Xã Tượng Sơn là một xã thuộc vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có 1.285 hộ với 5.481 nhân khẩu, được bố trí trên 7 đơn vị thôn; trong đó có 1 đơn vị 100% theo đạo Thiên chúa giáo với 160 hộ và 682 nhân khẩu, chiếm 13% dân số toàn xã. Trong những năm qua, Tượng Sơn là một trong những điểm sáng về thực hiện Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Chìa khóa mở ra những thành công của phong trào ở nơi đây là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết, đồng thuận của người dân.
Lãnh đạo trung ương và tỉnh tham quan mô hình Ngôi nhà trí tuệ ở thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, những năm qua, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên tất cả các lĩnh vực ở Tượng Sơn được chú trọng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức sôi nổi và thường xuyên. Mỗi năm, xã tổ chức được 8 - 10 giải thể thao; 3 - 4 chương trình văn nghệ, là đơn vị đứng top đầu trong toàn huyện, đạt các thành tích cao trong các giải thể thao, các hội thi, hội diễn. Hiện, xã có 22 đội văn nghệ và 1 Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh hoạt động có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đến nay, số Gia đình thể thao đạt tỷ lệ 54,85%. Toàn xã có 93 câu lạc bộ thể dục, thể thao, dân vũ, dưỡng sinh…; 100% trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh cũng được duy trì hoạt động thường xuyên tại các địa phương.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã đi vào cuộc sống và thực sự làm thay đổi cuộc sống tinh thần của nhiều gia đình. Hầu hết các gia đình đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn việc bình xét, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, tổ chức khen thưởng cho các gia đình văn hoá tiêu biểu. Công tác xây dựng Gia đình văn hóa phát triển mạnh gắn liền với phong trào xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, tỷ lệ hộ Gia đình văn hóa của xã đạt 95,7%.
Phong trào xây dựng Thôn văn hóa được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tích cực. Việc bình xét Thôn văn hóa hằng năm được tiến hành đúng quy trình, thủ tục dựa trên các tiêu chuẩn nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ VHTTDL và quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, xã có 7/7 thôn được công nhận danh hiệu Thôn văn hóa (đạt tỷ lệ 100%). Cùng với sự phát triển của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhiều thôn sau khi được công nhận danh hiệu Thôn văn hoá đã trở thành điểm sáng, giữ vững danh hiệu nhiều năm liên tục như thôn Hà Thanh, Sâm Lộc. Các thôn đã phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, trợ giúp các gia đình khó khăn. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy; quan hệ gia đình, láng giềng ngày càng được gắn bó; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương được giữ vững.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả to lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Với phương châm “huy động sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân làm mục tiêu, lấy khu dân cư làm địa bàn thực hiện, cuộc vận động đã tạo sự đồng thuận xã hội, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Kết quả, xã đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2015, xã Nông thôn mới nâng cao năm 2019, xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Đến nay, đã có 7/7 thôn đạt Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 59,07 triệu/người/năm. Phong trào xóa đói giảm nghèo đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau ổn định phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo của xã là 2,36%; hộ cận nghèo là 3,04% theo chuẩn nghèo đa chiều. Nếu năm 2000, trên địa bàn xã chưa có mô hình phát triển kinh tế, mô hình nổi trội thì đến năm 2024, đã xây dựng được 38 mô hình sản xuất vừa và nhỏ cho thu nhập cao như cá rô đầu vuông, ốc bươu đen, cá bống bớp, tôm càng xanh, bò Zebu…. Ngoài ra cấp ủy, chính quyền còn xác định phát triển kinh tế vườn hộ cũng là thế mạnh của xã phụ cận thành phố nên đã tập trung chỉ đạo, động viên nhân dân phá bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu cho thu nhập cao. Nếu năm 2000 chưa có vườn mẫu thì đến nay, toàn xã đã có 44 vườn mẫu cho thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng/năm. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Công tác Khuyến học đã được địa phương chú trọng và triển khai thực hiện tốt. Hội Khuyến học từ xã đến thôn hoạt động có hiệu quả, 7/7 thôn đều có chi hội Khuyến học và thực hiện tốt phong trào “Tiếng trống khuyến học”.
Chương trình văn nghệ tại thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà năm 2022
Việc thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” đã được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm. Những năm gần đây, đa số các đám cưới đều được tổ chức theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh và phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống quê hương. Việc cưới của công dân đảm bảo tính pháp lý, thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc đăng ký và trao giấy kết hôn được tổ chức tại UBND xã. Hầu hết các đám cưới hiện nay chỉ tổ chức trong 1 ngày (trước kia 2-3 ngày). Nếp sống văn minh trong việc tang được thực hiện tương đối tốt, không còn hiện tượng để thi hài người chết quá lâu trong nhà, không sử dụng nhạc tang, kèn, trống quá 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng. An táng đúng nơi quy định, không gây ô nhiễm môi trường. Các thôn đều thành lập Ban tổ chức lễ tang để tổ chức việc tang nhanh gọn, trang trọng, đúng quy định và phù hợp với phong tục địa phương. Việc thực hiện nếp sống văn minh về lễ hội được thực hiện nghiêm túc. Hiện xã có 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được đầu tư, tôn tạo. Công tác đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ, tiết kiệm, gọn nhẹ. Vì vậy, môi trường văn hóa ở xã Tượng Sơn ngày càng tiến bộ, lành mạnh và văn minh, nhất là vai trò của gia đình, cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bồi dưỡng phẩm chất, lối sống tốt đẹp được phát huy.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được đầu tư đồng bộ, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, khi lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Hiện, Nhà văn hóa, Khu thể thao xã đạt chuẩn; 7/7 Nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng. 7/7 thôn có Khu thể thao, có sân bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, bóng bàn... đầy đủ các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân. Hằng năm, các thôn đạt và giữ vững tiêu chí văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa góp phần giúp xã nhà về đích xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao vào năm 2019 và xã Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, Tượng Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng cao. Những giá trị văn hóa mang tính truyền thống và thuần phong mỹ tục được giữ gìn và phát huy, tệ nạn xã hội, hủ tục từng bước được xóa bỏ. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định. Với những kết quả đó, xã Tượng Sơn được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2012; Bằng khen của Bộ Giao thông – Vận tải năm 2012, 2013, 2016; Tập thể lao động xuất sắc năm 2016; Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2016; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018; Bằng khen của UBND tỉnh trong 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 – 2020) năm 2021; Tập thể lao động xuất sắc năm 2023; Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước vào năm 2024…
Thời gian tới, Tượng Sơn cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị địa phương, các ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc. Tập trung tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để người dân hưởng thụ và tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa. Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Triển khai xây dựng, bình xét đúng quy trình các danh hiệu: “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Xã tiêu biểu”, “Xã Nông thôn mới thông minh”. Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đầu tư phát triển các dịch vụ văn hóa lành mạnh để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Lồng ghép triển khai hong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn với thực hiện phong trào với xây dựng Nông thôn mới. Xây dựng và khen thưởng các mô hình, điển hình tiên tiến, đồng thời phê phán, kỷ luật những cá nhân, tập thể vi phạm để động viên, thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.
Mô hình vườn mẫu bà Dương Thị Thư, thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
NGUYỄN NGA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024