Kết quả sau 30 năm đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia đền thờ danh nhân Triệu Thái

Lưỡng quốc Tiến sĩ Triệu Thái là người thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Vào thế kỷ XV, vì muốn ra làm quan, Triệu Thái phải lặn lội sang tận kinh đô Trung Quốc để ứng thi và thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Vua Vĩnh Lạc, nhận chức quan Học sĩ Viện Hàn lâm trong triều đình nhà Minh. Năm 1428, khi đất nước đã giành độc lập, ông trở về quê nhà và dự thi, đỗ đầu kỳ đại khoa năm 1429 và nhận chức quan Thị Ngự sử, được Hoàng đế Lê Lợi giao cho việc định ra luật lệ của nhà Lê. Thời kỳ này, ông có công lao lớn với dân làng là quy hoạch làng Hoàng Chung với một con đường ở bìa làng, các ngõ rẽ đều vuông góc với đường trục, có khoảng cách hai nhà giáp lưng vào nhau, tạo thành ngõ xương cá, rất tiện cho sinh hoạt và trị an. Sau khi ông mất, người dân thờ ông ở đình làng cùng với 3 vị Thành hoàng làng. Gia tộc họ Triệu cũng từ đó lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ vào ngày 27/2 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công ơn của Lưỡng quốc Tiến sĩ Triệu Thái.

 Lễ rước kiệu về đình Hoàng Chung

 

Đền Triệu Thái thờ Lưỡng quốc Tiến sĩ Triệu Thái có diện tích khoảng 500m2, bằng phẳng, với kiến trúc bằng gỗ. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 259- VH/QĐ ngày 12/2/1994.

Trong 30 năm qua, Nhà nước đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng, trùng tu và bảo tồn công trình đảm bảo theo hướng bền chắc, an toàn trong phát huy tính giá trị của khu di tích. Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng cùng dòng họ và nhân dân trên quê hương Lưỡng quốc Tiến sĩ Triệu Thái thường xuyên chăm lo bảo tồn khu di tích lịch sử cấp quốc gia, phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa của một danh nhân.

30 năm qua, tại làng Hoàng Chung, chi trưởng họ Triệu có 10 chi cành nhỏ. Hội đồng gia tộc (HĐGT) phân công lần lượt mỗi chi cành trực trông coi đền 1 năm đảm bảo tất cả các hoạt động dưới sự chỉ đạo chặt chẽ và trực tiếp của Hội đồng gia tộc. Hằng năm, các chi cành được phân công luôn đảm bảo công tác vệ sinh, gìn giữ và kịp thời phát hiện những tác động của môi trường, mối mọt xâm hại đến di tích. Bên cạnh đó, HĐGT còn tích cực tuyên truyền vận động các thế hệ hậu duệ trong dòng họ cùng bà con nhân dân đóng góp công đức trên 2 tỷ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo nâng cấp cảnh quan khuôn viên khu di tích và khu lăng tẩm của ông. Cụ thể như Gia đình ông bà trưởng họ Lâm Đây (họ tên cụ thể - ví dụ ông Triệu Lâm chẳng hạn) đã công đức 117 m2 đất cho khuôn viên của đền trị giá trên 1 tỷ đồng.

Gia đình ông bà Hoàng Văn Khánh có thổ cư liền kề với khu di tích đã công đức 9m2 đất cho khuôn viên trị giá hàng chục triệu đồng. Các gia đình trong dòng họ và các thế hệ hậu duệ đã đóng góp, công đức số tiền mặt và một số hiện vật trị giá gần 1 tỷ đồng. Số tiền đóng góp và hảo tâm công đức trên ở từng thời kỳ, HĐGT đều họp bàn xin ý kiến cấp trên để đưa vào xây dựng tu sửa nâng cấp khu khuôn viên di tích, khu lăng mộ.

Đền thờ danh nhân và khu lăng mộ của ông so với 30 năm về trước hôm nay đã có sự đổi mới. Trước đây, đền thờ vốn khiêm tốn lại được xây cất trên nền đất trũng nên nhìn càng nhỏ hẹp, nội thất ẩm thấp. Nay khu đất được tôn cao, đền thờ được xây dựng tôn tạo và bảo tồn theo hướng bền chắc, an toàn để phát huy giá trị di tích. Khuôn viên thông thoáng xanh sạch đẹp, tường chát bao loan, bảo vệ đảm bảo cảnh quan nơi tâm linh, đáp ứng nhu cầu chung cho các ngày tổ chức kỷ niệm trong năm. Nội thất đền sáng sủa, lộng lẫy nhưng vẫn giữ được nét cổ kính trang nghiêm nơi từ đường thờ tự. Có đủ bàn ghế cho hội họp và đón tiếp khách.

Tế lễ tại đền Triệu Thái

 

Nhận thức được danh vọng của tiền nhân, cả gia tộc rất tự hào và phấn khởi. Chính vì thế, dòng họ luôn có ý thức tiếp bước học tập gương sáng của ông.

HĐGT các thời kỳ đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tất cả các gia đình, các thế hệ hậu duệ trong dòng tộc có lối sống trong sạch, lành mạnh, cư xử văn hóa, có nếp ăn nếp ở đảm bảo đoàn kết, khiêm nhường, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Trong cuộc sống, mỗi người phải tự rèn luyện và phấn đấu vươn lên thoát đói nghèo và làm giàu chính đáng, nuôi dạy con cháu ăn học trở thành công dân tốt của đất nước. Dòng họ còn xây dựng quy chế khuyến học, khuyến tài để kịp thời động viên khích lệ các cháu có thành tích trong học tập và có học hàm, học vị cao. Hằng năm tổ chức trao thưởng long trọng tại khu di tích vào đúng ngày kỷ niệm 27 tháng 2 âm lịch.

Từ năm 2005 trở lại đây, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân quê hương, HĐGT đã phối hợp chặt chẽ với Trường tiểu học Đồng Ích tổ chức Hội thi Tiếp bước Danh nhân vào sáng ngày mười tháng Giêng âm lịch hằng năm. Hội thi đã trở thành một trong những hoạt động của Lễ hội. Cần phải nói thêm, trong 179 hộ với 895 nhân khẩu của chi trưởng dòng tộc Triệu Thái, hiện có 4 Tiến sĩ, 22 Thạc sĩ, 121 người đã và đang học đại học, 38 người học cao đẳng.

Trong những thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của  Đảng ủy – UBND xã Đồng Ích, đời sống vật chất, an sinh xã hội của người dân cũng như cảnh quan diện mạo thôn Hoàng Chung ngày càng đổi mới. Nhà cao tầng mọc lên san sát, đường trải nhựa rộng rãi thông thoáng. Các thiết chế văn hóa được Nhà nước và nhân dân đóng góp xây dựng khang trang, có đủ sân chơi bãi tập phục vụ nhu cầu giải trí, TDTT của nhân dân. Trường học, Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại đảm bảo chuẩn hóa giai đoạn 2. Các di tích văn hóa tâm linh luôn được chú ý tu sửa, nâng cấp, bảo tồn đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân.

Hiện nay, làng Hoàng Chung được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu và đã được khánh thành. Đình làng Hoàng Chung đang chuẩn bị được đón Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia. Tất cả những đổi mới tích cực ấy đem lại cuộc sống no đủ bình yên cho nhân dân nơi đây. Mọi người sống vui vẻ đoàn kết, cùng chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới nâng cao.

 

THANH HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;