Xã Tân Bình (Đồng Tháp): Xây dựng Nông thôn mới góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân

Đích đến cuối cùng của Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Với mục tiêu ý nghĩa này, thời gian qua, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân với những kết quả tích cực.

 

Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Tân Bình là 68,205 triệu đồng/người/năm. Xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao, là 1 trong 3 xã đi đầu của huyện Châu Thành. Góp phần hoàn thành mục tiêu này, những người cao tuổi đã đóng góp kinh nghiệm, trách nhiệm nêu gương trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự xã hội.

Tân Bình là xã thuần nông của huyện Châu Thành, với thế mạnh về canh tác lúa, rau màu, cây ăn trái. Để nâng cao giá trị các mặt hàng chủ lực, địa phương xác định tổ chức, sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kĩ thuật, nâng cao giá trị nông sản là yếu tố cần thiết. Chính vì vậy, thời gian qua, xã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển các ngành hàng chủ lực, tạo bước phát triển mới đối với các ngành hàng này.

Đối với sản xuất lúa, xã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào canh tác, chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện, tổng diện tích lúa trên địa bàn xã được cấp mã số vùng trồng là 129,55ha/4 mã vùng trồng.

Đối với vùng sản xuất rau màu, địa phương vận động nông dân, người cao tuổi chú trọng mở rộng canh tác những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Theo đó, nông dân tại địa phương vận dụng các biện pháp luân canh, xen canh, trồng trái vụ các loại rau màu.

Hiện, diện tích màu luân canh, tăng vụ từ 4-5 lần/năm với các cây trồng chính là củ cải, rau mùi, các loại rau... Nhờ đó, hiệu quả trên một đơn vị diện tích gieo trồng tăng, nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc luân canh có hiệu quả các loại rau màu.

Bên cạnh lúa, rau màu, xã Tân Bình còn khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng những loại cây có hiệu quả cao, cải thiện thu nhập trên một diện tích đất. Ở xã đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP (quy mô 4ha); mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm chanh (quy mô 10ha)...

Đi liền với công tác tổ chức sản xuất, xã Tân Bình còn hỗ trợ, tạo điều kiện để các hợp tác xã (HTX), hội quán trên địa bàn hoạt động, thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, liên kết đầu ra nông sản. HTX Dịch vụ Nông sản Thành Nguyên đang thực hiện hiệu quả công tác tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ. Năm 2023, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm lúa, chanh, với tổng sản lượng liên kết sản phẩm chủ lực trên lúa là 85 tấn, chanh 5,6 tấn.

Song hành với các giải pháp phát triển nông nghiệp, xã Tân Bình luôn khuyến khích người dân, nhất là người cao tuổi có nhiều kinh nghiệp trong sản xuất đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ.

Hiện các làng nghề truyền thống đều phát huy hiệu quả như làm bột, chăn nuôi heo... Đến nay, toàn xã có 66 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực sản xuất, kinh tế xã Tân Bình có nhiều khởi sắc. Năm 2023, thu nhập bình quân ở địa phương đạt khoảng 68,205 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 của xã chiếm 2,25%. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện các tiêu chí NTM bền vững và đạt xã NTM nâng cao.

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, xã Tân Bình tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thông qua các giải pháp cụ thể, đời sống của người dân trên địa bàn xã Tân Bình có sự thay đổi tích cực. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 68 triệu đồng. Từ đó tạo được lòng tin, sự đồng lòng của nhân dân trong xây dựng NTM, nhất là chung tay, góp sức cùng địa phương thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, cầu đường nông thôn...

Là một người con của quê hương Tân Bình, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, đặc biệt khi Tân Bình hoàn thành mục tiêu xã NTM nâng cao, ông Nguyễn Văn Bé Hai 64 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Tân Bình rất phấn khởi, tự hào, với những tín hiệu tích cực khi quê hương ngày càng phát triển, bản thân ông cùng chính quyền, bà con sẽ tiếp tục chung tay, góp sức giữ vững và nâng cao các tiêu chí, tiến tới đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ông Phạm Văn Lưỡng, Phó Giám đốc HTX Thành Nguyên, xã Tân Bình, cho hay: “Cùng với chủ trương của xã, những năm qua, HTX đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển giao khoa học cho thành viên, cũng như công tác xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản. Hiện HTX có 50,6ha lúa, cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng. Trong thời gian tới, HTX sẽ liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, chung tay cùng với xã thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM”.

Từ sự thay đổi rõ rệt của quê hương qua Chương trình xây dựng NTM cùng tinh thần đồng lòng của người dân, nhất là những người cao tuổi, quyết tâm của chính quyền địa phương sẽ là điều kiện quan trọng để xã Tân Bình phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu thời gian tới.

Hiện nay, xã Tân Bình đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao là điều rất đáng mừng đối với Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm kết thúc, thời gian tới, ngoài việc củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt, hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu, địa phương sẽ tiếp tục chú trọng đến các giải pháp phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng sẵn có thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

TRẦN AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;