Xã đầu tiên của tỉnh Kon Tum đạt chuẩn Xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022

 

Tân Lập là một xã nằm ở phía Nam huyện Kon Rẫy có tổng diện tích tự nhiên 7.234.21 ha, 1.160 hộ/4.226 khẩu, 334 hộ đồng bào DTTS (chiếm tỷ lệ 28,79%). Tân Lập có vị trí khá thuận lợi về giao thông nên đời sống của nhân dân từng bước ổn định. Người dân trên địa bàn xã đa số hoạt động sản xuất nông nghiệp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ. Từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) đến nay, xã có nhiều đổi mới và khởi sắc, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Văn hóa , xã hội ở nông thôn ngày càng phát triển; các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư xây dựng đáp ứng ngày càng tốt hơn; công tác chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum, các Sở ngành của tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kon Rẫy và sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị của xã, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trên địa bàn xã đã chung tay cùng nhau xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, các đề án về cơ chế chính sách của tỉnh, các văn bản chỉ đạo của huyện, xã đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế trên địa bàn xã để hướng dẫn nhân dân thực hiện như: cơ chế lồng ghép với các chương trình MTQG và các chương trình hỗ trợ khác; cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng các công trình, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình theo cơ chế đặc thù của tỉnh; thu gom, xử lý nước thải, rác thải, chất thải; chính sách hỗ trợ lãi vay tín dụng phục vụ phát triển sản xuất; huy động nguồn lực từ người dân...

Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã luôn xác định: phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt để đảm bảo đúng thời gian theo lộ trình, kế hoạch đề ra.

Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp xã được thành lập và thường xuyên được kiện toàn theo quy định; đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Nông thôn mới được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, từ cán bộ xã đến thôn, chi bộ, hợp tác xã... Công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình luôn được chú trọng thực hiện.

Việc tổ chức triển khai được thực hiện sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm của thôn, đã tạo thành phong trào rộng khắp, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đảm bảo đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, xây dựng Nông thôn mới với “diện mạo mới, sức sống mới”.

Xã Tân Lập đạt chuẩn Xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 là kết quả của cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong xã. Năm 2018, xã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 6/3/2019 về việc công nhận xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đạt chuẩn Xã Nông thôn mới năm 2018 theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra); đến năm 2021, được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 7/10/2021 về việc công nhận xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đạt chuẩn Xã Nông thôn mới nâng cao năm 2021. Năm 2023, Tân Lập được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 29/9/2023 về việc công nhận đạt chuẩn Xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Ngoài ra, xã có 1 thôn đạt chuẩn Thôn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 và 1 thôn đạt chuẩn Thôn (làng) Nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022.

Sau 2 năm triển khai thực hiện nâng cao các tiêu chí Xã Nông thôn mới nâng cao được công nhận năm 2021, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Đến nay, 19/19 tiêu chí Xã NTM nâng cao được giữ vững và nâng cao mức đạt chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia về Xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; cụ thể Tân Lập đạt chuẩn các tiêu chí: tiêu chí số 1 về quy hoạch, tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai, tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí số 5 về giáo dục, tiêu chí số 6 về văn hóa, tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, tiêu chí số 12 về lao động, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí số 14 về y tế, tiêu chí số 15 về hành chính công, tiêu chí số 16 về tiếp cận pháp luật, tiêu chí số 17 về môi trường an toàn thực phẩm, tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống, tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh. Đồng thời, xã đạt thêm 3/3 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu theo quy định mức đạt chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia NTM về xã Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, cụ thể đó là:

- Tiêu chí về thu nhập: thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận Xã Nông thôn mới kiểu mẫu cao hơn 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với Xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 58 triệu đồng/người/năm.

- Tiêu chí về mô hình nông thôn thông minh: xã đã xây dựng tổ công nghệ số cộng đồng; tuyên truyền, vận động, phổ biến đến cán bộ thôn ứng dụng các nền tảng số; các thôn được bao phủ sóng di động 4G, 5G; xã đã lắp đặt điểm camera an ninh. Ngoài ra, 6/6 thôn của xã đều lắp đặt hệ thống Wifi công cộng.

- Tiêu chí quy định Xã Nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất về: sản xuất; giáo dục; văn hóa. Trong đó, xã nổi trội nhất về lĩnh vực văn hóa; cụ thể: thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Duy trì tình hình hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, đội cồng chiêng - xoang, dân ca, dân vũ, câu lạc bộ loại hình văn hóa, thể thao hoạt động có hiệu quả. Duy trì, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể không gian văn hóa Cồng chiêng – xoang. Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của dân tộc Ba Na xã Tân Lập.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới triển khai đã được Đảng ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân xã Tân Lập hào hứng đón nhận. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về nguồn lực, song, với cách làm bài bản, hiệu quả, chủ động, sáng tạo, tích cực, công khai, dân chủ, đi vào thực chất không chạy theo thành tích cùng sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã đã thu được những kết quả quan trọng. Qua quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, UBND xã Tân Lập đã rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc:

Một là, để thực hiện thành công công tác xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu... để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ: Đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn; xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân phải là chủ; huy động nội lực là chính cùng với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì công cuộc xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu mới thành công và bền vững.

Hai là, phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ. Giai đoạn đầu bước vào thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn đều lúng túng vì chưa được trang bị kiến thức về xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Sau quá trình triển khai, mọi người đều thấy cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản về xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu như: nội dung, trình tự các bước tiến hành, vai trò chủ thể và cách thức để người dân thực sự đóng vai trò chủ thể; phương pháp xây dựng đề án; phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch; cơ chế động viên nguồn lực, quản lý tài chính, quản lý xây dựng cơ bản trên địa bàn; thủ tục thanh quyết toán... Do đó, ngay khi bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu cần phải khẩn trương tập huấn, bồi dưỡng thật kỹ những nội dung trên cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Ba là, xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của xã, tránh rập khuôn, máy móc; xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu phải dựa theo Bộ tiêu chí quốc gia để định hướng hành động và là thước đo để đánh giá kết quả. Trong xây dựng đề án và chỉ đạo thực hiện, cần phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp. Việc phân bổ nguồn lực cũng phải tập trung ưu tiên hơn để địa phương thực hiện.

Bốn là, công tác huy động các nguồn lực để xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu phải theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết".

Năm là, để đạt được hiệu quả trong công tác xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới nâng cao cần phải xây dựng chương trình và quy chế làm việc, phải phân công mỗi cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm một loại việc và địa bàn cụ thể, tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thúc đẩy thực hiện chương trình. Ban Chỉ đạo phải thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đã giao đối với từng thành viên và các tổ chức đoàn thể.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân trong xây dựng thôn xóm, gia đình NTM bền vững và phát triển. Tùy từng đặc điểm của từng thôn, xóm để chọn cách vận động, động viên những người có uy tín, nhiệt tình tham gia tuyên truyền, vận động xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển ở xóm, cụm dân cư. Đồng thời, thực hiện tốt việc phân cấp để xã, xóm khu dân cư và hộ gia đình chủ động tích cực thực hiện phần công việc của mình tham gia xây dựng Nông thôn mới nâng cao bền vững và phát triển. Động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích và thực hiện tốt công tác quản lý đúng hướng dẫn, thực hiện tốt công khai, minh bạch làm các công trình đạt hiệu quả cao, đúng kế hoạch, tạo sự tin tưởng ngay từ đầu của nhân dân.

Tóm lại, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Với quan điểm xây dựng Nông thôn mới là liên tục và không có điểm dừng, hy vọng trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Lập luôn giữ vững thành tích, các tiêu chí Nông thôn mới đã đạt được, đồng thời xây dựng thành công Xã Nông thôn mới thông minh. 

 

PHẠM VIẾT THẠCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

;