Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện cuộc vận động này trong tình hình mới, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã chú trọng tuyên truyền, triển khai sâu rộng cuộc vận động đến hội viên, nhân dân mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Khê
Để thực hiện tốt cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn gắn với tuyên truyền Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia Chương trình. Để các sản phẩm của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài huyện, các hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được triển khai, đồng thời xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt”, các hội nghị kết nối cung cầu, triển lãm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và Sàn giao dịch thương mại điện tử. Các tổ chức chính trị xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động với các tên gọi như: Đoàn Thanh niên tổ chức Ngày hội “Thanh niên đồng hành với hàng Việt”, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm chất lượng tốt; thúc đẩy hỗ trợ liên kết, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, tư vấn pháp lý; khuyến mại, giảm giá cho người tiêu dùng. Quan tâm tạo điều kiện đứng ra ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội số tiền trên 100 tỉ đồng cho đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất... Qua đó, nhiều đoàn viên đã xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao có chỗ đứng trên thị trường tiêu biểu như: Đoàn viên Hoàng Trung Thắng, xã Yên Tập xây dựng thành công 2 sản phẩm ocop 3 sao là Trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía Thanh Lâm và Rượu gạo Tthanh Lâm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 xã viên với mức lương trung bình từ 5 đến 12 triệu đồng/tháng.
Năm 2023, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân giới thiệu 27 sản phẩm OCOP của huyện và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng chuyển đổi số, được hỗ trợ xây dựng và bảo hộ sản phẩm, cấp tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có fanpage trên mạng xã hội và áp dụng nhiều cách làm sáng tạo để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng như các sản phẩm chè Đá hen (xã Đồng Lương), Bánh chưng Đất Tổ, Mì gạo Thạch Đê (xã Hùng Việt), rau sắn nếp muối chua của HTX Liên GiaTrang (xã Thụy Liễu), đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề và nhiều đặc sản, nông sản khác được người tiêu dùng biết đến, lựa chọn nhiều hơn. Hội Nông dân cũng tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, hỗ trợ thành lập mới điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Thị trấn Cẩm Khê.
Liên đoàn Lao động huyện tuyên truyền mạnh mẽ tới đoàn viên, người lao động về những chính sách ưu đãi cho đoàn viên công đoàn, người lao động khi tham gia sử dụng các sản phẩm dịch vụ.
Hội Cựu chiến binh huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng Việt thông qua các tờ rơi, khẩu hiệu, qua các trang zalo, facebook, của Hội, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... Từ đó, cán bộ, hội viên CCB trong huyện đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm trong mua sắm, tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh. Đến nay, xu hướng ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong hội viên và nhân dân tăng lên, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, nhóm mặt hàng cơ khí, điện tử...
Hội Liên hiệp phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các mô hình cụ thể, những cách làm hay, sáng tạo như: xây dựng, duy trì điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” cho hội viên. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ trong ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt có chất lượng, góp phần làm cầu nối, tiếp sức đưa sản phẩm hàng Việt đến với người tiêu dùng. Thời gian tới, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở sẽ triển khai lồng ghép cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội; tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty tổ chức hội chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tổ chức các chiến dịch truyền thông tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng Việt...
Có thể nói, việc triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, uy tín nhãn hiệu sản phẩm, đưa sản phẩm của huyện ngày một vươn xa trên thị trường trong và ngoài huyện.
MẠNH THUẤN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024