Chẳng biết việc dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường phố có từ bao giờ nhưng giờ đây, từ thành thị tới nông thôn, người dân đã quá quen với những tấm biển “Nhà có việc xin nhường đường!” hoặc “Xin lỗi vì đã làm phiền… Có gia đình còn “sáng tạo” mượn biển “công trường đang thi công” đặt trước rạp cưới của gia đình, nhất là vào những ngày “đẹp”. Những nhà hàng, khách sạn quá tải, rạp cưới được dựng trong khuôn viên cơ quan, trường học, công viên, bãi đất trống, chiếm trọn hè đường của người đi bộ, tràn xuống lòng đường phố khiến ùn tắc giao thông cục bộ. Rồi những rạp tang dựng vội trên vỉa hè, dưới lòng đường, phố phường bỗng biến thành bức tranh tương phản; chỗ rạp cưới văn nghệ tưng bừng xen lẫn tiếng “zô” thể hiện niềm vui bất tận, trái ngược ở một con phố gần đấy, trong rạp tang, tiếng kèn hòa tiếng khóc nỉ non, ai oán. Có những trường hợp hi hữu, hai gia đình ở gần nhau, một nhà dựng rạp đám cưới, một nhà dựng rạp đám tang. Việc hỉ, việc hiếu diễn ra cùng ngày. Rồi hai gia đình cũng thỏa thuận được với nhau; nhà có đám cưới tạm ngừng khoản vui văn nghệ; nhà có đám tang tạm dừng việc thổi kèn. Những tưởng chuyện dựng rạp đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường là “đặc quyền” của tầng lớp bình dân, tầng lớp có thu nhập thấp? Song cũng không hẳn vậy. Có những rạp cưới hoành tráng chiếm trọn khu trung tâm công viên có sức chứa hàng trăm mâm cỗ; có cái choán hết con đường ngang trong phố, lúc chưa kê bàn ghế, xe đạp, xe máy, người đi bộ đi lại trong lòng rạp. Chỉ nhìn quy mô và sự lộng lẫy của những chiếc rạp có giá hàng trăm triệu đã thấy “đẳng cấp” và độ sang giàu của chủ nhân. Không chỉ dừng lại trong phạm vi vỉa hè, lòng đường phố, nhiều rạp cưới còn vươn tầm ra đường quốc lộ, tỉnh lộ. Vẫn cảnh trong rạp ăn uống, chúc tụng tưng bừng trong khi bên ngoài xe cộ đi lại như mắc cửi. Đã có trường hợp xe mất lái đâm vào rạp cưới ven đường, may chưa đến giờ dự tiệc nên không có thương vong, chết người. Không ít người khi được mời dự tiệc cưới trong rạp dựng dưới lòng đường phố, ven đường tỉnh lộ đã chọn hình thức gửi tiền mừng hoặc viện lý do để không tham gia hỉ tiệc vì sự an toàn của bản thân.
Ngày nay, đô thị đang chuyển mình trong các phong trào văn hóa; xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh thì việc dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường phố luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm chia sẻ của người dân thuộc nhiều tầng lớp. Đa phần ý kiến người dân khi được hỏi cho rằng việc dựng rạp tổ chức việc hiếu, việc hỉ trên vỉa hè, dưới lòng đường là không văn minh. Song thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện tổ chức đám cưới ở những nhà hàng, khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện sang trọng; tổ chức việc tang ở nhà tang lễ thành phố, trong khi hệ thống các Nhà văn hóa ở khu dân cư không phải là lựa chọn để tổ chức đám cưới vì quá nhỏ lại không có điểm trông giữ phương tiện. Song có lẽ lý do quan trọng nhất khiến nhiều gia đình chọn dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường phố vì cho rằng sự kiện đời người được tổ chức ở gia đình vẫn “ấm cúng” hơn và tiện cho việc thắp hương kính cáo gia tiên, một tín ngưỡng, nghi lễ thành kính gắn với các sự kiện do gia đình tổ chức. Riêng việc tang, sau tang lễ còn tiếp tục phải dựng rạp tổ chức các lễ: cúng 49, 100 ngày, giỗ đầu. Vậy việc dựng rạp đám cưới, rạp đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường đã trở thành vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực cần được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền và cơ quan chức năng. Qua tìm hiểu, nhiều tỉnh, thành đã đưa việc tổ chức đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường vào quy chế quản lý đô thị. Như quy chế quản lý đô thị của thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương được xây dựng năm 2017 có điều khoản quy định: “Cho phép tạm thời sử dụng một phần lòng đường, hè phố vào mục đích tổ chức đám cưới, đám tang và việc trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; quy định phần đường cho xe lưu thông phải rộng tối thiểu 3,5m, chiều rộng không quá 6m, chiều dài không quá 30m”. Quy chế cũng ghi rõ: “từng bước tiến tới không cho phép dựng rạp tổ chức đám cưới trên đường phố đảm bảo văn minh đô thị”. Qua một thời gian thực hiện, việc dựng rạp cưới, rạp tang dưới lòng đường đã dần ổn định, song cũng còn khá nhiều trường hợp rạp dựng phô trương quá diện tích cho phép ảnh hưởng giao thông; tình trạng rạp cưới, rạp tang không đặt biển báo hoặc đặt biển báo quá gần rạp khiến phương tiện tham gia giao thông đã đi vào phần đường đó phải quay lui đi đường khác. Đúng là phiền thật! Nhưng những vi phạm trên cũng khó xử lý hành chính vì đám cưới thể hiện niềm vui đời người; đám tang thuộc văn hóa sinh tử không thể dùng biện pháp cưỡng chế như dẹp hàng quán vỉa hè được. Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền video clip cảnh lực lượng chức năng phường cưỡng chế dỡ một rạp cưới được dựng quá quy định chiếm hết diện tích một đường ngang trong phố. Trong nhiều luồng ý kiến chia sẻ, đáng mừng là đa số người dân đã đồng tình với việc làm của chính quyền phường, phản ánh nhận thức của người dân về việc dựng rạp cưới, rạp tang dưới lòng đường đã có thay đổi.
Việc dựng rạp đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường đến nay đã trở thành một tập quán sinh hoạt, chịu sự tác động của đời sống xã hội. Cách đây chưa xa, trong hoàn cảnh xã hội phong tỏa, cách ly phòng chống dịch COVID, việc tổ chức đám cưới, đám tang phải theo đúng quy định về số mâm cỗ, số người tham gia, việc giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm. Không ít gia đình khi tổ chức đám cưới chọn hình thức bảo hỉ; nhiều cặp đôi sau nhiều lần hoãn cưới đến khi cuộc sống trở lại bình thường không tổ chức cưới lại; không ít cặp, cô dâu chú rể bồng con lên hôn trường trong ngày cưới, trở thành hiện tượng trong đời sống xã hội. Cùng thay đổi sau đại dịch, đến nay, những hạn chế trong việc dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường như dựng rạp to quá diện tích cho phép, ăn uống xa hoa lãng phí tốn kém; không đặt biển báo; việc tế kèn, khóc thuê trong đám tang đã giảm hẳn. Qua đó cho thấy, mọi cuộc vận động nhằm đổi mới phong tục tập quán trong đó có việc dựng rạp đám cưới, đám tang trên vỉa hè, dưới lòng đường phố chỉ có thể đạt kết quả tốt khi trở thành một nội dung được tuyên truyền thường xuyên trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trở thành nhu cầu thực sự của người dân và họ là chủ thể tham gia tích cực.
NGUYỄN TIẾN QUANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023