Con sông Bùng nối từ Lạch Vạn, chảy qua 10 xã của huyện Diễn Châu, ngược lên huyện Yên Thành của tỉnh Nghệ An. Nằm bên dòng sông Bùng, xã Diễn Quảng (huyện Diễn Châu) có 2 làng và hơn 300 ha đất canh tác được bồi đắp phù sa, màu mỡ, có dòng nước mát quanh năm tưới cho đồng ruộng. Từ xa xưa, lúa đã trở thành cây trồng chính của bà con nông dân nơi đây, làm nên những mùa vàng ấm no, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn chế biến mỗi năm hàng trăm tấn bún cung ứng ra thị trường, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/ năm.
Bà con nông dân xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) mỗi năm sản xuất 350 tấn bún
Xã Diễn Quảng có hơn 1.200 hộ, 5.300 nhân khẩu, sinh hoạt ở 5 xóm, trong đó có 2 xóm giáo toàn tòng, với hơn 1.800 người theo Công giáo, thuộc giáo xứ Phi Lộc. Do biến đổi khí hậu, lại nằm ở khu vực miền Trung khí hậu khắc nghiệt, cho nên khó khăn lớn nhất của xã Diễn Quảng khi bắt đầu xây dựng Nông thôn mới (NTM) là giao thông thủy lợi xuống cấp, đồng ruộng thấp trũng, mưa 200mm nhiều nơi nước đã trắng đồng, hộ nghèo còn nhiều, thiếu vốn và tư liệu sản xuất. Thực hiện Nghị quyết 02 và Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy Nghệ An về đẩy mạnh làm giao thông thủy lợi, dồn điền đổi thửa gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM của Chính phủ, Đảng ủy và nhân dân Diễn Quảng xác định phải tập trung giải quyết những khâu yếu nhất ở địa phương, các dự án đầu tư, chương trình hỗ trợ của tỉnh, huyện đều phải nhằm vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
Việc đầu tiên mà Đảng bộ và nhân dân Diễn Quảng bắt tay vào làm là kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị. Sau hơn 60 năm thành lập (tháng 12/1953) và gần 40 năm đất nước đổi mới, Diễn Quảng vẫn là xã nghèo. Sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 1982, Ban quản lý HTX nông nghiệp chỉ còn lại 5 người, vừa đảm bảo hậu cần cho đồng ruộng, cung ứng mỗi năm hơn 150 tấn vật tư phân bón, thóc giống phẩm chất tốt, vừa đôn đốc hướng dẫn bà con nông dân thâm canh mỗi vụ 350 ha lúa, màu đúng quy trình kỹ thuật. Đảng bộ chỉ đạo các đoàn thể quần chúng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh CCB) phải được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả không còn “khoán trắng” mà mùa vụ nào cũng tổ chức đào tạo nghề tập huấn quy trình thâm canh, cách nuôi cá ao, cả ruộng, nuôi bò nhốt, lợn choai hướng nạc, phòng trừ dịch hại tổng hợp đến từng đội sản xuất, từng hộ gia đình. Đồng thời, đứng ra tín chấp vay vốn từ Ngân hàng chính sách mỗi năm từ 6 đến 8 tỷ đồng để hội viên nghèo đầu tư vào sản xuất sản xuất. Các chi bộ Đảng nông thôn họp ra Nghị quyết chuyên đề về cơ cấu mùa vụ, bố trí cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển thủ công nghiệp về làng nghề, làm đường từ nhà ra đồng, xây làng và Nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí. Bốn chi bộ trường học và Trạm y tế bàn việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, đơn vị văn hóa, huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi, nâng cao chất lượng giảng dạy, khám chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Đảng bộ có hơn 200 đảng viên, sinh hoạt 8 chi bộ, trong đó có một chi bộ ghép vùng giáo. Qua học tập và quán triệt Nghị quyết của Đảng các cấp, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ai cũng cũng hăng hái, nhiệt tình, đảng viên trẻ xốc vác trong làm giao thông thủy lợi, thâm canh giống mới, xây dựng cánh đồng, mô hình thu nhập cao. Đảng viên hưu trí, cán bộ giáo viên, nhân viên y tế gương mẫu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự học cho con cháu, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ 12 chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Các thành viên trong Ban thường vụ Đảng ủy được giao từng mũi công tác nhất là tháo gỡ những việc mà dân đang quan tâm như chuyển đổi ruộng đất, giải phóng mặt bằng, tạo việc làm cho thanh niên, nông dân, đầu ra cho nông sản, thực phẩm.
Sự “bứt phá” nông nghiệp gắn với chuyển đổi kinh tế ở xã thuần nông Diễn Quảng đã làm thay đổi cung cách làm ăn của bà con lương giáo nơi đây. Từ 2 vụ bấp bênh phụ thuộc vào thời tiết, nay bà con thâm canh mỗi năm 3 vụ ăn chắc, trong đó có 2 vụ lúa chiêm xuân và hè thu. Còn vụ đông thì trồng khoai, ngô trên đất ướt hoặc để lúa tái sinh. Đối với 25ha ao hồ ruộng trũng thì đấu thầu cho dân nuôi trồng thủy sản, làm VAC, tạo ra cánh đồng 100 triệu đồng/ha. Bám sát lịch thời vụ xuống đồng của huyện, Chủ nhiệm HTX, Bí thư chi bộ, Đội trưởng sản xuất chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân đưa các loại giống mới vào gieo trồng như Khải phong số 1, Thái xuyên 111, AC5, Bắc thơm số 7, nếp 352, ngô lai MX2, MX4. Do gieo trồng kịp thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mùa vụ nào lúa, mùa cũng tốt đồng đều, cho năng suất cao. Nông nghiệp được mùa, nông dân Diễn Quảng có điều kiện phát triển thủ công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc. Làng nghề bánh bún Huỳnh Dương nằm bên sông Bùng được đầu tư mở rộng với quy mô 200 hộ, mỗi năm sản xuất, tiêu thụ 350 tấn sản phẩm, đạt doanh thu 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho 600 lao động. Dọc các trục giao thông, xã cấp mặt bằng cho những hộ có vốn mở các đại lý, cửa hàng vật tư phân bón, sản xuất vật liệu xây dựng, thu mua nông sản, làm dịch vụ thương mại. Hai cánh đồng nằm dọc sông Bùng của hai làng Huỳnh Dương và Đồng Kiều rộng 180ha, những năm trước đây thường bị khô hạn, lại là mương đất nên nước bị thẩm thấu hao hụt, cứ đến mùa gieo cấy, bà con lo thiếu nước tưới nên không dám đầu tư thâm canh cao. Nay nhờ xây dựng 2km đê bao ngăn mặn, giữ nước ngọt, làm mới hai trạm bơm điện, bê tông 3km kênh mương cung cấp nước tưới ổn định, đảm bảo cấy mỗi năm 2 vụ lúa ăn chắc. Cả 700 hộ dân của hai làng không những giải quyết được cái ăn hằng ngày mà còn dư thừa thóc gạo để làm nguyên liệu chế biến bánh bún và phát triển chăn nuôi. Nhà ít 5 con lợn, nhà nuôi nhiều 20 con lợn, từ 1 đến 2 con trâu bờ bộ.
Điểm nổi bật trong chuyển đổi kinh tế, thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Diễn Quảng là xã và HTX làm tốt công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như liên kết với các nhà máy, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài huyện để tiêu thụ bánh bún, gạo ngon, rau sạch, thực phẩm tươi sống. Phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó lấy các đoàn thể quần chúng, HTX nông nghiệp làm cuộc “Cách mạng xanh” trên đồng ruộng, xã tiếp cận được các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung ương và tỉnh, phát huy nội lực, khơi dậy ngoại lực, kêu gọi con em Diễn Quảng làm ăn xa đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho quê hương mình. Nhờ vậy chỉ trong vòng 10 năm, xã đã hoàn thành chương trình nhà ở cho dân, kiên cố hóa trường học, Nhà văn hóa xóm. Cả 3 trường học, cấp học, cơ sở làm việc, Trạm y tế xã được làm nhà cao tầng, trong đó Trạm y tế giá 4 tỷ đồng, đạt chuẩn quốc gia, Trạm y tế xã có hơn 10 phòng chức năng, có nhà bếp, phòng vệ sinh, phòng thuốc nam, có bác sĩ làm trạm trưởng. Từ đó, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, những bệnh thông thường được chữa trị ngay tại xã. Ngoài ra bà con lương giáo còn đóng góp hơn 40.000m2 đất, từ 20 đến 25 ngày công, từ 4 đến 5 triệu đồng/hộ để tôn cao bờ vùng, bờ thửa, cải tạo động ruộng. Nhờ những đóng góp trên, mà 10 năm qua, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng Diễn Quảng vẫn được mùa lớn, năng suất lúa đạt bình quân 67 tạ/ha/vụ. Sản lượng lương thực đạt 3.600 tấn/năm, nuôi 4.000 con gia súc, hơn 20.000 con gia cầm. Giá trị thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ thương mại tăng mỗi năm từ 6 đến 10%. Số hộ giàu và khá, thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng hộ/năm, chiếm 65%, đời sống nhân dân được nâng cao, với mức thu nhập bình quân 4% triệu đồng/người/năm. Xã xóa xong hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 2%, tỷ lệ sinh tự nhiên là 0,9%. Xã dựng được 3 vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, với diện tích 260 ha, vùng màu chuyên canh và nuôi trồng thủy sản 100 ha. Bà con nông dân đang rất phấn khởi bởi được mùa, được giá và có nơi tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch. Giống lúa Thái xuyên 111, Thiên nguyên ưu 8, AC5, Bắc thơm số 7 không những dùng để phục vụ làng nghề chế biến bánh bún mà còn trở thành thương hiệu gạo ngon, làm hàng hóa bán ra thị trường. Đặc biệt xã còn chú trọng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đã có 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, đơn vị văn hóa, làng nghề bánh bún Huỳnh Dương được UBND tỉnh công nhận làng nghề và có giấy phép hoạt động. Năm 2021, xã đạt chuẩn xây dựng NTM, với 19/19 tiêu chí, đào tạo nghề cho 450 người và 160 cháu đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Quảng đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đại hội Đảng bộ đề ra và phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trở thành điểm sáng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
LÊ HOÀI THUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024