan tâm của Nhà nước cũng như các bộ ngành.

Phim Chuyện của Pao
 

Phim Cánh đồng bất tận
 

Bảo tồn và phục chế phim nhựa chính là một cách để bảo vệ hành trình lịch sử qua kho hình ảnh động của cả dân tộc. Tuy nhiên đây là công cuộc yêu cầu sự bền bỉ, tỉ mỉ và chính xác, đòi hỏi kinh phí cao. Trong khi các doanh nghiệp điện ảnh, rạp chiếu phim đã chuyển sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim tư liệu tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của số hóa. Nhưng cần phải nhìn nhận rằng, những thước phim này chính là di sản hình ảnh động của quốc gia, cần được bảo tồn và bảo quản tốt nhất.

Ở giai đoạn trước, phim được quay bằng chất liệu phim nhựa. Đây vốn là loại vật liệu mỏng mảnh, dễ bị ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Nếu phim thường xuyên bị mang ra để in, tráng, lại phải chịu sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm thì càng cần được bảo quản sớm. Những thước phim điện ảnh, tài liệu cũ thường xuất hiện liền với vết xước trắng, loang lổ, giật, nháy... Đây chính là cảnh báo về sự tổn hại thường có trên các cuộn phim nhựa.

Với các hạn chế đó, việc số hóa phim được cho là cấp thiết, giúp giảm thiểu, khắc phục những hao mòn hữu hình của phim nhựa khi đã xuống cấp và hỏng hóc, nhằm đảm bảo chất lượng khi cần trình chiếu cho nhiều mục đích quảng bá văn hóa, du lịch, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của con người và giá trị lịch sử. Trong khu vực châu Á, Việt Nam có tốc độ số hóa phim nhựa chậm hơn so với nhiều nước. Lý do nằm ở sự hạn chế về kinh phí và cơ sở vật chất, máy móc thực hiện số hóa và thiết bị lưu trữ.

Phim Mắt biếc

 

Xác định, số hóa các bản phim lưu trữ là một con đường dài, cần nhiều đến thời gian, công sức, để thuận tiện cho việc bảo quản và lưu trữ, điện ảnh Việt Nam cần khảo sát, phân định đối tượng số hóa và các thể loại một cách rõ ràng. Việt Nam cũng cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế và đưa ra những chiến lược phù hợp đối với việc phân loại, lưu trữ và số hóa điện ảnh với kỹ thuật tiên tiến. Ví dụ, với phim thời sự - tài liệu: Có thể xem đây là đối tượng quan trọng vì phóng sự tài liệu được thực hiện theo tinh thần người thật việc thật, mang giá trị tư liệu lịch sử cao. Với phim truyện: Cần ưu tiên số hóa các bộ phim truyện kinh điển, những phim đạt giải thưởng quốc tế và trong nước - nhưng cần xem xét đến những tiêu chí về giá trị, về nội dung, nghệ thuật thế hiện, tiêu biểu cho mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Với phim hoạt hình: chọn số hóa tất cả những bộ phim tiêu biểu mỗi thời kỳ, giai đoạn, ưu tiên số hóa trước và phổ biến những phim đoạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Kế đến là tất cả tư liệu hình ảnh động được ghi theo từng chủ đề riêng lẻ hoặc đã tổng hợp, dù chưa phải là tác phẩm hoàn chỉnh. Đây cũng là những dữ liệu rất quan trọng, trên thực tế, có rất nhiều hình ảnh được ghi lại nhưng chỉ có một phần trong số đó được sử dụng để dựng thành phim. Chính số lượng tư liệu “thô” này là một kho tàng vô giá cho việc tham khảo về sau. Cũng vì số lượng đồ sộ của chúng nên việc đánh dấu, hệ thống hoặc mã hóa là vô cùng cần thiết để tiện dụng cho việc sử dụng và tham khảo.

Ngoài ra, còn là các tài liệu (thường là bằng văn bản, hồ sơ) liên quan bao gồm các thông tin như kịch bản phim, tiến độ quay, lý lịch phim, kênh phát hành, thời hạn phát hành, tình trạng kỹ thuật, bản quyền sử dụng, nơi lưu trữ, thống kê doanh thu, số lượt người xem, các giải thưởng đã đạt được…

Phim Nhắm mắt thấy mùa hè 

Phim Quyên

 

Lợi ích của việc số hóa dữ liệu phim là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai và hoàn thiện được hoạt động này. Lý do là khoản đầu tư số hóa dữ liệu nhiều hay ít phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển, trình độ công nghệ sẵn có cũng như nhu cầu thực tế. Khoản đầu tư đó đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, đặc biệt nếu đầu tư ngay một hệ thống đầy đủ và hiện đại có thể khiến chi phí đội lên khá cao.

Một vấn đề nữa là nhân sự để triển khai số hóa hiện cũng rất thiếu và không đồng bộ về chuyên môn giữa các đơn vị. Thực tế là người am hiểu về công nghệ thì không có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật để có thể phân loại nên phải đồng thời kết hợp nhân sự công nghệ và chuyên viên của đơn vị để cùng số hóa dữ liệu phim.

Để làm được việc đó phải lưu ý đến vấn đề kỹ thuật, bao gồm việc xử lý các bản phim và tư liệu hình ảnh động (bằng chất liệu nhựa, băng, đĩa) sao cho “sạch sẽ” (tức phim không bị chua, mốc, xước) sau đó mới số hóa. Về kỹ thuật, các bản sao kỹ thuật số, được thể hiện bằng đĩa hình hoặc bằng tín hiệu số, chúng có khả năng trao đổi, tham khảo giữa các nơi có nhu cầu sử dụng. Về nguyên tắc, việc sử dụng bản gốc là rất hạn chế để tránh thất thoát, hư hỏng hoặc vì vấn đề tôn trọng bản quyền. Các tác phẩm điện ảnh hay tư liệu hình ảnh động bắt buộc phải có bộ hồ sơ đi kèm để tiện cho việc nhập dữ liệu và tra cứu. Công việc trên thường do các Viện phim hay các tổ chức lưu trữ thực hiện nhằm mục đích hệ thống hóa và truy cập thông tin khi cần thiết.

Khi công việc số hóa được thực hiện sẽ tạo nhiều điều kiện để thương mại hoá điện ảnh số, khai thác phổ biến dữ liệu điện ảnh trên các nền tảng trực tuyến. Đó cũng là trọng tâm của kinh tế số trong lĩnh vực điện ảnh. Nó sẽ thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh, các công nghệ nền tảng phát triển, quảng bá phim có thu phí đối với người dùng. Đây cũng là hướng đi của số hóa trong lĩnh vực sản xuất và phát hành, quảng bá phim trong tương lai.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;