Hà Tĩnh: Kiểm tra Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình

Từ ngày 23/10 - 9/11/2023, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình của tỉnh Hà Tĩnh trong những năm qua đạt được nhiều kết quả. Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung chỉ đạo xây dựng tốt đời sống văn hóa cơ sở; các mục tiêu, chỉ tiêu về văn hóa cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 347.962/374.261 Gia đình văn hóa (tỉ lệ 92,9%); 1894/1937 thôn, tổ dân phố văn hóa (tỉ lệ 97,8%); 976/1484 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (tỉ lệ 65,7%). Toàn tỉnh có 201/216 Nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn (đạt 93%), 1831/1937 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn (đạt 94,8%), 1677/1937 khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt 86,6%). Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được quan tâm. Phong trào học tập, lao động sáng tạo được các cấp thường xuyên phát động, được đông đảo cán bộ và nhân dân hưởng ứng tham gia. Các địa phương chú trọng trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai lồng ghép với các phong trào khác. Công tác gia đình được đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 19 mô hình điểm về công tác gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bình xét danh hiệu văn hóa ở một số địa phương vẫn hình thức, kết quả bình xét chưa khách quan, chính xác và sát với tình hình thực tế. Nguồn kinh phí chi cho việc khen thưởng các danh hiệu văn hóa một số địa phương chưa đảm bảo, chưa có tính chất động viên khích lệ phong trào do đó chưa nhân rộng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Thiết chế văn hóa một số nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, một số xuống cấp do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Một số nơi sinh hoạt câu lạc bộ về gia đình nội dung còn sơ sài chất lượng chưa cao, các buổi sinh hoạt chưa được duy trì thường xuyên. Công tác truyền thông về công tác gia đình tại một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực sự đi vào đời sống…

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào. Chú trọng nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động cưới, tang, lễ hội, các ngày lễ kỷ niệm đảm bảo đúng quy định. Rà soát, theo dõi và đôn đốc các phường xây dựng danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.

 

NGUYỄN NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023

 

;